Duyên " tiền " định (1)
Đầu năm nay, tui có đi VN du lịch, từ nam ra bắc. Vì có viết bài du lịch trên Facebook nên có một số bạn đến khách sạn cho quà hoặc rủ đi uống cà phê. Xem như là bạn ảo giờ thành bạn thật. Có những bạn lứa tuổi em cháu, nhưng cũng có nhiều bạn đồng trang lứa , cùng hoàn cảnh những ngày thơ ấu. Gặp những bạn này thì tám chuyện cả ngày không hết . Mỗi người là một mảnh đời đôi khi có thể đóng thành phim. Ai kể thì tui nghe . Cũng được dặn là đừng kể lại với ai nhưng không kể là ... chịu hỏng nổi. Dĩ nhiên khi kể lại thì mình thay tên đổi họ chớ. Đọc truyện, mong bà con chú ý đến khung cảnh sống của từng nhân vật. Đừng nôn nóng xem cốt truyện diễn biến ra sao. Thí dụ trong truyện " Lấy vợ phương xa ", cái cần đưa đến cho bạn đọc là cách sống của từng nhân vật và hoàn cảnh chung quanh. Chớ cốt truyện thì cũng hỏng có gì gay cấn.
Truyện hôm nay nói về những người Saigon. Có ăn học. Gặp thời thế đổi thay, lại ở bên thua cuộc. Đã uyển chuyển theo vận nước. Đã sống và thành công bằng chính khả năng của mình. Vì sống thật lòng nên luôn có cái kết có hậu. Truyện đã đăng và nhận được nhiều còm nhất . Nay đăng lại trong trang này. Bạn nào đọc rồi thì quẹt qua. Mong bài viết đến với các bạn mới. Truyện tui đã viết đăng cả năm mới hết nên bà con cứ thủng thẳng xem. Đừng hối nghen. Cám ơn nhiều. Xin bắt đầu...
Chị tên Ngọc
Nghe kể thì tui đoán tuổi của chị cũng cỡ tui hoặc nhỏ hơn một tuổi. Vì chị có tú tài IBM. Có nghĩa là ở cái năm con mèo này thì đã gần 70. Nghe mà ...hết hồn. Có điều mấy người cùng thời như tui, tuổi cao mà ... tâm hồn trẻ. Nói chuyện là ôm bụng cười từ đầu đến cuối. Nếu hoàn cảnh phải... đi "bước nữa ", thì cái thế hệ này vẫn... dư sức. Vì họ có một thời "huy hoàng " rồi một thuở... "điêu tàn, " rồi vươn lên, xây dựng cuộc đời khác "đàng hoàng" Bây giờ thì ... "tàn tàn"....nhìn những mùa thu đi nhưng luôn ... mỉm cười . Cái duyên dáng làm người ta trẻ trong ánh mắt, nụ cười. (Còn cái body, coi bộ hơi... rệu rệu . Chịu thôi!)...(🤣🤣🤣).
Mấy người già ngồi nói chuyện thì toàn kể chuyện... ngày xưa. Nhất là gặp người giống người thì càng vui nữa. Bởi dzậy tuổi cao rồi, kiếm người ngang tuổi mà cùng thời thì rất dễ hạp nhau, nói cả ngày không chán.
Chị xưa dân học trường Pháp ( Regina Pacis ). Ông già cũng " thứ dữ " nên sau 75 bị đi học tập " mút mùa ". Để lại bà già và mấy đứa em nheo nhóc. Chị bỏ đại học ( mà ai được học nữa với lý lịch đó ) , ra... chợ trời. Tui nói hồi đó tui cũng ra chợ trời. Chị hỏi tui mua bán cái gì? Tui nhớ rằng mình vô mấy xóm nghèo mua tủ, bàn ghế. Chùi rửa, đánh dầu lại rồi bày ngay trên lề đường bán luôn. Chị hỏi bán ở đâu? Tui nhớ mang máng là trước bộ Tổng Tham Mưu cũ có một sân cỏ rộng , nên có chỗ bày đồ. Hồi đó có phong trào hồi hương . Người lánh nạn chiến tranh, đổ về Saigon. Nay hoà bình, họ dọn nhà về xứ. Cái gì không xài họ bán, cái gì cần họ mua. Lúc đó, tủ thờ kiểu miền nam bán chạy lắm. Nơi đó tấp nập xe tải. Làm ăn cũng sống được qua ngày, cho đến khi nhà trường kêu đi học lại thì tui nghỉ. Nghe chị kể thì biết chị theo nghề buôn bán luôn.
Tui hỏi chị bán cái gì? Chị nói mới đầu chị bán vải. Vô chợ Soái Kinh Lâm trong Chợ Lớn , mua lại những cây vải dở dang. Có cây còn hai ba mét, có cây ít hơn. Đem về cắt ra theo quần hay áo. Cũng kiếm một lề đường trải ra rồi bán. Bày ra hai chục xấp. Khách lựa rồi trả giá. Bán được một xấp. Chừng đếm lại thì còn... 17 xấp. Bán đâu một tuần lễ thì ...hết vốn. Về nhà " chà đồ nhôm " gầy vốn mới. Lần này chị chuyển sang bán... thuốc Tây. Cũng nhờ biết chút tiếng Anh, tiếng Pháp mà đọc hướng dẫn được ,nên biết công dụng từng loại thuốc và cách sử dụng. Người bán nhiều khi không biết giá trị hộp thuốc nên chị có thể mua rẻ. Người mua chỉ cần khai bịnh là chị biết cần dùng thuốc gì. Nghề dạy nghề , chị " mát tay ", kê đơn như... bác sĩ.... Người ta uống ,hết bịnh nên đến mua hoài....
Hồi đó mà bán thuốc rất dễ bị công an bắt . Nên phải giấu thuốc ở nơi này và bán ở nơi khác. Khách mua thì đứng chờ chút để người bán đi lấy. Tui nghe chị kể chuyện thì cũng thấy chị có trình độ , nhưng làm ăn thì cũng cần cái ....miệng. Chị vừa kể vừa chúm chím cười ,(😍😍😍)thì khách nào mà bỏ đi được.
Buôn có bạn mà bán có phường. Có một anh trẻ ngồi kế bên cũng bán thuốc giống như chị. Tên Hải. Khi đi lấy thuốc thì nhờ ảnh trông hàng trông khách. Ảnh cũng trạc tuổi với chị. Có bị động viên đi lính. Đang học dang dở trường sĩ quan Dalat thì 75. Ảnh khai là " khoá sinh " nên chỉ học tập có 3 ngày. Cũng nhờ chút trình độ mới bán được thuốc Tây.
Một bữa nọ, ảnh nói nhỏ với chị : Tui muốn nói với em chiện này mà khó nói quá. Chị đưa đẩy: ừa! Khó nói thì nói... chậm chậm thôi chớ có gì đâu... Ảnh bẽn lẽn: hừm hừm nói kỳ quá nhưng cũng phải nói.... Chị hơi hồi hộp, dường như hai gò má đỏ bừng...
Ngọc à! Em có .... tiền cho mượn mấy trăm... Người ta kêu mua một thùng hàng mà anh không đủ tiền...
Mấy năm này ( 79,80) . Những người vượt biên năm 75 mà định cư ở Mỹ đã có thể gởi thư và gởi quà về cho gia đình. Quần áo, xà bông và nhiều nhất là thuốc Tây. Người bịnh lúc đó chỉ trông vào thuốc ngoại nhập để qua cơn bệnh chớ vô bệnh viện cũng không có thuốc. Bác sĩ cho toa nhưng kiếm thuốc thì bệnh nhân tự lo. Hải được một người muốn bán nguyên thùng mà anh không đủ vốn.
Như bị thôi miên, chị lục túi liền. Gom tiền chẵn rồi tiền lẻ , đâu được chín trăm. Đưa cho Hải liền mà không mảy may nghĩ ngợi. Hải cám ơn rồi xách xe.... đạp ...đi liền.
Đến lúc này chị mới hồi tỉnh. Số tiền đó là cả vốn liếng của chị gom mấy năm trời ....( tui nhớ năm đó đi dạy học, lương tui là 30 đồng. Lãnh đúng một tờ bạc , tờ 30 đồng ). Mà chị đâu biết nhà ảnh. Chỉ gặp nhau ở chợ thôi . Mà đây là chợ.... trời. Nếu ảnh đi luôn thì huề. Chị lo lắng lắm. Mẹ và mấy đứa em , tất cả đều trông nhờ vào tài buôn bán của chị. Tài giỏi mà dại trai vậy chớ....
Ngày hôm sau không thấy Hải ra chợ. Thêm hai ngày nữa là chị thôi chờ đợi mà biết là mất tiền rồi. Đang tính phải đi vay mượn ở đâu thì Hải xuất hiện. Anh nói phải về tỉnh xa để lấy hàng. Anh thu xếp trả đủ số tiền và biếu chị thêm chút đỉnh. Anh nói việc mua bán vừa qua anh kiếm được mấy chỉ vàng. Có người quen họ cần góp mua một máy tầu vượt biên. Ảnh hỏi chị muốn đi với ảnh không. Đi với ảnh chỉ tốn ít vàng thôi...
Chị đắn đo. Cũng sợ bị lừa. Mà gia đình cũng còn nặng gánh nên chị nói không thể. Sau này không thấy Hải xuất hiện nữa. Chị đoán là Hải đi thành công, hoặc đã chết, hoặc ở tù.... Đó là cảnh những người vượt biên thời ấy.
Một là con nuôi má. Hai là con nuôi... cá. Ba là má nuôi con... Câu này người ta quên rồi phải không?
Chợ trời là một thời của người Saigon. Nó tự phát khi người ta bị dồn vào bước đường cùng. Cũng từ đó người ta rút ra một quy luật là bất cứ hoàn cảnh nào , ta vẫn tìm ra đường sống. Bạn cứ thử nghĩ một nữ sinh chỉ biết cắp sách đến trường, mỗi sáng xin tiền cha mẹ. Mà gặp nghịch cảnh như vậy làm sao sống? Cũng như có gia đình, cha đi học tập, con cái nheo nhóc. Còn bị đuổi khỏi ngôi nhà đang ở. Vậy mà bây giờ ngó lại . Ai gốc công chúa thì giờ vẫn là .... nữ hoàng. Không lẫn lộn vào đâu được dù bao sóng gió.
Ngọc từ miếng các tông để trên đường bày ra mấy vỏ hộp thuốc. Dần dà mà mua được một căn nhà nhỏ đường Nguyễn Thông. Những năm sau này chợ trời không còn đất sống thì khu phố ấy trở thành nơi bán những mặt hàng thực phẩm xa xỉ từ nước ngoài gởi về. Máu buôn bán giờ đã có sẵn trong người, chị nương theo họ và cũng mở một cửa hàng bán đủ loại sữa hộp, sữa bột.... Những năm 2010, người Saigon giờ giàu có hơn và sữa là thực phẩm chính cho trẻ em và người già. Cửa hàng của chị sống được.
Chị cũng kịp.... có chồng và vài đứa con như người ta. Rồi chồng cũng ... đi lấy vợ khác như... người ta. Ở vậy nuôi con khôn lớn. Cũng thêm vài mối tình ... lẻ tẻ như... người ta và cũng hỏng đi đến đâu ,nhưng cũng giúp chị thêm... bản lĩnh. Và như bao phụ nữ, nói cứng rằng mình chẳng cần ai cho mệt nhưng thâm tâm vẫn mong có một hoàng tử ở đâu đến. Và có hoàng tử đến thật. ( còn tiếp)
Jimmy Nguyen Nguyen (Trang Văn chương Miền Nam)
No comments:
Post a Comment