Lấy vợ phương xa (tiếp theo & hết)
Giấy tờ xong, cưới hỏi xong, cũng dắt nàng về " làm dâu "...1 ngày ,rồi bữa sau tui khăn gói về quê nàng ... ở rể. Tui chán cái ngột ngạt ở Saigon, về quê hưởng cái thú sông nước với bà con bên vợ. Nay đi nhà này, mốt đi nhà kia, đi giáp vòng cũng gần một tháng. Ở quê mới thấy đồng tiền thật khó kiếm. Nhà nàng , bà già trông vào tiền bán dừa, một ngàn trái dừa là hai triệu đồng, trung bình 3 tháng được vài triệu. Ông anh làm hãng gần đó, lương 5 triệu đồng. Tui ở đó xài " nhín nhín", một ngày cũng một triệu đồng. Nên nghĩ lương hoặc thu nhập như vậy mà họ vẫn xài đủ, hay thiệt. Mà chiều nào cũng nhậu và cuối tuần nào cũng có đám tiệc. Tui dùng " cầu cá" cũng quen và ... thật thú vị ( trong đời ). Có điều mình là vk, muỗi rất khoái, rõ ràng nó chỉ bu vô cắn tui, hai cái chân sưng vù ...
Ăn uống , mới đầu không thấy ngon bằng Saigon, nhưng ở lâu cái cơ thể thay đổi, dần dần tui ăn được như người ta: canh không bột ngọt, thịt luộc chấm mắm, rau sống rửa nước phèn... Chú vk bình dân ai cũng mến, bà con hỏi còn ai giống tui đem về đây họ ... gả con cho... Hic! Kiếm hỏng ra đâu . Không ai chì chiết cái vụ già trẻ, họ quen rồi. Làm sao quen? Có một anh trẻ làm công an xã, ở gần nhà nên tui cũng làm quen và đôi khi uống vài ve gọi là tình làng nghĩa xóm. Anh ấy nói một sự thực là tỉnh nhà, một năm " gả " trên 30 ngàn cô dâu. Đi nhiều nhất là Mỹ và Canada. Sau đó là Hàn Quốc và Đài Loan. Cho nên vì sao lúc tui làm giấy tờ , nó khó như vậy. Mà cũng không cản nổi làn sóng người nữ lấy chồng nước ngoài. Nam thanh niên giờ rất khó lấy vợ... Anh nào đàng hoàng thì may ra, lạng quạng là vợ ẵm con về nhà mẹ liền. Mỗi dịp lễ tết , chú rể đủ quốc tịch kéo về... Cúng đình hay đám giỗ,đôi khi có nhiều chú râu xồm vái lạy, vui hết biết.
Tui nộp giấy tờ bảo lãnh, khoảng một năm thì vợ qua đoàn tụ. Nàng rất muốn giúp chồng, đòi đi làm liền, nhưng tui nói tui có thể lo được. Trước hết phải có bằng lái xe và học ít tiếng Anh lận lưng. Khoảng hai tháng thì nàng đi làm chút đỉnh cho quen . Tụi tui giờ có thể thuê cái nhà riêng, lớn, đầy đủ các phòng. Nàng thích được cùng tui đi các party. Tuần nào cũng có họp mặt, rồi đi chơi xa. Đời sống khá ổn, tui cảm thấy mình như có hạnh phúc cuối đời.
Có điều ở với nhau mới ba bốn tháng thì nàng có thai. Nàng có hỏi ý kiến tui : giữ hay bỏ. " anh muốn con không?, anh muốn em bỏ để đi làm thêm giúp anh rồi khi có điều kiện mình... làm lại....???".
Tui thì đã có nhiều con, nhưng nàng chưa có, phải chi nàng đã có con thì tui cũng không cần , nhưng nàng giờ đã ...30, cũng cần phải có ít nhất một con, đó là cái tương lai của người phụ nữ...Lúc đó tui 59 tuổi. Tui suy nghĩ mấy ngày và quyết định giữ đứa con. Khi nó sinh ra tui tròn 60 tuổi. Cha rất già mà con mọn quá. Nàng thì vui mừng: " em muốn có con với anh, với người em thương . Anh ráng vài năm con lớn một chút thì anh nghỉ ở nhà giữ con, một mình em đi làm cũng được...
Nhưng thêm đứa con , tui nếm mùi vất vả. Bây giờ hết " chảnh" rồi, giá rẻ cũng làm. Tui làm luôn ngày nghỉ, đi sớm và về trễ để có đủ thu nhập trang trải cuộc sống. Dù mệt mỏi nhưng nhìn cháu bé tập đi, vợ lúi húi làm đồ ăn , rồi mâm cơm dọn ra, vợ giữ con cho chồng ăn rồi chồng ôm con cho vợ ăn sau....Cái cảnh mà mấy chục năm trước, giờ được lập lại trong đời.
Nhưng rồi có một điều xảy đến.
Lúc mới từ Nhật qua Úc, tui bị một cục mụn nhỏ trong cuống họng, uống thuốc hoài không hết, chịu đau cũng cả năm. Nhờ bên Úc chữa trị không tốn tiền nên tui mạnh dạn đi khám, họ nói ung thư nhưng lành tính, mổ cắt đi là xong. Tui nằm bv có vài giờ là về. Những năm sau đó tui khỏe mạnh và đã quên cái mụn đó. Mười năm tính từ ngày mổ, giờ nó mọc trở lại, bự hơn...tui đi khám liền và bác sĩ nói cần giải phẫu lần nữa.
Bên Úc , họ khám xong, nếu mình có tiền vào nhà thương tư thì có thể mổ liền. Trường hợp của tui phải chờ vài tháng, và kết quả sau khi mổ, không ai dám bảo đảm. Tui có hơi mất bình tĩnh một thời gian. Làm ăn cũng trật vuột và gia đình cũng đôi chút xào xáo vì tui khá nóng nảy, nhiều lúc "trút " tầm bậy lên mẹ con nàng.
Rồi tui cũng được giải phẫu. Sau khi cắt các cục trong cổ. Bác sĩ mổ thêm từ cằm đến gáy để... cắt tiếp các di căn ( nhờ vậy mà tui có... cằm chẻ ). Họ cắt sao đó mà tui mất cảm giác của một phần thân thể, luôn cả... chỗ đó. Tui có thể đi làm lại nhưng không được như xưa, và phải thường xuyên đến bệnh viện để xạ trị rồi hoá trị. Các bác sĩ đều nói mổ lần này chắc chỉ được vài ba năm, nếu nó di căn thì phải mổ lần nữa. Nói là ....tui hiểu.
Không lẽ đưa vợ qua đây nuôi ông già bệnh? Tui kiếm cớ để bỏ nhà đi. Như vậy nàng sẽ được chính phủ trợ cấp.Nàng khủng hoảng mấy tháng nhưng rồi cũng hiểu. Giờ nàng phải tự lo cho mình và cho con . Tui không thể tiếp tục cuộc sống gia đình êm ấm vì không muốn vướng bận người ta. Giờ tui phải lo cho bản thân vì bác sĩ kêu thích ăn gì thì ăn, thích đi chơi đâu thì ... đi đi.
Nàng đã được quốc tịch , đã mua nhà và lấy chồng... mới . Hồi mới mua nhà tui cũng đến sửa chữa chút đỉnh cho họ . Lâu lâu cũng giúp vài trăm tuỳ khả năng. Bây giờ họ khá rồi. Nói chung là ổn. Ở nước ngoài, năm sau bao giờ cũng khá hơn năm trước. Người qua mười năm bao giờ cũng khá hơn người mới qua. Và hai chục năm thì thật khác biệt.
Tính ra tụi tui sống chung ở Úc được ...18 tháng. Cháu bé lớn theo thời gian và là niềm vui còn lại của cả hai người. Hơ hơ, mình có " đi "vẫn có lời mà.Một mầm sống thay thế mình thật tuyệt vời phải không bà con, giàu có làm chi, đâu mang theo được. Tui vui với quyết định của mình và không ân hận.
Cám ơn các bạn đã likes, còm. Bài viết chỉ muốn nói sự thật một cảnh đời việt kiều và một cảnh ở làng quê. Người Việt ở đâu cũng tốt, không tệ như những gì mình xem trên mạng đâu. Còn hôn nhân thì ở xứ nào, mức độ ly dị cũng trên 50% mà. Ở đâu cũng có người này người kia. Hãy mạnh dạn và cởi mở.
Trong các loạt bài kế tiếp, tui sẽ kể chuyện... người ta.( Chuyện của tui hết rồi). Đi đây đi đó thấy được nhiều mảnh đời, tui góp nhặt kể hầu quý vị. Tui chỉ thích truyện có hậu để mong đem đến cho bạn đọc những năng lượng tích cực. Và xem đó là tôn chỉ của mình.
Jimmy Nguyen Nguyen (Trang Văn thơ Miền Nam)
No comments:
Post a Comment