Gần đây báo đài từ làng xã đến thế giới đặt câu hỏi về tình trạng anh Pu khi đem vũ khí hạt nhân ra đe doạ. Có hai luồng dư luận trái chiều. Một cho rằng anh Pu không đến nỗi. Nói cho Âu Mỹ biết sợ, biết nể, biết tránh. Một lại cho là anh Pu gì cũng có thể làm hết. Cho nên nên chuẩn bị cho cả kịch bản xấu nhất.
Nhiều người tò mò, không hiểu vì sao anh Pu có thể thay đổi, suy nghĩ cực đoan hơn. Nói đơn giản, anh Pu bị chứng "cuồng giãn cách". Ai ai cũng đã từng qua nhũng ngày giãn cách, có thể hiểu rằng nó ảnh hưởng thế nào đối với những người ngày nào cũng một mình đi trên tấm thảm đỏ, giữa hai hàng người vỗ tay hoan hô, giờ thì thui thủi một mình, lâu lâu phải bày ra kịch truyền hình nhiều tập. Xem vở kịch truyền hình hôm anh Pu họp hội đồng trợ lý, có thể thấy khoảng cách từ anh đến vài chục con người. Hơn chục ngày sau, anh bị hai cô chiêu đãi viên Aeroflot kẹp chặt hai bên vào ngày 8/3. Kẻ xấu miệng cho là chẳng qua anh chưng hậu cung, cùng trong bong bóng cách ly. Hay chẳng qua anh Pu hơn 70 nên ngày càng sợ chết?
Ông chủ Chelsea lên thớt?
Sau nhiều ngày đắn đo, tranh cãi, tự trách lương tâm, hôm nay chính quyền UK quyết định cho anh Abramovich lên vào danh sách đại gia. Dịch nghĩa là chữ oligarch là đầu sỏ, không đúng bản chất là tay sai chế độ, từ khớp nghĩa phải là đại gia. Ít người biết rằng người giàu số 2 Israel, thứ 12 ở Nga, thứ nhất ở Bồ Đào Nha (ba quốc tịch) này đi lên từ việc sản xuất và kinh doanh búp bê, trang trại nuôi heo, mua bán gỗ, làm phim, ... Năm 1992 đi tù vì lén chuyển đoàn tàu lửa chở dầu đem ra bán ở nước ngoài. Năm 1993, Abramovich bắt đầu cùng kinh doanh dầu với Berezovsky. Hai đại gia này cùng phất, cùng sở hữu Sibneft. Rồi Berezovsky bị Abramovich nhờ anh Pu hất cẳng ra ngoài. Sang đến UK có hôm hai người đứng chửi nhau ngay trên đại lộ ở London. Sau đó ít lâu các bạn bè, người thân của Berezovsky bị tình báo Nga ám sát, điển hình là vụ Litvinenko bị đầu độc bằng chất phóng xạ Plutonium. Rồi đến lượt Berezovsky tự nhiên lăn ra chết.
Ba loại đại gia của ba thời kỳ
Thời anh Gorbachev, các đại gia chủ yếu đi buôn những mặt hàng thiếu thốn như quần jeans, máy vi tính, đa phần từ các nước có thể tiếp cận với phương Tây. Hàng hoá bán công khai ở chợ đen. Làn sóng người Việt đi kinh doanh ở Nga và Đông Âu bắt đầu phất lên từ thời này.
Thời anh Yeltsin, điển hình của việc giàu lên nhanh chóng thông qua tư nhân hoá và lợi dụng quan hệ chính quyền. Hình thức cấp voucher cho dân để đi mua tài sản công chủ yếu được sử dụng từ đầu đến giữa những năm 1990 ở các nền kinh tế đang chuyển đổi ở Trung và Đông Âu - các nước như Nga, Bulgaria, Slovenia, Tiệp Khắc và Hungary. Nghe có vẻ ngây thơ về chính trị nhưng nhanh chóng tập trung sở hữu vào tay lãnh đạo chủ sở hữu tài sản công, nhất là những ngành khai thác khoáng sản, dầu và khí. Động cơ thúc đẩy quá trình này không phải là quyết tâm tạo ra một hệ thống dựa trên các giá trị chung cho xã hội mà là ý chí hình thành một hệ thống sở hữu tư nhân, trong môi trưòng không có pháp luật, cuối cùng đã mở đường cho phương thức giành giât tiền bạc và quyền lực thông qua tội phạm. Các đại gia Việt nhanh chóng giàu có nhờ thời kỳ này, từ mỳ gói, quần áo, cho đến mua máy bay, xe tăng.
Thời anh Pu, khi quyền lực tập trung vào tay một số rất ít người, pháp luật có thể viết lại trong ngày, và thị phần của một phân khúc thị trường có thể quyết định bằng một chữ ký, thì số lượng đại gia và mức độ giàu có của các đại gia tăng đáng kể. Viện Duma, quốc hội Nga, tuyên bố năm 2007 "Anh Pu là tất cả những gì chúng ta có." Người Nga được một "món hời lớn" khi đổi các quyền tự do để được sự ổn định trong quá trình chuyển đổi chính trị. Báo Time năm 2007 đặt câu hỏi ở một quốc gia nơi "nhân cách của Vladimir Putin quan trọng đối với xã hội hơn là thể chế của nhà nước" cuối cùng có thực sự ổn định được không? Đây là thời kỳ các doanh nghiệp lớn của Nga cầm thư tay anh Pu sang Việt Nam thay cho giấy phép đầu tư.
Vì sao việc Abramovich lên thớt là đáng chú ý?
Tuy chỉ có tài sản 14 tỷ đô, không đáng kể so với nhiều đại gia khác, nhưng Abramovich tổ chức được một mạng lưới quan hệ và đầu tư tài chính đáng kể. Quỹ đầu Concord Management and Consulting là một ví dụ. Quỹ này quản lý khoảng 10 tỷ đô của một nhóm các đại gia Nga đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó 50% là của Abramovich. Ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga, Alpha Bank, là tiệm giặt ủi tiền cho các đại gia. Nếu không có chiến sự Ukraine, các mối quan hệ và quyền lợi kinh tế sẽ không bao giờ bỏ rơi Abramovich. Liệu rằng Abramovich có bỏ rơi anh Pu để giữ lại những gì mình có? Nếu câu trả lời là có, thì tài sản gần 200 tỷ của anh Pu cũng như của các đại gia Nga khác sẽ trở thành khoản đầu tư tái thiết Ukraine.
Ai có quyền đàm phán?
Việc ngoại trưởng Nga Lavrov sang tận Thổ Nhĩ Kỳ để họp rồi tuyên bố "không có quyền đàm phán ngừng bắn" y như câu chuyện đáng nhớ khi đàm phán hiệp định Paris, Bộ trường Bộ Ngoại giao Xuân Thuỷ cứ họp xong lại đề nghị dừng để điện về xin ý kiến. Cuối cùng khi ông Lê Đức Thọ sang đàm phán có tiến triển. Rất đơn giản, vì nếu người đàm phán chỉ là người đưa tin thì quá trình đàm phán y như việc ra bưu điện gửi thư. Việc đàm phán e không đến đâu vì vừa sang gặp ngoại trưởng Kuleba, Lavrov đưa ngay tập hồ sơ bảo rằng "các điều kiện chi tiết đều ở trong này" và "không thoản thuận khác đi được."
Nhắc lại quá khứ
Nguyên Bộ trường Nguyễn Cơ Thạch (cha của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh), có ba nhận xét rất đáng suy ngẫm.
Về vấn đề Campuchia, ông nói "rút chân được ra khỏi cái bẫy Campuchia là giỏi lắm, nhưng tránh được cái bẫy ấy mới là thông minh. Tiếc là chúng tôi (tức là Việt Nam) chưa được thông minh." Nếu dừng tại ở chỗ đánh bật Khơ-me Đỏ, cứu người Campuchia khỏi thảm hoạ diệt chủng, mời LHQ vào giữ gìn hoà bình, thì vị trí, tiếng nói, và thế mạnh kinh tế Việt Nam đã khác đi nhiều. Afganistan với Mỹ hay Nga, đều là bài học của sự sa lầy dãn đến lụn bại kinh tể.
Sau hội nghị Thành Đô, ông nói "thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!" Đièu này có lẽ không cần bình luận.
Nhưng có lẽ dí dỏm nhất là nhận định của ông về quan hệ với Nga. Ông lưu ý mọi người tới cái thuật ngữ "hòn đá tảng" trong văn cảnh "quan hệ với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam". Ông nói một cách dí dỏm, phải cẩn thận với "hòn đá tảng" ấy, không khéo nó có thể "đè nát chân" đấy.
Đoàn Hồng Nghĩa
No comments:
Post a Comment