Năm 1919, Andre Citroen, một kỹ sư người Pháp đã sáng lập ra hãng xe mang tên ông thì đến năm 1926, Citroen xuất cảng sang Đông Dương với văn phòng chính đặt ngay tại Sài Gòn, nơi là khách sạn Rex sau này.
Citroen là một hãng xe hơi nhỏ của Pháp nhưng có những kỹ thuật tiên phong trong kỹ nghệ xe hơi, từng được hãng General Motors (GM) của Mỹ có ý định mua lại nhưng bất thành, về sau sát nhập vào hãng Peugeot cũng của Pháp.
Giữa thập niên 60s, khi xe hơi và xe Honda Nhật bắt đầu xuất cảng sang Việt Nam, để cạnh tranh xe Nhật, vị giám đốc của Citroen tại Sài Gòn lúc bấy giờ là Jacques Duchemin quyết định hợp tác với Việt Nam để sản xuất xe hơi nội địa với giá rẻ hơn.
Công Ty Xe Hơi Sài Gòn, hay chính xác theo bảng hiệu là "Sài Gòn Xe Hơi Công Ty" của Việt Nam ra đời và bắt đầu sản xuất xe từ khoảng năm 1969-1970. Xe được đặt tên là La Dalat, dựa theo thiết kế của Citroen Mehari và nhượng quyền xe Baby-Brousse nhỏ gọn, rẻ và tiện dụng được người Pháp sản xuất tại xứ thuộc địa Côte d'Ivoire, tức Bờ biển Ngà bên Châu Phi.
Quyết định đặt tên xe là La Dalat, có lẽ vì người Pháp yêu thích Đà Lạt mà họ xây dựng dựa theo kiến trúc Pháp và thường lên nghỉ mát trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình để tránh cái nóng dưới đồng bằng khi sang Việt Nam. Những cái tên như Thung Lũng Tình Yêu (Valley D’Amour) cũng do người Pháp đặt tên. Họ xem Đà Lạt như một thiếu nữ nên mới dùng mạo từ giống cái (La). Xin nói thêm rằng, đây chỉ là giả thuyết của tác giả vì không tìm được các tài liệu tại sao có cái tên "La Dalat".
Quay lại cùng xe La Dalat, nếu nhập cảng thép tấm đến 15 đô la thì sản xuất nội địa chỉ có giá 1 đô lúc bấy giờ, cũng như giá nhân công rẻ hơn nhiều, xe La Dalat của Việt Nam trở thành những thế hệ xe đầu tiên trong mô hình xe FAF (Facile a Fabriquer, Facile a Financer) dễ sản xuất, dễ mua bán của Citroen cho các quốc gia nghèo. Mục tiêu của mô hình xe FAF là nâng sản xuất các bộ phận sản xuất nội địa lên đến 50%.
La Dalat nhập cảng những bộ phận chính của Citroen như máy, hộp số, dàn nhún, hệ thống lái, thắng và Việt Nam chế tạo phần ngoài như thân, cửa, ghế, vỏ xe, các phụ tùng... còn lại. Thân xe là thép dập và được bắt ốc vào sườn, không hàn như xe ngoại quốc.
Các tài liệu từ Citroen viết rằng, các cơ phận sản xuất nội địa tại Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên chiếm khoảng 25% của toàn bộ chiếc xe La Dalat và tăng đến 40% vào năm 1975, với tổng cộng số xe xuất xưởng vào khoảng trên dưới 5,000 xe. La Dalat cho ra bốn kiểu xe, phù hợp túi tiền người mua, dễ bảo trì hay sửa chữa, được giới trung lưu Sài Gòn ưa chuộng và mua chạy trên đường phố.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kỹ nghệ xe hơi đã thay đổi tột bậc so với thế hệ xe La Dalat còn thô sơ lúc bấy giờ. Nhưng nếu so sánh thì cần nhìn lại trong cùng cột mốc thời gian.
Những chiếc xe Kia Brisa hay Hyundai Poni, thế hệ xe đầu tiên của các hãng Kia và Hyundai của Nam Hàn xuất xưởng vào những năm 1974-1975, sau cả La Dalat và không thể xem là đẹp hơn La Dalat, nếu không nói là ngược lại.
Và hơn hết, La Dalat, những xe hơi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam đã sản xuất được đến 40% bộ phận xe vào thập niên 70s của thế kỷ trước.
Còn hôm nay, liệu bao nhiêu phần trăm bộ phận những chiếc xe hơi đang được quảng bá là "Made in Vietnam" được chế tạo tại Việt Nam?
Đinh Yên Thảo
No comments:
Post a Comment