Friday, June 9, 2023

Chân lý của tôi: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (1)

Phần mở đầu

Thế kỷ 20 là thế kỷ có nhiều biến động lớn nhất của trật tự thế giới kể từ khi thành Rome sụp đổ. Những cuộc chiến tranh thế giới nổ ra có sức tàn phá và ảnh hưởng về vật chất lẫn tinh thần của nhân loại rất sâu sắc và lâu dài. Sau Thế chiến thứ 2, châu Âu bước vào thời kỳ hòa bình với kỷ nguyên phát triển của các quốc gia, đặc biệt ở Tây Âu là thời kỳ chứng kiến sự phát triển thần kỳ của kinh tế được gọi là "30 năm vẻ vang".
Thế nhưng tại VN, đúng vào thời gian này (1945-1975), đã diễn ra 2 cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Tại sao số phận của dân tộc VN lại bất hạnh như vậy? Câu hỏi này có từ khi nào và câu chuyện đã xảy ra ntn? Muốn tìm câu trả lời, chúng ta phải trở lại thế kỷ 19 để tìm hiểu về lịch sử và tìm nguyên nhân nào làm người VN phải gánh chịu quá nhiều đau thương suốt 30 năm ấy.
Sau khi bị mất những thuộc địa của mình ở châu Mỹ, sang thế kỷ 19, Vương quốc Anh  nhanh chóng chuyển sự quan tâm tới châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương. Trong khi đó, người Pháp chỉ xuất hiện ở châu Á với những hoạt động thương mại và truyền giáo. Việc vua Louis XVI thực hiện cuộc viễn chinh năm 1787* cũng chỉ với mục đích truyền giáo, giúp giáo sĩ người Pháp Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc), người trợ giúp của Nguyễn Ánh từ năm 1777 để chống lại nhà Tây Sơn, lập triều Nguyễn mà thôi**.
Nước Pháp chỉ thực sự ''dòm ngó'' Đông Dương (ĐD) từ sau năm 1840 vì thèm muốn thị trường Trung Hoa. ĐD là xứ có thể giúp họ mở đường tiến vào  thị trường này. Điều này đã xảy ra quá chậm 1 phần do Pháp bại trận trước Phổ, tuy nhiên sau đó lại muốn phục hồi bằng tài nguyên của các xứ thuộc địa. Nhưng đề tài ĐD luôn là chủ đề gây tranh cãi của nước Pháp, do đó, đến cuối thế kỷ 19 Pháp mới bắt đầu thực hiện tham vọng của mình. 
Và sự xâm nhập của người Pháp đã diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh với Vương quốc Anh và những đế quốc khác. Sau đó, Liên hiệp ĐD được thành lập năm 1887. Từ 1897, ĐD nằm dưới sự quản lý của 1 viên Toàn quyền***
Pigneau de Behaine (Ảnh chọn từ net)


Phần 1: Xứ ĐD thuộc Pháp (Thời kỳ 1897-1910)

Ông Toàn Quyền

Được bổ nhiệm làm Toàn quyền đầu tiên của xứ Đông Dương (ĐD) thuộc Pháp, Paul Doumer là người đại diện cho những người Pháp tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân mang sứ mệnh và sức mạnh của nước Pháp ở ĐD nói riêng và châu Á nói chung.
Paul Doumer từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ Pháp trước khi sang Đông Dương. Sau khi ông được bổ nhiệm là Toàn quyền Đông Dương, chính sách thuộc địa của Pháp chuyển sang 1 bước ngoặt mới. P. Doumer là 1 nhà cai trị độc tài nhưng đã mang lại nhiều thay đổi ngay từ khi nhận chức: ông thiết lập lại bộ máy nhà nước bảo hộ và lập tức xây dựng cơ sở hạ tầng ở VN. Cầu Doumer trên sông Hồng là 1 trong những sản phẩm tiêu biểu của thời kỳ này.

Henri Lamagat, tác giả cuốn Souvenirs d'un vieux Journalistre Indochinois nhận xét về ông: "là một nhân vật vĩ đại của nước Pháp và của thuộc địa Pháp, liêm khiết và không chút vụ lợi.". Những công trình của ông đã thực hiện, trong đó là tuyến đường sắt mà ông khởi tạo ở VN hơn 100 năm qua, đến nay vẫn còn có giá trị lớn trong nền kinh tế nước ta.

Chỉ làm Toàn quyền Đông Dương 5 năm, nhưng P. Doumer để lại những dấu ấn rất rõ dưới thời thuộc Pháp. Ông chủ trương biến chế độ Bảo hộ Pháp ở Đông Dương (ĐD) thành chế độc "trực trị". Ông thực hiện chính sách sưu thuế hà khắc để xây dựng hạ tầng cơ sở cho xứ ĐD nhằm khai thác tài nguyên và biến các nước thuộc địa trong vùng thành thị trường, tiền đồn của Pháp ở Viễn Đông.

Cuốn Xứ Đông Dương được P. Doumer viết vào năm 1903, 1 năm ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ Toàn quyền ĐD nên cuốn sách của ông chứa đựng nội dung chân thực và rõ ràng trong bối cảnh lúc bấy giờ. Ông thấy rằng: mình đã hoàn thành trọng trách lớn lao và có thể giới thiệu xứ sở này với thế giới. ĐD đã trở nên cường thịnh và đang mạnh mẽ đi tới một tương lai xán lạn.

Paul là 1 viên Toàn quyền vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Ông dứt khoát chia ĐD thành 5 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên với sách lược chia để trị. Doumer ko chỉ xây dựng nhiều công trình giao thông, ông còn ủng hộ Yersin, đồng ý xây dựng tp. Đà Lạt và đưa cây cao su vào VN. Dưới thời Doumer, Hà Nội là tp châu Á đầu tiên có điện.

Doumer đã làm rất nhiều để ĐD phồn vinh và phục vụ nước Pháp. Để làm được như thế, ông vừa là quan cai trị, 1 nhà kinh tế giỏi, nhưng trước hết Paul là 1 người yêu nước chân chính, ông hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Và với việc hoàn thành trọng trách của ông, một đất nước theo kiểu Tây phương được công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa đã bắt đầu hình thành...

Toàn quyền ĐD Paul Doumer (1897-1902)

Chủ nghĩa thực dân và sứ mạng khai hóa ở ĐD

Cuộc cm Pháp và những chuyển biến của nó đã đưa nước Pháp vượt qua các nước khác ở châu Âu. Tiếng Pháp thay thế ko chỉ tiếng latinh mà cả tiếng Ý và Tây Ban Nha. Vì vậy, về mặt vh, nó đã thay đổi bộ mặt của nước Pháp: 1 bộ mặt thể hiện logic của 1 cường quốc đầy sức mạnh của quyền lực, tiến bộ khoa học-kỹ thuật và tư tưởng nhiều hơn là mục đích thống trị của đế quốc ở thuộc địa.

Và khai hóa, cùng với cuộc chinh phục bằng súng đạn cũng như tiến bộ xh được nhìn nhận như là quá trình đưa con người thoát khỏi tình trạng man rợ và lạc hậu. Sứ mạng khai hóa, mà trong đó giáo dục được coi như mũi giáo khai sáng, rất được người Pháp chú trọng ở ĐD. Mục đích của giáo dục với những cải cách phải cải thiện mạnh mẽ giá trị của sản xuất tại thuộc địa "bằng cách nâng cao chất lượng của trí tuệ và năng lực trong thành phần nhân công bản xứ. Ngoài ra, nền giáo dục phải tạo ra và phát triển từ tầng lớp cần lao 1 tầng lớp tinh hoa mới"*.

Ở VN, người Pháp đã cố gắng thực hiện chính sách đồng hóa. Giáo dục người bản xứ được đặt làm trọng tâm cho những toan tính chính trị (thực hiện trong khái niệm thuộc 1 thể chế của Liên bang ĐD) với tư tưởng khai sáng (văn minh). Người Pháp cho rằng: người dân Nam Kỳ là những người hiền lành và ôn hòa, dễ cai trị, nên họ đã tập trung thực hiện 1 mô hình giáo dục bằng việc phổ cập chữ quốc ngữ và tiếng Pháp tại đây. Chương trình học luôn được cải cách với kỳ vọng sẽ làm dân chúng ''chuyển mình tỉnh giấc sau giấc ngủ ngàn năm.''**

Sau khi ĐD được bình định bằng bạo lực, Paul Doumer đã coi người Việt như 1 chủng tộc có những phẩm chất gần với người Nhật, ông cho rằng: dân tộc này vượt trội so với các dân tộc xung quanh vì có những đức tính thông minh, cần cù và dũng cảm. Đó là điều đã mang lại cho ông mong muốn tạo dựng nên 1 cơ đồ trên đất Việt với niềm tin vào sức mạnh trỗi dậy của ĐD. Giống như P. Doumer, những người kế nhiệm ông đã cố gắng mở mang và phát triển ĐD trong nỗ lực vì 1 tương lai hòa hợp, cùng hành động bên nhau vì mục đích của nước Pháp gắn liền với quyền lợi và sự tiến bộ của thuộc địa.

Trường Lasan Taberd, nay là trường PT Chuyên Trần Đại Nghĩa

Tư tưởng khai sáng và thành tựu đạt được của giáo dục thuộc địa ở ĐD

Sau công cuộc chinh phục lãnh thổ là cuộc chinh phục tinh thần và trái tim. Người Việt có bản sắc vh luôn được coi trọng là tinh thần hiếu học. Vì vậy, người Pháp đã đặt thuộc tính này vào hệ thống giáo dục thuộc địa ĐD, 1 hệ thống duy nhất, được coi là ''đầy đủ và kiện toàn nhất trong tất cả các xứ thuộc địa của Pháp''. ĐD có hẳn một chương trình giáo dục hòan thiện từ trường làng lên đến cấp học ĐH cao nhất dành cho người bản xứ. Uy tín trường Y khoa ĐD cũng ngang hàng với Y khoa Paris. Một phần chương trình học được dạy bằng bản ngữ, gắn liền với vh bản xứ và giáo cụ thích ứng với học sinh.

Di sản cơ bản nhất của nền giáo dục này là sự tiếp nhận chữ Quốc ngữ, tạo nên 1 nền báo chí và văn chương phong phú, đa dạng. Trên phương diện sư phạm, người Pháp đã đưa những môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật vào chương trình, mở ra cánh cửa vh, văn chương và triết học ngoài khuôn khổ Khổng giáo, và kiến thức nghệ thuật cũng vượt khỏi khuôn khổ Á châu.

Mang tư tưởng khai sáng, nước Pháp hào phóng đã dẫn dắt người ĐD đến với văn minh. Vốn ham học hỏi, tầng lớp tinh hoa mới của người Việt khao khát hòa nhập trong tư tưởng của vh Pháp. Cuối cùng, những giá trị phi vụ lợi, của 1 nền giáo dục đích thực, đã mở rộng cánh cửa của ngôi đền trí thức và vh cho người bản xứ.

Mặc dù đạt được cấp học cao nhất ko phải là điều dễ chinh phục, vẫn có nhiều học sinh bản xứ xuất sắc vươn tới đỉnh tháp này (Chính phủ VN độc lập đầu tiên vào năm 1945 đã tiếp nhận và thừa hưởng hệ thống giáo dục của Pháp trên phương diện phương pháp, tổ chức, thiết chế, bằng cấp và chỉ ''quốc dân hóa'' nội dung của chương trình giảng dạy).

Trường Y khoa ĐD (École de Médecine de l’Indochine) - ảnh chọn từ net


(* & **):  những chữ trong ngoặc kép trích từ cuốn Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa (Tác giả: Nguyễn Thụy Phương)

(còn nữa)

(*): Vua Louis XVI đã ủng hộ Bá Đa Lộc thông qua hiệp ước thương mại và quân sự với Đại Việt (khi đó chưa gọi là Việt Nam).
(**): NHÀ NGUYỄN, do Nguyễn Ánh (阮暎) lập nên vào năm 1802, đặt kinh đô tại Phú Xuân (Huế), và tên nước VIỆT NAM được ra đời vào đời Hoàng đế Gia Long (Nguyễn Ánh). 
Sinh quán của Nguyễn Ánh là PHÚ XUÂN (HUẾ) 
Nhà Nguyễn kéo dài đến năm 1945. Đây là triều đại quân chủ cuối cùng của nước Việt. 
(***): Trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương, Toàn quyền Pháp Paul Doumer (1897-1902) đã mô tả rất rõ thời kỳ này.

3 comments:

  1. * NHÀ NGUYỄN, do Nguyễn Ánh (阮暎) lập nên vào năm 1802, đặt kinh đô tại Phú Xuân (Huế), và tên nước VIỆT NAM được ra đời vào đời Hoàng đế Gia Long (Nguyễn Ánh).
    Sinh quán của Nguyễn Ánh là PHÚ XUÂN (HUẾ)
    Nhà Nguyễn kéo dài đến năm 1945. Đây là triều đại quân chủ cuối cùng của nước Việt.

    ReplyDelete
  2. Đọc & lược ghi từ Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Huyền thoại đỏ & Huyền thoại đen (Nguyễn Thụy Phương)

    ReplyDelete
  3. Từ lâu đời, với người phương Tây, châu Á là một vùng đất rộng lớn vừa quen thuộc vừa xa lạ, đầy bí ẩn và quyến rũ. Sau những người Viking vượt Đại Tây Dương bằng những chiến thuyền drakar (khoảng cuối thế kỷ 8 đến thế kỷ 11), đến thế kỷ 15-16, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là 2 nước mở ra kỷ nguyên khám phá thế giới bằng những hành trình xuyên đại dương như tiền đề cho Đế quốc Anh (British Empire) sau đó chinh phục nhiều vùng đất, tạo nên một đế quốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Suốt hơn một thế kỷ, nước Anh ngự trị trên đỉnh cao của châu Âu và thế giới khi thống trị trên 33.670.000 km² (1/4 diện tích toàn cầu) và cai trị khoảng 458 triệu người (1/5 dân số thế giới). Ở châu Á, từ Ấn Độ, Anh tiếp tục mở rộng lãnh thổ của mình, chiếm Java từ Hà Lan (1811), thu nhận Singapore (1819) và Malacca (1824) và đánh chiếm Miến Điện (1826). Với Trung Quốc (TQ), người Anh bắt đầu dòm ngó nước này qua quan hệ giao thương và từ đó tiến hành cuộc chiến tranh nha phiến dẫn đến việc Anh chiếm đảo Hong Kong (1841) cho đến khi nổi tiếng với câu nói "đế quốc có mặt trời không bao giờ lặn" trên lãnh thổ của mình. Do vậy mà ảnh hưởng từ di sản văn hóa, ngôn ngữ v.v. của người Anh cùng với sự thôn tính/ảnh hưởng của các nước phương Tây mà văn minh châu Âu được truyền bá rộng rãi khắp châu Á cũng như toàn thế giới.

    ReplyDelete