Monday, July 31, 2023

Con đường đau khổ: Câu chuyện của 1 cô bé

 Con Mén

~ tác giả: Tiểu Tử ~

         Trong khai sanh nó tên là Loan. Ở nhà gọi nó là con Mén, vì hồi sanh nó ra nó chỉ cân được có hai kí lô tư. Bà nội nó bồng nó trên tay, nhỏ xíu như một con mèo. Bà cười văng cốt trầu : 

- Đu họ nó ! Thứ gì mà như con chí mén !

 Từ đó, gọi nó là con Mén luôn.

         Nó bú sữa mẹ, nhưng vì nhà nghèo nên má nó không đủ sữa, dặm thêm cho nó bằng nước cháo, cho nên nó không mụ mẫm như phần đông các trẻ nít khác. Nó cứ đèo đèo, lớn chậm và ốm tong ốm teo.

         Bà nội nó cưng nó lắm. Bởi vì ba má nó chỉ sanh có con trai, một dọc ba đứa, phá phách đánh lộn tối ngày. Bà nội nó thèm có một đứa cháu gái, nhẹ nhàng dễ sai dễ bảo hơn. Bà thường nói : 

- Có đứa cháu gái để tao có đi đâu nó theo nó xách giỏ trầu. 

Một ước mơ rất tầm thường nói lên nét bình dị mộc mạc của tâm hồn các bà mẹ quê. Giống như mái nhà tranh chỉ cần có bụi chuối sau hè, có ao bèo trước ngõ… Giống như con rạch nhỏ, chỉ cần đều đặn có nước lớn nước ròng…

         Con Mén có thân hình óm o xấu xí nhưng lại có đôi mắt sáng, linh động, với cái miệng nhỏ chu-chu cũng dễ thương. Bà nội nó nói : 

- Cái ngữ này lớn lên rồi phải biết. Nó hỗn dàng trời !. 

Nói như vậy chớ bà ưa nhìn nó ngủ sau khi bú, nhả vú ra rồi mà miệng vẫn còn nút nút.

         Quê con Mén ở miệt Hậu giang một làng nhỏ nằm xa tỉnh lỵ, xẻ đôi bởi một con kinh đào. Vùng này chưa có đường xe chạy, nhưng có nhiều sông rạch nên thiên hạ đi lại bằng ghe to xuồng nhỏ. Hoặc đi bộ dọc theo bờ nước hay băng ngang đồng vào mùa ruộng khô. Xa xa, có những chiếc cầu gỗ bắc ngang kinh rạch, nối xóm này qua xóm nọ. Cầu gỗ cao lêu-nghêu, chân dài cắm sâu vào lòng nước như sợ nước lên làm ướt thân cầu. Người ta qua lại không cần lan can.

         Xóm con Mén tên là xóm Cầu Ngang, một cái tên nghe rất thật thà, làm như trên đời này còn có những cái cầu dọc vậy ! Xóm nhỏ đó cũng có chợ nhà lồng lợp tôn đơn-sơ. Vây quanh chợ là quán cà phê, tiệm chạp-phô, tạp hóa, hàng vải… và một tiệm sách, gọi là tiệm sách nhưng chỉ chuyên cho thuê tiểu thuyết, truyện tàu.

         Con Mén sanh ra ở đó. Khi nó biết đi biết chạy, bà nội nó lúc nào cũng kè một bên, sợ nó té sông. Vậy mà chẳng mấy lâu sau, nó biết lội hồi nào bà nó cũng không hay, nó học lội với ai bà nó cũng không biết. Mãi đến một hôm, trời nóng bức, con Mén nhảy ùm xuống kinh làm bà nội nó la làng chói-lói. Đến khi nhìn lại thấy nó lội như rái, bà mừng chảy nước mắt. Lòng bà vui lắm nhưng bà cũng chưởi đổng : 

- Mồ tổ cha mày !

Từ đó, con Mén đi đâu một mình bà cũng yên tâm. Bà nói : 

- Nó giống hệt thằng cha nó hồi nhỏ.

         Lớn lên một chút, con Mén lúc nào cũng ở trần, đi chân đất, chỉ mặc có cái quần xà-lỏn ka ki. Nó vẫn ốm tong ốm teo, nhưng không thấy nó bịnh bao giờ. Nó chơi với lũ trẻ hàng xóm, chơi trò con trai như con trai. Vậy mà bà nội nó vẫn ưa nó hơn là ba thằng anh của nó, bởi vì đêm nào nó cũng chui vào ngủ với bà. Bà thích vuốt tóc cho nó ngủ và thích nghe mùi thơm hơi thở của con Mén, như ngày xưa, hồi còn trẻ, bà thích nghe mùi thơm của lúa chín, gió ruộng đưa thoang thoảng vào nhà về đêm…  

         Má con Mén mua đầu chợ bán cuối chợ. Kiếm đủ nuôi mấy miệng ăn. Nghèo nhưng không đói. Ba nó trốn lính một dạo, nhưng rồi cũng bị bắt. Đi quân dịch, làm binh nhì, rồi đi luôn không biết chừng nào giải-ngũ !

         Ba nó đóng ở đâu miệt Sài-Gòn. Lâu lâu về phép, ở nhà được vài hôm. Những hôm  đó, con Mén khoái lắm, bởi vì ba nó cũng cưng nó như bà nội nó vậy. Sáng nào, ba nó cũng cõng nó ra tiệm cà-phê. Nó ngồi trên ghế đẩu cạnh ba nó, đôi mắt chỉ cao hơn mặt bàn một chút. Người lớn hay vò đầu nó, làm rối bồng mái tóc bom-bê. Lúc nào nó cũng được ba nó gọi riêng cho một tách sữa nhỏ. Sợ sữa nóng, ba nó thường sớt ra dĩa cho mau nguội. Nó kê miệng vào thành dĩa, hớp từng hớp nhỏ. Hai bên mép, sữa đóng thành hai đường trắng hếu, nhưng mắt nó ngời lên sung sướng. Những lúc đó, con Mén đong đưa hai chân như người ta đuổi ruồi…

Rồi một hôm, Việt Cộng về xóm Cầu Ngang, bắn phá tơi bời suốt một đêm, sáng bữa sau rút đi mất. Thiên hạ bắt đầu bàn tán. Trời vừa sụp tối đã đóng cửa cài then. Đêm đêm nằm ngủ phập phồng. Sáng ra nhìn nhau lơ-láo. Nét thanh bình xóm nhỏ làng quê mất dạng lần lần. Người ta bắt đầu tản cư…   

Ba nó về, đưa mẹ con nó lên Sài-Gòn. Bà nội nó ở lại. Bà nói : 

- Tao già rồi, đi đâu chi ? Tụi bây lo cho sắp nhỏ đi, đừng lo cho tao. 

Bà nói cứng như vậy chớ lòng bà đau như dao cắt. Bà biết : bầy vịt nhỏ và mấy gốc mận gốc xoài không giúp được bà thường xuyên lên thăm bầy cháu. Nhứt là con Mén, rứt nó đi y như là cắt đi một núm ruột của bà. Hôm đó, bà nội con Mén ăn trầu nhiều hơn mọi ngày, hết miếng này là têm ngay miếng nọ, mắt nhìn mãi bờ kinh, không nói. Đến khi đưa bầy cháu xuống ghe, bà ôm con Mén vào lòng, hôn nó mà bà khóc ngất. Bà dúi vào tay nó tờ giấy năm chục đồng xếp nhỏ, nói trong nước mắt : 

- Nội cho con lên trển mua bánh ăn. 

Nó nghe nồng lên mùi cốt trầu, mùi bà nội nó, cái mùi mà nó đã quen thở đêm đêm khi gối đầu lên tay bà để đi vào giấc ngủ. Nó ôm bà mà khóc như mưa…

         Ghe đã đi xa, ghe máy nên đi nhanh hơn ghe chèo. Bà nội con Mén còn đứng ở bờ kinh, mắt rõi theo ghe mà nghe như người bà bị tê dại. Kinh đào dài tun hút. Ghe đã mất dạng từ lâu mà bà vẫn nhìn mãi về phía đầu kinh. Tuốt ở đầu kinh - xa lắm  - có một lằn dài gạch ngang, người ta gọi là chân trời…

--oOo--

         Ba con Mén hốt hụi vay nợ mua một căn nhà nhỏ vách ván lợp tôn ở xóm Bộng, bên kia sông Khánh Hội. Gọi là xóm Bộng bởi vì ở đó có cái ống cống thật to để nước ruộng vào ra khi nước lớn nước ròng. Dân nghèo tứ xứ tản cư về đây, ngày một nhiều, nhà nho nhỏ cất dọc cất ngang, mọc lên như nấm. Cứ có chỗ trống là cất chen vào. Ngoài mặt lộ hết đất, họ cất tràn ra ruộng. Nhà này tựa vào nhà kia như sợ ngã, sát nhau đến độ không còn chỗ để làm đường đi ! Muốn vào xóm, có đoạn đi trên bờ đê – gọi là đê nhưng là bờ ruộng cũ bây giờ người ta bồi rộng ra thêm một chút – có đoạn đi trên mấy tấm ván gập gềnh bắc ngang đường nước, có đoạn phải bước hẳn vào nhà người ta để đi qua. Nhà lụp-xụp thấp lè-tè nên cứ phải cúi lom-khom, có khi bước cạnh vợ chồng người ta đang nằm ngủ trong nhà, dưới đất !

         Mái nhà con Mén thuộc vào hạng cũng khá cao trong xóm. Ba nó phải đưa tay thẳng lên mới đụng. Nhà nó được lót gạch bông phần nền đất, còn nửa phần sau là đóng cừ lót ván. Ông chủ cũ nói với ba con Mén : 

- Làm tới đó tôi hết tiền. Thôi thì tạm một khúc nhà sàn, chừng nào cậu muốn, cậu đắp nền thêm. 

Rồi ông đứng trên sàn nhún-nhún : 

- Ván còn tốt, còn chịu được năm ba mùa lận. 

Năm ba mùa đây có nghĩa là năm ba mùa nước ngập. Những hôm mưa nhiều, nước không chảy kịp ra sông, nước lên lé-đé mặt sàn. Có nơi nước tràn vào nhà, ngập mấy hôm mới rút. Những hôm đó, người ta treo hết đồ lên nóc, treo vài cái võng để ngủ tòn ten giữa vời…

         Nhà con Mén không có đồ đạc gì nhiều : một vài cái rương chất trong một góc, một cái tủ nhỏ kê sát vào vách, quần áo máng trên mấy cây đinh đóng trên vách đối diện, bếp dầu hôi sóng chén dồn vào một góc phía sau. Cái gì cũng tấn vào vách vào góc để chừa khoảng trống giữa nhà dùng làm chỗ ăn chỗ ngủ. Phía sau nhà là sàn nước lộ thiên. Nước chứa trong hai thùng phi nhà binh màu cứt ngựa mà ba con Mén xin từ đơn vị đem về. Tắm rửa giặt giũ ở đó, và về đêm, phóng uế cũng ở đó luôn.

         Khu này không có điện nước. Cho nên nhà nào cũng có vài cây đèn dầu hôi và đôi ba thùng phi. Mỗi ngày, có xe xi-tẹt đến bán nước- người ta gọi là "đổi nước" – Họ kéo ống cao-su nhỏ bằng cườm tay, chắp nối thật nhiều khúc mới đủ dài để vào sâu trong xóm. Tiếng máy bơm của họ kêu thật lớn, xành xạch xành xạch điếc tai. Nhưng cũng nhờ nó mà người trong xóm biết là xi-tẹt nước đến rồi ! Xi-tẹt nước chỉ  "làm ăn" trong mùa nắng thôi…

         Về đây, con Mén ngủ với ba nó, ngủ trên võng. Má nó và ba thằng con trai ngủ dưới gạch. Đêm đầu, con Mén không chịu ngủ, cứ đòi về bà nội. Nó ngồi bẹp dưới đất, khóc ư-ử. Lâu lâu gọi một cách thảm não : 

- Bà nội ơi !

 Tiếng "ơi" của nó kéo dài ra, làm má nó cũng nhớ nhà nhớ đất, nước mắt chảy quanh. Ba nó thổi tắt đèn, vói tay ôm nó vào lòng, nằm trên võng đong đưa dỗ : 

- Nín đi con, nín. Ngủ với ba cũng giống như ngủ với bà nội chớ gì. Rồi mai mốt bà nội con lên ở với con nghen. 

Tiếng "nghen" bỗng nghẹn ngang nơi cổ, ba nó kềm lắm mới khỏi phải nấc lên. Tuy nhiên, trong bóng đêm, nước mắt cũng âm thầm chảy dài trên má…

--oOo--

         Mỗi ngày, ba con Mén đi làm trong đơn vị, sáng đi chiều về, đi bằng xe buýt. Má nó chưa quen nước quen cái nên ở nhà vá áo nấu cơm. Anh em tụi nó lân la làm quen lũ nhỏ trong xóm. Dù ở giữa lòng thành phố, trò chơi của tụi nó vẫn mộc-mạc thô-sơ như thuở còn dưới ruộng : bắn bi, búng dây thun, lấy nút khoén làm mề-đai hay in cát giả làm bánh.

         Ít lâu sau, má con Mén được người hàng xóm giới thiệu vào làm phu trong nhà máy ve chai bên kia sông. Mới đầu còn bỡ ngỡ, làm sai làm trật. Chiều nào về, má nó cũng buồn thiu, ra ngồi trên sàn nước, nhìn khoảng trời mở ngỏ trên cao, lâu lâu thở dài. Nhưng lần hồi má nó cũng quen tay, thêm tánh siêng-năng cần-cù, nên mấy thầy giám thị cũng thương tình nâng đỡ. Nhờ vậy má nó mới vững lòng tin ở ngày mai. Ngày mai, đối với ba má con Mén, thật là giản dị : "Chừng yên, mình về dưới bà nội tụi nhỏ, lảnh mấy công ruộng mà làm cũng dư sống". Cái hình ảnh của ngày mai đó, người tản cư nào cũng nghĩ giống như nhau : yên rồi về quê làm lại cuộc đời. Họ đã rời làng bỏ xóm ra đi, đi để còn sống mà trở về, nhưng họ vẫn mang theo trong lòng gốc dừa cây cau chậu kiểng. Họ không bám được đất, nhưng họ không để mất được gốc. Chính tình cảm quê hương sâu đậm đó đã giúp họ can-đảm nhận chịu cuộc sống tạm bợ ngày hôm nay. Ngày qua ngày, họ mớm niềm tin bằng hy vọng. Và ngày qua ngày họ nuôi hy vọng bằng niềm tin ! Cứ lẩn-quẩn loanh-quanh như vậy cho đến một ngày nào đó - chưa phải là cái ngày mai chờ đợi - người già tắt thở với niềm tin và trẻ con lớn lên không biết phải hy vọng ở cái gì… Chỉ còn thế hệ của ba má con Mén là lây lất sống trong lòng đô thị, ví mình như cây chùm gởi, còn biết thế nào là niềm đau quê hương nhưng vẫn mỏi mòn chờ đợi : "Ngày mai… Ngày mai, rồi trời sẽ lại sáng".

--oOo--

         Mấy anh con Mén đều được đi học, chỉ có nó là chưa. Có lẽ tại vì nó gầy còm nhỏ thó nên ba má nó quên tuổi thật của nó đi, cứ nghĩ : "Sang năm là đến phiên con Mén". Nhưng rồi nó vẫn còi-còi như vậy hoài, có lẽ còn lâu mới đi học !

         Buổi sáng, ăn cháo xong là cả nhà đi hết. Con Mén ở lại coi nhà. Tiếng là coi nhà chớ lúc nào cũng thấy nó la-cà ở hàng xóm, làm bánh giả, búng dây thun. Nó búng dây thun giỏi nhứt xóm. Đã khéo tay lại biết tính toán nên ngày nào nó cũng ăn của trẻ con cùng lứa rất nhiều dây thun. Về nhà, nó cho vào túi ni-long cất kỹ, bởi vì vòng dây thun là "tiền" của tụi nhỏ. Năm vòng thun "mua" được cái nút khoén lô-canh (la-ve, nước ngọt) mười vòng thun một nút khoén ngoại quốc (các loại chai nhập cảng) và phải tới hai chục vòng thun mới có được lon cô-ca không, thật hấp dẫn với nền đỏ tươi in chữ trắng… Vòng thun có giá trị như vậy cho nên đứa nào cũng ráng kiếm cho thật nhiều. Rồi cũng giấu kỹ. Rồi cũng đếm tới đếm lui, y như người lớn đếm tiền thật.

         Một buổi mai, con Mén mang bọc dây thun ra đầu ngõ tìm bạn. Ở đây, có một quán cà-phê hủ tiếu và vài hàng quà bánh điểm tâm. Một bà già bán xôi thấy bọc ni-long dây thun con Mén nhét tòn ten ở lưng quần, bèn hỏi :

- Dây thun đâu nhiều vậy cháu ?. 

Nó trả lời là dây thun của nó. Bà ta cười hiền hòa : 

- Vậy hà. Chớ cháu có bán dây thun hôn, bà mua cho. Để cột mấy bọc xôi ý mà. 

Ở đây, mấy người đi làm sớm không có thì giờ ăn sáng, ghé qua mua gói xôi mang theo để lúc nào tiện thì mở ra ăn. Xôi vẫn được gói bằng lá chuối, nhưng sau đó được cho vào bọc ni-long có sợi thun thắt lại. Vừa sạch vừa gọn.

         Nghe hỏi, con Mén phân vân. Tới tuổi này, nó chưa biết đi mua một cái gì  bằng tiền thiệt hết. Huống chi nói đến chuyện bán ! Nó chỉ biết giả mua giả bán nút khoén, hộp lon, trong thế giới trẻ con nhiều  tưởng tượng của nó thôi. Tiền thiệt thì nó chỉ biết có tờ giấy năm chục đồng mà bà nội nó cho nó hồi đó. Nó đưa má nó cất rồi nó quên luôn tới giờ. Thật ra, nó chỉ biết tờ giấy đó là tiền nhưng chẳng biết giá trị là bao nhiêu và cũng không biết dùng tiền đó để làm gì. Bởi vì, trong xã hội trẻ con của nó, chỉ có dây thun là có giá !

         Thấy nó đứng ngớ ra mà miệng cười mỉm mỉm, bà bán xôi hiểu ngay, nên đề nghị : 

- Như vầy nghen : cháu cho bà túi dây thun, bà cho cháu cục xôi bự này nè. 

Nó nhìn theo tay bà chỉ : mèng ơi ! cục xôi bằng "bắp đùi" nằm trong lá chuối xanh láng mướt, ló ra hai đầu vàng hực có mấy miếng dừa lòi ra trắng hếu. Nó nuốt nước miếng, gật đầu. Vậy là lần đầu tiên con Mén biết thế nào là buôn bán trong xã hội của người lớn .

         Từ đó, nó thường đem túi ni-long dây thun ra ngõ "mua" xôi. Bà bán xôi thương nó lắm, bởi vì lần nào nó mở hàng bà cũng đều bán đắt. Nhiều hôm vắng nó bà cũng nhớ. Những hôm đó, con Mén "hết tiền". Nhưng thèm xôi, có khi nó cũng mò ra đầu ngõ, đứng xa xa nhìn thau xôi của bà lão. Thau xôi được phủ kín lá chuối, nhưng trong tưởng tượng nó cũng thấy được màu xôi vàng hực ! Thấy tội nghiệp, một hôm bà bán xôi gọi nó lại, đưa nó tờ giấy bạc : 

- Nè ! Lấy tiền này mua xôi mở hàng cho bà đi cháu. 

Nó làm theo như cái máy. Bà bán xôi cảm động, kéo nó ngồi xuống cạnh bà. Nó ăn xôi, mắt ngời lên sung sướng. Nó ốm nhom nhưng gương mặt nó thật kháu khỉnh. Mái tóc bom-bê cắt ngắn làm cho cổ nó dài ra. Bà vuốt tóc nó, nghĩ : "Con nhà ai mà dễ thương quá !". Được bàn tay khẳng khiu của bà già vuốt tóc, bỗng nhiên con Mén nghe nhơ-nhớ một cái gì. Một cái gì không rõ lắm nhưng là một cái gì thật quen thuộc. Hình như là một cảm giác êm êm, khoái khoái, một cảm giác mà từ lâu- rất lâu - nó không nghe thấy nữa. Nó mang máng nhớ một cái gì xa thật xa, một hình ảnh, một cái tên, một người… Nó ngừng nhai, miếng xôi trong miệng đội phồng một bên má. Nó nhìn lên mặt bà bán xôi : má hóp, trán nhăn, tóc lưa thưa bạc. Đúng lúc đó, từ tiềm thức của nó bật lên hình ảnh của bà nội nó. Chỉ trong có một giây mà nó nhớ lại hết : từ bàn tay vuốt tóc, từ cánh tay gối đầu, từ mùi cốt trầu hăng-hăng mà nó ghiền thở đêm đêm để ngủ. Nó nghe nghẹn ở ngực. Nó nghe như muốn khóc. Môi dưới nó trề ra. Miệng nó méo xệch. Nó buông cục xôi, đứng lên chạy ù vào ngõ. Vừa chạy, vừa kêu từng tiếng thật rã-rời :

- Bà…nội…ơi… !" 

Tiếng "ơi " của nó kéo dài ra trong xóm, nức nở như một đường cày trên mặt ruộng…

 --oOo--

         Việt Cộng về chiếm hết mấy làng, trong đó có xóm Cầu Ngang của con Mén. Ít lâu sau, có tin bà nội nó chết. Ba má nó không dám về chịu tang, chôn cất, phần vì không có tiền, phần vì sợ Việt Cộng. Ba nó lấy một cái rương kê vào giữa vách, đặt lên đó một chén gạo và hai cây đèn cầy. Đốt đèn, đốt nhang cắm vào chén gạo, xong, ba má nó vừa lạy vừa khóc. Lần đầu tiên con Mén thấy ba nó khóc. Không biết gì, nhưng sao nó cũng muốn khóc theo. Mấy thằng anh nó ngồi xếp bằng một hàng, im thin thít. Sau đó, ba nó ôm nó vào lòng, ngồi nhìn khói nhan và hoa đèn lâu thật lâu. Nó hết nhìn cái rương lại nhìn mặt ba nó.Tự nhiên nó thấy thương ba nó vô cùng.

Mãi sau này con Mén mới biết cái rương đó là bàn thờ  bà nội nó.

--oOo-- 

         Bây giờ, con Mén cũng được đi học. Bây giờ, ba nó cũng sắm được chiếc xe đạp để đi làm. Má nó thì vẫn đi đò ngang để qua nhà máy ve chai. Mấy anh nó, vì trường cũ hết lớp phải qua trường khác xa hơn, vẫn đi bộ.

         Má nó đã lên cấp thợ, nhờ vậy mà trong nhà thấy dễ thở hơn, sắm thêm một số đồ đạc và má nó có đeo một sợi dây chuyền… Chớ ba nó thì vẫn còn lẹt-đẹt ở cấp binh nhì, loại binh nhì dùng sai vặt trong văn phòng, đơn vị.

         Nhờ đi học, con Mén mới biết nó tên thật là Loan. Hôm đưa nó vào trường, ba nó dặn : 

- Khi nào cô giáo điểm danh, kêu Lê-thị-Loan thì con hô lớn lên có mặt. Nghe con ! 

Nó ngạc nhiên : 

- Ủa ? Con tên là Mén mà !

Ba nó phải giải nghĩa rằng Loan là tên trong còn Mén là tên ngoài, ra đường mình lấy tên ngoài chớ vào trường là phải lấy tên trong vân vân… Đối với nó, ngoài trong gì lộn xộn quá. Nó chỉ biết rằng tên Loan nghe thật dễ thương nhưng lạ hoắc, còn Mén thì thật là quen tai. Tuy nhiên, có cái tên dễ thương, nó cũng nghe lòng phơi-phới.

         Nhờ đi học, con Mén hết ở trần, hết đi chân đất, nhưng tóc vẫn hớt bom-bê cao. Nó đội nón vải có bo như tai bèo, mặc áo trắng tay phùng quần dài đen, chân mang dép Nhựt. Bây giờ, thật sự nó mới có nét con gái ! Ba nó nhìn nó trìu mến : 

- Mẹ họ ! Con gái của ba coi cũng đặng ớn ! 

Rồi ba nó hôn nó đầy mặt. Nó rút cổ lại vì nhột, cười khúc-khích. Tình thương đâu đó bỗng trào dâng miên man. Giống như nước triều lên ôm xóm Bộng, âm-thầm nhưng thật là chan-chứa.

         Con Mén càng lớn, ba nó càng cưng nó nhiều. Bởi vì nó thông minh, học giỏi. Và bởi vì nó mang nhiều nét của bà nội nó. Ba nó thường nhìn nó, nói :  

- Thứ gì mà giống bà nội như in !

 Điều mà ba nó không để ý là con Mén còn giống bà nội nó ở chỗ hay chửi đổng "Mồ tổ cha nó !" mỗi khi nó bực mình chuyện gì. Có lẽ tại vì nó chửi lầm-bầm nên ba nó không nghe.

         Mấy anh con Mén đi học buổi sáng, nó đi học buổi chiều. Thành ra lúc nào trong nhà cũng có đứa  học ê a, đứa nằm sấp xuống gạch nắn-nót làm bài. Hầu hết tụi nhỏ trong xóm đều học chung một trường, nên đi và về cùng một lúc, đứa trước đứa sau đi thành một hàng dài. Đến khi tụi nó học bài cũng nghe uềnh-oang như tiếng ễnh-ương vào mùa nước nổi.

         Trưa, con Mén cuốc bộ đi học. Chiều ba nó đi làm về, đạp xe ghé ngang trường rước nó. Những lúc đó nó thấy hãnh-diện vô-cùng. Ngồi trên bọt-ba-ga, cặp táp đeo lủng lẳng ở cổ, hai bàn tay nhỏ nắm lấy dây nịt của ba nó để giữ thăng-bằng, nó nói chuyện huyên-thuyên, hỏi ba nó đủ thứ. Ba nó lúc nào cũng có câu trả lời, cũng góp vào câu chuyện rất hào hứng chớ không phải ậm-à ậm-ừ. Cho nên, đối với nó, trên đời này chỉ có ba nó là nhứt !

         Vậy mà thời gian sau này, ba nó bị cấm-trại liên-miên. Nó đành đi học một mình và về một mình. Tối, nó ngủ một mình ên trên võng. Bây giờ nó lớn, nên không gào khóc như thuở nó mới xa bà nội nó. Nó biết xấu hổ, nên úp mặt vào chiếc áo nhà binh của ba nó âm thầm khóc rấm-rứt. Rồi một lúc nó cũng ngủ thiếp đi, ôm chiếc áo như ôm lưng ba nó vậy.

--oOo--

         Việt Cộng tràn về chiếm hết miền Nam. Mấy ngày cuối cùng của tháng tư 75 thật là kinh hoàng. Thiên hạ rần-rần, nhốn-nha nhốn-nháo. Ba con Mén chạy bộ về đến nhà, mồ hôi mồ kê, mặt xanh như tàu lá, chỉ mặc có cái quần đùi. Ba nó hổn-hển nói với má nó : 

- Mẹ họ ! Trong khi lộn-xộn, thằng nào nó đớp cha nó chiếc xe đạp của anh, làm anh chạy bộ về muốn tắt thở.

Má nó lo lắng :

- Còn quần áo của anh đâu ?

Ba nó nhăn nhó : 

- Cởi liệng cha nó rồi. Mặc để Việt Cộng nó bắn thấy tiên tổ à !. 

Rồi ba nó phun nước miếng cái phụt như phun một cái gì thật đắng. Má nó vội đưa cho ly nước, ba nó cầm lấy, uống ừng-ực như người bị mắc xương, mắt lồi ra căm phẫn. Không biết Việt Cộng ra sao, nhưng thấy ba nó tả-tơi như vậy con Mén cũng phát tức. Nó lầm-bầm chưởi đổng : 

- Mồ tổ cha nó !

--oOo--

         Ít lâu sau, con Mén đã biết Việt Cộng là gì. Nó cũng bắt chước người lớn, gọi trổng là "họ", chớ không hiểu rằng tiếng "họ" mà người lớn dùng có ý nghĩa mỉa-mai cay đắng, bởi vì bây giờ mới thấy giữa "họ" và "mình" có quá nhiều dị-biệt.

         "Họ" bây giờ tên là "cách-mạng". Ba con Mén bây giờ bị "họ" gọi là "ngụy quân". Má con Mén bây giờ lúc nào cũng tự xưng là "vợ ngụy" mặc dù thuộc thành phần công nhân lao động.

         Xóm Bộng bây giờ cũng đổi thay bề mặt. Vựa gạo của chú Chành -người Tàu- bị tịch thu để biến thành trụ sở "Ủy ban nhân dân". Người lạ ở đâu về đó làm chủ tịch, thơ-ký. Chú Năm hớt tóc đầu ngõ bỗng thành ông "tổ trưởng", còn bác Bảy thợ hồ được thiên hạ gọi bằng "tổ phó an ninh". Chỉ có dân trong xóm vẫn còn là dân trong xóm ! Thiên hạ "nhong nhóng" đợi một thời gian coi tình hình ra sao, nhưng rồi ít lâu sau cũng chẳng thấy ai rục rịch dọn về quê về làng. Mong ước bình dị "yên rồi, về quê sanh sống" - một mong ước được chắt chiu nuôi dưỡng từ bao nhiêu năm - bây giờ giống như bọt nước bờ sông từ từ tan rã. Cái "Ngày mai trời lại sáng" bây giờ thật sự chỉ là một giấc mộng ! Thiên hạ thường chép miệng : "Ở dưới quê họ cũng tịch thâu hết rồi. Về làm cái khỉ gì ? Ở đâu cũng vậy thôi !". Dân tản cư bỗng thấy mình như bị mồ côi, vĩnh-viễn bị cắt đứt với gốc dừa cây cau chậu kiểng. Từ thân chùm gởi họ đã trở thành đám lục-bình. Xóm Bộng mặc-nhiên thành điểm tựa để đám lục bình bám vào đó làm một quê hương , đất đứng.

         Người trong xóm bây giờ thấy gần gũi nhau hơn. Làm như là không phải dân tứ xứ đến đây, mà như là tất cả đều sanh trưởng ở xóm Bộng. Bây giờ họ mới nhận thấy rằng họ giống nhau từ suy-tư đến nếp sống, từ cách ăn mặc đến lời lẽ nói năng. Họ không biết rằng biến thiên của thời cuộc đã cho họ có một đối tượng - thế giới cộng sản và con người cộng sản - để nhận-xét và so-sánh. Đối tượng đó bây giờ thật rõ nét, không còn được ngụy-trang bởi những mỹ-từ. Cho nên họ nhìn thấy không điểm nào giống họ hết, từ con người đến phong tục tập quán. Tự nhiên, họ cùng đứng về một phía và họ còn thấy cần tựa vào nhau để sinh tồn. Cũng giống như nhà của họ ở : phải xây cất bám vào nhau, kèo cột câu vào nhau, phên vách nối vào nhau để đứng vững. Xóm Bộng chưa bao giờ biết bão lụt, nhưng trong nội tâm người xóm Bộng bây giờ đang bão lụt tơi-bời…

--oOo--

         Ba con Mén đi học tập ba hôm rồi về nằm nhà gác tay lên trán. Má nó vẫn đi làm. Anh em nó vẫn đi học.

         Thời gian sau, ba nó cũng kiếm được việc làm ở bến tàu Khánh-Hội, sáng đi chiều về. Đêm đêm, ba má nó thay phiên nhau đi họp phường hoặc họp tổ. Lâu lâu, thằng anh lớn của nó đại-diện ba má ra phòng họp ngồi cho có mặt. Những lúc đó, thấy nó mang theo hoặc quyển sách hoặc cuốn tập để thừa dịp có đèn sáng mà học bài cho ngày hôm sau…

         Bỗng một đêm, công an khu-vực cầm đèn bấm đưa bộ đội đến bắt ba con Mén dẫn đi. Cả xóm nhốn-nháo trong bóng tối. Má nó chạy theo kêu khóc, trợt bờ đê té lên té xuống. Đến đầu ngõ có đèn sáng, ba nó nói với má nó :

- Chắc họ bắt lầm, chớ anh không có làm gì hết. Em yên tâm.

         Ở nhà, mấy anh em nó thắp đèn rồi ngồi nhìn nhau mếu-máo. Hàng xóm thay nhau đến ngồi với tụi nó cho đến khi má nó trở về, đầu cổ bơ phờ quần áo lấm lem bùn đất. Họ an ủi má nó, xì-xầm bàn-tán cho tới khuya mới ra về.

         Đóng cửa tắt đèn từ lâu mà con Mén nằm trên võng còn nghe má nó khóc thút-thít. Nó cảm thấy thương má nó, thương ba nó. Rồi nó đâm tức giận mấy thằng công-an bộ-đội. Kềm không được, nó buột miệng chửi lớn :"Mồ tổ cha nó !". Tiếng của nó lanh-lảnh, sắc bén, rạch bóng đêm như một lưỡi dao lam. Má nó giật mình, ngừng khóc, vói tay mò-mẫm rờ đầu nó. Nó nắm lấy bàn tay áp vào một bên má như muốn chia sớt niềm đau. Má nó bỗng nghe bàn tay mình ươn-ướt.

         Mấy hôm sau, vẫn không thấy ba nó về. Trái lại, công an khu vực đến thăm má nó thường hơn. Và lần nào cũng khuyên : 

- Chị cứ yên tâm. Nếu nhà nước xét thấy anh ấy không có nợ máu với nhân-dân, anh ấy sẽ được thả về thôi. Ta sáng suốt chớ không ác-ôn như ngụy đâu, chị ạ !

         Ít lâu sau, có tin ba con Mén bị đưa đi học tập cải-tạo ở đâu ngoài Trung. Má nó khóc hết nước mắt. Tên công-an khu-vực lại đến nhà khuyên : 

- Đi học tập chớ đi tù đâu mà chị sợ. Cứ học tập tốt là được về ngay thôi. Yên chí !

Thoáng nghe như vậy, con Mén tức cành hông. Nó nhìn tên công-an chỉ có nửa con mắt !

--oOo--

         Má con Mén bị "họ" cho nghỉ việc. Gọn như liệng một món đồ vô dụng vào sọt rát ! Tên thủ-trưởng gọi má nó vào văn phòng, nói bằng một giọng trắng nhách như vôi : 

- Tập thể đã nhất trí cho chị nghỉ việc ngay từ bây giờ, bởi vì chị không còn đủ điều-kiện để phục-vụ nhân-dân nữa. Chị lấy hết đồ đạc của chị rồi đi về đi.

Đồ đạc là cái áo, cái khăn lông, cái nón lá và đôi dép cao su đúc. Một tên an-ninh đi theo đến cổng, dặn : 

- Chị đừng trở lại đây làm gì nữa. Không tốt đâu. 

Má nó lầm lủi đi, chẳng nói chẳng rằng. Cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt. Bởi vì má nó đã chuẩn bị tinh thần từ ngày biết tin ba nó đi học tập cải tạo. Dưới chế-độ cộng-sản, đã là vợ con của "ngụy " là phải biết dọn mình chịu đựng sự kỳ-thị của kẻ cầm quyền…

         Khi má con Mén về đến nhà thì tụi nhỏ đã đi hết, đứa đi học, đứa đi lao-động trong trường. Má nó bèn dọn dẹp đồ đạc rồi nấu cơm một cách thản nhiên như chẳng có gì xảy ra hết. Bình thường, má nó không về giờ này, nên hàng xóm để ý. Vài người chạy sang hỏi han như trong gia đình : 

- Bộ có chuyện gì sao mà má con Mén về nhà giờ này vậy ?

Hỏi, nhưng trong lòng họ đã đoán ra câu trả lời hết chín  phần mười. Má nó cũng nghe an-ủi : 

- Dạ thì họ đuổi chớ sao ! Ngụy mà ! Kể số gì ?

Rồi má nó cười thật mỉa mai. Một bà già phát tức, phun cốt trầu cái phẹt : 

- Hứ ! Cái giống gì mà thiệt vô nhân đạo. Người ta đã nghèo, một thân một mình làm nuôi bầy con mà cũng đuổi cho đành !

Một bà khác thêm vào : 

- Thôi đi ! Nói gì cái thứ đó !  Mồ ông mả cha của tụi nó mà tụi nó còn coi không ra gì thì nói chi tới bà con mình. 

Nghe mấy tiếng "bà con mình" bỗng nhiên má con Mén mủi lòng, chảy nước mắt. Từ ngày bỏ xóm Cầu Ngang tạm cư ở xóm Bộng này, mặc dù có chồng con ở một bên, má nó vẫn nghe bơ-vơ lạ-lùng. Má nó thấy thiếu con kinh đào bờ đê thẳng tấp, thiếu chiếc cầu gỗ nhón cao chân dài, thiếu màu vàng ruộng lúa, thiếu mùi thơm bông cau, thiếu họ-hàng ruột thịt… Những thứ mà má nó đã thở từ những hơi thở đầu đời. Những thứ mà má nó đã nhìn từ khi nụ nhìn biết phân biệt. Tất cả, tất cả đã trở thành nhịp sống của chính bản thân của má con Mén. Mất đi những thứ đó, má nó cảm thấy như bị tách biệt ra khỏi cuộc đời này… Xóm Bộng tuy hiền, nhưng trước đây người cùng xóm đối xử với nhau còn nhiều dè-dặt, ít qua lại với nhau, gặp nhau chào hỏi xã-giao lấy lệ. Do đó, mặc dù sống trong xóm nhỏ đông người, má con Mén vẫn thấy như mình sống lẻ loi giữa đồng giữa ruộng. Niềm đau đó má nó dìm sâu trong nội tâm từ bao lâu nay, bây giờ mấy tiếng "bà con mình" thật chất-phác nhưng thật gần gũi, thật đậm đà tình lân lý, đã mở ngỏ khơi nguồn. Má nó khóc mà nghe lòng thật ấm-cúng và cũng thật là thênh thang trải rộng. Giống như ruộng lúa xóm Cầu Ngang được ươm vàng dưới nắng, cuối mùa mưa…

--oOo--

         Biết thân phận mình không làm sao tìm được việc làm ổn định, dù làm phu quét đường đổ phẩn, má con Mén cầm thế một mớ nữ trang quần áo rồi đi buôn đầu chợ bán cuối chợ. Tưởng giống như ngày xưa ở dưới quê, té ra thật là chật vật. Ở đây và bây giờ, có một trăm người bán nhưng không có một vạn người mua. Quá nhiều người bán bởi vì những người này một số không chịu đi làm cho chế độ, một số bị chế độ sa thải đành buôn bán lắt nhắt để kiếm sống. Quá ít người mua bởi vì thiên hạ không còn tiền…

         Anh em con Mén cũng đã nghỉ học, ở nhà giúp má tụi nó bằng cách đi bươi đống rác lượm ve chai, giấy vụn, bao ni lông… Má con Mén cắt bao bố tời may lại thành túi nhỏ cỡ bằng ba giỏ đi chợ, có hai quai để tụi nó mang vào vai vào cổ. Mấy đứa lớn mang ba túi mỗi đứa, mấy đứa nhỏ tùy bữa mà đeo khi một khi hai. Đứa nào cũng cầm một que sắt đầu uốn cong như cái móc. Thằng lớn hay đùa :

- Tụi mình bây giờ thành Cái Bang hết. Tao là trưởng lão ba túi, còn tụi bây là đệ tử. Mỗi ngày tủa ra đi hành hiệp trên mấy đống rác thành phố Hồ Chí Minh quang vinh !

Rồi tụi nó cười vui như chẳng biết phiền lụy là gì.

         Má con Mén thì khác. Ưu tư nằm ngay trong ánh mắt nụ cười. Những đêm trằn trọc đã đào sâu đôi má. Càng ngày, con người càng héo hon. Tuy nhiên, chẳng bao giờ nghe má nó mở miệng than một lời. Thấy tội nghiệp, hàng xóm thừơng qua thăm mẹ con con Mén để phụ tụi nhỏ lựa ra và xếp riêng thành đống miểng chai theo miểng chai, ni long theo ni long, giấy theo giấy v.v… Lâu lâu họ cũng mang cho vài khúc mía, trái dừa hoặc mấy nhúm tôm khô. Có gì cho nấy, không còn nề hà dở ngon hay nhiều ít. Má con Mén đều nhận hết, không bao giờ từ chối đẩy đưa. Bây giờ, làm như là người ta sống thật tình với nhau hơn hồi trước. Làm như là thiên hạ cần có nhau như hơi thở cần cho cuộc đời. Có lẽ bởi vì họ đã mất tất cả những gì họ đã có, bây giờ họ chỉ còn lại có nhau thôi…

         Lần hồi rồi má con Mén cũng phải bán đi chút đỉnh đồ đạc trong nhà để đủ có miếng ăn cho lũ nhỏ. Lúc này tụi nó lớn thấy rõ, mặc dù ăn uống kham khổ. Mấy bà hàng xóm thường nói : "Trời sanh, trời nuôi". Mà thật, tới con Mén cũng cao lên, tuy vẫn còn gầy. Tay chân hơi ghẻ lở nhưng gương mặt vẫn kháu khỉnh nhờ mái tóc vẫn hớt bom-bê cao. Nó không chịu để tóc dài. Mỗi lần má nó đề nghị "Để tóc dài đi con cho nó thành con gái" nó lắc đầu nguầy nguậy, tóc bom-bê xòe ra như rẻ quạt : "Nực thấy mồ…" Mấy hôm đầu đi bươi rác, nó còn mang dép Nhựt. Sau đó, nó lượm một mớ giày Bata rách mũi, chọn được hai chiếc vừa chân thì một xanh một vàng. Nó mang vào, hí hửng : 

- Kệ nó ! Khác màu như vậy khỏi sợ chúng nó ăn cắp. 

Rồi nó đem đôi dép Nhựt rửa sạch, cất kỹ. Không ai hỏi, nhưng nó vẫn giải thích : 

- Để giành mai mốt có  đi học lại, có mà man. 

Nghe nó nói, thằng anh hai nó nhìn nó rất lâu, bồi hồi xúc động. Anh nó nhận thấy con Mén không còn là con nít nữa.

--oOo--

         Má con Mén có một người chị ruột tên Ánh -Nguyễn Thị Ánh- hồi đó nấu bếp cho vợ chồng một ông Tây. Khi gia đình ông này dọn về xứ, chị Ánh cũng đi theo họ rồi ở luôn bên đó. Ít lâu sau, có tin chỉ lấy chồng người Pháp rồi hai vợ chồng đưa nhau qua làm ăn ở Phi-Châu. Chỉ cũng đã vào quốc tịch Pháp và đổi tên là Anne – bà Anne Brioude.

         Khi má con Mén bắt đầu cạy gạch bông nền nhà lên bán để độ nhựt – thằng  anh con Mén nói "hết ăn tủ tới ăn rương, bây giờ tụi mình ăn tới gạch !" thì chị Ánh ở bên tây về kiếm thăm. Ông chồng khuyên không nên về sợ gặp khó khăn, nhưng chỉ vẩn quyết định :

- Tôi phải về kiếm tụi nó coi ra sao. Nghe nói bây giờ bên Việt Nam dân chúng đói khổ lắm. 

Rồi chị mua thật nhiều hàng vải quà cáp làm như gia đình chị bên nhà còn rất đông. Thật ra, chị Ánh chỉ còn có má con Mén là ruột thịt, nhưng mười mấy năm xa cách đã làm cho tình thương trong lòng chị thật mênh-mông, không bờ không bến, đến độ chị không đo lường được nữa không phân biệt được nữa đâu là tình thương em đâu là tình thương quê hương…

         Về Sàigòn – chị Ánh vẫn gọi là Sàigòn vì thói quen – chị ở khách sạn Hữu-Nghị. Ngày ngày chị đi dò hỏi tin tức má con Mén, từ những người quen xa xa chỉ qua những người cùng gốc ở Cầu Ngang nhưng đã lên làm ăn ở thành thị từ trước… Cứ phăn lần phăn lần rồi chị Ánh cũng tìm ra xóm Bộng. Đến đây, chị gặp một trở ngại lớn : người trong xóm không biết ai tên là Nguyễn thị Hoa hết. Chị giải thích dài dài : 

- Nó nhỏ nhỏ con, người tròn trịa trắng trẻo, năm nay chừng băm mấy chớ chưa già lắm.

Chị tả hình dáng của người em gái cách đây đã mười mấy năm, cái thời mà hai chị em còn ở dưới quê, trưa trưa hay ra ngồi trên cây dừa bắt ngang đường nước, 

thọc chân trong nước mát, đong đưa kể chuyện tâm tình… Hình ảnh đó, chị đã mang đi và giữ vẹn cho đến bây giờ, quên mất là thời gian đã đi qua và nét đời đã bị bôi đi vẽ lại ! Không ngã lòng, chị tìm cách nói với mấy bà già trong xóm : 

- Cháu tên là Nguyễn thị Ánh, con em cháu tên Nguyễn thị Hoa. Tụi cháu dân ở Cầu Ngang, miệt dưới…

Địa danh Cầu Ngang đã giúp mấy bà nghĩ ra má con Mén. Một bà hỏi :

- Có phải cô đó có bốn đứa con không ? 

Chị Ánh mừng rỡ : 

- Đúng rồi ! Người ta nói nó có bốn đứa con, ba trai một gái !

Bà già gật đầu :

- Vậy là má con Mén rồi !

Trước khi chỉ đường, bà trách nhẹ : 

- Kiếm má con Mén thì nói kiếm má con Mén ! Cô cứ nói Nguyễn thị Hoa hoài, ai mà biết ai !

         Vậy là hai chị em gặp nhau. Gặp nhau thật là ngỡ-ngàng. Quá nhiều thay đổi để nhìn ra nhau ngay và xa cách đã quá lâu nên tình cảm bị chìm sâu trong tìm thức. Phải một vài giây im lặng để tìm lại những nét cũ trên gương mặt bây giờ và để những tình cảm bị bỏ quên từ ngày xưa được trả về với hiện tại. Sau phút ngỡ ngàng hai chị em ôm chầm lấy nhau, khóc nức-nở.

--oOo--

         Chị Ánh đã quyết định : gia đình con Mén phải qua Phi Châu ở với chỉ. Nhìn tay chân ghẻ lở của bầy cháu, nhìn gương mặt già trước tuổi của đứa em, chị nghe bất nhẫn vô cùng. Chị nói :

- Không được ! Ở lại đây tụi bây cùi luôn, ngu luôn. Qua bển tao lo cho hết. Còn ba tụi bây, từ từ rồi tính sau.

Rồi chị sắp đặt : 

- Chị để lại một mớ tiền, em lo liệu cho mấy đứa nhỏ và đi thăm nuôi chồng em. Chừng chị về bên đó, chị sẽ gởi tiếp thêm để em chạy lo giấy tờ. Tốn bao nhiêu thì tốn, nhưng phải đi khỏi xứ này gấp. 

Má con Mén như người không biết lội vừa chìm xuống nước ngoi lên ôm được cái phao, nhìn trời cao lồng lộng bên trên mà cảm nhận cuộc sống này vẫn còn có lối thoát.

         Chị Ánh trở về Pháp. Tụi nhỏ vẫn tiếp tục bươi đống rác ngày ngày để đừng ai để ý. Má con Mén chạy chọt dò dẫm rồi cũng tìm ra trại học tập của chồng.

         Lần đi thăm nuôi đầu tiên, con Mén có đi theo. Thấy ba nó gầy nhom, nó rớt nước mắt. Má nó kể chuyện dì Ánh cho ba nó nghe, ba nó vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Nhưng khi nghe hỏi ý kiến về vụ cho mấy đứa nhỏ sang Phi Châu, ba nó bỗng im lặng nhìn ra bìa rừng làm như câu trả lời nằm ở đâu ngoài đó. Một lúc sau, ba nó nói, thật trầm tĩnh : 

- Ờ… tính như vậy cũng được. Cho mấy đứa nhỏ nó có tương lai…

Rồi ba nó cầm lấy hai bàn tay nhỏ của nó, vừa bóp nhẹ vừa nhìn nó thật lâu. Nó cũng nhìn ba nó : chưa đầy một năm mà ba nó già đi nhiều, mắt sâu xuống, gò má nhô lên, râu tóc rối bời… Ba nó đã làm tội tình gì mà “tụi nó” đày đọa ba nó ra như vậy ? Rồi nó nhìn ra mấy thằng bộ đội đứng lớ-ngớ ngoài kia, môi nó mím lại, mắt nó lồi ra : nó muốn lấy que sắt cào bươi "tụi nó” tả tơi như nó đã cào bươi mấy đống rác ! Từ đó, con Mén biết thế nào là hận thù…

--oOo--

         Dì Ánh đã gởi về đầy đủ giấy tờ, má con Mén cũng đã nạp hồ sơ xin xuất cảnh qua Côte d’Ivoire (Phi Châu). Nhờ có tiền gởi về, má nó chạy chọt đút lót nên cũng không gặp nhiều khó khăn. Cho đến ba con Mén bây giờ cũng được các cán bộ dành nhiều dễ-dãi.

         Thời gian qua mau, mới đó mà đã hai năm mấy. Khi ba con Mén được thả về thì mẹ con tụi nó chỉ còn chờ ngày lên máy bay. Ba nó về mà có cảm tưởng như được đặc-cách cho về để đưa vợ con đi vậy. Bởi vì, sau đó, ba nó vẫn sẽ phải sống chật-vật một mình trong một vùng kinh-tế mới nào đó, và tuy không còn ở trong trại nhưng vẫn ở lại trong xứ thì cũng giống như bị giam trong một trại tập trung khổng-lồ.

         Ngày ba nó trở về, căn nhà nhỏ bỗng trở nên quá nhỏ để tiếp những người hàng xóm. Ai cũng mừng cho gia đình con Mén, mừng thật sự, bởi vì đối với họ, ba con Mén là người của đại gia đình xóm Bộng. Vậy mà cái đại gia đình đó vẫn chưa ai hay rằng tụi con Mén sẽ bay đi tìm sống tự do ở một chân trời khác. Bởi vì má con nó luôn luôn giữ kín chuyện này, cũng như mọi người đang lo xuất cảnh hay toan tính vượt biên, chẳng một ai dám hé răng.

         Bây giờ con Mén lớn rồi, nên nó để cái võng cho ba nó nằm. Nó săn sóc ba nó từng chút : lấy khăn lông nhúng nước cho ba nó lau mặt, nấu trà cho ba nó uống, bới cơm cho ba nó ăn. Mẹ con nó ngồi dưới đất vây quanh võng để nghe ba nó kể chuyện cải tạo đầy khổ nhục. Ba nó bây giờ hút thuốc rê như ống khói. Ba nó thấy bầy nhỏ nhìn mình châm-chú, nên mỉm cười phân trần như tự bào chữa : 

- Hồi đó ba đâu biết hút thuốc. Rồi trong trại, phần vì lạnh, phần vì buồn, bạn tù chia nhau điếu thuốc rê. Riết rồi ghiền luôn, bỏ không được. 

Con Mén nghe thương ba nó vô cùng. Nó muốn nhào lại ôm ba nó để chia sớt ngần đó tháng năm chồng chất bằng đói lạnh buồn đau. Nó muốn nhào lại cầm tay ba nó đặt lên một bên má của nó, rồi an ủi ba nó bằng những lời lẽ thật là dịu thật là ngọt. Nó muốn… nó muốn… Nhưng, không hiểu sao nó vẫn ngồi yên nhìn ba nó mà nghẹn-ngào chảy nước mắt. Có lẽ nó tự nhận thấy bây giờ nó không còn là con nít nữa.

--oOo--

         Bữa đi phi-trường thật là tội nghiệp. Cả nhà len-lén đi, không dám chào ai hết. Gọi là đi chánh-thức nhưng giống như là đi trốn, đi chui. Má con Mén dặn dò mấy đứa nhỏ thật kỹ lưỡng, rồi kết luận : 

- Sợ bà con biết rồi ba con buồn, hiểu chưa ?

        Nếu bà con biết thì có lẽ bà con sẽ buồn thật. Không phải chỉ buồn vì xa tụi con Mén, mà còn buồn vì số phận hẩm hiu của mình, bởi vì không phải ai cũng được may mắn như gia đình con Mén. Điều mà má nó không nói ra là trong thâm tâm má nó rất ái nái khi phải bỏ xóm Bộng ra đi. Má nó thấy mình giống như lính đào ngủ trong khi bạn đồng đội đang gan lỳ chịu đựng. Ngồi trên xe đi phi trường mà má con Mén cứ lâu lâu lại thở dài…

         Phi-trường đông thật đông, Người đi không có bao nhiêu mà người tiễn đưa thì thật là nhiều. Kẻ đi người tiễn nào mắt cũng mọng đỏ. Họ đã khóc đâu từ hồi còn ở nhà hay từ hồi còn trên xe, đến đây còn thấy có người khóc tiếp. Dĩ nhiên buổi tiễn đưa nào cũng buồn, nhưng tiễn đưa mà biết rằng vĩnh viễn không gặp lại nhau nữa thì buổi tiễn đưa đó mới thật là đau đớn. Nó cũng giống như đi chôn người thân, cho nên có nhiều người ôm nhau khóc thật thảm thiết. Người đi cũng như kẻ ở đều chết điếng trong lòng. Lời nói chỉ còn là nước mắt.

         Mấy anh em con Mén lần lượt ôm ba tụi nó, khóc như mưa bấc. Con Mén được ba nó ôm sau cùng, ôm thật lâu… Ba nó siết chặt nó vào lòng mà nghe như có cái gì trạo trực từ lồng ngực đưa lên cổ. Ba nó nhắm nghiền mắt lại, nuốt xuống  như nuốt liều thuốc đắng.

         Đến khi ba nó hôn nó lần cuối thì nước mắt ở đâu bỗng trào ra như suối. Trong một khoảnh khắc, người đàn ông quê mùa cục mịch đó bỗng nghe thân xác của mình tan ra thành nước, bỗng thấy tất cả đều nhòe nhoẹt tối đen mà mình thì đã chết đi, chết hẳn. Thời gian như ngừng lại rất lâu…

         Rồi cũng phải buông rời nhau ra để thực sự nhìn nhau lần cuối. Những người tiễn đứng thành hàng dài, còn ráng chồm qua hàng rào ngăn cách để núm níu người đi. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi đó, tất cả đau thương cô đọng lại thành tiếng nấc, rồi người ta khóc to lên không còn cần giữ ý tứ gì nữa. Giống như lúc liệng nắm đất lên mặt quan tài nằm sâu dưới huyệt. Ở đây, đúng là “người đi” đi vào một thế giới khác.

         Ba con Mén nhìn theo vợ con bước vào bên trong, khoảng cách không có bao nhiêu nhưng sao thấy xa mút như đầu con kinh đào ở xóm Cầu Ngang. Con kinh đào mà thuở ấu thơ ba nó đã từng nô đùa tắm mát bây giờ cũng xa lắm nhưng còn có ngày ba nó nhìn thấy lại, chớ vợ con thì… Ba nó ngừng suy tư ở đó để vẫy tay lần cuối trước khi vợ con bước qua khuôn cửa kiếng. Cánh cửa đóng lại khô khan như gương mặt mấy thằng công an đứng gần quanh đó, dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra ! Trong phòng đợi, con Mén lẩm nhẩm đánh vần khẫu hiệu được vẽ to trên tường bằng sơn đỏ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

--oOo--

         Tôi quen con Mén ở Abidjan, thủ đô xứ Côte d’Ivoire. Má nó đưa anh em nó lại để học Pháp văn với tôi, cùng với những đứa con của mấy gia đình tỵ nạn khác.

         Con Mén bây giờ không còn “mén” nữa. Nó tròn-trịa ra, đôi má phinh-phính hồng. Tóc bây giờ đã để dài chấm vai, đuôi tóc quớt quớt.

         Khi đã quen thân, con Mén tỉ-tê kể cho tôi nghe từng mẫu chuyện nhỏ trong cuộc đời của nó, nhớ đâu kể đó, không thứ tự lớp lang. Nhưng phần lớn, chính má nó kể lại, tỉ mỉ hơn, nhứt là đoạn nó còn nhỏ.

         Những lúc con Mén kể chuyện, mặt nó tươi ra, rạng rỡ, mắt nó ngời lên tinh-anh. Và khi nó nói về ba nó, nó không thiếu một chi tiết. Lâu lâu nó ngừng lại để chêm vào : “Cũng tại tụi Việt Cộng hết !” Đến những đoạn bi-thảm của ba nó, có khi nó ngừng kể, mắt nó đầy căm thù, tiếng nó bị nghiến lại trong răng. Tôi đoán nó đang chửi thầm : “Mồ tổ cha nó !”

         Một hôm, nó nói với tôi :

         - Bác Hai nè ! Bác đừng nói với ai hết nghen. Con muốn nhờ bác dạy con chữ quốc-ngữ nữa. Hồi đó con mới học hết lớp một rồi nghỉ học luôn tới giờ nên con còn dốt lắm !

         Rồi nó chớp chớp mắt, giọng nói bỗng trở nên trìu mến :

         - Con muốn học quốc ngữ để con viết thơ cho ba con…

         Câu nói đó đã làm tôi xúc động đến ứa nước mắt !

         Từ bao lâu nay, người tỵ nạn chỉ nhờ tôi dạy Anh văn hay Pháp văn. Đây là lần đầu tiên trong đời lưu vong, tôi được người nhờ dạy quốc-ngữ. Lại là một cô gái nhỏ. Và cô học chỉ để viết thơ về cho cha cô ở Việt Nam ! Giản dị như vậy. Vậy mà sao tôi có cảm tưởng như tôi vừa được nhắc đến quê hương, nhắc bằng chữ i, chữ tờ… Và được thấy lại một nét quê hương qua hình ảnh người con muốn viết thơ về cho cha vì vẫn không muốn cắt lìa cuống rún !

         Tôi nhìn con Mén mà thấy thương thấy quí nó vô cùng. Nó không hiểu cái nhìn của tôi nên gật gật đầu, lập lại :

         - Con muốn viết thơ cho ba con.

         Tôi cầm hai bàn tay nó bóp nhẹ :

         - Ờ… Bác sẽ dạy con… Bác sẽ dạy con…

         Trên gương mặt phinh phính của con Mén, nở ra một nụ cười rạng rỡ. Chắc nó đang nghĩ đến ba nó, đến cái ngày mà nó có đủ chữ đủ câu để nắn nót viết cho ba nó những bức thơ dài…

         Ở Abidjan không có sách giáo khoa Việt Nam. Tôi phải nhờ một người bạn ở Paris mua gởi sang. Từ đó, ngày ngày tôi dạy riêng con Mén mà có cảm tưởng như chính tôi đang đi học lại.

         Bây giờ, tôi thấy quí vô cùng những chữ la-tinh mang móc câu, để trở thành chữ ư chữ ơ, đội nón úp nón ngửa để trở thành chữ â chữ ă, kéo theo mấy dấu lăn quăn nằm dưới nằm trên… Bởi vì nhờ có chúng nó mà cha con con Mén vẫn thấy được gần nhau mặc dầu ở xa nhau cách nửa địa cầu. Bởi vì nhờ có chúng nó mà tôi đã khám phá ra con Mén : một đứa gái nhỏ tuy tỵ nạn bao năm ở xứ người mà trong lòng vẫn còn giữ nguyên hình ảnh của xóm Bộng, của Sàigòn, của Việt Nam…

(copy Bài & ảnh từ Trang Văn chương miền Nam)

Sunday, July 30, 2023

Something

truth 

Be You. Be unapologetically yourself. Follow your dreams. Fight for your family. Invest in relationships. Take care of your body. Laugh a whole bunch more. Let yourself feel. Don't be so hard on yourself. Push yourself to be better. Don't settle. Don't quit on your heart. Love deeply. Forgive. Let go. Tab into your creativity. Live your life with enthusiasm. And always, always be you.

Friday, July 28, 2023

Những điều lạ lẫm ở VN: SỰ TINH TẾ KHI DI CHUYỂN BẰNG PHƯƠNG TIỆN CÔNG CỘNG

 Có những điều không nằm trong luật pháp nhưng một số người tinh tế sẽ vẫn tuân theo và hành xử hợp tình hợp lý, ví dụ như những thái độ khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe lửa hay máy bay như sau:

Tôn trọng và chia sẻ chỗ ngồi với người khác. Mặc dù xe hơi đông và bạn rất muốn được ngồi, bạn vẫn nên tránh chen lấn xô đẩy để giành chỗ ngồi cho riêng bản thân mình.

Xếp hàng để lên xe. Nếu bạn đang bận lục tìm vé xe trong ba lô, hãy rời khỏi hàng để tìm, thay vì đứng mãi trong hàng khiến mọi người đằng sau đều phải chờ đợi.

Nếu bạn thích nghe nhạc hãy đeo tai nghe. Ngoài ra, nếu bạn có cuộc gọi quan trọng hãy nói nhỏ hết mức có thể và lấy một tay che hờ miệng khi bạn nói.

Không nên ăn uống những thứ có mùi để tránh làm phiền người khác và để giữ sạch phương tiện công cộng.

Tránh để lại rác như khăn giấy, vỏ kẹo, chai nước khi bạn xuống trạm…

Chung quy lại thì điều quan trọng nhất khi di chuyển bằng phương tiện công cộng mà bạn không thể quên là việc hiểu rằng bạn đang dùng chung và cùng chia sẻ cũng như sử dụng chúng với những người đi cùng khác nữa. Bởi thế, bạn nên tôn trọng những hành khách đi cùng, người nhân viên phục vụ và tự có ý thức bảo vệ giữ gìn phương tiện công cộng. 

Việc bạn tôn trọng và bảo vệ người khác và những thứ có sẵn cũng là cách bạn tôn trọng và yêu thương bản thân mình.

Biên Trương (FB)


Thursday, July 27, 2023

Ký ức SG: NHỚ SÀI GÒN CHỐN CŨ ĐƯỜNG XƯA.

Hồi trước, ở Sài gòn, cách đây lâu lắm, tròm trèm…nửa thế kỷ lận nhen… Tất cả các loại xe hơi, hai đèn trước, đều phải có “mắt mèo” nghĩa là phải sơn màu vàng lên 1/3 bên trên mặt kiếng của đèn trước, ý là… hỏng cho bác tài pha đèn ban đêm, làm chói mắt người hay xe chạy ngược chiều!

Bởi vậy, bác tài có muốn… chơi ác pha đèn, cũng… bó tay!!!

Khúc đường gần bịnh viện đều có bảng “cấm nhận kèn” để bịnh nhân khỏi giựt mình!

Xe đậu trong đường Sàigon đều phải tuân theo bảng đậu “ngày chẵn lẻ”…

Tất cả xe tắc-xi đều sơn trùng một màu xanh hoặc vàng xanh, ý là để “khách bộ hành” biết nó từ đàng xa để… quơ tay đón và cũng có ý là nếu, hỏng… phải xe tắc xi, mà là xe du lịch tư nhân lại đi ”dù” rước khách… kiếm chút cháo là biết liền, cũng dĩ nhiên, xe nào “nhảy dù” như vậy, bị bắt là bị phạt, lớ quớ còn bị tịch thu bằng lái!

Xe tắc xi phải có đèn hộp “bắt chết luôn” trên mui xe, về đêm, hộp đó có đèn cháy sáng để khách biết mà… dơ tay đón… để cho khỏi lộn với xe du lịch!

Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc trưng riêng để dể phân biệt với xe đò…

Ví dụ Xe Buýt Vàng thì… sơn màu vàng đặc trưng… khác thiên hạ…

Bến xe này ở gần Bà Quẹo… mà bà con gọi là Bến-Tô-Bít-Vàng…

Kế bến xe buýt vàng này có hãng cơm sấy Hồng Hoa (?) làm cơm sấy cho lính…

Xe cộ phải đàng hoàng, cái nào ra cái đó, lộn xộn… hỏng nên thuốc!

Bắt đầu 18 – 20 tuổi… mới cho thanh niên lái xế hộp 4 bánh du lịch… để lấy le, sau đó vài ba năm, bác tài… trẻ mới lên được 1 “hạng”, rồi cày vô lăng… vài năm nửa, mới cho… mó tới xe tải, rồi “chạy xe” thêm vài niên, mới “đủ ngày” để lấy dấu E để lái xe đò, nghĩa là khi bác tài lái… mấy chục tánh mạng hành khách, thì bác tài… vô tuổi trung niên rồi, nên… hết máu thanh niên, háo thắng, ưa nóng gà… chạy ẩu!!!

Chớ không có cái chuyện “giao trứng cho ác” được!

Ở ngã tư đèn đỏ, có vạch sơn trắng, tất cả xe cộ đều ngừng sau vạch đó, xe nào cán mức sơn, mà nhè ông đạp xích lô thấy được… ổng chửi cho tắt bếp, quê lắm nhen!!!

Nhà bán thuốc tây, thì bảng hiệu đề Nhà Thuốc Tây hoặc Nhà Thuốc Gác (đó là danh từ chung) chớ không ai lấy Tên Riêng (danh từ riêng) để đề bảng hiệu bán thuốc tây!

Hai bảng hiệu nầy luôn luôn là bảng màu xanh đậm và chữ trắng, nó còn có hộp đèn chữ thập xanh gắn thêm, để đêm hôm, người mua thuốc… đứng ở xa, cũng thấy!

Tiệm nào bán thuốc bắc thì có chữ “đường” ở sau, Ví dụ: Vĩnh Sanh Đường, Nhị Thiên Đường, Thiên Hòa Đường…

Còn chùa thì có chữ “tự”… dính ở sau, ví dụ: Huỳnh Kim Tự, Thới Hòa Tự, Long Vân Tự, Linh Sơn Cổ Tự…

Tiệm bán vàng thì bảng hiệu chỉ có 2 chữ, chữ đầu luôn luôn là chữ “kim”, ví dụ: Tiệm vàng…Kim Hưng, Kim Liên, Kim Sen, Kim Hoàng, Kim Phát…

Địa Danh ít khi dùng chữ Thái (kỵ húy vua Thành Thái ?) mà dùng chử Thới: Ví dụ: Thới Bình (Cà Mau), núi Châu Thới ( Biên Hòa), Bình Thới (quận 11), Tân Thới Hiệp (chỗ tập lính QT) Thới Tam Thôn, Thới Hòa (Vinh Lộc) Thới Nhứt, Thới Nhì, Thới Tam, Thới Tứ (Hóc Môn), Xuân Thới Sơn (chỗ đương trạc, giỏ tre...)

Nhà dân cất dọc đường lớn, xa lộ, người ta luôn luôn tự động cất nhà thụt lùi vô trong, ở xa lộ, cách Xa Lộ ít nhứt là 50 mét! Lý do là để cho an toàn chuyện xe cộ, thứ 2 nếu có mở rộng đường xá thì khỏi phải dời nhà…

Nhà mà dời đi, dời lại là điều ông bà xưa kiêng kỵ, nên, hỏng ai ham lú mặt ra đường!

Dọc đường cái trống trơn, hỏng ai… dám gan, tới chỗ đó… tự nhiên cất nhà…

Nếu gan cùng mình, cất nhà đại… thì cứ cất, đợi cất xong, bên Điền Địa hỏi Bằng Khoán đất, hỏng có, thì “coi như”… gia chủ xách tụng đi ăn mày… ở tòa bố!

Còn những tên cất nhà, mà lấn từng tất đất, bà con nói nhẹ rằng “thằng đó hết xài”!

Thằng nào “hết xài”… thì nó, chỉ còn nước… đội quần mà đi, nhục lắm!!!…

Ở Sài Gòn, cái vụ học hành, có ba thứ trường để học:

Trường Công Lập, Trường Tư Thục và Trường Hàm Thụ

Trường Hàm Thụ là trường… mà… hỏng ai tới trường!

Bất kể ai, vì hoàn cảnh gì đó không tới trường học trực tiếp được, thì cũng có cách học để tiến thân, đó là “học trường hàm thụ”. Nghĩa là, cứ… đi làm sở, làm sùng tà tà hay làm việc nhà nấu cơm hoặc cày sâu cuốc bẩm đồng sâu nước mặn…

Nếu muốn tiến thủ trong cuộc đời… thì ghi danh học Trường Hàm Thụ, trường sẽ gởi Bưu Điện bài học, bài làm tới nhà và làm bài xong, gởi bưu điện tới cho trường chấm bài, rồi trường gởi bài tiếp…

Cứ thế… cứ thế…

Chỉ tới ngày thi, thì thí sinh phải đi thi mà thôi…

Bởi vậy, anh em nào có tinh thần cầu tiến, cứ học, nếu thi đậu thì đáng nể lắm!!!

Trường Tư Thục thì học sinh phải “đóng tiền trường” hàng tháng và bằng Tú Tài cũng giống y như học sinh Trường Công Lập…

Trường Công Lập là… trường công, học sinh không đóng tiền trường suốt 7 năm Trung Học…

Đặc biệt, trường Công Lập nam nữ… lại cho học riêng, như:

Trường Công Lập Nữ Trung Học: Lê văn Duyệt, Gia Long, Trưng Vương… vv…

Trường Công Lập Nam Trung Học: Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Lý Thường Kiệt, Quốc Gia Nghĩa Tử… vv…

Ở trường công nam, Nam Sinh mặc đồng phục Quần xanh áo trắng… bỏ áo vô thùng, trên miệng túi áo, có ghi tên trường hẳn hẹ… nên đố thằng nào… dám hó hé!

Ở trường công nữ, Nữ Sinh đồng phục là mặc áo dài trắng, quần trắng…

Có… thời khắc “mấy nhỏ áo dài trắng”… bắt chước mấy cô Ca Sĩ Sài Gòn, bận áo dài vạt “lửng”… còn tay áo thì kiểu “rặc lăn”… là… tay áo dài nối vô thân áo…

Thiệt… quả là báo đời…một phen!!!

Mấy anh chàng Nam Sinh trường công vì học chung “tòn-là đực rựa”… nên nhiều thằng dòm… quí nàng áo dài… vạt lửng… bước đi với tà áo (cố tình) thướt tha yểu điệu, tụi đực rực… áp nhau thấy, tụi nó…rụng rúng bầy bầy!!! Hì hì…

Bởi vậy, mới có chuyện, mấy “tay tổ” trường công nam, cúp cua vô Lăng Ông Sở Thú Tao Đàn… để “trồng cây si” mấy nàng áo trắng, thây kệ chuyện, bị… cồng-sing!!!

Và… thấy tiếp… ở Sàigòn năm xưa…

Cây xăng nào cũng có “vòi bơm bánh xe gắn máy, xe hơi” đứng ở giữa hai trụ xăng…

Đang chạy xe, thấy bánh xe mềm, tấp vô cây xăng, dựng xe trước “cây bơm”, lấy tay “quây” cây kim hơi, về số 5 (5 năm ký hơi)… rồi ung dung ngồi xuống, mở nấp vòi, ịnh đầu bơm hơi vô vòi ruột xe… để cho nó tự bom, cây kim bơm hơi, quơ quơ nghe cạch cạch cạch, tới khi, nghe kêu cái teng, đủ hơi, là máy bơm tự động ngừng bơm…

Bơm xe như vầy, nghe… nó phẻ cách gì, chớ 2 tay “thụt ống bơm”… mệt lắm!!!

Nhưng… úi chà… cứ bom cây xăng riết, ruột xe Honda tòn – là… nước không hà!

Biết được ruột xe có nước là do vô vá xe tại tiệm sửa xe “Sĩ Solex” kề bên trường Lê văn Duyệt và bên kia đường… có rất nhiều ruộng rau muống xanh um!

Chàng Hiu

(copy từ Trang Văn chương miền Nam)

Tuesday, July 25, 2023

MỸ CÓ LÀM GIÀU TỪ VIỆC BÁN VŨ KHÍ RA KHẮP THẾ GIỚI?

Hiện nay không khó để bắt gặp luận điệu chống Mỹ từ một ai đó, họ cố tỏ ra mình yêu nước và hiểu biết khi ngoác mồm nói Mỹ đang cố tình gây ra sự bất ổn trên khắp thế giới để... bán vũ khí làm giàu cho nước Mỹ.

Nếu biết rằng tổng GDP hàng năm của Hoa Kỳ là 25.000 tỷ USD , chi phí cho quốc phòng từ 700 - 800 tỷ USD/năm. Trong khi tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ chỉ khoản trên dưới 200 tỷ USD/năm. Dù là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới nhưng giá sản phẩm của họ rất đắt đỏ nên tổng số lượng thì không nhiều bằng Nga. 

Tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ chỉ chiếm 0,8% GDP , vậy cho dù không bán ra ngoài một viên đạn nào cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Mỹ. Nên muốn mua vũ khí Mỹ không hề dễ như Nga hay TQ chỉ cần có tiền là mua được. 

Vũ khí sát thương chỉ được bán khi lưỡng viện đã thông qua , các quốc gia độc tài hay cộng sản thì đừng mơ mà mua được dù chỉ một viên đạn. Những thứ hàng cực phẩm như tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 vô hình trước mọi radar hiện nay chỉ được bán cho đồng minh gần gũi và tin cậy , như Turkey vì mua tên lửa S-400 của Nga mà bị hủy hợp đồng mua lô F - 35 đầu tiên của Mỹ  cho dù cùng trong khối NATO .

Còn vũ khí chiến lược như máy bay thả bom rải thảm B-2 Spirit giá 2 tỷ USD/chiếc , hay F - 22 Raptor siêu tiêm kích thế hệ 5+ thì Mỹ không bao giờ bán cho bất kỳ nước nào.

Trước khi nói xấu về ai đó hãy cố gắng thu thập thông tin đầy đủ, để thiên hạ không đánh giá mình hồ đồ hay ngu dốt.

Hãy nhớ , dù là nước xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới về giá trị nhưng số lượng ít hơn Nga vì giá thường gấp đôi hàng Nga và gấp 3-4 lần hàng Tàu cùng chủng loại. Nhưng nước Mỹ không làm giàu từ bán vũ khí ra thế giới vì 200 tỷ USD chỉ bằng 0,8% tổng GDP của họ mà thôi. Muốn mua vũ khí Mỹ phải có điều kiện chứ không phải cứ có tiền là có thể mua như Nga hay TQ đâu nhé !

Nói xấu người khác cũng cần phải có chút kiến thức để người ta không cười mình đã ngu dốt lại còn xấu tính!

Nguồn: chôm trên FB (copy từ FB-Trần Quốc Quân)

Monday, July 24, 2023

Từ vài điểm bác Tuỵ có ý kiến về giáo dục: Nói thẳng

 BỘ GIÁO DỤC VIỆT NAM HÔM NAY THỰC CHẤT LÀ BỘ PHẢN GIÁO DỤC, KHÔNG PHẢI NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM LẠC HẬU MÀ NÓ ĐÃ LẠC ĐƯỜNG, ĐI NGƯỢC LẠI NỀN GIÁO DỤC VĂN MINH NHÂN BẢN CỦA NHÂN LOẠI !

Trần Mạnh Hảo

Cái “tít” trên không phải của Trần Mạnh Hảo mà TMH chỉ trích lời GS Hoàng Tụy, nhà toán học lớn của Việt Nam phát biểu trong cuốn sách “Xin được nói thẳng” ( NXB Thế giới và Omega Việt Nam). Xin vào đường dẫn sau :

Nhớ những 'lời nói thẳng' GS Hoàng Tụy góp cho giáo dục - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

Hay các bạn chỉ cần vào công cụ tìm kiếm đánh dòng : GS Hoàng Tụy góp ý về giáo dục, sẽ hiện lên rất nhiều báo in và bình luận những góp ý của GS. Hoàng Tụy như Thanh niên, tuổi trẻ, Phụ Nữ….

Trần Mạnh Hảo tôi viết bài báo này để chỉ ra những nguyên nhân khiến nền giáo dục nước ta là một NỀN GIÁO DỤC PHẢN GIÁO DỤC như sau : 

1-MỘT NỀN GIÁO DỤC LẤY DỐI TRÁ LÀM MỤC ĐÍCH :

- Bộ phản giáo dục đã lấy cuốn sách : “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của GS TS Trần Ngọc Thêm làm giáo trình môn “văn hóa học” suốt hơn 30 năm nay dạy cho học sinh phổ thông và sinh viên các trường cao đẳng và các trường đại học. Cuốn sách này là cuốn sách ăn cắp một cách trắng trợn. Năm 1996, Trần Mạnh Hảo có viết bài : “GS.TS TRẦN NGỌC THÊM LÀ MỘT KẺ ĂN CẮP MỌI Ý TƯỞNG, MỌI MỆNH ĐỀ TRIẾT HỌC VÀ VĂN HÓA HỌC CỦA GS, TRIẾT GIA LINH MỤC KIM ĐỊNH ĐỂ VIẾT CUỐN “CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM”” đăng hai kỳ trên báo Văn Nghệ . Như vậy, bộ phản giáo dục đã đồng nhất đạo đức, văn hóa của Việt Nam hôm nay là ăn cắp. Một nền giáo dục ăn cắp, văn hóa ăn cắp đã sinh ra một nền cai trị với cơ chế ăn cắp. Nên 98 % kẻ có chức quyền của Việt Nam hôm nay hầu hết là ăn cắp, là tham nhũng.

- Ông Nguyễn Thiện Nhân khi làm bộ trưởng giáo dục ( ông này có thành tích phá nát nền giáo dục Việt Nam) đã từng nói đại ý : nền giáo dục chạy theo thành tích của ta là một nền giáo dục thiếu trung thực, nghĩa là nền giáo dục dối trá.

2-MỘT NỀN PHẢN GIÁO DỤC BỎ DẠY MÔN VĂN HƠN 20 NĂM NAY, ĐỒNG NGHĨA VỚI VIỆC BỘ PHẢN GIÁO DỤC ĐÃ BỎ TÂM HỒN HỌC SINH, SINH VIÊN RA KHỎI NỀN GIÁO DỤC.

Hơn 20 năm trước bộ phản giáo dục đã nghe lời dụ dỗ của hai vị : GS. Nguyễn Đăng Mạnh & GSTS Trần Đình Sử ( ông Mạnh và ông Sử là thầy của nhiều ông bộ trưởng bộ dục) bỏ dạy môn văn là môn thẩm mỹ nghệ thuật, môn của xúc cảm tâm hồn, là môn dạy làm người quan trọng nhất của giáo dục để dạy một môn đểu cáng NGỮ VĂN là môn khoa học đi tìm nguyên lý khách quan của ngôn ngữ văn học, một môn của lý trí. Sở dĩ ông Mạnh và ông Sử quân sư cho bộ dục bỏ dạy môn Văn học là môn của xúc cảm sáng tạo để dạy môn NGỮ VĂN rập khuôn,  nhằm giúp các ông Mạnh và Sử bán văn mẫu do các ông và học trò viết ra hàng mấy trăm bài văn mẫu thu về cho các ông hàng triệu đô la.

3-MỘT NỀN PHẢN GIÁO DỤC MÀ BẰNG CẤP HẦU NHƯ ĐỀU ĐƯỢC MUA BÁN BẰNG TIỀN, CHÚNG TÔI GỌI LÀ TIẾN SĨ PHONG BÌ VÀ GIÁO SƯ PHONG BÌ.

4-MỘT NỀN GIÁO DỤC CHỦ TRƯƠNG TRƯỜNG CHUYÊN LỚP CHỌN ĐÃ NHƯ MỘT CÁI CHỢ TRỜI GIÁO DỤC.

5-“ DỐT NHƯ CHUYÊN TU, NGU NHƯ TẠI CHỨC” TẠO CƠ HỘI CHO NGƯỜI NGU DỐT MÀ CÓ CHỨC CÓ QUYỀN TIẾN THÂN VỚI SỰ HỌC GIẢ BẰNG THẬT.

6-“HỌC TÀI, THI LÝ LỊCH” , HẦU HẾT NGƯỜI GIỎI BỊ VƯỚNG LÝ LỊCH CHỈ NGƯỜI DỐT CÓ LÝ LỊCH TỐT MỚI ĐƯỢC LÀM QUAN.

7-MỘT NỀN GIÁO DỤC COI RẺ TRÍ THỨC, TRẢ LƯƠNG CHẾT ĐÓI CHO THẦY CÔ.

8-MỘT NỀN PHẢN GIÁO DỤC CHẠY ĐUA THÀNH TÍCH LÀ MỘT NỀN GIÁO DỤC NGỤY TẠO, KHÔNG CÓ THỰC CHẤT.

9-MỘT NỀN GIÁO DỤC BỊ CHÍNH TRỊ HÓA LÀ MỘT NỀN GIÁO DỤC VONG THÂN; VÍ NHƯ ĐƯA KHÁI NIỆM TÍNH ĐẢNG, TÍNH GIAI CẤP VÀO MÔN NGỮ VĂN THÌ KHÔNG CÒN MÔN NGỮ VĂN NỮA VÀ NÓ ĐÃ GIẾT CHẾT VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA.

- 10 MỘT NỀN GD ĐĨ ĐIẾM, CHO SINH VIÊN NỮ NGÀNH SƯ PHẠM ĐƯỢC QUYỀN LÀM ĐIẾM CHỈ 3 LẦN, LÀM ĐIẾM TỪ 4 LẦN SẼ BỊ ĐUỔI THEO LỆNH CỦA BỘ TRƯỞNG NHẠ.

11- MỘT NỀN GIÁO DỤC ĐÃ BỊ MAFIA HÓA : MAFIA XUẤT BẢN SÁCH GIÁO KHOA, MAFIA GIÁO SƯ, MAFIA HỌC HÀM HỌC VỊ, MAFIA THI CỬ, MAFIA BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA...

Nhiều bạn đọc gọi cho tôi bảo : một nền giáo dục phản giáo dục, phản văn hóa, phản nhân văn của Việt Nam hôm nay đang tạo thuận lợi lớn nhất cho Trung Quốc cướp nước ta. Than ôi, dân tộc này chắc không thể tồn tại nổi 50 năm nữa đâu. Khi muốn biết chế độ cai trị tốt hay xấu, người ta nhìn vào nền giáo dục. Ai có thể cứu nổi sự suy vong gần tới tận cùng của dân tộc Việt Nam chúng ta hôm nay ?

Sài Gòn ngày 24-7-2023

T.M.H.

Ảnh : GS Hoàng Tụy

Sử đỏ

 

Saturday, July 22, 2023

Nguồn gốc người Hungary và người Việt,

  1. Câu hỏi về nguồn gốc người Việt, nếu đứng về phía một cá nhân là vô nghĩa, bởi nếu ta là hậu duệ đời thứ n của một dòng họ, thì về nguyên tắc sẽ có tới 2 mũ n tiền bối. Với một trung bình 30 năm một đời, trong 900 năm sẽ có 30 đời, có tới một tỷ tiền bối, vượt xa số dân cả nước cách đây 900 năm. Có nghĩa là tất cả mọi người dân Việt vào thời đó đều có thể là tiền bối của ta. Như vậy nguồn gốc dân tộc chỉ thể đặt ra với đa số với một xác suất nào đó.

   2. Người Hungary cũng đã có nhiều băn khoăn về nguồn gốc của mình. Họ đi trước chúng ta về nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ và di truyền. Mặt khác họ cũng nhiều đặc trưng tương đồng với ta, nên ta có thể học hỏi. 

   3. Trước tiên, điểm giống nổi bật nhất là chúng ta cũng như họ đều có những huyền thoại học trong trường phổ thông về nguồn gốc dân tộc, có thể sai hoàn toàn, nếu nhìn từ khoa học hiện đại. Điểm thứ hai, di truyền học đã phủ nhận việc sử dụng chung ngôn ngữ bắt buộc kéo theo phải có họ hàng về di truyền. Di truyền học chứng tỏ, người Hung và người Phần Lan, tuy cùng nói các thứ tiếng trong ngữ hệ Finugor, có rất ít điểm chung về di truyền.  Vì vậy, nếu tiếng Việt thuộc về ngữ hệ Nam Á, không có nghĩa là chúng ta phải là họ hàng gần với người Khmer hơn là là người Thái và Lào.        

   4. Vào thế kỷ 5, có một đế chế lớn ở Đông Âu với vị tù trưởng là Attila (giống như Hùng) với sắc dân là hun (giống như là lạc). Tới thế kỷ 9, có 7 bộ lạc dân với tù trưởng là Arpad,  tự gọi mình là magyar (Việt) , đổ bộ vào nước Hung từ đâu đó thuộc lãnh thổ Ukraina ngày nay (Nam Lào). Các bộ lạc này có khoảng 30-40% gốc Á châu (Nam Á). Cố nhiên, chiếm đất không thể bằng hòa bình, và kết quả là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã thất bại hoàn toàn. Kết quả người Hun biến mất, người Magyar trở nên chủ nhân của Hungary.  Và người Hungary hiện đại cũng tự cho mình là Magyar.

    5. Tuy nhiên kết quả di truyền mới nhất cho thấy, trong gene của người Hung hiện đại, gene của người Hun là lấn át. Như vậy, người Hung hiện đại gần với người Hun hơn người magyar thời Arpad vào nước Hung. Kết quả di truyền học cũng xóa sổ thuyết người Hung có nguồn gốc từ một chủng tộc Finugor nào đó nói tiếng Finugor. Như vậy, việc dân tộc Việt có nguồn gốc Việt Cổ Nam Á, nói tiếng Môn-Khmer, có thể cũng tương tự. 

     6. Tuy vậy, người Việt đã học tiếng Nam Á thế nào. Người Hung cũng đã đặt câu hỏi đó với chính họ. Về mặt từ vựng, tiếng Hung có nhiều từ gốc Thổ, Bun, Iran, cũng tương tự như từ vựng Hán Việt. Cố nhiên với tỷ lệ thấp hơn. Đây là một câu hỏi không dễ, bởi vì ngôn ngữ không ghi lại trong gene di truyền và rất hiếm bằng chứng. Tuy vậy người Hung đang có một số giả thuyết: người magyar của Arpad đã học tiếng Hung từ người Avar ở vùng đất Ukraina ngày nay. Có giải thuyết lại cho rằng người Hun đã nói tiếng Hung. 

     7. Di truyền học cũng chứng minh, thành phần của 7 bộ lạc của Arpad khá khác nhau về sinh học. Đặc biệt gene của tầng lớp thượng lưu khác hẳn gene của tầng lớp thảo dân. Có nghĩa là họ có thể nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, khi chiếm được đất của người Hun, tàn sát nam nhân Hun, lấy nữ nhân Hun, thế hệ con học tiếng từ mẹ, và người magyar bắt đầu học tiếng Hung từ các bà mẹ đó và tiếng Hung trở thành tiếng của người Hung thời sau Arpad.

      8. Tương tự, cho dù không hoàn toàn giống hệt. Người Lạc-Việt có gốc Thái Tráng, có thể đã chinh phục được một tộc người Nam Á, và học tiếng của họ theo cách tương tự. Tuy vậy trong trường hợp người Việt, gene Thái-Tráng vẫn trội hơn. Cũng có thể, ngược lại, có một tộc Việt cổ, nói tiếng Nam Á, đổ bộ vào đồng bằng sông Hồng đã chinh phục được nhóm người Thái Tráng bản địa, và mang bộ gene Thái Tráng, tương tự người magyar chinh phục người hun. Tuy nhiên, nhóm người này có ngôn ngữ Nam Á thuần nhất và khá hoàn thiện, nên hậu duệ của họ chọn ngôn ngữ này. Vì vậy khả năng này gần với giả thuyết người magyar của Arpad học tiếng Hung ở vùng Ukraina ngày nay.     

     9.  Việc gene người Việt hiện đại gần với Thái Tráng cả về phía bố và phía mẹ, cho thấy rằng, có thể đàn ông Thái Tráng không bị tàn sát, tộc Việt cổ nói tiếng Nam Á chỉ tạo ra tầng lớp thiểu số tinh hoa  một thời gian. Có thể tổng quát hóa để giả thiết, ngôn ngữ là của tầng lớp thượng lưu thống trị, có thể chỉ là thiểu số, gene di truyền là của đám đông. Làm sao thiểu số lại có thể chinh phục đám đông? Chẳng hạn như trường hợp của Thục Chế, vốn có thể là người gốc Miêu-Dao, có thể chinh phục 10 bộ lạc Thái Tráng ở Quảng Tây, có lẽ có ưu thế  về kỹ thuật quân sự sử dụng cung nỏ kèm theo đó là tri thức tổ chức tốt hơn. Như vậy rất có thể nhà nước Âu Lạc của Thục Phán có elite gốc Thục (Miêu Dao) đa số dân là Thái Tráng. 

    10. Câu hỏi đặt ra là liệu Âu Lạc có nói tiếng Thục? Đó là một khả năng. Tuy nhiên khả năng khác là Thục đã Hán hóa rất mạnh, do đó có thể Âu Lạc nói một thứ tiếng Việt cổ pha tiếng Hán. Tức là nói một thứ tiếng Hán bồi, chính là tiếng Việt sau này. Điều đó có nghĩa là quá trình chinh phục của tộc Việt cổ nói tiếng Nam Á, đối với tộc Lạc Việt gốc Thái Tráng diễn ra trước Thục Phán. Do thời gian sống của Âu Lạc không dài nên hiển nhiên ảnh hưởng Miêu Dao lên ngôn ngữ Việt không lớn. 

     11. Trở lại việc tộc Việt cổ Nam Á có được ưu thế gì để chinh phục tộc Lạc Việt Thái Tráng. Có thể ở binh khí, trình độ tổ chức, tôn giáo, kỹ nghệ dùng đồ kim loại.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Friday, July 21, 2023

Phụ nữ và văn minh (3)

Gia đình & xh

(tiếp theo)

Người phụ nữ trong thời kỳ săn bắn phải làm hầu như mọi việc, trừ đi săn. Hình ảnh của đàn ông do xông pha vào chỗ nguy hiểm đến sinh mạng nên có vai trò lớn hơn so với phụ nữ luôn bận bịu với sinh đẻ, nuôi con và lo việc nhà cửa. Họ còn phải nhặt nhạnh thức ăn cả trong rừng và ngoài đồng, nấu nướng, may áo quần, giày dép. Mỗi khi di chuyển, nam giới chỉ mang theo vũ khí để bảo vệ bộ lạc, nên phụ nữ phải mang theo tất cả những gì còn lại. Ở nhiều bộ lạc, vì thế họ bị coi như tôi tớ hay con vật thồ hàng. Nếu họ chậm chạp do yếu ớt, ko bắt kịp được đoàn người, họ sẽ bị bỏ rơi. Cũng vì thế, khi những thổ dân vùng Murray hạ (Utah) thấy những con bò chở hàng, họ cứ ngỡ chúng là vợ của những người da trắng.

Bây giờ thì yếu tố sức khỏe là 1 trong những điều kiện phân chia giới tính, nhưng trước đây thì điều này khó được chấp nhận. Con người khi đó coi phụ nữ là loài có sức chịu đựng, cả về tài năng và lòng can đảm cũng ko hề thua nam giới; họ ko còn là vật trang sức, 1 sinh vật xinh đẹp đồng thời là công cụ tình dục; hơn tất cả những điều này, họ là con vật khỏe mạnh, có khả năng lao động nặng nhọc, nếu cần, họ có thể chiến đấu đến chết để bảo vệ con cái và thị tộc.

Viên tù trưởng bộ tộc Chippewas nói về phụ nữ: họ ''sinh ra để làm việc. Một người bọn họ có thể kéo hoặc vác bằng hai người đàn ông. Họ dựng lều cho chúng tôi, may vá quần áo và ủ ấm chúng tôi vào ban đêm... Chúng tôi hoàn toàn không biết xoay xở  ra sao, nếu đi đường mà không có họ. Họ làm tất tần tật mọi thứ mà chẳng tốn kém là bao; vì họ lúc nào cũng nấu nướng nên khi đói kém họ chỉ cần liếm ngón tay thôi cũng đủ no rồi''.

Những tiến bộ xh phần lớn do phụ nữ thực hiện. Nam giới hầu như đảm nhận vai trò săn bắn và chăn nuôi theo phương thức xưa cũ trong suốt nhiều thế kỷ. Chính phụ nữ đã phát triển nông nghiệp từ những mảnh đất gần lều trại. Họ lo khâu vá và còn kéo sợi dệt vải từ cây bông. Họ còn khéo léo trong đan lát, làm đồ gốm, cả nghề mộc và xây dựng. Trong nhiều trường hợp, họ là những người đầu tiên thực hiện các giao dịch thương mại.

Từ những công việc này, phụ nữ đã phát triển nhà cửa, huấn luyện đàn ông về những thiên hướng xh, phép  tắc xã giao, vốn là nên tảng và chất xi măng kiến tạo nên nền văn minh. Dần dần, họ đã đưa cánh đàn ông vào danh sách những con vật được thuần hóa của họ.

Phụ nữ da đỏ (Hình chọn từ net)

Khi nền nông nghiệp đem lại những tặng phẩm to lớn hơn thì phái mạnh hơn lại càng giành chúng về tay mình nhiều hơn. Quyền lãnh đạo kinh tế - suốt 1 thời gian dài nằm trong tay phái nữ nhờ công lao canh tác - đã bị cưỡng đoạt vào tay nam giới. Họ sử dụng những con vật, mà phụ nữ thuần hóa thành gia súc, để thay thế phụ nữ trong việc đồng áng: việc này đã làm nên 1 bước tiến từ cái cuốc đến luống cày. Nam giới khẳng định vị thế tối cao cùng với việc chuyển giao tài sản gồm bò và sản phẩm nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng lệ thuộc giới tính của phái nữ (bởi nam giới yêu cầu ở họ sự trung thành để có thể chuyển giao sản nghiệp tích lũy được cho những người được xem là con mình).

Sau đó, nam giới có được uy quyền của người cha. Tài sản bắt đầu được chuyển giao cho con cái thông qua nam giới; quyền-mẹ (mother-right) nhường bước cho quyền-cha (father-right), và gia đình phụ quyền - do người đàn ông cao tuổi nhất làm chủ - đã trở thành 1 đơn vị đạo đức, chính trị, pháp lý và kinh tế của xh. Các vị thần, vốn đa số là phái nữ, đã trở thành những vị giáo trưởng râu ria xồm xoàm với 1 hậu cung mà những người đàn ông có tham vọng nào cũng mơ tưởng đến.

Sự thay đổi này là 1 đòn nặng nề giáng vào phái nữ. Phụ nữ và con cái trở thành tài sản của cha và anh trai, sau đó là của chồng. Họ bị ép cưới gả như nô lệ bị mua bán ngoài chợ. Nhiều nơi còn có những tục lệ ràng buộc họ phải trung thành với người chồng cho đến chết hoặc phải chết để tiếp tục hầu hạ chồng ở thế giới bên kia.

Từ đó, thế giới phân chia quyền làm chủ cho nam giới còn nữ giới là tôi tớ. Cho đến ngày nay, ở các nước Hồi giáo vẫn cấm phụ nữ ko được tham gia các dịch vụ tôn giáo. Ở khắp châu Phi, phụ nữ chẳng khác gì nô lệ, ngoài việc được mong đợi đem lại sự thỏa mãn tình dục và kinh tế.

Phụ nữ châu Phi (Hình chọn từ net)

(còn nữa)

Thursday, July 20, 2023

Đàn bà: ''hư'' và ''ngoan''

 Phụ nữ ''hư'' nhưng không 'hỏng' dễ được săn đón. Phụ nữ ngoan không hiểu lại ghen tị âm thầm.

Thật ra làm phụ nữ ngoan không khó, cứ làm theo những điều mà cha mẹ, thầy cô, xã hội, người yêu hay chồng muốn là được. Nhưng để làm phụ nữ "hư" đúng cách thì phải học rất nhiều thứ: làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc, mạnh mẽ, quyến rũ, độc lập, biết cách từ chối và nói không, biết kiếm tiền và tiêu tiền, biết lúc nào làm công chúa nũng nịu, khi nào làm bà hoàng đầy quyền uy.

Ví như dưới đây là một số điều gái hư làm được nhưng không hề gây phản cảm đối với xã hội.

* Đôi lúc biết "bỏ" chồng con lại, dành thời gian nghỉ ngơi, xả hơi cho riêng mình.

* Dám đi khuya (nhưng không đi hoang).

* Dám ăn mặc hấp dẫn.

* Mệt thì nói mệt, không thích thì thẳng thắn từ chối, thậm chí không cần lý do.

* Học cách uống rượu bia, vừa đủ để góp vui nhưng không say bí tỉ.

* Nắm được tuyệt chiêu quyến rũ chồng.

* Luôn gọn gàng, duyên dáng và thơm tho… để chủ động trong chuyện ấy.

* Biết nói ‘chuyện bậy’ theo phong cách hài hước, không thô thiển.

* Biết tiêu tiền đi làm đẹp và chăm sóc cơ thể.

* Nói không khi có ai đó muốn nhờ vả. Ích kỷ một chút không hẳn là xấu xa.

Những điều nói trên, nghe có vẻ đơn giản nhưng phụ nữ ngoan chắc chắn sẽ không dám làm, vì phương châm của họ luôn đặt sự an toàn của bản thân và lợi ích của người khác trên hết. Phụ nữ ngoan không biết "say no" và điều đó khiến họ khổ sở, mệt mỏi cả đời.

Còn phụ nữ "hư", mặc lời đàm tiếu, sao phụ nữ lại chủ động chuyện giường chiếu, sao ích kỷ không giúp đỡ người ta, sao việc nhà không quán xuyến. Thật ra phụ nữ "hư' vẫn làm đấy thôi, nhưng có cân nhắc, chọn lọc, tự lượng sức mình chứ tuyệt đối không ôm đồm.

Và có một sự thật, dù nhiều người không muốn nhưng cũng phải công nhận rằng, phụ nữ "hư" luôn có điều gì đó rất cuốn hút. Ở họ có chút gì đó hoang dã khiến người ta muốn "thuần phục", như một chất gây nghiện, khiến đàn ông tự muốn gắn bó, thủy chung.

Rồi phụ nữ ngoan lại âm thầm ghen tị với phụ nữ "hư". Sao họ lại được yêu nhiều hơn dù hy sinh ít hơn, sao họ có thể khiến mọi người vui vẻ vì những câu chuyện ''bậy''. Sao họ uống rượu vẫn không ai chê trách?

Câu trả lời đơn giản lắm, vì họ "hư" có chừng mực. Đàn bà ngoan, vốn để đẹp mắt, để dễ nhìn. Đàn bà "hư" lại không thích mình phải giống ai, nên càng có vẻ đẹp không ai có được. Đàn bà ngoan yêu đương là dựa vào cảm xúc đối phương mà sống. Đàn bà "hư" yêu chính là dám cầm dám buông, cuồng nhiệt được thì tuyệt tình cũng được, dám yêu dám hận, dám hy sinh dám vứt bỏ. Chính cái bản lĩnh yêu đương dữ dội ấy khiến đàn ông muốn buông cũng khó, phải giữ đến cùng.

Vậy mới thấy "hư" một chút lại được nhiều hơn mất, đôi khi khiến cánh mày râu yêu mình nhiều hơn. Thế nên phụ nữ à, hãy suy nghĩ thoáng một chút, cuộc đời không nên rập khuôn quá. Đừng nghĩ việc “hư” sẽ làm mất nhân phẩm của mình. Mỗi người đều có quyền chọn cách sống khác nhau, đừng tự ép mình phải “ngoan", nhưng nên nhớ "hư" chứ không "hỏng".

FB-Sơn Nguyễn (Nụ cười Liên Xô)

Bài và ảnh sưu tầm từ net

Wednesday, July 19, 2023

Chuyện cũ: Nam Tư có phải là nước XHCN hay ko?

Nam Tư xưa và ông Kim Ngọc xưa - Một hồi cố

                 Gọi là Nam Tư xưa vì cái Liên bang ấy nay không còn nữa. Thay vì nó nay đã có sáu nước cộng hòa nhỏ với bao nhiêu mâu thuẫn nhau và tranh chấp Địa- Chính trị quốc tế.

      Trong suốt mấy thập niên thế kỷ XX, “Nam Tư “ (Yougoslavia) là từ “húy kỵ” ở nước ta vì nước này bị khai trừ ra khỏi phe ta năm 1949, bị vu cho là “tên biệt kích của Chủ nghĩa Xét lạ trong phong trào Cộng sản quốc tế, là con vi-rút được đế quốc thả ra để phá hoại". Tội lớn nhất của Nam Tư là Liên đoàn Những người Cộng sản Nam Tư đứng đầu là nguyên soái J. Tito, khác với Liên Xô và Đông Âu, đã có hai cái độc lập: a) Chấp nhận kinh tế thị trường để xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa (!), b) Không tiến hành đấu tranh Giai cấp qua các cuộc cải cách.  Cái cụm từ “ Kinh tế thị trường” vốn cấm kỵ số một trong lý thuyết và thực hành kinh tế ở các nước Xã hội chủ nghĩa, nơi kinh tế tập trung kế hoạch hóa là chủ thể, cũng là ranh giới giữa ta và địch.  Năm 1949 Nam Tư bị Stalin khai trừ ra khỏi phe ta, cử ông George Ghiude, Tổng bí thư Rumani sang gặp Tito để phổ biến.

                Thực ra ở ta, Bác Hồ có tư duy độc lập, luôn trước sau chủ trương đoàn kết các nước anh em và Bác cũng muốn tìm hiểu sự thể. Năm 1957, tình hình Đông Âu rất phức tạp. Sau vụ chính biến Hungari 1956, Ba Lan biểu tình và đình công, cái án Nam Tư thì vẫn còn treo, Bác thăm Hung rồi “vượt rào” sang thăm Nam Tư bằng chuyên cơ của không quân Nam Tư theo lời mời của Chủ tịch J.Tito, nghĩa là  Bác vẫn coi Nam Tư là nước gần gũi với ta. Bác đã được Chủ tịch J.Tito đón tiếp cực kỳ nồng hậu ( Ông đã lái xe mui trần quanh thủ đô Beograd chở Bác đi xem thành phố). 

             Năm 1958, Hội nghị các Đảng CS ở Bucarest ra nghị quyết tiếp tục coi Nam Tư là “Xét lại”, cần xa lánh nên ta buộc phải chấp hành. Nhưng Bác không cắt ngoại giao cấp Đại sứ với Nam Tư như một vài nước. Sau hội nghị 81 Đảng ở Mascova 1960, Liên Xô và Trung Quốc cãi nhau to. Liên Xô nới dần quan hệ với Nam Tư, Trung Quốc chống lại và bảo Liên Xô là :” Nay xét lại lớn theo đuôi xét lại nhỏ”(!). Trong lúc tập trung cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, ta ở vào thế khó, trong nội bộ cũng có những nhận thức khác nhau. Năm 1963, Trung ương III, khóa 9 ( về họp ở Nam Định) về đối ngoại. Sau này, 1993, ông Việt Phương đến trường Đại học Tổng hợp Hà Nội kể lại: ” Năm 63, Bác Hồ đến dự họp Trung ương, lắng nghe. Mọi người trông đợi ý Bác. Cuối phiên, cụ nghiêm rồi chỉ nói đúng năm phút: ” Làm cách mạng mà muốn thành công thì phải đoàn kết. Bất hòa thì buồn nhưng phải gắng lắng nghe nhau vì  cùng có mục đích chung. Trung ương cũng có nhiều chú phân vân bên này bên nọ. Các chú nhớ phải lấy đoàn kết làm trọng. Phải thực tâm đoàn kết. Đoàn kết với cả Liên Xô và Trung Quốc. Không đoàn kết là ta hỏng việc lớn. Phải nghĩ đến việc lớn. Nghĩ xa. Không theo cảm xúc!”. Sau đó Trung ương đã ra  được Nghị quyết 9 theo tinh thần của Bác ( trong văn kiện đã có câu: “Đoàn kết Liên Xô, đoàn kết Trung Quốc”). Theo cái “Dĩ bất biến “ vào lúc ấy, tuy ta gặp nhiều khó khăn và liên tục chịu sức ép từ các phía nhưng vẫn thoát ra để đi đến thắng lợi.

                 Thời và thế đổi thay.  Thơ Nguyễn Bính từng nhận ra phép biện chứng trong triết học:

                              “Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo:

                                 Cả đến ông Giời cũng đổi thay!”

Ông Giời mà “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì con người cũng không nên mang “ Định mệnh nhân tạo chồng thêm lên Thiên mệnh” ( V.Hugo). Rồi ta cũng phải tự xét lại cái kinh tế bao cấp  và  giã từ nó để sang trang mới.

         Năm 1986. Ta vượt khó và quyết định tự Đổi mới, chấp nhận kinh tế thị trường để phát triển, từng bước coi kinh tế thị trường là một giá trị chung của nhân loại cần được tôn trọng.

                   Cũng là chấp nhận một bước cách mạng trong lối đi.  

                   Rồi từ ngày ấy bao nhiêu thay đổi đã diễn ra trên đất nước ta: No ấm hơn, Độc lập hơn. Vui vẻ hơn. Hòa nhập sâu rộng vaò quốc tế.  Hóa ra Đảng Cộng sản  Nam Tư ngày ấy do sớm khởi xướng thể chế “ Chủ nghĩa Xã hội thị trường” mà đã chịu cô đơn, ly thân với các nước anh em. Cứ nghĩ thế thì thấy Nam Tư cũng tựa như một ông Kim Ngọc đơn côi ở ta, người sớm “ cầm đèn chạy trước ô tô” vì động cơ muốn thương dân.

          Nam Tư không còn. Ông Kim Ngọc không còn. Nhưng lịch sử thì còn!

                              Kỷ niệm 10 năm ngày nước ta vào TPP (2021)

Ảnh: Thống chế J.Tito và Bác Hồ (7-8-1957), chọn từ net

FB-Đinh Đức

Monday, July 17, 2023

10 Lessons I want my kids to learn...


1. CHOOSE kindness over being right

2.  MAKE mistakes & LEARN from them

3. If you're wrong, ADMIT IT.

4. Family is EVERYTHING.

5. Focus on LEARNING, not just grades.

6. Don't let anyone WRITE YOUR STORY.

7. Don't write OTHERS'stories for them.

8. Exercise your IMAGINATION.

9. Don't let anyone CHANGE you.

10. LIVE like tomorrow isn't promised.

Sunday, July 16, 2023

Tình đầu

NIỆM KHÚC CUỐI

Tác giả: Chu Thị Hồng Hạnh

(Mượn tựa đề bài hát của Ngô Thụy Miên)

Anh ơi! chỉ còn vài ngày nữa là mọi người sẽ đưa anh đi đến cuối cuộc đời. Các con mình, vợ hai, vợ ba đều sẽ đi tiễn anh. Chỉ có em bị bệnh mà đành ngồi nhà, lòng đau như cắt.

Khi anh vừa trút hơi thở cuối cùng, con gái mình gọi điện cho em, hỏi mua đồ gì để mặc cho anh. Em nói con ra cửa hàng bán đồ Pierre Cardin mua bộ đồ nào đẹp nhất, đắt nhất mặc vào cho bố. Ngày xưa khi chúng mình mới yêu nhau, còn phải chắt bóp, dè xẻn từng đồng, có gì mặc đấy. Khi ấy em 17, anh 24. Anh vừa tốt nghiệp đại học là em rủ anh đi sang Nga lao động, vậy mà anh không đắn đo một phút đi theo em liền.

Ở Nga mấy năm, người nhà anh gọi anh về, vào Nam làm việc, em cũng theo anh về Việt Nam ngay. Còn nhớ cái nhà nằm giữa đồng, xung quanh sặc sụa mùi cá khô, nước giếng đục ngầu, vàng khè. Cứ mỗi lần em tắm xong là gãi muốn lột da ra. Anh cứ chờ đến chiều tối, lại chở em đến nhà bạn bè tắm nhờ. Anh nói anh sẽ cố gắng kiếm tiền để có thể lo cho em những thứ tốt đẹp nhất.

Anh là người đàn ông vô cùng giỏi giang. Những gì anh hứa với em, anh đều thực hiện được hết. Sau khi em sinh xong hai con, thì nhà mình không thiếu thứ gì. Công ty của anh ngày càng làm ăn phát đạt. Anh bàn với em mở thêm chi nhánh ngoài Hà Nội cho em quản lý. Bi kịch nhà mình cũng bắt đầu từ đấy.

Em đưa hai con ra Hà Nội, vừa lo chăm sóc chúng, vừa lo quản lý công ty bận tối mắt. Đến khi biết anh có bồ, thì bụng cô ta đã nhô lên rồi. Em đau đớn chết đi, sống lại và dứt khoát ly hôn. Anh bỏ hết công việc ra Hà Nội để hàn gắn với em. Em không còn là người vợ hiền lành, ngoan ngoãn nữa. Lòng căm hận đã biến em thành người đàn bà đanh đá, chua ngoa. Mới có mấy tháng trời mà tóc em bạc trắng. Bữa cơm nào hai đứa trẻ con cũng chứng kiến em dằn hắt anh. Em hận anh, vì ngoài mồm anh nói quay về một lòng một dạ với em, nhưng tay lúc nào cũng ôm điện thoại. Cứ cô ta gọi đến là anh trốn vào nhà tắm hàng tiếng đồng hồ. Em điên dại nhất quyết ly hôn. Anh có biết ngày chúng mình chia tay, anh quay vào Nam, em đã lang thang khắp những chỗ thân quen của Hà Nội, nơi đã từng là kỉ niệm mối tình đầu của em và anh.

Anh về ở với cô ta được vài năm, thì lại ly hôn. Em nghe bạn bè nói cô ta cũng không chịu được cảnh anh suốt ngày hoài niệm, nhớ về vợ cũ và con. Số tài sản khổng lồ của anh, mà cô ta luôn thèm muốn, có ai ngờ anh đã nhờ bố mẹ, anh chị em đứng tên hết từ lâu rồi. Anh lại gọi điện cho em suốt, nhờ bạn bè, nhờ các con vun vào để hai vợ chồng mình tái hợp. Em biết con người em rõ lắm. Tình yêu em dành cho anh như cốc nước trong vắt, tinh khiết. Giờ đã bị vấy bẩn rồi, sẽ không bao giờ ngọt ngào được nữa. Em không phải thánh nhân để vài tháng một lần lại chứng kiến cô ta mang con đến gặp anh, để vòi vĩnh thêm đủ các loại tiền.

Các con đều lớn, đi du học hết. Em vẫn chỉ quanh quẩn ở Hà Nội. Anh lại đi thêm bước nữa với người giúp việc. Đàn ông mà, có ai chịu cảnh cô đơn được đâu.

10 năm sau này anh thường xuyên bệnh nặng, cũng may có cô ấy chăm sóc cho anh.

Mấy năm Covid con gái về Việt Nam làm việc online. Anh ốm đau liên tục nên em và con cũng thường xuyên vào bệnh viện chăm anh. Giờ nhìn anh thân tàn ma dại, có ai ngờ ngày xưa anh phong độ, đẹp trai biết chừng nào. Em cũng buông bỏ hết chuyện xưa, vui vẻ nói chuyện với anh như hai người bạn. Cứ như thế này cũng tốt anh nhỉ?

Vậy mà anh ra đi sớm quá. Anh chán cuộc sống này rồi hả anh?

Anh có biết em áy náy điều gì nhất không? Em áy náy là cuộc hôn nhân tan vỡ của chúng mình, đã ảnh hưởng quá xấu đến các con. Con trai 30 tuổi, con gái 33 tuổi đều chưa có người yêu. Chúng nó không còn tin vào tình yêu, tình nghĩa vợ chồng nữa.

Anh à anh yên nghỉ nhé! Nếu có kiếp sau em vẫn mong mình lại gặp nhau nữa, em sẽ không rời xa anh đi đâu hết, không cần nhà thật to, xe thật sang, tiền thật nhiều. Em chỉ cần vợ chồng mình sớm tối bên nhau, gia đình đầm ấm, các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

Mấy năm trước em đi du lịch Nga, lại ghé về kí túc xá ngày xưa vợ chồng mình ở. Em vẫn ngỡ như ngày nào tan ca, anh lội tuyết đến đầu gối đi đón em. Cảm tưởng vẫn nghe tiếng cười giòn tan của anh, khi cầm tay em khoe với bạn bè tay vợ mình đẹp nhất. Em cứ đứng ngơ ngẩn cả tiếng đồng hồ, nước mắt lăn dài trên má. Những năm tháng tươi đẹp nhất của anh và em, giờ chỉ còn là hoài niệm.

Vĩnh biệt anh, mối tình đầu và duy nhất của cuộc đời em.

CTHH

(11/9/2022)

Saturday, July 15, 2023

Chân lý của tôi: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (3)

Phần 1: Xứ ĐD thuộc Pháp (Thời kỳ 1897-1910)

(tiếp theo)

Bộ máy chính quyền của Pháp tại ĐD

Dân số ĐD ở đầu thế kỷ 20 khoảng 20 triệu (Nam Kỳ: 3 triệu, Bắc Kỳ : khoảng 8 triệu, Trung Kỳ: 7 triệu, cả Cao Miên và Ai Lao cộng lại hơn 2 triệu). Trong đó, khoảng 4/5 là người Việt. Theo P. Doumer, sau khi người Pháp can thiệp vào ĐD, họ nhận thấy dân chúng ở đây có 1 chính quyền với những ''động lực sai lầm và không thể duy trì trật tự trong chính đất nước mình hay đem lại hòa bình cho dân tộc của họ. Vì vậy mà chúng ta đã phải đứng ra thay thế dần dần chính quyền đó."*

Khi thiết lập chế độ cai quản với Phủ Toàn quyền đặt ở Hà Nội cùng hệ thống chính quyền bảo hộ (trừ Nam Kỳ) trên toàn ĐD, tất cả các vấn đề quản lý hành chính, từ những vấn đề nhỏ nhất đều do người Pháp nắm giữ và quyết định. Phủ Toàn quyền ĐD chỉ đạo thống nhất các vấn đề, quản lý trực tiếp các hoạt động công vụ và công ích thông qua trung gian là bộ máy gồm các cơ quan hành chính địa phương; cơ cấu tổ chức của các cơ quan địa phương thay đổi theo từng vùng và tùy theo các hoạt động công vụ và công ích mang tính địa phương cũng như việc quản lý đúng nghĩa các cộng đồng cư dân bản xứ.

Bên dưới Phủ Toàn quyền là các Bộ tư lệnh quân sự và Lực lượng Hải quân. Ban chỉ đạo dân sự có chức năng như Bộ Nội vụ tại Pháp, cơ quan này phụ trách các vấn đề thuần túy hành chính, điều hành ngân sách trung ương, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh tại các chính quyền địa phương. Các Sở, Ban, Nha, Phòng và Kho bạc phụ trách các vấn đề chuyên ngành.

Bao quát toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của chính quyền, tất cả bộ máy này cấu thành nên Phủ Toàn quyền của ĐD. Nam Kỳ do người Pháp trực tiếp quản lý. Tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên (là các xứ bảo hộ), đứng đầu là 1 Thống sứ hoặc Khâm sứ. Khâm sứ Ai Lao, đứng đầu bộ máy chính quyền còn sơ khai với tình hình xứ này.

Mục đích của hệ thống nhằm thể hiện chủ quyền của Pháp tại ĐD vì lợi ích của Pháp và đem lại sự tôn trọng đối với các nguyên tắc làm nên danh dự cho nền văn minh Pháp. Các chính sách thực hiện theo cách chấp nhận được mà ko hề xâm phạm các truyền thống địa phương, ko gây tổn hại tới dân chúng bản xứ, cũng ko tìm kiếm 1 sự đồng nhất về phương thức quản lý vốn vừa bất lợi, nguy hiểm vừa vô ích. (Vì thế mà các chế độ Bảo hộ theo vùng ko giống nhau, vẫn có những khác biệt quan trọng).

Phủ Toàn quyền của Liên bang ĐD (1902 -1945). Hình ảnh chọn từ net

Sự trỗi dậy của ĐD

Trong cuốn hồi ký của mình, P. Doumer đã viết về người Việt ở phần Tổng quan về Đông Dương như sau: họ ''chắc chắn là tộc người vượt trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một dân tộc nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ."

Với thiện chí khai hóa, Doumer cho rằng: nước Pháp đã gắn bó với ĐD trong vai trò mở mang về kinh tế và chính trị, điều làm cho châu Á phải cầu mong khi ĐD trở thành 1 bộ phận của nước Pháp, 1 đế quốc được hiện đại hóa. Chỉ như thế, ĐD mới có thể đạt được sự thịnh vượng và vinh quang mà tổ tiên của họ ko dám mơ tới.

Điều này đã được Doumer khẳng định bằng hành động thiết thực trong 5 năm ông cầm quyền trong nỗ lực thực hiện các chính sách của mình. Ông đã làm tròn trách nhiệm phục vụ cho quyền lợi của Pháp tại châu Á đồng thời mang lại những chuyển biến to lớn đưa xứ ĐD trở nên cường thịnh, tiến tới 1 tương lai xán lạn như ông đã viết ở phần cuối trong cuốn Xứ Đông Dương mang tựa đề Sự trỗi dậy của ĐD.

Cầu Paul Doumer (Hình ảnh chọn từ net)

Từ đầu thế kỷ 20 cho đến trước khi nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ 2, ĐD có những chuyến biến lớn lao mang dấu ấn của người Pháp. Cùng với triển vọng mở ra 1 thời kỳ mới của 1 ĐD đang trỗi dậy mạnh mẽ, có 1 ĐD khác, đó là ĐD của những người vùng lên với tinh thần giải phóng của cuộc cm Pháp. Ko còn âm ỉ như lúc bắt đầu, ngọn lửa này đã bùng nổ mạnh mẽ và ngày càng trở nên mãnh liệt sau khi cuộc cm XHCN tháng 10 nổ ra ở Nga.

Nước Pháp và ngọn cờ giải phóng

Sau những cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, chính quyền Pháp ở thuộc địa bắt đầu thực hiện các chính sách để biến ĐD trở thành 1 thuộc địa kiểu mẫu của nước Pháp ở châu Á. Tuy nhiên, họ ko được người bản xứ ủng hộ hoàn toàn. Trong xu hướng phát triển của người Pháp, nhiều người thuộc tầng lớp có tư tưởng cách tân vẫn chống lại sự đô hộ của chính quyền thuộc địa nhằm thoát khỏi ách thống trị của thực dân, mở ra 1 thời kỳ độc lập mới cho đất nước.

Bối cảnh xh ĐD khi đó đã thay đổi cùng với tầng lớp trung lưu, giai cấp lao động mới gồm những người lao động công nghiệp cũng là sản phẩm của nền văn hóa mới. Họ cũng là những đại diện góp phần tích cực trong việc ủng hộ và gia tăng ảnh hưởng Âu hóa ở VN. Thái độ của người Việt đối với văn hóa Tây phương đã khác so với hồi gặp gỡ ban đầu. Dân quê không còn xem người Pháp là giống người dễ sợ, không thấy sản phẩm của họ là những thứ kỳ lạ quái gở nữa; "sĩ phu cũng không xem những tư tưởng phong tục của họ là lố lăng kỳ cục và bại lý thương luân nữa." (Đào Duy Anh) Người Việt bắt đầu nhận ra trong cái văn hóa chung của thế giới có phần tham gia của mình, tuy không thể cho rằng: "Đông là hơn hay Tây là hơn" và sự chuyển biến sẽ đi tới chỗ: "những điều phân biệt kỳ thị Đông và Tây sẽ tiêu diệt hết." (Đào Duy Anh)

Thời kỳ khai sáng ở châu Âu đã ghi nhận những thay đổi to lớn. Từ năm 1800, người Do Thái (DT) bắt đầu có những ảnh hưởng ra ngoài cộng đồng của họ với những cá nhân xuất chúng trong vấn đề giải phóng**. Heine đã nêu rõ: ‘’Tự do là tôn giáo mới, tôn giáo của thời đại chúng ta’’. Tư tưởng này đã mở ra cho họ, và những người cấp tiến ko thể nhẫn nhịn chịu đựng, con đường phản kháng. Trong số này có Karl Heinrich Marx, chàng thanh niên đến Paris vào năm 1843. 

Nước Pháp với con người mà Heine coi là ‘’được lựa chọn cho tôn giáo mới’’ và Paris là ‘’Tân Jerusalem’’ đã quy tụ nhiều người DT và những người đang tìm cách nghĩ ra 1 học thuyết mới có khuynh hướng XHCN. Giống Heine và nhiều người DT khác, Marx và khái niệm tiến bộ chịu ảnh hưởng từ Hegel. Nhưng khái niệm của Marx về lịch sử như 1 lực lượng tích cực và năng động trong xh loài người. Kỷ nguyên của ông có gốc rễ sâu xa trong khải huyền và thuyết cứu thế DT***.

Marx gọi tác phẩm luận chứng của mình là ‘’khoa học’’, nhưng vì thế,  nó cũng mang tính thần học. Trong đó, chủ nghĩa bài DT được khái quát hóa thành học thuyết về tư bản. CNXH tranh đấu mà Marx sử dụng năm 1840 là dạng mở rộng và biến đổi của chủ nghĩa bài DT của ông. Học thuyết này có diện mạo tinh vi hơn, khiến nó trở nên hấp dẫn với những người cấp tiến có học thức. Lenin là 1 trí thức hoàn toàn chấp nhận tinh thần này một khi mục tiêu được mở rộng thành toàn bộ giai cấp tư bản.

Cùng với tư tưởng của Marx, châu Âu đã có những chuyển  biến trong thái độ với người Pháp là tư tưởng tiến bộ của thế giới trong thế kỷ 18 mang tính cm của J. J. Rouseau và Kant****.

Jean-Jacques Rousseau (Hình chọn từ net)

(còn nữa)

(*): Nguyên văn trích từ Xứ Đông Dương (Paul Doumer, trang 94)

(**): trong 1.500 năm, xh DT được thiết lập để sản sinh ra các trí thức. Họ có mọi đặc tính của trí thức: khuynh hướng theo đuổi ý tưởng bất chấp lợi ích của mọi người; ko ngừng mài sắc năng lực phê bình; sức mạnh hủy diệt cũng như sức mạnh sáng tạo to lớn. Xh DT được tạo ra để hỗ trợ họ. Họ mang trong mình dòng dõi tinh thần của Moses. Là mẫu hình của 1 người DT lý tưởng. Người DT trợ cấp cho nền vh của họ từ hàng trăm năm, trước khi tập quán này được các nhà nước phương Tây thực hiện như 1 chức năng của nhà nước phúc lợi cho đến nay.

Từ năm 1800, một cách đột ngột, cỗ máy xh cổ xưa này (vô cùng hiệu quả) bắt đầu thay đổi với đầu ra của nó: thay vì rót tất cả sản phẩm vào hệ thống kín (hoàn toàn tách biệt khỏi xh chung), nó xả 1 tỉ lệ lớn, ngày càng tăng vào đời sống thế tục. Đây là sự kiện có tầm quan trọng, gây choáng váng trong lịch sử thế giới.

(***): Sự chờ đợi Chúa cứu thế ở thế kỷ 17 xuất hiện ở khắp nơi, khi người ta tin rằng thế giới đang gần bờ vực của những sự kiện rất lớn. Khổ đau càng lớn, người ta càng cần đến sự cứu rỗi. Hy vọng về Chúa cứu thế tràn ngập ở những cộng đồng từ vùng Bắc Phi xa xôi, qua Đông Âu, Balkan, Constantinople và khắp Thổ Nhĩ Kỳ, ở Palestine và Ai Cập. Nó cũng xuất hiện tại Leghorn, Amsterdam và Hamburg. Nó quét qua những cộng đồng giàu có, nghèo có, có học có và kém hiểu biết có, dù đang lâm nguy hay cảm thấy mình an toàn.

(****): Đến giữa thế kỷ 18 J.J Rouseau đã đưa ra ý tưởng mới mang tính cách mạng: Con người sinh ra là thiện, mọi xã hội đều có xu hướng làm hỏng cái thiện có sẵn ấy trong con người; và vì vậy sứ mạng chủ yếu của giáo dục là làm cho cái bản tính tốt đẹp tự nhiên của con người được duy trì và phát triển, chứ không phải là đào tạo con người theo lợi ích của xã hội (đã bị chính con người làm cho tha hóa); và rằng con người chỉ có một nghề duy nhất là “Làm người”. 

(J.J. Rouseau, Emile hay là về giáo dục, NXB Tri thức 2008)

Muộn hơn một chút, vào cuối thế kỷ 18 E.Kant lại có một cách nhìn nhận khác hẳn: Nhân loại bắt đầu lịch sử của mình trong tình trạng bị tự nhiên khống chế - chứ không phải với tư cách con người là một sinh vật có lý trí, trong khi đó tự nhiên chỉ cung cấp bản năng và lòng ham muốn. Vì vậy theo Kant: “Con người là tạo vật duy nhất cần phải được giáo dục” hay “Con người là những gì được giáo dục tạo nên”. Và như vậy lúc đầu triết lý giáo dục của thế kỷ 18 mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa Rouseau, nhưng sau đó Kant và những người khác (Fiche, Hegel...) đã bổ sung thêm yếu tố “nhân loại” thông qua vai trò điều hành và giám sát của xã hội - nhà nước để dung hòa hai mục tiêu cơ bản của giáo dục: hoàn thiện con người vì bản thân con người và cung cấp kỹ năng để phục vụ xã hội - nhà nước.

(Jonh Dewey, Dân chủ và giáo dục, NXB Tri thức 2008)

Lược ghi từ Xứ Đông Dương (Paul Doumer)