(Tiếp theo)
Tôi khám phá ra „sở thích viết“ cách đây 15 năm, từ khi đọc các Blog và diễn đàn tiếng Việt. Trước đó, đọc sách thấy hay chỉ biết vỗ đùi chửi đổng „Tiên sư anh..“. Nay đọc online, gặp vấn đề gì quan tâm có thể nhảy vào còm, cãi. Thế là vào tuổi ngoài năm mươi, lão già đổ đốn, nhảy vào „X-Cà phê“ chơi với bọn choai choai. Rồi sau nhảy vào còm trên „Thanh niên xa mẹ Tathy“, rồi „Thông Luận“, „Tuổi Trẻ Online“, viết cả bài cho Vietnamnet, Dân Trí v.v., bất kể lề nào.
Vì tôi chỉ học Việt văn đến hết lớp 8, sau này học bổ túc ban đêm thì chỉ học Toán, Lý, Hóa nên trình độ tiếng Việt có khá nhiều lỗ hổng. Do vây lúc đầu tôi viết lỗi be bét (nay vẫn còn). Khi tôi liều mạng tham gia diễn đàn Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài năm 2008, chắc cô Hoài cũng khá vất vả biên tập lại những bài viết của tôi. Có thể nói, Phạm Thị Hoài là cây bút sắc sảo và nghiêm khắc nhất về chữ nghĩa mà tôi được biết. So sánh giữa bàn thảo tôi gửi và bài đăng, tôi thấy đôi khi chỉ một dấu phẩy, hay chỉ cần thay từ „những“ bằng từ „các“ đã làm rõ nghĩa hơn hẳn. Talawas là giai đoạn giúp tôi xóa nạn „mù chữ báo mạng“.
Ngày nay đọc lại Talawas mới thấy hồi đó mình liều. Thợ điện, trình độ văn lớp 8 mà dám viết bài phê bình điện ảnh về phim „Ma Làng“ của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần[1]. Donald Trump hôm nay phán về biến đổi khí hậu có khi không liều bằng thằng cháu Thạch Sanh hồi đó 🙂
Tôi kể vậy để các bạn trẻ không ngần ngại khi muốn viết về những sự thật mà mình tâm đắc. Nhà văn Vũ Thư Hiên từng nói: Sự thật vẫn đẹp khi nói về cái xấu, Thọ nhỉ?
Nếu bạn chỉ viết điều bạn đang tâm đắc, chỉ kể về những gì làm bạn xúc động, chắc chắn sẽ hay, dù có mắc lỗi. Ngược lại, viết theo phong trào, đổ xô chửi hay khen việc gì đó theo thiên hạ, thì dù có trau chuốt, cũng khó mà hay. Viết online mắc lỗi sẽ có người nhắc, mình kiểm chứng thấy nhắc đúng thì sửa. Quan trọng là có tâm, có trách nhiệm với những gì mình viết. Khi viết về Mỹ-Lai, tôi không nhấn mạnh tội ác của Mỹ để khoét sâu mối thù, mà nhắc đến tình người giữa hai dân tộc. Khi viết về ngày 30.4, tôi không hân hoan ca ngợi chiến công giải phóng, mà viết về số phận của những con người có tên, có tuổi thật đang vật vã với hiện tại và quá khứ. Đó là những điều khiến tôi xúc động.
Qua mạng xã hội, tôi cũng học được rất nhiều điều bổ ích của các „Không nhà văn“, „Chẳng nhà báo“ khác. Những bài phân tích quốc tế của anh Tâm Tam Tran, loạt bài về văn hóa Công giáo của Mai Thanh Sơn , các ưu tư về môi trường của Nguyen Dat An, … luôn mang tính học thuật và nghiêm túc. Các tra cứu về lịch sử của Dương Quốc Chính, Nguyễn Xuân Hưng, tuy được nhìn từ những quan điểm mà đôi khi tôi không chia sẻ, nhưng luôn chứa đựng những thông tin có tính khai sáng . Những tâm sự của Voi con Nga Thi Bich Nguyen, tuy chỉ xuất phát từ các kinh nghiệm cá nhân, nhưng luôn mang đậm tính nhân văn ở tầm xã hội...Phan Thúy Hà tặng tôi cuốn „Đừng kể tên tôi“, nhưng cô không nhận là nhà văn. Hà chỉ muốn là một công dân Việt Nam có trách nhiệm. Hà quan tâm đến nỗi đau của các bác, các chú thương binh miền Bắc bị lãng quên. Rồi Hà bỗng thấy số phận các bác, các chú thương binh VNCH còn khổ hơn nữa. Họ không chỉ bị lãng quên, mà bị cố tình gạt ra bên ngoài xã hội, cố tình bị chà đạp.
Nhiều lắm, không thể kể hết những tay ngang mà tôi phải học như võ sư Chau Doan, chuyên gia IT Giang Công Thế, thầy Nguyễn Văn Ngọ v.v và v.v. Chính những người viết không chuyên mới tạo thành đám đông (mass). Đám đông này phát triển sẽ thay đổi cán cân dư luận xã hội. Nhìn ra thế giới, Việt Nam còn tụt hậu cả trăm năm. Nhưng so với những năm trước, xã hội này đang thay đổi.
Bất chấp luận điệu: „Chẳng ăn thua gì đâu“,“Chẳng giải quyết vấn đề gì“, cái thiểu số nhỏ bé vài trăm, vài ngàn cây bút tự do lọt thỏm trong hơn 50 triệu người dùng Internet đã khiến cho việc thông qua „Luật Đặc khu 99 năm“ phải dừng lại, đã khiến Bộ Công thương phải xin lỗi vì đã trót „Đề nghị trừng phạt những kẻ xuyên tạc việc tăng giá điện“. Dư luận mạng đã khiến ông bộ trưởng đưa xe ra tận thang máy bay đón vợ phải công khai xin lỗi. Không có sự hỗ trợ của các Fbooker dũng cảm, sẽ không có việc báo chí chính thống lên tiếng về Thủ Thiêm, về BOT bẩn và mới nhất là về Formosa gây ô nhiễm…. Chỉ đơn cử vậy.
Danh sách xanh này dài lắm, tuy còn rất khiêm tốn so với bản danh sách đen, gồm những dân nguyện bị phớt lờ, bị nghiền nát. Lý do chính nằm ở đám đông thập thò đằng sau những „Chẳng ăn thua gì đâu“,“Chẳng giải quyết vấn đề gì“.
Cuộc tranh cãi xung quanh phát biểu của ông Lý Hiển Long về vụ „Việt quân nhập Miên“ đã bộc lộ nhiều quan điểm trái chiều của hàng triệu người Việt trong cách nhìn nhận lòng yêu nước, hiểu biết về công pháp quốc tế, về Chủ nghĩa Cộng sản và về lịch sử đẫm máu trong việc mở mang bờ cõi nước Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả là nó cho thấy: Người Việt đã tự tin hơn trong bầy tỏ quan điểm và trong cách sử dụng sân chơi. Thời đại mà một bài xã luận có thể đại diện cho ý kiến của cả một dân tộc đã vĩnh viễn qua đi.
Internet đã mở đường cho một nền truyền thông tự do. Nhưng truyền thông tự do chỉ xuất hiện khi có nhiều người bước lên con đường đó. Muốn vậy, hãy hít một hơi thật sâu và bắt đầu bằng một cái Like, bằng một lời bình. Thước đo của xã hội văn minh nằm ở bề dày của tầng lớp trung lưu. Định nghĩa về tầng lớp trung lưu không chỉ là căn hộ cao cấp, con cái học trường tây, xe ô tô đi nghỉ cuối tuần, mà còn ở khả năng tiếp cận và hưởng thụ văn hóa. Trong đó có những việc cực kỳ đơn giản như vỗ tay khi nghe nhạc hay hoặc nêu cảm xúc khi đọc bài tâm đắc. Đây chính là sự khác nhau giữa trung lưu văn minh và trung lưu giả, chứ không phải là chỉ số thu nhập.
Tôi coi nhà văn Đào Hiếu Dao Hieu như một người anh. Anh nói: Em phải in các bài em viết thành sách, vì có nhiều tư liệu quý lắm. Tôi thưa là không biết làm cách nào để được in sách. Anh giới thiệu tôi với một nhà xuất bản rất thành công ở Việt Nam. Cô biên tập viên sau khi cẩn thận đọc vài bài của tôi, đã viết một email dài trả lời rất chi tiết. Tôi đọc các phê bình của cô mà mắt mờ đi, tai bị ù, chỉ còn nhớ mỗi gáo nước lạnh:
„Các bài của anh trên facebook để cá nhân và bạn bè đọc chơi thì "vui vui", nhưng in sách thì không ổn!“.
Rồi cô mong tôi đừng phật ý. Tôi bỗng nhận ra đôi chân đất sét của mình và ngậm đắng trả lời rằng: „Xin cảm ơn các ý kiến rất chuyên nghiệp của chị“. Cô biên tập viên kia thật thà đáp lại: „Tôi rất vui khi biết anh Thọ đã không giận khi đọc các ý kiến thẳng thắn của tôi.“ 🙂
Từ đó Tiều phu chỉ còn muốn mình là một trong những con dã tràng xe cát trên mạng, với hy vọng bồi đắp cho lớp trung lưu Viêt Nam dày lên.
Rồi hắn mơ thấy một ngày cụ Hồ sống lại và chơi Phây. Cụ viết một Status gửi các cháu thanh, thiếu niên nhân ngày 1.6.2019:
„Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước tới đài quang vinh để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ vào lòng quả cảm biểu đạt ý kiến của các cháu! Ngày xưa Bác khuyên các cháu học giỏi, nhưng học giỏi mà khôn lỏi thì không tốt các cháu ạ“.
Köln 09.06.2019
Nguyễn Xuân Thọ
No comments:
Post a Comment