Tuesday, June 13, 2023

Chuyện của Chầy và Cối: TĂNG TRƯỞNG LÀ PHÁT TRIỂN?

 Thằng Cối hỏi thằng Chầy, tại sao kinh tế nước ta năm nào cũng thuộc các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới vẫn nằm trong nhóm các nước chậm phát triển?

Thằng Chầy cười mỉa mai:

- Câu mày hỏi khối ông (bà) nghị còn không trả lời được, thông thường tăng trưởng nhanh sẽ đi với phát triển nhanh, nhưng đấy không phải là quy luật bất di, bất dịch, thậm chí tăng trưởng nhanh còn là tai họa cho tương lai đất nước, đời sau phải gánh chịu hậu quả.

Khái niệm “tăng trưởng” & “phát triển” dễ bị đánh lận, tung hỏa mù. 

Lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu:

Việt Nam nghèo muốn phát triển phải đi vay để đầu tư.

Vay được tiền, đầu tư như thế nào, hiệu quả đầu tư có cao không? Điều này rất quan trọng.

Có tiền là có tăng trưởng, các ngành nghề có công ăn việc làm, các dự án được mở ra làm GDP tăng nhanh, chẳng phải tài giỏi gì nghiễm nhiên nó tăng.

Các dự án sau khi đi vào hoạt động, không phát huy được hiệu quả, nhiều khi còn đắp chiếu, bỏ hoang không đưa vào khai thác, gánh nặng nợ phải trả bắt đầu tác động vào nền kinh tế, người dân sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, các phúc lợi xã hội bị cắt giảm…. 

Quốc gia thâm thủng ngân sách, giật gấu vá vai kèm theo các vấn nạn như ô nhiễm môi trường, bệnh tật gia tăng, thất nghiệp…. Thiếu trường học, bệnh viện….  tăng trưởng mà không phát triển chính là chỗ này.

Tăng trưởng nhanh đi đôi với quản lý nhà nước yếu kém, tệ nạn tham nhũng tràn lan sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội, một số người trở nên giàu có trong khi đa số người dân trở nên khánh kiệt….  Để bảo vệ chế độ, gánh nặng nuôi hệ thống chính trị, lực lượng chuyên chính sẽ càng làm ngân khố thâm thủng.

Chỉ số tăng trưởng GDP chẳng có ý nghĩa gì, nếu lấy chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) đem ra làm thước đo đánh giá.

Chỉ số HDI tuy thực sự chưa đánh giá hết chất lượng phát triển của một quốc gia, nhưng với tiêu chí đề cập đến thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người)…. Sẽ cho thấy mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và bản chất phát triển không hẳn đã đi đôi với nhau.

Ở Việt Nam, nghịch lý này thể hiện rất rõ bằng ba con số, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào nhóm (52 - 70)/ 200 các quốc gia, nhưng về chỉ số phát triển kinh tế là 137/ 200 quốc gia.

Và chỉ số phát triển triển con người (HDI) là 115/ 191 quốc gia.

Báo chí truyền thông của ta hay đưa tin về tốc độ tăng trưởng (GDP) coi đó như là thành tích điều hành của chính phủ, của hệ thống chính trị, nhưng thực sự nó không có ý nghĩa phản ánh đến sự phát triển kinh tế.

Khi không còn khả năng vay được nữa, nợ đến ngày phải trả sẽ thấy tốc độ tăng trưởng giảm đi nhanh chóng, đồng thời sẽ lộ ra tăng trưởng không đi đôi với sự phát triển, đồng tiền đầu tư vào các dự án thực sự không đem lại hiệu quả, người dân sẽ phải gánh chịu nợ hết đời này đến đời khác, kèm theo vấn nạn xã hội gia tăng không thể giải quyết ngày càng trầm trọng.

Nợ nần còn bị giàng buộc về vấn đề chủ quyền, bị các thế lực quốc tế lợi dụng khiến nền chính trị Việt Nam lệ thuộc rất nguy hiểm.

Cần nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI rất lớn.

Con số tăng trưởng được tuyên truyền lại càng “ảo”, hữu danh, vô thực. 

Cho nên nói tốc độ tăng trưởng nhanh cũng không hẳn là chính xác, phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế.

Ảnh: 1 đất nước phát triển không bao giờ xuất khẩu lao động phổ thông, mà chỉ xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng trí tuệ cao

Bài: Anh Quốc 

2 comments:

  1. Cái này Chầy và Cối nên hỏi bạn Biết tuốt, có khi cũng bí vì lại phải nghiên cứu xem tại sao cái nước mình nó thế.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dui Nguyen
      Bài viết đơn giản đủ cho mọi người hiểu.
      Còn hay ở chỗ là tăng trưởng của ta không thể không nói đến FDI.

      Delete