Sunday, April 30, 2023

Tư liệu về Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

Ngày 30/4 tôi chỉ có 1 câu duy nhất để chia sẻ thay vì viết rất nhiều bài bi thiết như hàng năm. Rằng tôi có bạn (cả trên FB và ở ngoài) thuộc cả hai phe. Đương nhiên tôi tự nhận mình không thuộc giống dơi đánh đu, nửa chim nửa thú. 

Hôm nay chỉ xin đăng lại bài 

PHẠM XUÂN ẨN SAU NGÀY 30.4 

Tình cờ, tôi biết đến Phạm Xuân Ẩn trong một bài báo ở Hoa Học Trò năm 1996. Trong ảnh ấy, ông Ẩn tầm 30 tuổi, cởi trần, mặc quần đùi, đang tắm biển với một đám sinh viên Mỹ. Bài báo chỉ đề cập rằng Phạm Xuân Ẩn là nhà báo quốc tế nổi tiếng người Việt đầu tiên. Hàng chục năm sau tôi mới biết ông là siêu điệp viên mà cả ông Giáp, ông Hồ, ông Lê Đức Thọ đều ca ngợi và kính nể. Ông Giáp đọc báo cáo của điệp viên X6 (Phạm Xuân Ẩn) đã phải thốt lên: Cứ như ta đang ở tổng hành dinh của Thiệu vậy. 

Ông Giáp thừa nhận, ngay cả TQ và LX đều không giúp VN phương pháp phá ấp chiến lược của anh em Ngô Đình Diệm. Người tư vấn phá ấp chiến lược cho Hà Nội chính là Phạm Xuân Ẩn.

Công lao của ông Ẩn đối với Bắc Việt là nhiều vô kể. Chỉ một chiến công trong số đó cũng đủ người ta đúc tượng thờ ông rồi. Nhưng đáng kể nhất là thông tin để Bắc Việt triển khai trận Ấp Bắc; thông tin tình báo sau và trước vụ Mậu Thân; dự báo Mỹ ném bom miền Bắc cả hai lần; các thông tin quan trọng cho chiến dịch đường 9 Nam Lào.

Khi tự học tiếng Anh qua sách, tôi đã đọc cuốn Perfect Spy bằng nguyên bản tiếng Anh. Sau đây là phần tóm tắt của tôi (Sang Đỗ) dựa trên cuốn sách của giáo sư Larry Berman. 

1. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam (sau 1975) như những con ngựa bị che mắt vậy. Họ cứ tin tưởng và hăng hái mô phỏng hoàn toàn theo Liên Xô. Tôi biết chắc chắn mô hình ấy sẽ sụp đổ. Sau này họ đã hối hận nhưng mọi thứ đã muộn. Tôi buồn nhưng không thể làm gì được. Tất cả những tốt đẹp của Sài Gòn xưa đã, đang và sẽ bị xóa sạch. Tôi rất tiếc nhưng không thể làm gì được. Nếu nói ra như vậy, tôi sẽ bị quy kết là phản động. Và đó là tội rất to. Bây giờ tôi đã quá già để tiếp tục im lặng.

2. Tôi là người Việt Nam. Tôi khoác áo cộng sản nhưng nền văn hóa tôi hấp thụ sâu sắc lại là ở Mỹ. Bi kịch cuộc đời của riêng tôi ở chỗ đó. Nhưng tổng kết lại, tôi vẫn là người gặp may. Tôi làm hơn người khác được gì đều do may mắn. Hoàn toàn không vì khiếm tốn mà tôi nói thế. 

3. Tôi có bao giờ hối tiếc không? Tôi ghét câu hỏi này. Câu trả lời khiến tôi còn khó khăn hơn. Nhưng tôi cũng đã tự hỏi tôi hàng ngàn lần câu này rồi. Tôi không hối hận vì đã chiến đấu cho sự thống nhất của Việt Nam. Nhưng nạn tham nhũng, sự quan liêu và bảo thủ của lãnh đạo cộng sản là điều tôi rất đau lòng. Tôi không chiến đấu cho những điều đó. 

4. Những chức vụ tôi giữ sau 1975? Tôi là tỷ phú thời gian và một tay nội trợ đảm đang. Có chăng là chuyên gia luyện gà chọi, chim chọi, và huấn luyện chó. Sau 1975, tất cả những chức vụ của tôi chỉ là tượng trưng thôi. 

Với An Ninh Việt Nam thì bất cứ ai đều có thể là CIA. Với họ, tôi cũng là một tên CIA, và anh cũng vậy. Tôi được chăm sóc rất chu đáo. Bất kể khi nào, tôi đều được chăm sóc rất cẩn thận. Không nên khinh thường điều này.  

5. Tôi không ham chức vụ, quyền lực gì nữa. Nhưng quả thực tôi bị cô lập và không được giao lưu với bất kỳ ai mà không báo cáo chi bộ hoặc có một nhân viên an ninh theo dõi. Tôi cũng thật thà báo cáo tất cả những cuộc cà phê với bạn cũ. Nhưng anh biết đó, tôi không báo thì họ cũng biết rồi. Họ hỏi cũng chỉ để kiểm tra tính trung thực của tôi thôi. Trước đây, rất nhiều cuộc hẹn của tôi với bạn bè quốc tế bị họ tự ý hủy bỏ. Bạn đăng ký với cán bộ an ninh để gặp tôi thì câu trả lời phổ biến là “Ẩn không muốn gặp bạn đâu.” Sau này thì dễ dàng hơn, nhất là sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ.

6. Tôi đã quá già để thay đổi. Người ta cử tôi đi học ở Học viện chính trị để giúp tôi giác ngộ thêm. Trước đây, tôi chẳng hiểu gì về học thuyết kinh tế Liên Xô. Tôi hiểu về hệ thống của Mỹ nhiều hơn là chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên, tôi rất muốn trở thành học viên ưu tú ở học viện chính trị. Tuy nhiên, tôi đã quá già để thay đổi. Và cũng quá già để tiếp tục im lặng. 

7. Anh đã đọc sách THỜI GIAN CỦA NGƯỜI của nhà văn Nguyễn Khải chưa? Nhân vật điệp viên Quân trong đó không còn biết anh ta là ai, nên làm gì sau ngày chiến thắng. Anh ta sống quá lâu trong bình phong và các lớp mặt nạ. Đeo mặt nạ lâu đến nỗi anh ta không biết đâu là mặt thật của mình nữa. Bi kịch của những điệp viên như Quân là ở đó. Một bi kịch mà người ngoài không thể hiểu được. 

8. Tôi muốn người ta biết đến với tư cách một người thầy, một nhà báo, một người Việt Nam biết trọng nghĩa tình. Vậy thôi. Những thứ khác xin đừng nhắc đến nhiều.

9. Không thể phủ nhận rằng người Mỹ rất nhân văn và dễ thương. Tôi sống đủ lâu với Mỹ để kết luận điều này. Nhưng cứ oang oang tuyên bố thế nên bao nhiêu phiền toái cũng từ đó mà ra. Ca ngợi kẻ thù là điều lãnh đạo cộng sản không mong muốn. 

10. Theo tôi, Người Mỹ giỏi mọi thứ nhưng cái họ kém nhất chính là khả năng nghiên cứu lịch sử.

copy từ SANG ĐỖ (ELYH) REVIEW post (FB)

2 comments:

  1. Tại sao sau chiến tranh, người như ông lại có 1 nỗi buồn vô hạn về cái kết cục mà thực tế mở ra?

    ReplyDelete
  2. 1. Tôi cũng chẳng khác!
    2. Hungary, ko như Mỹ, nhưng cũng là 1 nước XHCN có mô hình tự do nhất. Nhiều người học từ đất nước này kiến thức, nhưng vứt bỏ nhiều giá trị khác để thích ứng với thực tế VN sau khi rời Hungary.
    3. Ông già tôi mất năm 2011. Ông ko như PXA, nhưng cũng là 1 cán bộ thoát ly gia đình theo kháng chiến, ông có rất nhiều quan điểm xung khắc với tôi. Ông đã từ bỏ danh vọng và sự nghiệp mở ra thời còn trẻ để theo cm. Nhưng từ những năm cuối đời, tôi nhận thấy chính kiến của ông có phần lung lay, bởi nhận ra: lớp người hy sinh tuổi trẻ như ông ko thể quản lý và điều hành quốc gia phát triển là 1 sự thật. Gìanh được chính quyền rồi, nhưng bế tắc trong vấn đề thực hiện bằng việc làm thiết thực là điều đến nay vẫn còn tháo gỡ, chưa đến hồi kết (ví dụ từ giáo dục là 1 minh chứng cụ thể).
    PXA đã nhận thức rất nhanh, vì ông là 1 chuyên gia đánh giá thời cuộc và phân tích tình hình rất giỏi ở tầm chiến lược.
    4. Những người có vấn đề với an ninh VN đều là những đối tượng nguy hiểm, liên quan đến thế lực thù địch. Nhưng ko ai nhận ra thế lực thù địch thật sự của nhân dân!
    5. Anh Quang A mà tôi biết cũng phải chịu sống trong sụ giám sát/quản chế tương tự. Khi nào thì những người như anh Quang A mới được đối xử bình thường. Tôi ko dám nói đến sự tôn trọng, vì như thế thì có thể quá phản động?
    6. Ông già tôi cũng phải đi học trường NAQ rồi mới được giao các công việc sau này ở Bộ Ngoại giao của Chính phủ CMLTCHMNVN.
    7. Đây là bi kịch có thật!
    8. Tôi cảm phục ông vì với tôi, ông đúng là người như thế!
    9. Đã chọn phe rồi, và từ 1990, vấn đề càng trầm trọng hơn.
    10. Có lẽ bác Ẩn đúng, họ lại phạm sai lầm với Tàu đỏ?

    ReplyDelete