Sunday, April 30, 2023

Tư liệu về Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

Ngày 30/4 tôi chỉ có 1 câu duy nhất để chia sẻ thay vì viết rất nhiều bài bi thiết như hàng năm. Rằng tôi có bạn (cả trên FB và ở ngoài) thuộc cả hai phe. Đương nhiên tôi tự nhận mình không thuộc giống dơi đánh đu, nửa chim nửa thú. 

Hôm nay chỉ xin đăng lại bài 

PHẠM XUÂN ẨN SAU NGÀY 30.4 

Tình cờ, tôi biết đến Phạm Xuân Ẩn trong một bài báo ở Hoa Học Trò năm 1996. Trong ảnh ấy, ông Ẩn tầm 30 tuổi, cởi trần, mặc quần đùi, đang tắm biển với một đám sinh viên Mỹ. Bài báo chỉ đề cập rằng Phạm Xuân Ẩn là nhà báo quốc tế nổi tiếng người Việt đầu tiên. Hàng chục năm sau tôi mới biết ông là siêu điệp viên mà cả ông Giáp, ông Hồ, ông Lê Đức Thọ đều ca ngợi và kính nể. Ông Giáp đọc báo cáo của điệp viên X6 (Phạm Xuân Ẩn) đã phải thốt lên: Cứ như ta đang ở tổng hành dinh của Thiệu vậy. 

Ông Giáp thừa nhận, ngay cả TQ và LX đều không giúp VN phương pháp phá ấp chiến lược của anh em Ngô Đình Diệm. Người tư vấn phá ấp chiến lược cho Hà Nội chính là Phạm Xuân Ẩn.

Công lao của ông Ẩn đối với Bắc Việt là nhiều vô kể. Chỉ một chiến công trong số đó cũng đủ người ta đúc tượng thờ ông rồi. Nhưng đáng kể nhất là thông tin để Bắc Việt triển khai trận Ấp Bắc; thông tin tình báo sau và trước vụ Mậu Thân; dự báo Mỹ ném bom miền Bắc cả hai lần; các thông tin quan trọng cho chiến dịch đường 9 Nam Lào.

Khi tự học tiếng Anh qua sách, tôi đã đọc cuốn Perfect Spy bằng nguyên bản tiếng Anh. Sau đây là phần tóm tắt của tôi (Sang Đỗ) dựa trên cuốn sách của giáo sư Larry Berman. 

1. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam (sau 1975) như những con ngựa bị che mắt vậy. Họ cứ tin tưởng và hăng hái mô phỏng hoàn toàn theo Liên Xô. Tôi biết chắc chắn mô hình ấy sẽ sụp đổ. Sau này họ đã hối hận nhưng mọi thứ đã muộn. Tôi buồn nhưng không thể làm gì được. Tất cả những tốt đẹp của Sài Gòn xưa đã, đang và sẽ bị xóa sạch. Tôi rất tiếc nhưng không thể làm gì được. Nếu nói ra như vậy, tôi sẽ bị quy kết là phản động. Và đó là tội rất to. Bây giờ tôi đã quá già để tiếp tục im lặng.

2. Tôi là người Việt Nam. Tôi khoác áo cộng sản nhưng nền văn hóa tôi hấp thụ sâu sắc lại là ở Mỹ. Bi kịch cuộc đời của riêng tôi ở chỗ đó. Nhưng tổng kết lại, tôi vẫn là người gặp may. Tôi làm hơn người khác được gì đều do may mắn. Hoàn toàn không vì khiếm tốn mà tôi nói thế. 

3. Tôi có bao giờ hối tiếc không? Tôi ghét câu hỏi này. Câu trả lời khiến tôi còn khó khăn hơn. Nhưng tôi cũng đã tự hỏi tôi hàng ngàn lần câu này rồi. Tôi không hối hận vì đã chiến đấu cho sự thống nhất của Việt Nam. Nhưng nạn tham nhũng, sự quan liêu và bảo thủ của lãnh đạo cộng sản là điều tôi rất đau lòng. Tôi không chiến đấu cho những điều đó. 

4. Những chức vụ tôi giữ sau 1975? Tôi là tỷ phú thời gian và một tay nội trợ đảm đang. Có chăng là chuyên gia luyện gà chọi, chim chọi, và huấn luyện chó. Sau 1975, tất cả những chức vụ của tôi chỉ là tượng trưng thôi. 

Với An Ninh Việt Nam thì bất cứ ai đều có thể là CIA. Với họ, tôi cũng là một tên CIA, và anh cũng vậy. Tôi được chăm sóc rất chu đáo. Bất kể khi nào, tôi đều được chăm sóc rất cẩn thận. Không nên khinh thường điều này.  

5. Tôi không ham chức vụ, quyền lực gì nữa. Nhưng quả thực tôi bị cô lập và không được giao lưu với bất kỳ ai mà không báo cáo chi bộ hoặc có một nhân viên an ninh theo dõi. Tôi cũng thật thà báo cáo tất cả những cuộc cà phê với bạn cũ. Nhưng anh biết đó, tôi không báo thì họ cũng biết rồi. Họ hỏi cũng chỉ để kiểm tra tính trung thực của tôi thôi. Trước đây, rất nhiều cuộc hẹn của tôi với bạn bè quốc tế bị họ tự ý hủy bỏ. Bạn đăng ký với cán bộ an ninh để gặp tôi thì câu trả lời phổ biến là “Ẩn không muốn gặp bạn đâu.” Sau này thì dễ dàng hơn, nhất là sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ.

6. Tôi đã quá già để thay đổi. Người ta cử tôi đi học ở Học viện chính trị để giúp tôi giác ngộ thêm. Trước đây, tôi chẳng hiểu gì về học thuyết kinh tế Liên Xô. Tôi hiểu về hệ thống của Mỹ nhiều hơn là chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên, tôi rất muốn trở thành học viên ưu tú ở học viện chính trị. Tuy nhiên, tôi đã quá già để thay đổi. Và cũng quá già để tiếp tục im lặng. 

7. Anh đã đọc sách THỜI GIAN CỦA NGƯỜI của nhà văn Nguyễn Khải chưa? Nhân vật điệp viên Quân trong đó không còn biết anh ta là ai, nên làm gì sau ngày chiến thắng. Anh ta sống quá lâu trong bình phong và các lớp mặt nạ. Đeo mặt nạ lâu đến nỗi anh ta không biết đâu là mặt thật của mình nữa. Bi kịch của những điệp viên như Quân là ở đó. Một bi kịch mà người ngoài không thể hiểu được. 

8. Tôi muốn người ta biết đến với tư cách một người thầy, một nhà báo, một người Việt Nam biết trọng nghĩa tình. Vậy thôi. Những thứ khác xin đừng nhắc đến nhiều.

9. Không thể phủ nhận rằng người Mỹ rất nhân văn và dễ thương. Tôi sống đủ lâu với Mỹ để kết luận điều này. Nhưng cứ oang oang tuyên bố thế nên bao nhiêu phiền toái cũng từ đó mà ra. Ca ngợi kẻ thù là điều lãnh đạo cộng sản không mong muốn. 

10. Theo tôi, Người Mỹ giỏi mọi thứ nhưng cái họ kém nhất chính là khả năng nghiên cứu lịch sử.

copy từ SANG ĐỖ (ELYH) REVIEW post (FB)

Friday, April 28, 2023

Vì sao người Bắc Âu ko màng xe hơi, nhà lầu

"Cơm ko thể ko ăn, nhưng ko nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền ko thể ko có, nhưng ko nhất thiết phải có quá nhiều" - Đó là quan niệm của người Bắc Âu.

Đan Mạch - Thiên Đường cho người dân và doanh nghiệp.

Thụy Điển - Thành công mỹ mãn với chế độ người lao động chỉ làm 6g/ngày.

Hoặc Phần Lan - Nền giáo dục "ko giống ai", cấm thi cử gắt gao, bài tập quá nhiều, nhưng học sinh vẫn giỏi giang...

Điểm chung của các quốc gia này là gì?

Tất cả đều từ cùng 1 khu vực: Bắc Âu.
Từ xa xưa, nơi đây là chỗ ở của những kẻ chinh phục vĩ đại mang tên Viking. Trải qua thời chiến tranh loạn lạc, với vai trò những nước trung lập, hiện nay Bắc Âu có những chẩn mực khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ:

- Tăng trưởng kinh tế cao 
- Chỉ số phát triển con người cao
- Người dân hạnh phúc

Vậy họ làm cách nào để vươn lên như ngày nay?

Tất cả ở trong cách sống của con người. Hãy thử tìm hiểu!

Ko cần nhà lớn, xe hơi đắt tiền, tiền bạc chất đống... mà vẫn hạnh phúc. Họ sống rất tự nhiên và đơn giản.

Để ý 1 chút, sẽ nhận thấy, các quốc gia Bắc Âu có những đặc điểm:

- Hầu như ko có nhà cao tầng
- Dân chúng ăn mặc rất bình dị
- Xe cộ ko cầu kỳ và ăn những món ko đắt tiền, nhưng tốt cho sức khỏe.
- Sau 7g tối, gần như trên đường rất yên ắng, ko có cuộc sống xa hoa về đêm, ko có những dịch vụ kích thích sự thỏa mãn làm con người sống theo bản năng tiêu cực.

Có 1 cụm từ mà người Bắc Âu hay nói: Đó là chất lượng cuộc sống.

Thụy Điển có châm ngôn: "Tiền có thể để dành còn thời gian thì ko thể. Bạn sử dụng thời gian ntn thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn."

Nếu có ai hỏi 1 người Bắc Âu: họ lựa chọn ntn

Giữa cuộc sống với nhà cao cửa rộng, tiền bạc nhiều, có xe hơi sang trọng và cuộc sống đầy đủ vợ chồng, con cái, thì anh ta sẽ chọn cuộc sống thứ 2.

Bởi thứ mà người Bắc Âu muốn là PHẨM CHẤT. Vật chất là thứ cần có, nó phải do phẩm chất của con người lựa chọn.

Khi cần "Nhanh một chút", người Bắc Âu sẽ nghĩ lại và ko làm vậy. Họ chọn sống "chậm một chút!" nhưng vẫn có sự thoải mái và tìm được hạnh phúc thật sự từ cách sống này.

Những con người "biết sống" nhất có bí quyết ở sự ĐƠN GIẢN.

Bắc Âu thuộc vùng khí hậu có thể nói là khắc nghiệt nhất thế giới. Môi trường thiên nhiên như thế khiến thói quen tiết kiệm trở nên tất nhiên ở đây.

Vì thế họ ko ăn mặc diêm dúa, phụ nữ lớn tuổi (70-80) thường mặc áo khoác màu nhạt kết hợp với váy, đi giày đơn giản, khăn trùm đầu.
Như vậy nhìn họ trang nghiêm hợp tuổi, nhưng ko mất vẻ nữ tính dù lớn tuổi.

Nếu nhà ai đó sinh em bé, họ ko làm tiệc tùng cầu kỳ. Những nhà hàng xóm hay bạn bè sẽ mang đến cho em bé những bộ quần áo cũ đã được giặt sạch sẽ thơm tho cho em bé sử dụng.

Các nước Bắc Âu ko cần những đại lộ to và rộng lớn.

Dân chúng ko cần khoe của. Để đi lại, họ dùng những chiếc xe cỡ nhỏ, rất nhiều người đạp xe đạp đi làm.

Bảo vệ môi trường với người Bắc Âu ko phải là khẩu hiệu, mà là điều tất nhiên cần làm.

Để hưởng đặc quyền hạnh phúc, họ đã làm việc với năng suất cao nhất nhì thế giới. Công việc chính thức của 1 người Bắc Âu luôn được chú trọng để thực hiện nhanh gọn.

Thời gian làm việc: Trong thời gian rảnh, dù có thể làm thêm để kiếm thu nhập, nhưng họ ko làm vậy.
Họ chọn thưởng thức tách cà phê cùng bạn bè hoặc đơn giản chỉ ngồi đọc sách.

Họ muốn thưởng thức thời gian như trên bởi họ có thái độ làm việc nghiêm túc. Và động lực của họ: "Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích gì, mình phải thích mới làm tốt được". Vì làm rất tốt, họ được trả lương cao và có điều kiện để sống tốt hơn. 

Đạt hiệu suất cao, họ vẫn muốn bằng mọi cách để sáng tạo và rút ngắn hơn thời gian làm xong công việc của mình. Có vẻ giống với đặc điểm của những kẻ "lười nhưng là thiên tài" (Bill Gates).

Đúng!

Họ hướng tới điều đó vì muốn như thế, ko riêng với 1 thiên tài nào đó. Từ đó, họ có nhiều thời gian cho riêng mình và gia đình của mình. Gia đình là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc của người Bắc Âu.
Chỉ cần có kỳ nghỉ là 1 gia đình Bắc Âu sẽ cùng tận hưởng, cùng vui vẻ, tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa...

Người chồng sẵn sàng hủy bỏ những cuộc gặp bạn bè sau giờ làm hàng ngày để dành thời gian cho gia đình. Họ sẽ cùng trò chuyện, nấu ăn cùng vợ con ở nhà.

Ví dụ: Người chồng sẽ chọn đi làm tăng ca lúc 3g sáng bởi như vậy thì vẫn còn người vợ ở nhà ăn sáng với các con. Họ chỉ mất khoảng 1 tiếng ko ăn sáng cùng gia đình nhưng bù lại họ có thời gian để ăn tối với gia đình của mình.

Điều cuối cùng, với người đàn ông Bắc Âu, gia đình và con cái ko chỉ là điều giúp họ có động lực tìm kiếm sự thành công, mà chính là phần quan trọng nhất trong chất lượng sống của họ. Với họ, khoảnh khắc có lẽ là hạnh phúc nhất trong ngày là khi đứa trẻ leo lên đầu, ôm lấy cổ cha chúng, hôn cha và thủ thỉ: "Chúc cha ngủ ngon nhé!"
Hygge
copy từ bài của bạn gửi

Tính cách Dương Thu Hương

Thẳng thắn, quyết liệt. 

Khiến liên tưởng nhiều “nhà văn nhà báo” phái “mạnh” lâu nay.

Xưa bé tí đọc bà đã thấy lạ, hay và cuốn hút.

--------------

CHÂN DUNG 

DƯƠNG THU HƯƠNG

Tôi không nhớ rõ đã quen Dương Thu Hương từ bao giờ. Có lẽ từ hồi chị học Trường viết văn Nguyễn Du chăng (1981)? Tôi được mời dạy trường này mấy khoá đầu. Dương Thu Hương học khoá một cùng với Ngô Thị Kim Cúc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường… Hôm làm lễ bế giảng, chị mặc áo dài trắng, khoác tay tôi cho Hoàng Kim Đáng chụp. ấy là năm 1982. 

Dương Thu Hương là một phụ nữ có tính cách rất dữ dội và ngang tàng.

Tôi nhớ trong một cuộc họp rất đông văn nghệ sĩ nghe Hoàng Tùng nói chuyện, ở Câu lạc bộ Báo chí xế xế Nhà hát Lớn. Có lẽ nghe chán quá, nhiều người bỏ xuống tấng trệt giải khát. Giữa chỗ đông người, Dương Thu Hương nói lớn: 

“Trừ anh Hoàng Ngọc Hiến là thày tôi, anh Nguyễn Đăng Mạnh là người tôi kính trọng, còn tất cả bọn phê bình đều là dòi bọ. Riêng Phan Cự Đệ là con chó ngao”.

Hồi tôi còn ở nhà B10, khu tập thể Đồng Xa, chị có đến vài lần. Một lần chị đến với đạo diễn điện ảnh Tiến. Tôi đi vắng. Khi về, thấy có một mảnh giấy gài ở cửa, ghi mấy chữ: 

“Em đến anh cùng với Tiến để trao đổi về tác phẩm của nhà văn trâu bò của chúng ta (tức cuốn Người Đàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành của Nguyễn Minh Châu, chị muốn chuyển thành kịch bản phim). Rất tiếc, anh đi vắng. Ngày mai em lại đến. Nếu anh không có nhà thì cái trường Đại học Sư phạm của anh sẽ bị đốt”.

Hồi chị viết Bên Kia Bờ Ảo Vọng, ban đầu đưa đến Nxb Lao Động. Lúc ấy Ma Văn Kháng làm giám đốc. Kháng ngại không in, có lẽ vì sợ đụng đến Nguyễn Đình Thi. Chị đưa cho Nxb Phụ Nữ và được chấp nhận. Trên đường đi về, tình cờ chị gặp Ma Văn Kháng và một anh nữa cũng ở Nxb Lao Động. Họ đi xe đạp ngược chiều nhau. Dương Thu Hương gọi hai anh kia đỗ xe lại và nói dõng dạc: 

“Này hai thằng mặt dày, sách của tao in rồi!”.

Trong một cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 35 năm văn học cách mạng (1980), Dương Thu Hương lên diễn đàn, chị phát biểu “Đôi Điều Suy Nghĩ Về Nhân Cách Của Người Trí Thức”, phê phán nhiều văn nghệ sĩ tư cách rất hèn. 

Chị cũng phàn nàn về đời sống nhà văn. 

Chị nói: 

“Viết một tác phẩm rất khó nhọc mà nhuận bút thấp. Nếu tôi không say mê văn chương thì tôi đi làm thợ may hay bán bánh rán còn sống tốt hơn. Cả hội nghị đói, anh nào cũng mặt xanh nanh vàng cả. Ta có quá nhiều nhà thơ và anh hùng mà thiếu người làm kinh tế…”.

Lại nhớ một lần tôi cùng Dương Thu Hương, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh được trường Đại học Sư phạm Việt Bắc mời nói chuyện. Hôm Dương Thu Hương đăng đàn diễn thuyết, tôi có đến nghe. Chị vừa nói vừa đi đi lại lại rất hiên ngang. Tôi nhớ loáng thoáng, mở đầu chị phê phán Hồ Chí Minh: 

“Năm điều bác Hồ dạy, không nói yêu cha mẹ nên bây giờ trẻ con hư hỏng hết”.

Lúc đó có một anh cán bộ giảng dạy đứng lên hỏi, đại khái, có phải tác phẩm nào đấy của chị là kết quả của chuyến đi thực tế ở đâu đó không? Chị mắng luôn anh cán bộ nọ: 

“Lẽ ra tôi không thèm trả lời. Việc gì tôi phải đi thực tế! Chỉ có bọn cán bộ lãnh đạo quan liêu mới phải đi thực tế chứ! Chính tôi là thực tế, còn phải đi đâu?”.

Có một lần tôi đến Dương Thu Hương lúc chị còn ở Ngô Thì Nhậm. Chị nói, ông Đỗ Mười có sai một anh thư ký đến mời chị đến gặp. Chị trả lời:

“Ông Đỗ Mười hay Đỗ mười một muốn gặp tôi thì đến đây mà gặp”. 

Tôi và Dương Thu Hương có một cuộc rong chơi có thể gọi là một cuộc “bát phố” Hà Nội rất thú vị. Từ Ngô Thì Nhậm, chị rủ tôi đi bộ (Dương Thu Hương rất cảnh giác, không đi xe đạp, không đi xe máy, sợ bị thủ tiêu). Chúng tôi cứ đi lang thang từ phố này sang phố khác. Thỉnh thoảng chị lại chỉ nhà này nhà nọ, hỏi tôi: 

“Anh có biết nhà ai đây không?”. 

Tôi không biết. Chị nói: 

“Cớm đấy!”.

Theo chị, Trần Quốc Vượng, Phạm Hoàng Gia cũng là cớm. 

Đi mãi, mỏi chân, chúng tôi vào ăn ở một cái quán ven đường Trần Quốc Toản chỗ giáp Trần Bình Trọng. Ăn xong, tôi rủ Dương Thu Hương đến nhà Văn Tâm chơi. Văn Tâm ở Phan Bội Châu, gần đấy. Hương nói: 

“Văn Tâm là thằng khốn nạn, không đến!”. 

Tôi ngạc nhiên nói, Văn Tâm không phải thế đâu, cũng là người tử tế. Chị nói: 

“Thôi được, đã là bạn của anh thì đến cũng được”. 

Văn Tâm hôm ấy hơi mệt, vào thấy đang nằm trên giường. Vợ chồng Văn Tâm thấy Dương Thu Hương đến thì cảm động lắm, vội vàng tiếp đón niềm nở.

Nhìn thấy bức tranh Lưu Công Nhân vẽ Văn Tâm treo trên tường, tôi nói: 

“Tranh của Lưu Công Nhân”. 

Dương Thu Hương nói: 

“Lưu Công Nhân là thằng khốn nạn! Từ Đà Lạt, nó dám viết thư gọi: ‘Em vào đây với anh!’. Thằng khốn nạn!”.

Chị Cam, vợ Văn Tâm nói: 

“Chị uống ca cao nhé!”.

Dương Thu Hương: 

“Không, uống cà phê”.

Chị Cam: 

“Cà phê chúng tôi cũng có nhưng để bị hả mất rồi!”.

Dương Thu Hương: 

“Thì ra ngoài phố uống!”. 

Vợ chồng Văn Tâm phải nài khéo chị mới ở lại.

Bỗng Dương Thu Hương chỉ mặt Văn Tâm nói: 

“Anh là thằng khốn nạn!”.

Văn Tâm ớ người, không hiểu sao. Dương Thu Hương giải thích: 

“Anh làm thầy dùi phá đám cuộc tình của Cao Xuân Hạo và Phương Quỳnh phải không? (Lúc này Dương Thu Hương còn chơi thân với Phương Quỳnh).

Văn Tâm phân trần: 

“Anh không hề can thiệp gì đến cuộc tình ấy. Thậm chí anh còn cho đấy là mối tình đầu tiên thật sự là tình yêu của Cao Xuân Hạo. Chẳng qua là vợ Hạo trong Nam doạ sẽ thuê bọn voi xanh voi đỏ ra phá tan nhà Phương Quỳnh, vì thế họ phải chia tay”. 

Dương Thu Hương không nói gì nữa.

Đấy khẩu khí của Dương Thu Hương là như vậy. Thế mà khi đến nhà tôi, vợ tôi thấy chị có vẻ rất hiền. Cười rất tươi. 

Tính cách Dương Thu Hương như vậy, nên viết văn cũng dữ dội lắm.

Hồi ấy tôi viết bài Những Phiên Toà Của Dương Thu Hương (1986) là muốn diễn tả cái chất văn quyết liệt ấy. Chất văn này mà được phát huy trong thể văn bút chiến, tranh luận thì phải biết! Sau này quả là chị đã trở thành ngòi bút chính luận rất sắc sảo. Sắc sảo hơn văn tiểu thuyết. Chính Dương Thu Hương cũng không đánh giá cao văn tiểu thuyết của mình. Có lần chị nói với tôi: 

“Văn của em là văn cải lương, anh đọc làm gì!”. 

Dương Thu Hương rất có ý thức viết văn không vì mục đích văn chương mà vì mục đích chính trị, mục đích chiến đấu cho lợi ích dân tộc, cho chân lý - chị tuyên bố như thế.

Hồi Dương Thu Hương mới ở tù ra, tôi tình cờ gặp ở quán cà phê vỉa hè chỗ 51 Trần Hưng Đạo. Không hiểu sao chị lại ngồi với một nữ trung uý công an rất xinh xắn (Dương Thu Hương là nữ mà lại mê những cô gái đẹp). Đối với những người có liên quan đến chị mà phải làm việc với công an khi chị bị tù, chị nghi ngờ tuốt và khinh tuốt, như Đỗ Đức Hiểu (từng dạy chị tiếng Pháp), Nguyễn Huy Thiệp, cả Nguyên Ngọc và người bạn gái xinh đẹp và thân thiết của chị là Phương Quỳnh. Chị hỏi tôi: 

“Này, có phải Nguyễn Huy Thiệp sợ vãi đái ra phải không?”.

Dương Thu Hương thích nói năng kiểu dân dã, kể cả nói tục. Thích giọng đời. Không thích giọng văn chương. Coi nhiệm vụ công dân lúc này là cao hơn nhiệm vụ làm văn.

Nhân chuyện Hoàng Ngọc Hiến nghe Đỗ Chu nói dối đi hội chen về mà tưởng thật, và chuyện anh dại dột tham gia vào một đảng nào đấy, Dương Thu Hương gọi Hiến là đồ ngốc: 

“Nếu là đàn bà thì chửa hoàng hàng tỷ lần”.

Ở Dương Thu Hương, dường như nói bạo, nói thô, nói tục là để át đi một cái gì có thực trong lòng là những tình cảm đằm thắm, là sự nhạy cảm về lý tưởng, do đó tự thấy là yếu đuối. Con người dữ mà thực ra lành. Đốp chát đấy mà hay nể người. Rất cảnh giác mà lại cả tin. Dễ bị lừa. Thách thức kẻ thù, hiên ngang đối mặt với kẻ thù, sẵn sàng cô độc giữa bầy sói, nhưng lại cần tình bạn.

Ôi! Tình bạn vô tư, chân thật sao mà hiếm có trên đời, nhất là đối với một cô gái xinh xắn trên đất Việt Nam này! Cho nên viết văn là nhu cầu tất yếu, là lẽ sống, để có thể có người tri kỷ mà không có tình dục xen vào. Văn chương là người bạn vô tư. Dương Thu Hương hay viết về tình yêu - đúng ra là những vụ án tình. Nhưng trong truyện của chị, xem ra không hề có tình yêu tốt đẹp, được ngợi ca như là hạnh phúc đời người. Tình yêu trong tác phẩm Dương Thu Hương, hoặc chỉ là tình yêu ảo vọng của những cô gái ngây thơ và lãng mạn, hoặc chỉ là thứ “tình chài gái, lừa gái” của những gã Sở Khanh hiện đại.

Dương Thu Hương tuyên bố thoải mái: 

“Tôi là con đàn bà lại đực (còn Nguyễn Khải là thằng đàn ông lại cái)”. 

Chị thích chơi với bạn trai nhưng rất ghét những thằng cứ muốn chuyển sang tình yêu nam nữ, như Lê Đạt, Trần Đĩnh… Khi nhận thấy có biểu hiện như thế, lập tức chị đuổi luôn. Dương Thu Hương cũng không thích phiền luỵ đến những gia đình mà do chồng có quan hệ với chị mà vợ chồng lủng củng. Có lần Dương Thu Hương rủ Nguyễn Duy Tiến (một tiến sĩ toán có giúp đỡ gì đó đối với con hay cháu của chị) đi nhậu cho vui. Nhưng khi biết vợ Tiến có ý nghi ngờ, ghen tuông, chị cắt luôn, không chơi với nữa. Riêng tôi và Hoàng Ngọc Hiến vẫn được chị coi là bạn vô tư. Với chúng tôi, chị có thể nói như nam giới với nhau về thói dâm ô của người này người khác, như chuyện Hoàng Tùng nửa trên, nửa dưới như thế nào đó…

Một người có vẻ sắc sảo và luôn cảnh giác như thế mà đã nhiều phen bị lừa… Chẳng hạn chuyên làm nhà làm cửa gì đấy với Lam Luyến, hay chuyện mua phải thuốc bổ rởm (làm bằng thuốc tăng trọng lợn) bị phù và lở loét khắp người. 

Tóm lại Dương Thu Hương có vẻ giầu nam tính - tính cách mạnh, ăn nói ngổ ngáo - nhưng thực chất vẫn là một phụ nữ giầu tình cảm và luôn có mặc cảm của một cô gái trong xã hội Việt Nam với những thành kiến, những định kiến về người phụ nữ. Ăn nói tạo tợn dữ dội, bốp chát, ngang tàng, đúng là một cách để che giấu sự mềm yếu của nữ tính và để đối phó với những định kiến xã hội nói trên. Cho nên chị mới phải “tự thiến” (uống thuốc diệt dục). 

Có ba điều dễ mắc phải và dễ bị lợi dụng, bị vu khống là danh, lợi, tình dục. Danh lợi chị không thèm. Nhưng tình dục thì phải “tự thiến”.

Dương Thu Hương đã từng có lúc tưởng chỉ còn vất vào nhà xác (uống nhầm aspirine bị chảy máu dạ dày). Hai lần uống thuốc tự tử. Lấy phải thằng chồng vũ phu, bị nó đánh có thương tích (Nguyễn Văn Hạnh nói, có lần Dương Thu Hương dùng mưu trả thù: lừa chồng chui đầu vào gầm giường nhặt hộ cái gì đó, rồi lấy gậy quật thật lực).

Dương Thu Hương không giấu tôi chuyện gì. Hỏi gì cũng nói: Hương sinh ở Thái Bình (quê nội) được một năm thì nhà chuyển đi Bắc Giang, chỗ giáp Bắc Ninh (Việt Yên). Nhà bị bom, chuyển vào thị xã Bắc Ninh cho đến hết kháng chiến chống Pháp. Học trường Hàn Thuyên cho đến 1964. Sau đó học trường lý luận nghiệp vụ Bộ Văn Hoá. Từng cắn máu tay viết đơn xin đi tuyến lửa Quảng Bình (1966- 1975). Chín năm ở tuyến lửa. Khi chiến thắng thì vỡ mộng: lý tưởng vấp phải thực tế đầy tiêu cực, bị phá sản. Những thần tượng bị sụp đổ. Tự coi như bị lừa dối, chị từ bỏ thơ, xoay ra viết văn xuôi để lên án những kẻ đã làm vấy bùn lên lá cờ lý tưởng của mình. Từ nay, tất cả đều phải cảnh giác, chỉ tin ở mình thôi. Chấp nhận sống cô độc, chấp nhận sống giữa kẻ thù để chiến đấu.

Nhưng thật ra có tin ở một cái gì mới hăng hái chửi bới, phủ định như thế chứ! Chín năm ấy dẫn đến sự vỡ mộng, nhưng cũng là chín năm rèn luyện một niềm tin ở mình và cuộc sống.

Dương Thu Hương kể chuyện với tôi, chị lấy phải một thằng chồng thô bỉ mà mãi không bỏ được. Ông bố là một sĩ quan quân đội rất phong kiến, không cho bỏ chồng. Ông bắt con phải kiểm điểm chỉnh huấn theo kiểu Tầu, học được ở Quế Lâm. Con gái lớn mà bắt đứng úp mặt vào tường. Ly dị chồng rồi vẫn thế (Dương Thu Hương thế mà lại là đứa con ngoan, rất sợ bố). Mãi sau ông cụ mới hiểu ra. 

Sáng sớm hôm ấy, ngồi đầu giường con đang ngủ, hút thuốc lào, nhìn con, thương con, ông hối hận. Giờ ông mới hiểu, do biết thằng rể thực chất là một thằng đểu. Mười bốn năm sống với nó, còn gì là đời con gái!

Có lần Nguyễn Tuân mời Dương Thu Hương đến chơi. Chị từ chối, vì thấy ông ấy kiêu ngạo quá. Nguyễn Tuân nhắc lại. Chị nói: 

“Cháu chè, thuốc, rượu, chả biết”. 

Vậy là Dương Thu Hương không thích quan hệ trên dưới kiểu gia trưởng. Con người này sinh ra thích bình đẳng, có máu dân chủ.

Dương Thu Hương đặc biệt căm ghét bọn trí thức hèn nhát, trí thức quý tộc đi Volga mà hèn. Căm ghét khái niệm “đi thực tế”. Bọn quan lại: đi ôtô, xa thực tế mới cần đi thực tế. Còn nhà văn là phải sống với thực tế cả đời chứ! Đâu còn loại nhà văn tháp ngà!

Sau khi đi tù về, Dương Thu Hương ở một căn hộ thuộc một chung cư ở Trung Tự (A8, B17). Sống một mình. Hai con có chồng có vợ, trưởng thành cả rồi. Chị hay mời tôi với Hoàng Ngọc Hiến (gần đây thêm Nguyễn Thị Bình) đi ăn, khi ở nhà hàng Phú Gia, khi ở nhà hàng Vân Nam, thường vào dịp đầu Xuân hay sau một chuyến đi nước ngoài về. Chị không muốn có quan hệ với bạn mới, sợ liên luỵ đến người ta.

Gần đây, Dương Thu Hương luôn tự nhận mình là giặc, và là một người đàn bà nhà quê, răng đen, mắt toét, mặc váy. Chị nói, dân tộc Việt Nam thực ra là một dân tộc nông dân. Chị thích văng tục vì đấy là ngôn ngữ nông dân. Phải nói bằng ngôn ngữ nông dân mới diễn đạt được đích đáng mọi sự thật.

Nhưng Dương Thu Hương là người rất công bằng. 

Có lần chị được mời sang Pháp. Một đám Việt kiều ở một tỉnh nào đó mời đến nói chuyện. Bọn này muốn chị mạt sát Hồ Chí Minh. Nhưng chị vẫn đánh giá Hồ Chí Minh, dù sao cũng là một nhân vật vĩ đại. Thế là chúng tức tối, có thằng đến khách sạn doạ đánh chị. Dân Việt Nam là thế, hay bè phái. Mà bè phái thì bất chấp chân lý, bất chấp lẽ phải.

Hồi ấy nhiều người cứ tưởng Dương Thu Hương ở lại Pháp không về. Thực ra đúng thời hạn, chị về ngay.

Gần đây, chị lại sang Pháp. Lần này chị chủ trương ở lại. Ở trong nước, bị quấy nhiễu quá, không làm việc được. Có hồi người ta cắt cả điện thoại của chị. Viết truyện, Dương Thu Hương thường hay luận về vấn đề hạnh phúc của những cô gái trẻ. Những cô gái hợm hĩnh và lãng mạn, chẳng hiểu tình yêu và hạnh phúc là gì, cứ chạy theo những tình yêu mơ mộng và huyền hoặc, để cuối cùng đánh rơi mất tình yêu và hạnh phúc thực của mình. 

Dương Thu Hương từng luận về hạnh phúc như một người đầy trải nghiệm: nó như quân xúc xắc trong trò chơi. Cần thì không đến. Không cần lại đến. Nhưng nó đến mà đánh rơi nó, đánh mất nó như chơi. 

Hạnh phúc phải do chính mình quyết định. Là ý thức, là hiểu biết, nhưng nó cũng là sự hồn nhiên, chân thực, thật thà, trước hết với mình. Đừng có dại nghe ai xúc xiểm - vì hạnh phúc chỉ có cá nhân mình mới hiểu được.

Không rõ Dương Thu Hương tự thấy đời mình thế nào, còn theo tôi, chị chưa bao giờ có hạnh phúc. Đời người đàn bà như thế là khổ lắm.

Tôi thật sự khâm phục Dương Thu Hương. Cảm phục sự dũng cảm của chị - sự dũng cảm đã phải trả giá rất đắt: một người yêu đời, rất cần tình bạn và sự cảm thông, mà phải sống cô độc, một mình chống chọi với cả một Nhà nước.

Tôi cũng thật sự thương Dương Thu Hương, một người đàn bà như thế là khổ lắm. Hiện nay Dương Thu Hương đang ở Pháp.

Nghe nói tiểu thuyết Chốn Vắng của chị được dịch và Những Thiên Đường Mù sắp được chuyển thành kịch bản phim.

Xin chúc mừng chị!

Nguyễn Đăng Mạnh

Thursday, April 27, 2023

Đi Mỹ

 CHUYỆN KỂ NHÂN NGÀY 30/4/1975.

     Lá số tử vi của tôi khẳng định tôi sẽ đi du học. Khi học cử nhân Lý Hóa, tôi đã học thêm cử nhân Anh văn nhằm đầu tư cho ý định nầy. Tôi hy vọng và mơ ước điều đó. Thế nhưng sự kiện ĐỔI ĐỜI ngày 30/4/1975 ập đến. Mơ ước du học tan tành thành mây khói. Tôi không còn nghĩ đến chuyện đó và quên đi câu chuyện tử vi.

     Thế mà 17 năm sau chuyện đó lại đến. Đầu năm 1993, tôi trúng tuyển học bổng của Học viện Harvard - Yengching đi du học Hoa Kỳ trong bối cảnh Mỹ chưa bỏ cấm vận VN.

     Ông Edward Baker, Phó viện trưởng Học viện Harvard - Yenngching là người phỏng vấn tôi. Hôm đó khi tôi bước vào phòng, ông mời tôi ngồi và hỏi tôi mà không nhìn vào tôi vì ông đang bận ghi chép dữ liệu người phỏng vấn trước:

     - Ông giữ chức vụ gì trong thư viện.

     Tôi trả lời:

     - Tôi không giữ chức vụ gì quan trọng nhưng tôi đã làm nhiều việc quan trọng cho thư viện trường tôi.

     Ông ngừng viết và nhìn tôi:

     - Ông đã làm những việc gì?

     Tôi trình bày những gì tôi đã làm cho Thư viện ĐH Tổng hợp TP HCM.

     Sau khi nghe tôi trình bày ông nói ngay:

     - Thứ Sáu mời ông đi thi TOEFL.

     Trong khi những người khác phải chờ kết quả phỏng vấn.

     Thế là tôi đi du học. Thì ra tử vi mình nói đúng.

     Mời xem câu chuyện “ĐI MỸ 1” được đăng trong tập bút ký “THƯ VIỆN KÝ”.

     ĐI MỸ 1 (TVK tr. 70)

Tôi đã đọc tiểu thuyết “Đi Tây” của Nhất Linh lâu lắm rồi và rất thích cái tư tưởng rất thâm thúy của Lãng-du, nhân vật chính trong truyện rằng “Đi Tây tức là đi Tây !”. Giờ đây tôi đang chuẩn bị đi Mỹ và ngẫm nghĩ mãi không biết làm gì để lý giải cái chuyện đi Mỹ của mình, thì chợt nhớ đến anh chàng Lãng-du của Nhất Linh và rõ ràng cái tư tưởng thâm thúy của anh ta hoàn toàn có thể lý giải chuyện đi Mỹ của tôi: “Đi Mỹ tức là đi Mỹ!”, thế thôi.

Ngày nay chúng ta đi Mỹ là chuyện bình thường. Nhưng trong  tình thế của Việt Nam dưới thời bao cấp và còn đang bị chính quyền Mỹ cấm vận, thì sự kiện được đi Mỹ du học của tôi là chuyện không bình thường. 

Hơn nữa trong cùng thời gian đó, tôi đã làm một việc khiến cho công an phải theo dõi thường xuyên. Tôi (cùng với một số cựu hướng đạo sinh khác) đã tổ chức và thành lập một đoàn hướng đạo bao gồm con em của những cựu hướng đạo sinh chúng tôi vào ngày 23/2/1992. Đoàn mang tên Liên đoàn Lạc Hồng, thường xuyên sinh hoạt tại Sân golf Gò Vấp (nay là Công viên Gia Định). 

Những hộ láng giềng của tôi trong khu phố thường bị công an đến tra hỏi về sinh hoạt riêng tư  của tôi. Nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao những người công an đó chưa từng đến nhà để trực tiếp gặp tôi. 

Chúng tôi lập luận rằng “Hướng đạo một ngày là hướng đạo trọn đời” chúng tôi đã có “một đời hướng đạo” tại sao chúng tôi lại không tạo điều kiện cho chính con cái chúng tôi có “một ngày hướng đạo” để chúng có “một đời hướng đạo” như chúng tôi, nghĩa là chúng sẽ là những người sống tốt và sẳn sàng giúp ich mọi người bất cứ lúc nào như trong lời hứa hướng đạo. Chúng tôi tập họp con cái chúng tôi vào những ngày cuối tuần để dạy dỗ chúng những điều tốt đẹp hơn là để cho chúng lêu lõng ngoài đường. Chúng tôi mong được gặp các anh công an để trình bày cho các anh hiểu những gì chúng tôi làm. Các anh không gặp tôi, nhưng các anh theo dõi chúng tôi và các anh đã hiểu. Biết thế, nhưng thời gian bắt đầu làm thủ tục đi Mỹ, tôi đã ngưng hoạt động hướng đạo và giao đoàn cho người phụ tá của tôi là anh bạn Nguyễn Trực. 

Ngày tôi lên đường, các ông Chủ tịch Phường, Bí thư Phường, và Công an khu vực đã đến đưa tiễn tôi một cách trang trọng. 

Thế là tôi đi Mỹ – Cái “tư tưởng rất thâm thúy” của Lãng-du là ở chỗ đó. Nhưng thiết nghĩ nếu nói rõ cái nguyên do do đâu dẫn đến chuyện tôi đi Mỹ thì “tư tưởng rất thâm thúy” đó lại càng thâm thúy hơn.

Buổi sáng hôm đó, như thường lệ tôi ngồi uống cà phê ở hành lang tầng một của cơ sở 2 của trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Xã hội-Nhân văn TP. HCM).  Tôi đang nhâm nhi thì bỗng nhiên cô Ngô Phương Thiện (con gái bà luật sư Ngô Bá Thành), phó chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh xuất hiện. Cô đưa cho tôi một lá thư bằng tiếng Anh và bảo:

      –  Anh Hiệp nè, hình như cái thư này là của thư viện, nhưng không biết tại sao lại nằm ở bàn làm việc của tui cả tháng nay. Sáng nay tui dọn dẹp mới tình cờ nhìn thấy.

Tôi ngẩng đầu chào nói cám ơn rồi nhận lá thư. Sau khi đọc, tôi mới biết đây là công văn của Học viện Harvard-Yenching thuộc ĐH Harvard thông báo tuyển nhân viên thư viện của Việt Nam đi qua Mỹ du học. Tôi coi lại ngày tháng thì thấy đã gần hết hạn đăng ký du học. 

Liền sau đó, tôi mang lá thư báo cáo cho ông giám đốc thư viện Lại Thanh Sử. Sau khi đọc, ông liền quyết định đề cử tôi và cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng rồi vội vàng lên gặp Ban giám hiệu để làm thủ tục. Tôi đã sốt ruột chờ tin cả ngày hôm đó. Hôm sau ông đến gặp tôi và nói:

      – Hỏng rồi. Cậu thì tốt nghiệp đại học Lý, cô Phượng thì tốt nghiệp đại học Hóa, nhưng yêu cầu là người đi du học thạc sĩ thư viện thì phải có bằng đại học thư viện. Như vậy chỉ có những người trên khoa Thư viện mới đủ tiêu chuẩn.

Nghe xong tôi phản ứng ngay đề nghị ông giám đốc thư viện Lại Thanh Sử rà soát lại vì những lý do sau: (1)  Theo công văn của Mỹ thì họ tuyển nhân viên đang làm việc tại thư viện trường chứ không phải cán bộ giảng dạy. (2) Phía Mỹ không yêu cầu học thạc sĩ thư viện là phải có đại học thư viện. (3) Đăng ký là một việc nhưng có đủ trình độ tiếng Anh phải thi đậu TOEFL để đạt tiêu chuẩn không là một việc khác. Nếu không cân nhắc thì chúng ta sẽ mất suất đi học.

Ông Sử đã hành xử trung thực. Cuối cùng hai người thư viện của trường là tôi với cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng được đăng ký cùng với năm người của khoa thư viện, rồi ông đã cho tôi biết:

     – Để tranh đấu cho hai người thư viện được đăng ký dự tuyển thì nội bộ của chi bộ đảng Thư viện trường-Khoa Thư viện đã chia rẽ trầm trọng !    

Kết quả phỏng vấn chỉ có hai người thư viện của chúng tôi được dự thi TOEFL. Tôi đậu học khóa 1, cô Phượng sang năm thi lại và học khóa 2. 

Lần này cái tư tưởng thâm thúy không thuộc về Lãng-du nữa mà thuộc về ông Einstein: “Theo Einstein thì chính ảo tưởng thị giác đã làm cho con người chỉ thấy có mình và quyền lợi của mình trên cõi đời này và sẽ tranh đấu để đạt được cái đó bằng mọi cách” . 

Thế là tôi đi Mỹ. “Đi Mỹ tức là đi Mỹ !”, thế thôi.


Nguyễn Minh Hiệp (Trang Văn chương Miền Nam)

Wednesday, April 26, 2023

Những Thiên Đường Mù: Về tác giả của thảm cảnh có thật hiện thời

VỀ DƯƠNG THU HƯƠNG. 

Le Hong Lam

Mấy hôm nay thiên hạ xôn xao bàn tán về giải thưởng Cino Del Duca Thế giới của Viện Hàn lâm Pháp trao tặng cho nhà văn Dương Thu Hương, hiện đang sống tại Pháp. Giải thưởng này trị giá lên tới 200.000 € (hơn 5 tỷ đồng). Giá trị (hiện kim) lớn khiến người ta tò mò giải thưởng này như thế nào, có xứng tầm quốc tế không? 

Theo Wikipedia, Cino Del Duca là một giải thưởng quốc tế được trao giải đầu tiên vào năm 1969, cho những tác giả có tác phẩm dưới hình thức văn chương hoặc khoa học có những giá trị nhân văn hiện đại. Khoa học thì tôi không rành, nhưng điểm qua những gương mặt văn chương từng thắng giải này thì toàn tên tuổi oách cả. 

Haruki Murakami nhận giải thưởng này trước Dương Thu Hương một năm (2022) và trong lịch sử hơn nửa thế kỷ của giải thưởng này (bắt đầu từ năm 1969), có nhiều nhà văn hàng đầu thế giới từng được trao tặng như Jorge Luis Borges (Argentina), Jorge Amado (Brazil), Mario Vargas Llosa (Peru), Milan Kundera (Séc & Pháp), Patrick Modiano (Pháp), Joyce Carol Oates (Mỹ)... Nhà thiên văn học và nhà văn gốc Việt Trịnh Xuân Thuận (Việt/Pháp/Mỹ) cũng từng nhận giải thưởng này vào năm 2012. 

Một số nhà văn trong số này đã đoạt giải Nobel văn chương sau đó, nên người ta gọi giải thưởng này là "phòng chờ của giải Nobel". 

Một giải thưởng danh giá xứng tầm quốc tế như thế mà báo chí chúng ta đành... im bặt, thật buồn. Các tác phẩm văn chương của Dương Thu Hương từ lâu cũng không còn được xuất bản tại Việt Nam (nhưng có thể đọc được hầu hết trên các trang trực tuyến). 

Điều oái oăm là chúng ta khao khát được thế giới công nhận, nhất là các lĩnh vực nghệ thuật như văn chương hoặc điện ảnh. Thế nhưng trong khoảng nửa thế kỷ qua, theo tôi có ba giải thưởng thuộc hàng top của thế giới trao tặng cho 3 tác phẩm của 3 tác giả người Việt (hoặc gốc Việt) nhưng không được công bố và phổ biến ở trong nước. Đó là bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng, thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice, Ý); The Sympathizer của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, thắng giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết tại Mỹ và gần nhất là nhà văn Dương Thu Hương với giải thưởng Cino Del Duca của Viện Hàn lâm Pháp, một giải thưởng trao tặng cho cả văn nghiệp của bà. 

Điều đáng buồn nữa là những tác phẩm ấy đều có bối cảnh ở Việt Nam, nhân vật chính là người Việt với tính đại diện cao, thế nhưng chúng ta đành phải thưởng thức chúng một cách... lén lút, báo chí truyền thông thì im tiếng. 

Tôi may mắn đọc Dương Thu Hương khá sớm, từ thời sinh viên. Thời đó tôi mê văn chương hơn điện ảnh. Và trong 4 năm sinh viên từ 1995-1999, tôi gần như đọc hết các tác phẩm của 4 nhà văn nổi tiếng nhất giai đoạn đó là Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và Phạm Thị Hoài. Họ là những làn gió mới thổi vào một nền văn chương hậu chiến vừa tuyên truyền vừa cũ kỹ, hoặc nhàm chán. Họ là những nhà văn mà tính cá nhân và phong cách cá nhân luôn vượt trội, không ai có thể bắt chước được. Hoặc bắt chước thì cũng trở thành những phiên bản lỗi thảm hại. 

Trong những tác phẩm của Dương Thu Hương mà tôi đọc thời ấy, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, như Hành trình ngày thơ ấu, Chân dung người hàng xóm, Những bông bần ly, Những vĩ nhân tỉnh lẻ, Chuyện tình kể trước lúc rạng đông, Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù...; tôi ấn tượng nhất với cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu niên: Hành trình ngày thơ ấu và cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn: Những thiên đường mù. 

Sở dĩ phải chia ra như vậy, vì đều của cùng một tác giả, nhưng tôi có cảm giác như đang đọc hai tác giả khác nhau. Nếu Hành trình ngày thơ ấu là một cuốn tiểu thuyết "coming of age/adventure" - tạm gọi là cuộc phiêu lưu của tuổi mới lớn với cái nhìn trong trẻo của một cô gái 15 tuổi (dù trong đó đã có ít nhiều phản tỉnh về thời cuộc, về con người) thì Những thiên đường mù là một cuốn tiểu thuyết với cái nhìn tự vấn và phản tỉnh hoàn toàn. Một cuốn tiểu thuyết vừa buồn thê lương vừa sắc như dao về người Việt một thời, mà trong đó, sự xấu xí, thảm hại của con người đều xuất phát từ sự ấu trĩ, các ác vô minh và lòng tham vô đáy. Và hai cái bối cảnh văn hóa là Cải cách ruộng đất ở miền Bắc và cuộc ly hương lao động xuất khẩu làm cu li xứ người... phơi bày toàn bộ chân dung vừa tội nghiệp vừa thảm hại của người Việt một thời mà dư âm của nó vẫn còn hiển hiện ở ngày hôm nay. 

Sáng nay tôi lôi Những thiên đường mù ra đọc lại, bắt gặp đoạn này: 

“Những gương mặt bị nỗi âu lo làm cho cằn cỗi, tiều tụy, cau có, bụi bặm… Những gương mặt nhớn nhác vì sợ hãi. Biết bao nỗi sợ hãi có thể xảy ra… Nỗi sợ không mua được hàng hóa, nỗi sợ không gửi được hàng hóa về, nỗi sợ một ông bố già hay một bà mẹ già có thể lao lực hoặc ốm nặng trong thời gian chờ đợi món tiền viện trợ còm cõi của đứa con, nỗi sợ một vị quan chức nào đó trong tòa đại sứ… Những gương mặt tàn úa, ủ dột vì suy tính. Suy tính món tiền đủ duy trì sự sống và món tiền nuôi dưỡng người thân. Suy tính thù lao công của một ngày hái táo hay một ngày quét dọn trên các toa tầu. Suy tính phương tiện mưu sinh cho cuộc sống tương lai, tương lai bập bênh như khối sa mù trên mặt biển… Trên đường phố, những gương mặt ấy không thể nào hòa trộn với những gương mặt khác, những gương mặt của một nhân loại an hưởng, hòa bình, hạnh phúc và tự do… Vầng trán hai mươi hằn lên những nếp nhăn, mái tóc đen đổ xuống quầng mắt xanh tím. Cái nhìn đăm đắm sâu thẳm. Vẻ quyết liệt, thô bạo, man dại khi tranh giành trước các quầy hàng. Nỗi mặc cảm tủi hổ trước ánh mắt người xa xứ. Cuộc vò xé tâm can không lúc nào ngơi…

Tôi đưa mắt lần nữa liếc nhìn đám người Nhật. Bọn họ có gì khác với chúng tôi? Nếu như có kiếp luân hồi, chắc chắn kiếp trước không có gì là đảm bảo họ có các phẩm chất trội bật. Cả về trí thông minh, cả lòng kiên nhẫn, cả sự chịu đựng mà đám dân châu Á dư thừa. Nhưng số phận đã ưu đãi họ. Họ đã được đầu thai dướ từ i một mái nhà bằng an, ít bão gió.”

Nhưng văn chương của Dương Thu Hương không chỉ có sự phản tỉnh hay đôi lúc hơi cay nghiệt. Trong các tiểu thuyết "phản tỉnh" của mình, bà vẫn dành nhiều sự đồng cảm và thương xót cho những phận người là nạn nhân của thời cuộc, của chính con người - đôi lúc không ai xa lạ mà chính là người thân máu mủ ruột thịt của họ. 

“Mắt bà rất đẹp, lút dưới hai hố sâu, chiếu ra những tia sáng buồn. Trong cái nhìn của bà găm giữ nỗi thống khổ và sức chịu đựng không thể đo đếm”.

(...)

“Và tôi hiểu, khi tôi đưa chiếc quan tài chở xác cô ra bãi tha ma, thì tôi lại bật mở một chiếc quan tài khác, chiếc quan tài quàn xác chết tuổi xuân, xác chết của những giấc mơ son trẻ của cô…”

Những thiên đường mù, với Dương Thu Hương, là những "thiên đường" thảm hại do thế hệ trước dựng lên, mà nhân vật ông cậu Chính là một ví dụ điển hình. 

"Người ta nên hiểu hết mọi sự trên đời cô bé ạ, dù cho là sự thực đau buồn. Ông cậu của cô giống như một loạt người tôi từng gặp.

Họ là những kẻ đã phao phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ nên một thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của họ lại không đủ để hiểu thiên đường ấy ra sao và con đường nào đưa tới nó… Vì thế, khi biết công việc ấy hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn thực, nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn lầy. Họ làm việc ấy, bất kể bằng cách nào…

"Họ, là tấn thảm kịch của chính họ, là tấn thảm kịch cho thế hệ chúng ta”.

Bài copy từ Trang Văn chương Miền Nam

Tuesday, April 25, 2023

Igazi élet

 IGAZI ÉLET, với tôi là ENJOY trong từng hơi thở và nhịp đập trái tim!

Sunday, April 23, 2023

Điều tốt đẹp

ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT TRÊN THẾ GIAN NÀY KHÔNG THỂ NHÌN THẤY HOẶC CHẠM VÀO - CHÚNG ĐƯỢC CẢM NHẬN BẰNG TRÁI TIM.

Saturday, April 22, 2023

Triết học và tính ứng dụng,

1. Triết học có 7 lĩnh vực truyền thống được công nhận. Tôi thêm 2 lĩnh vực nữa theo xu thế tương lai. Tức là đang nam tính (7 vía) thành nữ tính (9 vía), có khả năng sinh sản, uyển chuyển và giàu sức sống hơn. Đang yên đang lành, nói chuyện triết học, bởi là vì triết học đang có cơ hội ứng dụng tiềm tàng. Đó là một dấu hiệu của thời đại bừng sáng về tư tưởng như Phục hưng bên Tây, hình thành căn tính thống nhất bên Tàu, hay hình thành quốc gia của Ta. 

    2. Bảy lĩnh vực truyền thống là: Giá trị luận (Axiology), Bản thể luận (Ontology), Nhận thức luận (Epistemology), Đạo Đức học (Ethics), Mỹ học (Aesthetics), Luận lý học (Logics) và Thần học (Theology). Nhiều người còn nói có Chính trị, Xã hội, Tâm lý, Tôn giáo... nhưng thực ra đó là các ứng dụng của Triết học, có nhiều khái niệm mập mờ, chúng là các lĩnh vực riêng, tuy sử dụng nhiều khái niệm vay mượn của ngành khác. Hai lĩnh vực đang đi lên, theo tôi là Tâm luận và Hùng biện luận.

    3. Người Việt Nam chúng ta khổ. Chịu 30 năm chiến tranh, sau 80 năm nô lệ cho Tây. Cho là từ ngày vua Gia Long lên ngôi, tới hiệp định Patenotre, có được 82 năm chung hiệp, chưa chắc đã vui vẻ hoàn toàn. Trước đó là 300 năm nội chiến liên miên. Nhiều người cho rằng đó là quả báo, do ta tiêu diệt Champa, uất khí của họ ám ảnh ta hoài. Cũng có người nói là vì ta không có triết học. Người được coi là triết gia cổ điển của Việt Nam là Nguyễn Bỉnh Khiêm, được học giả phương Bắc khen "Nước Nam có ông Trình biết chút ít về Lý học". Lý học là một dạng thô sơ của Thần số học (numerology), đi sau các trường phái của Hy Lạp cả 2000 năm, chưa kể các ngọn ngành của nó ở Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ. Và Thần số học chưa thể gọi là triết học. Các học giả quan tâm đến triết học vẫn mơ màng với hy vọng le lói về một ưu thế nào đó của Triết học Á Đông như holism mà không có bất cứ khả năng chứng tỏ nào. Trong khi đó, Triết học là nền tảng của học vấn phương Tây từ thế kỷ 16-17, đã làm nên các trào lưu Phục hưng, Bừng sáng. Các  nhà bác vật của thế kỷ 20, như Einstein, Heisenberg, Bohr, Schrodinger,... đều có nền tảng triết học vững vàng để đưa thế giới tới những thay đổi ngoạn mục trong suốt 1 thế kỷ gần đây.

      4.  Ở VN, nói đến Triết học, lập tức chúng ta nghĩ tới Phật-Khổng-Lão-Trang, mặc dù không thật rõ các ngài có tư tưởng gì có thể giúp chúng ta tạo nhận thức mới cho đỡ khổ. Trong khi đó, triết học biện chứng dù có sức mạnh trong học thuyết đấu tranh, không cho phép đối thoại hòa bình, nên mọi chân lý đều phải kiểm nghiệm bằng thử sai, sai lầm bi thương hoặc bạo lực. Mặc dù tranh đoạt là bản năng thú tính của con người, nhưng Triết học cho phép con người suy nghĩ minh triết khi tiếng súng tạm ngừng để xã hội phát triển. 

       5. Trước hết là Giá trị luận là môn học đánh giá về những giá trị của sự vật. Chúng ta thường áp đặt một cách chủ quan các giá trị theo chủ quan, thường là của kẻ có tiền và quyền. Chúng ta nuôi một giai tầng trí thức có đời sống tương đối tốt hơn bình dân, để gần 80 năm vẫn cãi vã về việc đánh giá từ những chuyện nhỏ nhặt nhất bởi không có một hệ thống giá trị, thậm chí một học thuyết để phát triển hệ thống giá trị đó. Đặc biệt cái gọi là Khoa học xã hội, các nhà lý luận đều mơ hồ với mục tiêu này. Vì thế nạn đạo văn, đặt ra những vấn đề rỗng để thảo luận vẫn hồn nhiên tồn tại, khi nhà khoa học không có gương để soi mình. Đương nhiên, khi xã hội không có hệ thống giá trị, thì các lĩnh vực liên quan như Đạo Đức, Mỹ Học, Tôn giáo sẽ rối loạn. Cùng là sư Phật giáo đã không có một nền tảng thống nhất, sẽ tranh cãi không thôi, đó là  còn may vì trong tay họ không có vũ khí. 

       6. Bản thế luận và Nhận thức luận là cơ sở của Khoa học. Bản thể nói về bản chất của sự tồn tại của sự vật. Nhận thức luận nói về bản chất của tri thức. Chúng ta nói về bản thể như một khái niệm viển vông xa vời "Cần gì bản thể. Ngậm miệng mà lập trình, lĩnh lương" Tuy vậy cuộc sống ngày nay phức tạp hơn ta tưởng thời chiến tranh. Chúng ta hãy nghe chuyện cười chua xót của cha ông ta về hai thày trò và một cái bánh. Chuyện kể rằng gia chủ biếu hai thày trò một cái bánh. Học trò từ chối, thì thày nói rằng "Ông đã cho thì con cứ cầm lấy mà ăn". Anh học trò thật thà chén hết cái bánh. Thầy giận, nên trò đi trước, đi sau, đi ngang bằng đều bị thầy trách lỗi. Trò không hiểu phải làm sao thì thày nói "Thế bánh tao đâu". Bản chất của vấn đề là chiếc bánh, bị bao phủ bởi lễ giáo, quyền áp đặt sai trái của thầy đối với trò. Ngày nay, chúng ta rất mơ hồ với bản chất thật của vấn đề. Diễn văn, trình bày đại cà sa không đi vào bản chất. Ai bảo nỗ lực để tiết kiệm được vài năm nghe những chuyện râu ria vô bổ là viển vông. Bên cạnh đó, chúng ta không rạch ròi về tri thức. Các trí thức hàng đầu rất dễ dàng gục ngã trước bất khả tri luận, các dị đoan tầm thường, vô lý.

      7. Tôi sẽ không làm khổ mọi người về khía cạnh thực tế của Mỹ học, Đạo Đức, Luận lý và Thần học. Chỉ muốn nói rằng, chúng ta kém Triết học đến mức cho một khẩu hiệu sống sượng như "Tiên học Lễ hậu học Văn" là nền tảng và cứu cánh của Đạo Đức. Chúng ta muốn bám vào đó như kẻ chết đuối vớ được cọc. Nền Đạo Đức phong kiến, dù chúng ta có lý do nào để yêu mến chúng như yêu mến tiền nhân, thì cũng đã một đi không trở lại. Tôi rất ấn tượng với kết thúc của tiểu thuyết Bóng nước Hồ Gươm, khi ông bố chết trong đau buồn và nhận thức được rằng các học thuyết phong kiến không thể cứu được đất nước trước sức mạnh của súng đạn phương Tây. Đạo Đức hiện tại là việc nhận thức được khế ước đối với cộng đồng mình thuộc về và biết tôn trọng, thậm chí hòa nhập đối với các hệ thống khế ước khác khi cần. 

      8. Triết học là nơi nuôi dưỡng những trật tự tri thức mới đang manh nha, để hình thành các tiêu chuẩn chân lý mới đã thoát qua thử thách đối với 7 trật tự triết học truyền thống. Thế kỷ 21, con người đang gõ cửa vào cấu trúc của Ý thức với những quan niệm và năng lực mới. Hiểu về Ý thức sẽ là bước tiến của con người tiến tới tự do hơn về Tư tưởng, làm chủ về Tư tưởng không phải nhờ cậy vào ai để họ lợi dụng nô dịch mình bằng dị đoan, hoặc tín điều nhảm nhí. Về mặt ứng dụng chúng ta sẽ có những thiết bị thông minh như người. Về lý luận, chúng ta sẽ hiểu rõ quan hệ giữa trí tuệ, cảm xúc và minh triết. Một cách thực tế hơn, trước khi đó trở thành một trật tự riêng thì Tâm luận sẽ là một lĩnh vực của Triết học. 

     9. Cuối cùng, bàn đến Tâm tức là chúng ta sẽ đi đến tận cùng của ngôn ngữ. Chúng ta sẽ có một ngôn ngữ biểu đạt mới, có tính triết học hơn, thoát khỏi các ảo ảnh về nghịch lý. Chúng ta sẽ thấy những tuyên bố kiểu "Vật chất có trước tinh thần" hay "Thượng đế là toàn năng", bản thân nó không chứa bất cứ thông tin nào. Chấp nhận nó, chỉ có nghĩa là chúng ta chọn một ngôn ngữ biểu đạt để nhận thức thế giới và cùng một mệnh đề biểu đạt vẫn có thể có những ý nghĩ vô cùng khác nhau. Chính điều đó là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, tai ương và cố chấp. Về mặt ứng dụng, việc làm quen với ngôn ngữ tinh tế, ở đó các khái niệm có ý nghĩa rất mong manh, phải trở thành một năng lực của những con người mới, ít nhất họ phải nhận chân được những điều chúng ta đang cho là chân lý hiển nhiên, tuy chưa từng được chứng minh và chẳng có sở cứ nào, chẳng phải là bất di bất dịch mà chỉ là một áp đặt của lịch sử. Có một anh bạn vong niên nói với tôi một quan niệm về triết học, rất bất ngờ và làm tôi suy nghĩ mãi trong mấy chục năm "Triết học là nghệ thuật chụp mũ. Nếu bạn bị người khác chụp mũ bằng triết học, bạn đừng tìm cách cởi mũ. Bạn hãy dùng triết học chụp cho họ một cái mũ khác." Thật là minh triết một cách ảm đạm và bi thương. Tôi có lẽ là một người nhìn đời thơ dại và lạc quan hơn, nên có xu hướng cho rằng Triết học phải cho phép chúng ta kiến giải các phép tu từ với các khái niệm, phạm trù mong manh khi chúng ta tiến vào những lãnh địa mới, chưa từng biết. Đó chính là Hùng biện luận mới.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Thursday, April 20, 2023

Lựa chọn cuối cùng

Nữ sĩ Quỳnh Dao với vai trò nhà văn, nhà biên kịch với các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được chuyển thể như "Dòng Sông Ly Biệt", "Hoàn Châu Cách Cách",... Mới đây, bà đã có một tâm thư dặn dò con trai và con dâu lo lắng cho chuyện hậu sự sau này của bà.

Ở độ tuổi 79 gần đất xa trời, nữ sĩ Quỳnh Dao cho biết, gần đây bà đọc được một bài viết mang tên "Lời cáo biệt tốt đẹp dành cho bản thân" và nhận ra rằng pháp luật có một thứ gọi là "Quyền được quyết định của người bệnh" - được Đài Loan thông qua và ban hành từ năm 2009, theo đó người bệnh có thể toàn quyền quyết định về cái chết của mình, không cần bác sĩ hoặc người nhà quyết định hộ nữa.

Nữ sĩ Quỳnh Dao cho biết, bà đã dặn dò hai con là Tú Quỳnh và Trung Duy về chuyện hậu sự, hai người con đều hoàn toàn tôn trọng ý kiến của mẹ, song bà vẫn muốn chia sẻ tâm thư của mình cho tất cả mọi người được biết vì sợ rằng sau này nhỡ hai con hối hận, không nỡ cho mẹ rời xa dương gian: "Mẹ nghĩ rằng, các con đều hiểu rõ mẹ sợ hãi cái ngày định mệnh ấy đến nhường nào. Giờ đây, mẹ muốn nói rõ về "quyền lợi" của mình, những ai đọc được bức thư này có thể làm chứng, rằng dù thế nào đi chăng nữa, dù gặp bất cứ áp lực nào cũng không được lưu giữ hài cốt của mẹ, không được biến mẹ thành "cứu sống không được, để chết không xong". Nếu các con làm thế thì sẽ là "đại bất hiếu"!".

Quỳnh Dao viết thêm: "Năm nay mẹ 79 tuổi, năm sau đã là 80. Quả là đời người đã dài, mẹ không vì chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai,... mà đi trước một bước. Sống đến tuổi này đã là sự ban ơn của thượng đế đối với mẹ. Chính vì lẽ đó, từ giờ trở đi, mẹ sẽ đón nhận cái chết với nụ cười trên môi. Mong muốn của mẹ chỉ là:

1. Dù mẹ có lâm trọng bệnh thế nào, nhất quyết không được phẫu thuật, hãy để mẹ ra đi nhanh chóng. Chừng nào mẹ còn minh mẫn làm chủ được mọi thứ thì hãy để mẹ làm chủ, bằng không thì phải nghe theo ý nguyện của mẹ.

2. Không được đưa mẹ vào phòng điều trị hồi sức cấp cứu đặc biệt.

3. Bất luận là chuyện gì, tuyệt đối không được lắp ống thở cho mẹ. Bởi vì một khi mẹ đã mất khả năng nuốt, tức là cũng mất đi niềm vui ăn uống. Mẹ không muốn sống cuộc sống như vậy.

4. Thêm một điều nữa, dù có chuyện gì, cũng không được đặt ống truyền chất bổ cho mẹ. Kể cả ống thông, ống thở,... đều không được.

5. Mẹ đã từng nhắc nhở rồi, những biện pháp cứu sống như điện giật, các loại máy móc, tất cả đều không được dùng. Mẹ muốn ra đi nhẹ nhàng, điều này còn quan trọng hơn việc để mẹ sống trong đớn đau.

Mẹ đã từng nói:  "Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".

Nữ sĩ quyết định bà không muốn mai táng theo nghi thức tôn giáo truyền thống mọi người vẫn hay làm. Bà dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không đốt vàng mã,... Bà muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản, không phô trương. "Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ..." , "sau này, tiết Thanh Minh cũng không cần cúng bái mẹ, vì mẹ đã không còn tồn tại". 

Bà còn dặn con cháu rằng: "Trái đất đang ngày càng ấm lên, đốt giấy đốt hương đều đang phá hoại quả địa cầu này, Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời".

theo sohu

LeVan Quy sưu tầm (Trang Văn chương Miền Nam)

Wednesday, April 19, 2023

NHỮNG BÀI HỌC TỪ THỤY SĨ

 Đã nhiều lần đặt chân tới đất nước xinh đẹp Thụy Sĩ, ông Vũ Khoan nhìn nhận về mảnh đất này gói gọn trong 4 từ: Tươi đẹp, sạch sẽ, yên bình và giàu có.

“Tại sao Thụy Sĩ giàu vậy? Họ không có gì cả, trong khi Việt Nam lại có quá nhiều. Điểm đầu tiên mà chúng ta phải học hỏi ở đất nước này đó là: Thụy Sĩ không có gì mà có tất cả, trong khi mình có tất cả nhưng lại không có gì” – ông Vũ Khoan nhấn mạnh.

......

Như thường lệ, vẫn luôn thẳng thắn trong những nhận định về hiện trạng đất nước, ông Vũ Khoan lý giải:

Thứ nhất, người Thụy Sĩ nhận thức được rằng: “Cái gì họ có thì họ tận dụng còn cái gì không có thì họ cố gắng tạo ra”. Thụy Sĩ được “trời phú” cho nông nghiệp, đồng cỏ và đất đai, cộng thêm tuyết. Họ đã phát triển nông nghiệp tới mức ai cũng biết Nestlé của Thụy Sĩ, ai cũng biết sô-cô-la Thụy Sĩ, đồng hồ Thụy Sĩ, ai cũng biết pho mát Thụy Sĩ. Còn tuyết ở Thụy Sĩ đã làm nên ngành du lịch số 1 thế giới.

Họ đã tận dụng tiềm năng có thực của mình. Trong khi đó, theo ông Vũ Khoan, ở nước ta, có tiềm năng nông nghiệp nhưng chưa có mặt hàng nào của Việt Nam trở thành thương hiệu nổi tiếng như Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có khả năng du lịch nhưng lại chưa biến lợi thế đó thành ngành có giá trị.

Cái họ không có thì họ tạo nên được, đó là vấn đề đáng học hỏi ở đất nước này. Họ chọn những ngành cần trí tuệ, công nghệ cao và dịch vụ - đó là các ngành nghề phát triển mạnh. Còn Việt Nam chọn lĩnh vực nào – thực sự là chưa rõ. Mặc dù, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều mũi nhọn nhưng tôi nghĩ đó là mũi tù chứ không phải mũi nhọn” – ông Vũ Khoan bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.

Điều thứ 2 mà Việt Nam có thể học hỏi từ bài học thành công của Thụy Sĩ đó là vấn đề con người. Thụy Sĩ không có tài nguyên thiên nhiên nhưng họ có con người, do con người quyết định. Đất nước này đã có các chương trình đào tạo nhân lực tốt tạo ra sức mạnh cho nước được coi là “quốc gia đáng sống nhất thế giới này”. Đặc biệt, họ rất chú ý tới dạy nghề. Dạy nghề của người Thụy Sĩ hiện nằm trong tốp tốt nhất thế giới.

Ngoài ra, họ luôn tạo mọi điều kiện cho người dân có tiếng nói, chính vì vậy, việc trưng cầu dân ý rất phổ biến ở Thụy Sĩ.

Bài học thứ 3, tôi thấy đáng học đó là bộ máy nhà nước của Thụy Sĩ rất nhỏ nhưng tiết kiệm và hiệu quả. Chính vì vậy, tôi mới nói họ giàu vì họ ít. Cũng giống như Singapore, họ ít nhưng lại rất hiệu quả.

Tôi nhớ mãi cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ, tôi rất ngạc nhiên vì ông ấy tiếp tôi ở một trạm bưu điện, phòng tiếp rất nhỏ. Tôi tìm hiểu mới biết rằng, tất cả các quan chức ở Thụy Sĩ đi công tác tại các địa phương, chỉ được ở nhà bưu điện thôi, chứ không được ở nhà khách sạn. Trong khi, nước mình nghèo nhưng cứ đòi ăn sang.

Hai bài học nữa tạo nên một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới - Thụy Sĩ đó là quan hệ hài hòa giữa các dân tộc khác nhau và chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ sống kẹt giữa các nước lớn nhưng họ ứng xử tốt khiến các nước lớn đều tôn trọng. Về đối ngoại, họ theo đuổi chính sách trung lập tích cực, tức là một chính sách trung lập không đứng về bên nào cả nhưng có vai trò tích cực đối với người dân. Họ biến đất nước của họ thành tụ điểm của toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam ta đang có quan hệ rộng rãi với thế giới, vị thế ngày càng nâng cao, điều đó rõ ràng rồi, nhưng tôi nhìn mãi, điểm lại vẫn không thấy có cơ quan quốc tế nào nói về Việt Nam mình. Vì thế, cần biến Việt Nam thành nơi quy tụ trí tuệ của thế giới tại Việt Nam, thay vì bỏ tiền đi nơi khác thì hãy thu tiền của nơi khác vào Việt Nam.

Source : Trithuctre

Ng: LienNguyen.t & Thơ Lê (FB Tiếng Việt Theo Dòng Thời Gian

Chú thích : Lịch sử con người và ở mọi nơi trên thế giới đều nêu lên yếu tố NGƯỜI là quan trọng nhất. Đất nước nghèo yếu hay giầu mạnh, tất cả vì con người. Người ta hơn nhau vì cái đầu, vì trình độ, hiểu biết, văn minh và dân trí cao chứ không phải vì cái vỏ bên ngoài !

Tuesday, April 18, 2023

Ký ức miền Nam: La Dalat - những chiếc xe hơi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam

 Năm 1919, Andre Citroen, một kỹ sư người Pháp đã sáng lập ra hãng xe mang tên ông thì đến năm 1926, Citroen xuất cảng sang Đông Dương với văn phòng chính đặt ngay tại Sài Gòn, nơi là khách sạn Rex sau này. 

Citroen là một hãng xe hơi nhỏ của Pháp nhưng có những kỹ thuật tiên phong trong kỹ nghệ xe hơi, từng được hãng General Motors (GM) của Mỹ có ý định mua lại nhưng bất thành, về sau sát nhập vào hãng Peugeot cũng của Pháp. 

Giữa thập niên 60s, khi xe hơi và xe Honda Nhật bắt đầu xuất cảng sang Việt Nam, để cạnh tranh xe Nhật, vị giám đốc của Citroen tại Sài Gòn lúc bấy giờ là Jacques Duchemin quyết định hợp tác với Việt Nam để sản xuất xe hơi nội địa với giá rẻ hơn.

Công Ty Xe Hơi Sài Gòn, hay chính xác theo bảng hiệu là "Sài Gòn Xe Hơi Công Ty" của Việt Nam ra đời và bắt đầu sản xuất xe từ khoảng năm 1969-1970. Xe được đặt tên là La Dalat, dựa theo thiết kế của Citroen Mehari và nhượng quyền xe Baby-Brousse nhỏ gọn, rẻ và tiện dụng được người Pháp sản xuất tại xứ thuộc địa Côte d'Ivoire, tức Bờ biển Ngà bên Châu Phi. 

Quyết định đặt tên xe là La Dalat, có lẽ vì người Pháp yêu thích Đà Lạt mà họ xây dựng dựa theo kiến trúc Pháp và thường lên nghỉ mát trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình để tránh cái nóng dưới đồng bằng khi sang Việt Nam. Những cái tên như Thung Lũng Tình Yêu (Valley D’Amour) cũng do người Pháp đặt tên. Họ xem Đà Lạt như một thiếu nữ nên mới dùng mạo từ giống cái (La). Xin nói thêm rằng, đây chỉ là giả thuyết của tác giả vì không tìm được các tài liệu tại sao có cái tên "La Dalat".

Quay lại cùng xe La Dalat, nếu nhập cảng thép tấm đến 15 đô la thì sản xuất nội địa chỉ có giá 1 đô lúc bấy giờ, cũng như giá nhân công rẻ hơn nhiều, xe La Dalat của Việt Nam trở thành những thế hệ xe đầu tiên trong mô hình xe FAF (Facile a Fabriquer, Facile a Financer) dễ sản xuất, dễ mua bán của Citroen cho các quốc gia nghèo. Mục tiêu của mô hình xe FAF là nâng sản xuất các bộ phận sản xuất nội địa lên đến 50%.

La Dalat nhập cảng những bộ phận chính của Citroen như máy, hộp số, dàn nhún, hệ thống lái, thắng và Việt Nam chế tạo phần ngoài như thân, cửa, ghế, vỏ xe, các phụ tùng... còn lại. Thân xe là thép dập và được bắt ốc vào sườn, không hàn như xe ngoại quốc. 

Các tài liệu từ Citroen viết rằng, các cơ phận sản xuất nội địa tại Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên chiếm khoảng 25% của toàn bộ chiếc xe La Dalat và tăng đến 40% vào năm 1975, với tổng cộng số xe xuất xưởng vào khoảng trên dưới 5,000 xe. La Dalat cho ra bốn kiểu xe, phù hợp túi tiền người mua, dễ bảo trì hay sửa chữa, được giới trung lưu Sài Gòn ưa chuộng và mua chạy trên đường phố.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kỹ nghệ xe hơi đã thay đổi tột bậc so với thế hệ xe La Dalat còn thô sơ lúc bấy giờ. Nhưng nếu so sánh thì cần nhìn lại trong cùng cột mốc thời gian.

Những chiếc xe Kia Brisa hay Hyundai Poni, thế hệ xe đầu tiên của các hãng Kia và Hyundai của Nam Hàn xuất xưởng vào những năm 1974-1975, sau cả La Dalat và không thể xem là đẹp hơn La Dalat, nếu không nói là ngược lại.

Và hơn hết, La Dalat, những xe hơi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam đã sản xuất được đến 40% bộ phận xe vào thập niên 70s của thế kỷ trước. 

Còn hôm nay, liệu bao nhiêu phần trăm bộ phận những chiếc xe hơi đang được quảng bá là "Made in Vietnam" được chế tạo tại Việt Nam?  

Đinh Yên Thảo

Sunday, April 16, 2023

Con đường đau khổ: Những câu chuyện sau chiến tranh

 TỜ LỊCH CÁCH NAY 48 NĂM

Gợi nhớ những câu chuyện ngay sau ngày đó. Xem lại cho vui.

Mời đọc một đoạn trong THƯ VIỆN KÝ (tr.45 - tr.48)

     "... Sau ngày mới giải phóng, đã có rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Nhưng trước mắt cũng như trong tâm tưởng của tôi thì Huế và Sài Gòn vẫn luôn xinh đẹp hiền hoà và hoa lệ. Bỗng nhiên, cuối tháng 9/1975 (như đã viết ở một chương trước) tôi có mặt ở Hà Nội, thành phố chỉ có 4 màu: đen, xanh, ô liu, và trắng. Đa số dân chúng không biết gì về những tiện nghi vật chất cho một cuộc sống hiện đại tối thiểu. Tôi đến tá túc nhà của một người quen. Buổi tối nấu nước tắm, bà cụ trong nhà mở rương lấy cho tôi một lát xà bông cục được gói mấy lớp giấy báo. Họ bảo tôi là khách quý mới mời dùng cái này. 

     Khi tôi đi uống cà phê ở một cửa hàng ăn uống quốc doanh thuộc khu nhà tập thể Kim Liên. Trong một lần tôi yêu cầu ly cà phê sữa, cô bán phiếu đã xé cho tôi 2 phiếu: 1 cà phê đen và 1 sữa nước sôi. Sau khi tôi trình phiếu mua, bà mậu dịch viên liền pha cà phê vào một ly riêng, rồi chế nước sôi vào ly sữa. Sau đó bà đổ ly cà phê vào ly sữa thành một ly cối to đùng.           

     Ngày hôm sau tôi cũng mua cà phê sữa, nhưng khi tôi bảo đỗ cà phê vào sữa, đừng đổ nước sôi, thế là tội bị một câu mắng chua lè:

     - Để tôi tự chế biến, không mượn ngài góp ý.

     Một hôm tôi vào cửa hàng ăn uống trên đường Thanh Niên rồi hỏi mua 1 ly cà phê sữa đá. Một cô gái trẻ chanh chua:

     - Cái gì, ông này buồn cười nhỉ. Sữa thì uống nước sôi làm gì uống đá.

     Tôi cảm thấy tội nghiệp lẫn thương xót cho cái ngờ nghệch của họ. Buổi giao thời tôi đã phải giao tiếp với đồng bào của tôi từ phía bên kia như thế đó. Còn đồng nghiệp thì tôi chia ra thành bốn loại: 

     (1) Những người có trình độ, hiểu biết, dễ tiếp thu và hòa đồng. Tôi có kết thân với vài người, trong đó có anh Nguyễn Hồng Trân, cán bộ giảng dạy Khoa Hóa, về sau là Giám đốc Thư viện ĐH Tổng hợp Huế. Chúng tôi thường hẹn nhau tại bếp cơm tập thể của trường được đặt tại khuôn viên trường ĐH Luật khoa ngày trước; 

     (2) Những người ngây thơ, họ biểu lộ sự ngờ nghệch của mình một cách buồn cười. Họ ở những miền quê nghèo nàn, được dịp đi Đông Âu hay Liên Xô mở mắt, thấy cái gì cũng lạ. Bây giờ họ tưởng ai cũng như mình. Có một ông cán bộ giảng dạy người Quảng Bình học ở Ba Lan về. Một hôm nói chuyện với tôi một cách đầy diễn cảm và tỏ ra rất bí ẩn:

     - Anh Hiệp có tin rằng hồi em ở Ba Lan, ăn kem em ăn cả cái ly. Anh có tin không em ăn cả cái ly. Ha ha ha!

     Trong miền Nam cái loại kem để trong bánh hình nón đó trẻ con thường dùng.

     (3) Người sĩ diện tự ái hão, đã không biết mà cứ cho mình đã biết, học theo cách không minh bạch chưa đến nơi đến chốn nhưng đã muốn đè đầu người khác. Hồi đó tôi tổ chức Phòng Nghiệp vụ Thư viện và đang giữ chức Trưởng Phòng. Khi đó có một nữ giáo viên cấp hai vào làm việc thuộc phòng tôi. Hơn một năm thì bà ta được kết nạp vào đảng. Vừa kết nạp xong bà liền bắn tiếng rằng: làm quản lý là phải đảng viên. Nghe như thế, tôi liền nhường chức Trưởng phòng cho bà. Vừa nhận chức hôm nay, hôm sau bà liền viết một thông báo dán ngay cửa phòng: 'Phòng ta có máy tính, từ nay mọi người không được mang dày dép vào phòng, bụi bặm có thể làm máy tính nhiễm vi rút'; 

     (4) Người cực đoan, khoe khoang, tưởng mình giỏi hơn thiên hạ. Điển hình trong loại này là ông hiệu phó trường ĐH Tổng hợp vừa chuyển công tác về từ trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Cứ mỗi lần ông phát biểu trên hội trường hay riêng ở thư viện nơi tôi làm việc, ông đều nói bằng tiếng Việt trước rồi tự mình dịch rồi nói lại bằng tiếng Nga để lòe thiên hạ. Một hôm ông triệu tập tất cả cán bộ công nhân viên tại giảng đường C của Trường ĐH Khoa học để nghe ông thuyết trình về cái học thuật phó tiến sĩ ông học ở Liên Xô, một đề tài về Vật lý hiện đại. Ông nói xong có một người lên hỏi ông một câu. Ông có vẻ ấp úng không trả lời được. Thầy Lê Tự Hỷ, đã từng theo học ở AIT, Thái Lan,  bước lên nói rằng:

     - Sở dĩ ông không trả lời được câu này là vì từ hồi nảy đến giờ ông nói trật lất hết.

     Cả khán phòng cười ran. Thầy Hỷ trình bày lại và giải đáp thắc mắc thỏa đáng. Tiếng vỗ tay như pháo. 

     Từ đó về sau không bao giờ nghe ông hiệu phó nhà ta nói một chữ tiếng Nga nào cũng như nhắc đến cái học thuật phó tiến sĩ của ông ở Liên Xô.

     ... "

Nguyễn Minh Hiệp

Saturday, April 15, 2023

To my friends

 

An Airbus 380 is on its way across the Atlantic. It flies consistently at 800 km/h at 30,000 feet, when suddenly a Eurofighter with a Tempo Mach 2 appears.

The pilot of the fighter jet slows down, flies alongside the Airbus and greets the pilot of the passenger plane by radio:   "Airbus, boring flight isn’t it? Now have a look here!"

He rolls his jet on its back, accelerates, breaks through the sound barrier, rises rapidly to a dizzying height, and then swoops down almost to sea level in a breathtaking dive. He loops back next to the Airbus and asks:   "Well, how was that?"

The Airbus pilot answers: "Very impressive, but watch this!"

The jet pilot watches the Airbus, but nothing happens. It continues to fly straight, at the same speed. After 15 minutes, the Airbus pilot radios, "Well, how was that?

Confused, the jet pilot asks, "What did you do?"

The AirBus pilot laughs and says:   "I got up, stretched my legs, walked to the back of the aircraft to use the washroom, then got a cup of coffee and a chocolate fudge pastry."

The moral of the story is:  When you’re young, speed and adrenaline seems to be great. But as you get older and wiser, you learn that comfort and peace are more important.

This is called S.O.S.: Slower, Older and Smarter.

Dedicated to all my senior friends  ~  it’s time to slow down and enjoy the rest of the trip.  🤗❤

Author Unknown

Friday, April 14, 2023

Trước lựa chọn khó khăn

 Quoc Nguyen (Trang Văn chương Miền Nam): Vừa rồi có một thành viên của trang này đăng một tự sự về  cuộc sống của anh , và bày tỏ ước vọng về VN hưởng già .

Bài anh viết  dấy lên nhiều  bình luận về xã hội VN, con người VN, chế độ CS ở VN.  Nhiều người góp vô cũng nhiều người bàn ra .

Điều tôi muốn góp vô là một bài bình luận về xã hội VN dươ'i chế độ CS đã thay đổi ra sao, và con người VN đã thay đổi như thế nào trong chế độ này .  Theo đó , tùy theo hoàn cảnh cá nhân mà mỗi người sẽ quyết định cho mình .

Nhưng tôi không có khả năng viết rõ ràng và hay bằng anh Trần trung Đạo, nên xin có lời giới thiệu bài viết anh cho bạn đọc trong diễn đàn này .  Ai muốn coi thêm xin kiếm "chính Luận Trần trung Đạo"  hay Trần Trung Đạo

BỐI CẢNH VIỆT NAM QUA PHIM THE SHAWSHANK REDEMPTION

Giới thiệu: The Shawshank Redemption là phim được xếp hạng cao nhất của Mỹ dựa trên kết quả của cơ sở dữ liệu The Internet Movie Database (IMDb). Bài viết này đăng lần đầu tám năm trước và đăng năm ngoái nhưng mới đây lại có vài bạn hỏi thăm. Theo cách tính của Facebook để đạt tới nhiều người đọc nhất  là đăng lại thay vì ‘share’ hay ‘tag” nên tôi đang lại.  Mời đọc nếu chưa đọc.

--------------------------------------

Có thể độc giả sẽ trách “Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng ở Biển Đông mà lại nói chuyện về phim ảnh.” Thưa không. Chẳng qua chỉ vì một người bạn vừa nhắc đến phim The Shawshank Redemption trong facebook làm tôi chợt liên tưởng đến hoàn cảnh của xã hội Việt Nam. Tôi xem phim không nhiều nhưng phim The Shawshank Redemption là một trong vài phim tôi thích nhất. Đây là một cuốn phim rất hay và theo IMDb (Internet Movie Database) The Shawshank Redemption là phim số 1 trong số 250 phim hay nhất của từ trước tới nay.

Nhiều chi tiết trong sách của Stephen King khác với trong truyện phim của đạo diễn Frank Darabont. Bài viết này chỉ thảo luận về cuốn phim. Có bốn nhân vật trong phim The Shawshank Redemption đáng lưu ý.

Nhân vật chính là Andy Dufresne (Tim Robbins đóng). Andy bị kết án hai bản án chung thân về tội giết vợ và người yêu của vợ mà anh không gây ra. Trong tù, sau hai năm đầu bị hiếp đáp đủ điều, Andy kết bạn với một tù nhân khác tên là Red (Morgan Freeman đóng). Nhân vật này cũng là vai chánh, và trong phim, Red là người kể lại cuộc đời, nhân cách và hành trình của Andy từ khi bước chân vào nhà tù cho đến lúc vượt thoát. Andy dành gần 19 năm để khoét một đường hầm chỉ rộng đủ cho một người chui qua bức tường dày của nhà tù Shawshank. Dụng cụ anh dùng là chiếc búa rất nhỏ thường dùng để đục đẽo những con cờ bằng đá. Mơ ước của Andy là được đến Zihuatanejo, Mexico, một vùng biển anh ta chưa bao giờ đặt chân đến, để sống tự do cho đến hết đời mình vì như anh đọc đâu đó, miền đất ấm đó là nơi không giữ một dấu vết nào của quá khứ. Mỗi ngày Andy đục một chút vôi trên vách tường, bỏ vào túi quần và rải xuống đất khi đi bộ trong sân nhà tù. Cai ngục Samuel Norton biết Andy từng là phó chủ tịch của một ngân hàng nên chọn anh làm kế toán riêng để tính sổ số tiền mà y nhận từ hối lộ. Cuối cùng, sau gần 19 năm, anh đục xuyên bức tường dày và vượt ngục thành công. Trước khi vượt biên giới sang Mexico, Andy ghé các ngân hàng ở Maine để rút hết mấy trăm ngàn mà cai ngục ký thác dưới tên giả Randall Stephens. Andy cũng không quên gởi hồ sơ tội ác của Samuel Norton cho báo chí và kết quả dẫn đến việc viên cai ngục tham nhũng này phải tự đưa mũi súng vào mồm tự sát.

Nhân vật đưa súng vào mồm và bóp cò vừa nhắc ở trên là Samuel Norton (Bob Gunton đóng), giám đốc nhà tù Shawshank thuộc tiểu bang Maine, Hoa Kỳ. Samuel Norton tham nhũng bằng cách cấu kết với giới đầu tư, xây dựng. Mỗi hợp đồng có liên hệ đến nhà tù y luôn được chia phần. Cai ngục Samuel Norton tàn bạo không chừa thủ đoạn nào, biệt giam những ai chống đối, thậm chí cho công an nhà tù ám sát luôn cả nhân chứng. Khi còn trẻ Samuel Norton không tàn ác như vậy mà là một người có lý tưởng cứu đời nhưng khi nắm lấy quyền lực y đã trở thành một lãnh đạo nhà tù thối nát. Phía sau bàn làm việc y ngồi treo những câu đạo đức được trích ra từ Kinh Thánh và cũng luôn phát biểu những lời bao dung độ lượng, mong giáo dục tù nhân trở thành những công dân tốt nhưng chỉ để che giấu lòng tham và hành vi ác độc của mình. Y dung dưỡng một tập đoàn công an nhà tù dưới quyền Đại úy Hadley cũng tàn bạo không kém. Chúng đánh chết tù nhân ngay trong đêm đầu tiên vừa mới đặt chân đến nhà tù. Nhưng cuối cùng viên cai ngục Samuel Norton đã phải tự sát trước khi khi tội ác của y bị đưa ra trước ánh sáng công lý. Đại úy Hadley cũng bị tống giam như tòng phạm giết người.

Nhân vật thứ ba là Brooks Hatlen (James Whitmore 1921-2009 đóng), một tù nhân già dành gần hết cuộc đời trong nhà tù, phụ trách thư viện. Khi nghe tin mình sắp được đưa sang nhà chuẩn bị cho tù nhân hội nhập vào xã hội (halfway house) trước khi được trả tự do, Brooks Hatlen tìm cách gây tội chỉ để được tiếp tục ở tù. Xã hội và thế giới của Brooks là nhà tù. Đồng bào và nhân loại của Brooks là tù nhân. Quê hương và đất nước của Brooks được bao bọc không phải bằng núi đồi, sông biển mà là bốn bức tường vôi dày của nhà tù. Sinh hoạt của Brooks Hatlen giống như cây kim đồng hồ tuần tự bước, ngày qua ngày, tháng qua tháng, và như thế suốt 50 năm trong nhà tù. Cuộc sống nhà tù đã điều kiện hóa con người của Brooks về mọi mặt. Trong đáy sâu của ý thức, Brooks biết mình là một con người nhưng đồng thời cũng biết mình không giống như bao triệu người khác bên kia hàng rào kẽm gai. Từ một con người, nửa thế kỷ trong tù đã biến Brooks thành sản phẩm như một loại gà công nghiệp không thể bương chải tìm mồi, như một loại chim kiểng trong lồng không thể sải cánh bay xa. Brooks Hatlen vẫn được thả và vì không thể điều chỉnh chính mình vào cuộc sống mới, ông ta đã treo cổ tự tử ở “halfway house.” Red, một nhân vật trong phim, giải thích với các bạn tù về cái chết của Brooks Hatlen “Bị định chế hóa.” Red nói “Mấy bức tường nhà tù thật buồn cười. Đầu tiên bạn ghét chúng, rồi dần dần làm quen với chúng. Thời gian trôi qua, bạn tùy thuộc vào chúng.”

Nhân vật thứ tư là Ellis Boyd Redding, gọi tắt là Red bị tù chung thân vì tội giết người. Red lanh lợi, khôn ngoan, có học, có uy tín với bạn tù, biết cách móc ngoặc với đám công an nhà tù để chuyển vận các hàng hóa từ bên ngoài vào nhà tù và cũng biết san sẻ quyền lợi cho đám tù nhân đàn em. Red là mẫu người được cả hai thành phần cai trị lẫn bị trị cần trong xã hội Shawshank. Red vừa thông đồng, hối lộ, móc ngoặc với giới lãnh đạo nhưng cũng vừa là “lãnh tụ” của nhân dân Shawshank thấp cổ bé miệng. Vì là một người có học, cuộc đấu tranh giữa đúng và sai, giữa vượt qua ao tù nước đọng ở Shawshank và phó thác cho số mệnh nhiều khi đã diễn ra trong nhận thức của Red. Sau khi Andy vượt ngục, Red tiếp tục sống với vai trò của mình như trước cho đến khi nhận được một bưu thiếp gởi từ Fort Hancock, Texas. Tuy bưu thiếp không có chữ nào, Red vẫn biết đó là tín hiệu Andy đã vượt ngục an toàn. Năm 1967, Red, giống như Brooks Hatlen, được đưa sang nhà chuẩn bị cho tù nhân trước khi được hoàn toàn tự do. Red cũng ngỡ ngàng trước xã hội đang thay đổi quá nhanh nhưng thay vì tự tử như Brooks đã làm, theo lời dặn dò của Andy khi còn ở trong tù, anh tìm đến bờ đá ở Buxton và khám phá một hộp thiếc nhỏ. Trong hộp, ngoài một số tiền còn là bảng chỉ dẫn đường đi Zihuatanejo. Cuối cùng hai cựu tù đoàn tụ nhau và sống những ngày còn lại bên bờ biển Thái Bình Dương xanh thẳm như Andy từng mơ ước.

The Shawshank Redemption là một phim hay, hấp dẫn, đối thoại sâu sắc, ngoài ra với tôi còn vì phim rất gần với thực tế của xã hội Việt Nam.

Việt Nam hiện đang tồn tại bốn thành phần gồm lãnh đạo độc tài như Samuel Norton, những người bị định chế hóa như Brooks Hatlen, một số ít đang can đảm dấn thân như Andy Dufresne và đại đa số thuộc thành phần thỏa hiệp, do dự và sợ thay đổi như Red.

Ba thành phần kia tương đối rõ nhưng thành phần như Red gồm những ai?

Họ là những người ba mươi chín năm trước ngồi trước chén bo bo, tô nước muối khuấy lỏng, dĩa rau muống luộc, niềm ao ước được chén cơm ngon, một tô canh ngọt, một dĩa thịt, được sống bình an dù bình an trong cơ chế, được xem phim ảnh dù đã được kiểm tra từng chi tiết, được hát một bài tình ca dù đã được chọn lọc kỹ càng. Nói chung, họ bằng lòng với những gì đang có. Tuy biết đổi thay cũng tốt nhưng tốt hơn là đừng thay đổi. Họ có nghe về một chân trời rất xanh, một nơi xa rất đẹp, nhưng cũng giống như nhân vật Red, họ không dám đi xa khỏi căn nhà, không dám bỏ vườn rau thửa ruộng.

Họ là những người đã từng là nạn nhân của cơ chế độc tài và cảm thấy rất đau khi nhìn lại chính mình trong khoảng đời đã mất nhưng không thể bỏ những gì mà đã trả bằng một giá quá đắt để có được. Họ không yêu thích gì chế độ CS nhưng cũng giống như Red chỉ nói cho thỏa lòng căm tức trước những đám tù nhân tin cẩn trong bữa ăn, trong sân chơi nhưng không dám đấu tranh, vẫn tiếp tục hối lộ công an, tiếp tục làm ngơ trước những sai trái mà đám lãnh đạo đã và đang làm.

Họ là những người có địa vị trong xã hội. Giống như Red không những được các bạn tù trọng vọng mà còn được đám công an coi tù cũng dung dưỡng. Những quyền lực và quyền lợi họ được ban phát chỉ giới hạn trong vòng kiểm soát chặt chẽ của giới cầm quyền nhưng họ lo lắng sẽ không tìm thấy những quyền lợi đó một khi đất nước có tự do. Như Red nói, bên kia hàng rào kẽm gai, bên ngoài cánh cửa sắt anh ta sẽ không là gì cả. Xã hội Việt Nam cũng thế, như tôi đã viết trong bài “Bàn về tẩy não,” là một xã hội được khoanh vùng có biên giới rõ rệt giữa các thành phần cùng tồn tại bằng thỏa hiệp.

The Shawshank Redemption chỉ là một cuốn phim không phải là thực tế xã hội nhưng dù hư cấu hay thực tế đều là những góc cạnh tri thức của con người về xã hội mà con người đang sống. Ba bài học chính rút ra từ phim:

Vượt qua nỗi cô đơn, sợ hãi

Andy rất cô đơn trong nhà tù. Trong xà lim thiếu sáng mỗi ngày anh chỉ đục một vài nắm vôi đủ để chứa trong túi quần. Trước khi kết bạn với Red, Andy chỉ đi dạo một mình trong sân trại tù. Không ai giúp anh và anh cũng không thể san sẻ cùng ai. Anh không sợ hãi. Anh đục hầm ngay giữa xà lim và che bằng tấm ảnh toàn thân của nữ minh tinh Raquel Welch. Trong những năm đầu anh bị hiếp đáp đủ điều nhưng luôn chống lại bằng tất cả những gì anh có.

Kiên nhẫn với mục đích

Khi Andy nhờ Red mua giùm cái búa đục đá. Red ngạc nhiên khi nghĩ Andy dám làm chuyện tày trời nhưng sau đó bật cười khi biết ra cái búa Andy muốn mua nhỏ đến mức bỏ lọt trong lòng cuốn sách và chỉ có thể dùng để đẽo viên đá nhỏ thành con cờ hay bức tượng đá tí hon. Red không bao giờ hình dung Andy có thể dùng để đục bức tường dày của nhà tù Shawshank. Điều đó nói lên đặc tính kiên nhẫn trong khi theo đuổi mục đích. Bức tường của nhà tù Shawshank không thể được đục bằng những dao to, búa lớn nhưng đã bị xuyên thủng bằng một chiếc búa làm đồ chơi rất nhỏ.

Chọn lựa đúng khi phải chọn lựa

Chọn lựa đi Mexico là chọn lựa sinh tử và sáng suốt nhất của Red. Từ ngày làm bạn với Andy, Red dần dần bị ảnh hưởng để làm quen với “hy vọng,” một khái niệm mà trước đó Red từ chối. Bản chất Red là người tốt. Red biết nhà tù sẽ dần dần định chế hóa mình nhưng không có một chọn lựa nào dành cho anh. Thay vì tiếp tục sống trong “halfway house” chờ hội nhập vào xã hội và có thể cũng tự sát như Brooks Hatlen, Red quyết định vượt biên giới sang Mexico tìm Andy. Andy đã mở đường để cứu Red nhưng chọn lựa cuối cùng vẫn là của Red.

Trong thời điểm thử thách của đất nước hôm nay, mỗi người Việt đang đứng trước những chọn lựa khó khăn và cho dù khó khăn vẫn phải chọn một con đường để đi. Đừng sợ thay đổi. Hãy đi đúng cho mình và cho tương lai đất nước. Đời người rồi sẽ qua, không ai mang theo được gì nhưng có thể để lại rất nhiều. Hãy để lại cho các thế hệ mai sau những hạm đội và phi đoàn, những nông trường và nhà máy, những học viện và trung tâm, những chiến công và thành tựu, đừng để lại những ngôi đền tưởng niệm dân tộc Việt một ngày có thể sẽ mờ đi trong lịch sử loài người.

Rất nhiều danh ngôn của các danh nhân nói về hy vọng nhưng tôi thích nhất là câu nói của nhân vật Andy Dufresne trong phim TheShawshank Redemption và xin dùng để kết luận cho bài viết này: “Hy vọng là điều tốt, có thể là điều tốt nhất, và trước nay chưa có điều tốt lành nào chết đi.”

Trần Trung Đạo

Thursday, April 13, 2023

ChatGPT: Trợ lý đáng tin cậy?

 ChatGPT trợ giúp về Toán VIENOVA

Mình đang soạn thảo chương trình Toán VIENOVA Hướng Dương. Công việc khá nặng, đang tính thuê một vài trợ lý. Thử hỏi ChatGPT thì thấy nếu có ý tưởng tốt, không cần thuê trợ lý, mà có muốn thuê cũng không thể tốt bằng ChatGPT. Kết quả trúng ý một cách đáng kinh ngạc.


Hỏi: Diễn tả là làm gì?

ChatGPT: Diễn tả là hoạt động sử dụng ngôn ngữ để miêu tả một đối tượng, một sự việc hoặc một khái niệm. Điều này thường được thực hiện bằng cách sử dụng các từ, cụm từ, mệnh đề và các phương tiện ngôn ngữ khác để truyền tải các đặc điểm, tính chất và đặc tính của chủ thể được diễn tả.

Mục đích của việc diễn tả thường là để tạo ra một bức tranh, một cảm giác hoặc một ý tưởng cho người đọc hoặc người nghe. Một miêu tả có hiệu quả sẽ sử dụng các chi tiết cảm quan, ngôn từ sống động và cấu trúc câu hợp lý để tạo ra một hình ảnh rõ ràng và thu hút sự chú ý của người đọc hoặc người nghe.

Việc diễn tả có thể được sử dụng trong nhiều loại văn bản, bao gồm văn học, báo chí và kỹ thuật viết. Nó cũng là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp để giúp truyền đạt ý tưởng và thông tin một cách rõ ràng và hiệu quả.

Hỏi: Có thể dùng Toán học để diễn tả các quan hệ giữa các sự vật trong thế giới thực hay không?

ChatGPT: Có, toán học là một công cụ hữu ích để diễn tả các quan hệ giữa các sự vật trong thế giới thực. Toán học không chỉ giúp chúng ta xác định các quan hệ giữa các biến số, mà còn giúp chúng ta mô hình hóa các quan hệ đó để có thể dự đoán kết quả trong tương lai.

Ví dụ, trong khoa học, toán học được sử dụng để diễn tả các quan hệ giữa các biến số trong các thí nghiệm, ví dụ như quan hệ giữa lực và chuyển động hoặc giữa nhiệt độ và phản ứng hóa học. Trong kinh tế, toán học được sử dụng để diễn tả các quan hệ giữa các biến số kinh tế, ví dụ như lãi suất, giá cổ phiếu và lợi nhuận.

Toán học cũng được sử dụng để mô hình hóa các quan hệ không gian, ví dụ như quan hệ giữa các khối hình học, hoặc để mô tả các quan hệ số lượng, ví dụ như quan hệ giữa số lượng hàng hoá và giá cả.

Tuy nhiên, việc sử dụng toán học để diễn tả các quan hệ trong thế giới thực yêu cầu các kiến thức và kỹ năng toán học cơ bản để hiểu và sử dụng các khái niệm và công thức trong các ứng dụng cụ thể.

Hỏi: Có thể kết hợp việc học Toán và học Ngôn ngữ để mô tả các quan hệ trong thế giới thực hay không và phải làm thế nào?

ChatGPT: Có, kết hợp việc học Toán và Ngôn ngữ là một cách hiệu quả để mô tả các quan hệ trong thế giới thực. Việc sử dụng Ngôn ngữ sẽ giúp bạn mô tả và trình bày các ý tưởng và quan điểm của mình một cách rõ ràng và logic, trong khi Toán học sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng tính toán và logic, giúp bạn hiểu các quan hệ số liệu và biểu đồ số.

Để kết hợp việc học Toán và Ngôn ngữ, bạn có thể bắt đầu bằng cách đọc các tài liệu, sách vở hoặc bài báo có liên quan đến các chủ đề toán học cụ thể. Sau đó, bạn có thể phân tích và diễn giải các công thức và định lý bằng cách sử dụng Ngôn ngữ của mình để trình bày các ý tưởng và quan điểm của mình.

Bạn cũng có thể tham gia vào các cuộc thảo luận về Toán học trên các diễn đàn trực tuyến hoặc tham gia vào các lớp học hoặc câu lạc bộ Toán học để thảo luận với những người khác về các chủ đề liên quan đến Toán học và sử dụng Ngôn ngữ để trao đổi ý kiến.

Quan trọng là bạn nên đọc và viết thường xuyên để cải thiện kỹ năng Ngôn ngữ của mình, và thực hành tính toán và giải các bài toán để cải thiện kỹ năng Toán học của mình.

Hỏi: Cần những kỹ năng gì để mô tả các quan hệ trong thế giới thực một cách hiệu quả?

ChatGPT: Để mô tả các quan hệ trong thế giới thực một cách hiệu quả, bạn cần có những kỹ năng sau đây:

Kỹ năng quan sát: Bạn cần có khả năng quan sát để nhận biết các quan hệ trong thế giới thực. Nếu bạn không thể quan sát và nhận biết các yếu tố quan trọng, thì việc mô tả các quan hệ đó sẽ rất khó khăn.

Kỹ năng phân tích: Sau khi nhận biết được các yếu tố quan trọng, bạn cần phân tích các yếu tố đó để hiểu các quan hệ giữa chúng.

Kỹ năng tổng hợp: Sau khi phân tích, bạn cần có khả năng tổng hợp thông tin để tạo thành một cái nhìn tổng quan về các quan hệ đó.

Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ: Để mô tả các quan hệ trong thế giới thực, bạn cần phải có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và sáng tạo. Bạn cần phải biết cách sắp xếp các ý tưởng, lựa chọn từ ngữ phù hợp để truyền đạt ý tưởng một cách dễ hiểu và rõ ràng.

Kỹ năng sử dụng công cụ Toán học: Toán học cung cấp cho bạn các công cụ và phương pháp để mô tả các quan hệ trong thế giới thực. Bạn cần có khả năng sử dụng các công cụ toán học như biểu đồ, đồ thị, phương trình, số liệu thống kê để mô tả các quan hệ đó.

Kỹ năng logic và suy luận: Để mô tả các quan hệ trong thế giới thực một cách chính xác, bạn cần phải có khả năng suy luận và logic tốt. Bạn cần phải biết cách áp dụng các nguyên lý logic để đưa ra các luận điểm và kết luận chính xác về các quan hệ đó.

Hỏi: Có thể dùng Toán học thông qua dạng thức và con số để diễn tả các quan hệ trong thế giới thực thế nào?

ChatGPT: Có, Toán học có thể được sử dụng thông qua định lý, phương trình, hàm số, biểu đồ và các công cụ khác để mô tả các quan hệ trong thế giới thực. Bạn có thể sử dụng các dạng toán học này để mô tả và quan sát các mối quan hệ trong thế giới thực, từ các quan hệ đơn giản như quan hệ giữa tốc độ và khoảng cách, đến các mối quan hệ phức tạp hơn như quan hệ giữa các yếu tố khác nhau trong kinh doanh hoặc khoa học.

Các con số và biểu đồ có thể giúp bạn thấy được các quan hệ và sự tương quan giữa các yếu tố khác nhau. Ví dụ, biểu đồ hình tròn hoặc hình cột có thể giúp bạn thấy tỷ lệ phần trăm của các yếu tố khác nhau trong một nhóm.

Các định lý và phương trình có thể giúp bạn mô tả một cách chính xác và toàn diện các quan hệ giữa các yếu tố khác nhau trong thế giới thực. Ví dụ, phương trình di truyền có thể giúp bạn mô tả các quan hệ di truyền giữa các gen trong một quần thể.

Vì vậy, Toán học có thể giúp bạn mô tả các quan hệ trong thế giới thực thông qua các công thức, số liệu và biểu đồ để hiểu và định hình một cách chính xác các mối quan hệ giữa các yếu tố khác nhau.


Hỏi: Các kỹ năng suy luận, so sánh, đo, đếm sẽ có ích như thế nào đối với việc mô tả các quan hệ trong thế giới thực?

ChatGPT: Các kỹ năng suy luận, so sánh, đo và đếm đều rất quan trọng trong việc mô tả các quan hệ trong thế giới thực.

Kỹ năng suy luận giúp bạn phân tích và đưa ra những kết luận logic dựa trên các bằng chứng có sẵn, giúp bạn hiểu rõ hơn về các quan hệ giữa các yếu tố khác nhau trong thế giới thực. Ví dụ, thông qua suy luận, bạn có thể xác định được tình trạng kinh tế của một quốc gia dựa trên các dữ liệu về GDP, tỷ lệ thất nghiệp, hay chi phí sinh hoạt.

Kỹ năng so sánh giúp bạn so sánh các yếu tố khác nhau để tìm ra sự khác biệt và sự tương đồng giữa chúng. Điều này rất hữu ích khi bạn muốn so sánh các quan hệ giữa các yếu tố trong thế giới thực. Ví dụ, bạn có thể so sánh các thông số về năng lực sản xuất, doanh số bán hàng, lợi nhuận giữa các công ty trong cùng một ngành để đánh giá hiệu suất của họ.

Kỹ năng đo và đếm giúp bạn định lượng các yếu tố khác nhau và đưa ra số liệu thống kê chính xác. Điều này rất hữu ích khi bạn muốn mô tả các quan hệ số lượng trong thế giới thực, ví dụ như tốc độ, khối lượng, áp lực, nhiệt độ và các thông số khác.

Tóm lại, các kỹ năng suy luận, so sánh, đo và đếm đều rất quan trọng trong việc mô tả các quan hệ trong thế giới thực. Chúng giúp bạn hiểu rõ hơn về các quan hệ giữa các yếu tố khác nhau và đưa ra những số liệu và bằng chứng chính xác để hỗ trợ việc phân tích và đưa ra quyết định.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Wednesday, April 12, 2023

Học để ko dốt toán

 Học toán để làm gì? 

    1. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng học Toán là để tính toán với các con số. Ngày nay, trong thực tế, máy tính đã đảm nhiệm mọi công việc tính toán, không cần tính tay. Vậy học Toán bây giờ để làm gì? Một số thầy cho rằng, học Toán là để phát triển tư duy và phải sử dụng các phép tính toán với các con số làm ví dụ để rèn luyện tư duy đó. Tôi không thấy sở cứ cho niềm tin này. Thứ nhất, học Toán có lẽ chỉ là một trong những cách phát triển tư duy, và điều đó phụ thuộc vào việc dạy gì và dạy thế nào. Thứ hai, hoàn toàn không chắc chắn có thể rèn luyện tư duy với các phép tính số. 

     2. Một số không ít, đa số có danh tiếng và thực tài, cho rằng học Toán là để giải các bài toán khó. Giỏi giải toán khó thì làm gì cũng được. Tôi lấy làm ngờ ở niềm tin này. Trong cuộc sống rất hiếm có bài toán khó, bài toán khó lại hiếm có người giải được. Như vậy, thì lời giải của một bài toán khó có ích lợi gì cho đa số không giải bài toán đó. Bên cạnh đó, một số người tưởng rằng mình giải toán, nhưng thực sự chỉ là biết lời giải có sẵn của người khác. Tôi tin rằng những người đó là danh giá và giỏi thật, vì họ phải cõng trên lưng một niềm tin sai lầm mà vẫn thành công. Chính vì thế, chúng ta có nhiều người học Toán nhưng rất nhiều việc đơn giản cũng không làm được, chứ không phải làm gì cũng được. 

      3.  Vậy học Toán để làm gì? Tại sao Toán lại quan trọng đến mức phải học từ Tiểu học? Trước tiên chúng ta sẽ cố gắng đưa ra một quan niệm thô sơ về Toán học, có thể không hài lòng mọi người, nhất là các nhà hàn lâm, nhưng có thể thỏa mãn đa số người có suy nghĩ có quan tâm tới Toán. Theo quan niệm của Hướng Dương, Toán học trước tiên là một cách diễn tả thế giới. Chúng ta khoan hãy nói về tư duy, là chuyện tù mù, nhiều người sẽ cảm thấy không vươn tới được. Ai cũng có nhu cầu diễn tả thế giới xung quanh để truyền lại trải nghiệm của mình cho đồng loại, góp phần cho thế giới tiến lên. Mô tả những sự vật và quá trình phức tạp đương nhiên sẽ cần tư duy, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng mà chỉ là giải pháp kỹ thuật. Cứ thử nghĩ mà xem, nếu không có nhu cầu diễn tả thế giới để truyền kinh nghiệm lại cho đồng loại, không có ngôn ngữ, thì liệu chúng ta có cần Toán hay không?

      4. Cố nhiên, Toán không cần phải có sứ mệnh diễn tả mọi mặt của thế giới. Theo quan niệm của tôi, điều mà Toán diễn tả được rất tốt là các Quan hệ. Suy luận và So sánh chính là dựa trên Quan hệ giữa các sự vật. Để rèn luyện cách sử dụng các Quan hệ, Toán học bắt đầu bằng các Số và Hình, như là trừu tượng hóa về lượng và hình thức về sự vật trong quan sát thế giới. 

    Với Số, chúng ta có các kỹ năng Đếm và Đo. Với Hình chúng ta có kỹ năng Nhận dạng và Hiển thị.  

      5. Như vậy, Toán đối với mọi người trước hết là 3 nhóm khái niệm cơ bản Quan hệ, Số và Hình và 4 nhóm kỹ năng cơ bản Suy luận, So sánh, Đếm Đo,  Nhận dạng-Hiển thị. Dù bạn làm thơ, triết lý, tu hành, chưa nói tới quản lý nhà nước, hoạt động xã hội, quản trị kinh doanh hay sáng tạo công nghệ, chắc bạn đều cần tới 3 khái niệm cùng với 4 kỹ năng trên. Vì thế chúng ta phải học Toán từ Tiểu học, nhưng không thể tách rời với các trật tự khác như ngôn ngữ, khoa học, triết học, nhân văn, nghệ thuật. 

      5. Tôi thích nói chuyện viển vông, nhưng để cuối cùng trở lại mặt đất. Chúng ta hãy xem lại con em của chúng ta bước ra khỏi cửa trường Tiểu học, THCS, THPT, ĐH,... đã có đủ tri thức về 3 nhóm khái niệm và  4 kỹ năng nói trên ở các mức độ nhất định chưa. Tôi rất không muốn phàn nàn, bởi vì thời gian đó, nên để làm một điều gì thực tế. Nếu nền giáo dục của chúng ta chưa có, chúng ta hãy bổ sung vào. Các thày sẽ cố gắng dạy thêm cho các trò những điều còn thiếu, kể cả bằng chính khóa hay ngoại khóa. Đừng nhồi nhét thêm những món ăn dở ẹc mà các con đã không nuốt nổi như tính toán phức tạp lằng nhằng. Phụ huynh nên giúp các con tìm hiểu thêm về những điểm nói trên nếu còn thiếu. Giáo dục học đường chỉ là một phần, không thể thay thế giáo dục gia đình và xã hội.

    6. Tôi sẽ rất vui nếu các bạn bổ sung được các nhóm khái niệm và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống  Toán có thể đem lại mà tôi đã bỏ sót.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)