Wednesday, June 28, 2023

Về văn vẻ chữ nghĩa

 XIN NÓI THÊM VỀ "ẤM Ớ HỘI TỀ" 

Mạc Văn Trang

Sau khi tôi đăng bài thơ “ẤM Ớ”, có nhiều bạn hỏi “Ấm ớ hội tề” là như thế nào?​​ Thực ra ý của bài thơ nảy ra khi tôi đọc bài “BÀN QUA VỀ TÍNH ẤM Ớ CỦA NHÂN VẬT VĂN HỌC TRONG CÁC KIỆT TÁC NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo (Bài in trên báo Văn hóa văn nghệ công an số ra thứ 5, ngày 20-4-2023). Trần Mạnh Hảo viết: “Nói tóm lại “ấm ớ” là đặc tính nước đôi của con người, như là tính phản thể, tính phân thân vừa “ba phải” vừa “tưng tửng”, “man mát”, “man man”, có vẻ như “dở người”, tí xiên xẹo, một tí vờ vịt, vừa ranh ma vặt, vừa khờ khạo thật, nửa khôn nửa dại, nửa ma bùn trí trá, nửa ngố tàu nửa giả bộ ngu lâu”… “Hầu hết các nhân vật chính của các kiệt tác văn học thế giới và Việt Nam đều là những người ấm ớ”…

Như vậy Trần Mạnh Hảo viết về các NHÂN VẬT ẤM Ớ, các CÁ NHÂN ấm ớ. Còn “ẤM Ớ HỘI TỀ” có khác, là nói về một tổ chức cộng đồng xã hội hai mang, là một hoàn cảnh xã hội mù mờ, vô pháp, con người phải sống trong trạng thái xã hội lẫn lộn trắng đen, phải trái, luôn phải đối phó để sống, mà cũng rất dễ chết oan.

Nhưng tôi nghĩ, các nhân vật/cá nhân ấm ớ (như Trần Mạnh Hảo nói) cũng đều phản ánh một trạng thái xã hội “ấm ớ hội tề”…

Bây giờ ta tìm hiểu khái niệm/ tên gọi “Hội tề” là gì? Tra Từ điển Tiếng Việt được biết: Danh từ “Hội tề” là “cơ quan hành chính cấp làng/ xã ở Nam Bộ thời Pháp thuộc (trước 1945)”; đó là Hội đồng cai quản làng/ xã, có chừng 11 người, trong đó có ông Chánh, Phó Hội đồng (Hương chủ) và các thành viên Hương sư (giáo dục), Hương quản (an ninh)… Thời chiến tranh Pháp – Việt (1946-1954, những vùng Pháp chiếm đóng ở miền Bắc, Pháp cũng cho lập chính quyền các làng theo kiểu “Hội tề” như Nam Bộ, gọi là “làng tề”.

Việt Minh gọi vùng Pháp cai quản là “vùng tạm chiếm” và tìm cách đưa người của Việt Minh vào các “Hội tề”. Ví dụ làng Vũ La quê tôi, năm 1948 là “làng tề” thì có Hội tề. Người Pháp tìm mấy người trước kia từng làm Lý trưởng, Phó lý, Trương tuần, Chưởng bạ… lập ra Hội tề. Ông anh tôi là Mạc Văn Vượng (SN 1923), người của Việt Minh được cài vào Hội tề làm “Hương sư”. Một số thanh niên vào đội “Hương dũng” để bảo vệ làng.

Cái Hội tề này, ban ngày phải cắt người đi phu cho đồn Tây (từ xây lô cốt, đào hào đến dọn dẹp, giặt quần áo cho lính…), nhưng đêm Việt Minh về làng lại lập ra các “hội kín” để hoạt động theo chỉ đạo của Việt Minh. Trong tổ chức của Việt Minh, có đội “Việt hùng”, nghi ai là “Việt gian”, có quyền thủ tiêu. Dân làng tề ai nghe thấy tên “Việt hùng” cũng run sợ. Nên mở đầu bài “ẤM Ớ” tôi viết:

Hơn tám tuổi nghe người lớn nói

Dân làng ta “ấm ớ hội tề”:

Ngày, lính Pháp vào

Các cụ già áo khăn, khúm núm,

chắp tay chào “bông dua”!

Trẻ con chạy theo Tây xin kẹo

Thiếu nữ túm tụm ôm nhau rúc rích cười

Tây nhăn nhở:

Co nhieu con gai đep…

Đêm, Việt Minh về

thì thụt dân quân, du kích

Các cụ già thầm thì bí mật

tuồn bao tượng gạo nuôi quân

Thiếu nữ núp bờ tre canh giặc

Các cụ già thầm thì bí mật

Trẻ con lấm lét im mồm

cấm bép xép, nghe chưa!

Trắng trắng, đen đen “ấm ớ hội tề”!

Có cụ sáng “bông dua”

đêm Việt Hùng về cắt tiết!

Xin kể thêm chuyện “Ấm ớ hội tề” ở quê tôi cho rõ.

Năm 2000 tôi về làng, vừa đến đầu ngõ, ông Thường bạn thời chăn trâu, chạy ra, mắt trước mắt sau, túm tay tôi, lôi vào nhà anh tôi. Nóng quá, tôi vội cởi quần áo ngoài, vẫn thấy ông Thường đứng bên cạnh, nhớn nhác:

– Sao ông liều thế. Ông về làm gì? Đi một mình à? Ở nhà công an tỉnh về phổ biến ông là “phản động” đấy. Đài địch nó còn đọc bài ông viết “Ối làng nước ơi, cướp! Cướp!” nói về vụ công ty Tân Hoàng Minh móc ngoặc với chính quyền cướp đất Vũ La đấy. Bọn trẻ nó còn in bài đó ra bí mật chuyền cho nhau đọc. Chết chết! Ông phải hết sức cẩn thận…

– Thế ra làng ta vẫn như ngày xưa “ấm ớ hội tề” à?

– Thì nó vưỡn thế đấy. Ông có nhớ, ông Lý Bích thấy tối du kích về, chỉ nói: Các anh có mấy cái mã tấu, mấy quả lựu đạn thế kia đánh sao được Tây mà cứ về quấy rối, rồi nó lại vào bắt bớ làm khổ dân làng. Có thế thôi, mà tối hôm sau Việt hùng về bắt giết, rồi dán tờ giấy ở cột đình: Đội Việt hùng đã xử tử tên Việt gian Lý Bích.

Rồi ông có nhớ bà Lý Chu không? Bà ấy chỉ đi Hải Phòng, Hải Dương chơi thăm bà con mấy lần, về Việt hùng cũng nghi là Việt gian rồi giết. Cô Tân ở Đồng Ngọ, đi thị xã Hải Dương mua hàng xén, về đầu cầu Phú Lương, mấy thằng lính ra nhờ mua thuốc lá, chòng ghẹo, cười đùa vui vẻ. Thế là hôm sau cũng có người báo cáo, rồi mấy hôm sau Việt hùng về bắt giết.

Rồi cụ Lang Quần ở Nhân Nghĩa, bị ba anh Việt hùng giả làm bệnh nhân đến khám bệnh, cắt thuốc rồi giết ông cụ giữa ban ngày đấy.

Thế mà công an nó phổ biến ông “phản động”, sao ông dám về làng một mình!?

Tôi cười, bảo: Thế ông nghĩ bây giờ quê ta vẫn như làng tề ngày xưa à? Hai thằng già cùng cười. Nhưng ông vẫn dặn tôi: Chớ có khinh suất. Đi đâu phải bảo mấy đứa cháu nó đi cùng. Phải cẩn tắc.

Mới đây, tôi hỏi cô Biết, em Trần Văn Bang: Bà (mẹ anh Bang) dự phiên tòa xử con trai, khi nghe Tòa tuyên án con trai 8 năm tù, bà có bị sốc không?

– Không ạ. Nhìn thấy anh Bang rồi bà em lại rất bình tĩnh, yên tâm. Bà không quan tâm tù mấy năm. Bà chỉ thấy anh Bang còn sống, lành lặn là Bà mừng rồi. Bà bảo, cái giống Việt Minh nó ác lắm, chuyện ông Lý Cựu bị Việt hùng bắt rồi giết, chuyện những người bị quy oan là địa chủ, Việt gian hồi CCRĐ bị bắt đi, người thì bị bắn chết, người còn sống cũng thân tàn ma dại. Nay thằng Bang bị bắt 2 năm mà còn sống, còn đi lại ngay ngắn là mừng rồi!

Hoá ra trong tâm trí những người đã trải qua thời “ấm ớ hội tề” thì vẫn nghĩ ngày nay vẫn “ấm ớ hội tề” như ngày xưa: Bản chất “Việt Minh” vẫn thế, người dân vẫn thế, ai không may bị nghi là “việt gian”, “phản động” bị bắt, bị tù, mà sống sót, lành lặn là may rồi!

Nên tôi mới viết:

Nay ngoại tám mươi vẫn thấy đời ấm ớ

như Hội tề ấm ớ ngày xưa!

Trường hợp anh Vượng tôi, tuy là người của Việt Minh, nhưng khi được cài vào Hội tề thì thân phận cũng rất hiểm nguy. Anh kể, lâu lâu Đồn trưởng lại mời ông Hương sư ra đồn “làm việc”, vì họ nghi ngờ anh. Và mỗi lần anh ra đồn về, ngay tối ấy, mấy đồng chí Việt Minh lại đến “làm việc” với anh. Họ truy vấn đủ thứ, cả chuyện tại sao ra đồn Tây anh lại đeo đồng hồ và xách cặp làm gì? Đựng gì trong cặp? Anh bảo, mình là Hương sư thì phải xách cặp, đeo đồng hồ cho đúng kiểu thầy giáo chứ.

Nhưng sau mấy vụ Việt hùng thủ tiêu mấy người, anh biết thân phận, xin thoát ly ra vùng tự do hoạt động.

Khi biết anh đi theo Việt Minh thì Tây vào làng truy xét bắt bớ. Chị Sen tôi và mấy người làng bị Pháp bắt đi, anh Trân tôi làm rèn với Bố ở thị xã Hải Dương cũng bị bắt, vì liên quan đến ông anh Việt Minh.

Khốn khổ như vậy, nhưng ông anh Vượng tôi không bao giờ được Việt Minh tin tưởng hoàn toàn, vì trong “sổ đen” của Việt Minh ghi là “con Lý trưởng cường hào và thời gian Hội tề có cộng tác với địch”…

Đấy, “Ấm ớ hội tề” là sống trong trạng thái xã hội mù mờ, trắng đen lẫn lộn, chẳng rõ luật pháp, phải đối phó với chính quyền, bị cả hai bên cùng nghi ngờ, mà bị Việt Minh nghi thì dễ toi mạng.

Nhưng may mắn, dân làng Vũ La quê tôi nói chung là sống có nghĩa nhân, có lương tri, nên bố tôi dù làm Trương tuần, Phó lý rồi Lý trưởng hơn chục năm, trước 1945 mà CCRĐ dân làng không đấu tố gì, vì họ biết ông là người tử tế, làm được nhiều việc tốt cho làng. Anh Vượng tôi, nếu trong CCRĐ chỉ cần ai đó tố: “Hồi làng tề, nó hay lên đồn Tây, đeo đồng hồ, ăn vận đồ Tây, làm việc với đồn Trưởng…” chắc mấy ông đội nói tiếng xứ Nghệ trọ trẹ bắt, xử rồi. May mà không sao. Sau đó anh lại là người đứng ra sửa sai, xây dựng HTX và làm Phó chủ nhiệm cho ông bần nông làm chủ nhiệm.

Phải nói Việt Minh rất chặt chẽ về lý lịch: Anh Vượng tôi rất đứng đắn, đàng hoàng, có năng lực, được dân quý mến, nhưng không bao giờ được tin cậy làm Trưởng, mà chỉ làm Phó, giúp cho mấy ông bà bần nông làm Trưởng. Ở HTX cũng thế, ra xã cũng vậy, lên huyện cũng vẫn thế.

Khi tôi làm Hiệu trưởng trường cấp 2, anh dặn dò, chú ngây thơ, tin người lắm. Dù sao tổ chức vẫn coi anh em ta không phải thành phần “cốt cán”, nên phải rất cẩn trọng. Ví dụ ông Nộ ra Uỷ ban xin cái giấy gì đó không được, về ông chửi cả Uỷ ban ở giữa làng, không sao cả. Ông là cố nông, thành phần cơ bản. Chú mà chửi Uỷ ban là có người đi báo cáo, rồi họ suy diễn, quy kết thành phần Tiểu tư sản, có ý kích động quần chúng, bôi nhọ chính quyền… Chú làm lãnh đạo, dù ít người thôi, nhưng phải nhớ rất phức tạp, phải “chia ba loại, nắm chắc hai đầu”. Tức là phải nắm lấy mấy người tin cậy, tin nhau được; hai là nắm chắc những người không tin được, có thể hại mình để cảnh giác. Còn những người ở giữa thì gió chiều nào theo chiều ấy thôi. Mà chú phải biết, mình là thành phần không cơ bản nên lúc nào cũng phải giữ cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, chớ để xảy ra sơ suất gì.

Anh sống trong tâm trạng như vậy, nên lúc anh phụ trách thương nghiệp của huyện Nam Sách, cô Thuận, giáo viên, vợ tôi được phân phối chiếc xe đạp Phương hoàng màu đen, xin cửa hàng đổi cho màu xanh cánh chả; bà cửa hàng Trưởng bảo, cô vào bảo bác Vượng ghi cho một chữ, ra chị đổi ngay… Ông anh bảo cô em dâu: Làm thế mang tiếng cả anh, cả em. Xe đen càng sạch. Cô em con bà Cô ở Chí Linh có bao lạc đem xuống chợ Huyện Nam Sách bán, bị tịch thu. Cô ấy khai có anh Vượng phụ trách thương nghiệp. Cán bộ quản lý thị trường vào “xin ý kiến”, ông anh bảo, các đồng chí cứ đúng nguyên tắc mà làm.

Cho đến lúc về hưu, ông chỉ có chiếc hòm nhỏ đựng mấy bộ quần áo và được cơ quan tặng cái phích nước, bộ ấm chén. Tất cả buộc lên chiếc xe đạp cọc cạch, đạp về nhà. Về nhà, lại xắn quần ra vườn cuốc đất…

Sau này tôi để ý, hầu như tất cả những người “thành phần không cơ bản”, nhất là trí thức đi theo Việt Minh đều sống trong tâm trạng như anh Vượng. Họ cố gắng từ bỏ những giá trị mình đã có để “vô sản hoá”, “Đảng hoá” bản thân, mà hoá ra suốt đời ấm a ấm ớ giữa thật và giả, tốt và xấu, đúng và sai, thiện và ác, văn minh và man rợ… Họ ấm ớ cho đến lúc chết; còn nếu tỉnh ra, hoặc sợ hãi im lặng trong âm u, hoặc nói lên đúng suy nghĩ thật của mình, thì thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phản động”!

Đúng là thời đại “ấm ớ hội tề”!

PS. Hình ông Thường với tác giả.

25/6/2023

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

No comments:

Post a Comment