1. Câu hỏi về nguồn gốc người Việt, nếu đứng về phía một cá nhân là vô nghĩa, bởi nếu ta là hậu duệ đời thứ n của một dòng họ, thì về nguyên tắc sẽ có tới 2 mũ n tiền bối. Với một trung bình 30 năm một đời, trong 900 năm sẽ có 30 đời, có tới một tỷ tiền bối, vượt xa số dân cả nước cách đây 900 năm. Có nghĩa là tất cả mọi người dân Việt vào thời đó đều có thể là tiền bối của ta. Như vậy nguồn gốc dân tộc chỉ thể đặt ra với đa số với một xác suất nào đó.
2. Người Hungary cũng đã có nhiều băn khoăn về nguồn gốc của mình. Họ đi trước chúng ta về nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ và di truyền. Mặt khác họ cũng nhiều đặc trưng tương đồng với ta, nên ta có thể học hỏi.
3. Trước tiên, điểm giống nổi bật nhất là chúng ta cũng như họ đều có những huyền thoại học trong trường phổ thông về nguồn gốc dân tộc, có thể sai hoàn toàn, nếu nhìn từ khoa học hiện đại. Điểm thứ hai, di truyền học đã phủ nhận việc sử dụng chung ngôn ngữ bắt buộc kéo theo phải có họ hàng về di truyền. Di truyền học chứng tỏ, người Hung và người Phần Lan, tuy cùng nói các thứ tiếng trong ngữ hệ Finugor, có rất ít điểm chung về di truyền. Vì vậy, nếu tiếng Việt thuộc về ngữ hệ Nam Á, không có nghĩa là chúng ta phải là họ hàng gần với người Khmer hơn là là người Thái và Lào.
4. Vào thế kỷ 5, có một đế chế lớn ở Đông Âu với vị tù trưởng là Attila (giống như Hùng) với sắc dân là hun (giống như là lạc). Tới thế kỷ 9, có 7 bộ lạc dân với tù trưởng là Arpad, tự gọi mình là magyar (Việt) , đổ bộ vào nước Hung từ đâu đó thuộc lãnh thổ Ukraina ngày nay (Nam Lào). Các bộ lạc này có khoảng 30-40% gốc Á châu (Nam Á). Cố nhiên, chiếm đất không thể bằng hòa bình, và kết quả là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã thất bại hoàn toàn. Kết quả người Hun biến mất, người Magyar trở nên chủ nhân của Hungary. Và người Hungary hiện đại cũng tự cho mình là Magyar.
5. Tuy nhiên kết quả di truyền mới nhất cho thấy, trong gene của người Hung hiện đại, gene của người Hun là lấn át. Như vậy, người Hung hiện đại gần với người Hun hơn người magyar thời Arpad vào nước Hung. Kết quả di truyền học cũng xóa sổ thuyết người Hung có nguồn gốc từ một chủng tộc Finugor nào đó nói tiếng Finugor. Như vậy, việc dân tộc Việt có nguồn gốc Việt Cổ Nam Á, nói tiếng Môn-Khmer, có thể cũng tương tự.
6. Tuy vậy, người Việt đã học tiếng Nam Á thế nào. Người Hung cũng đã đặt câu hỏi đó với chính họ. Về mặt từ vựng, tiếng Hung có nhiều từ gốc Thổ, Bun, Iran, cũng tương tự như từ vựng Hán Việt. Cố nhiên với tỷ lệ thấp hơn. Đây là một câu hỏi không dễ, bởi vì ngôn ngữ không ghi lại trong gene di truyền và rất hiếm bằng chứng. Tuy vậy người Hung đang có một số giả thuyết: người magyar của Arpad đã học tiếng Hung từ người Avar ở vùng đất Ukraina ngày nay. Có giải thuyết lại cho rằng người Hun đã nói tiếng Hung.
7. Di truyền học cũng chứng minh, thành phần của 7 bộ lạc của Arpad khá khác nhau về sinh học. Đặc biệt gene của tầng lớp thượng lưu khác hẳn gene của tầng lớp thảo dân. Có nghĩa là họ có thể nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, khi chiếm được đất của người Hun, tàn sát nam nhân Hun, lấy nữ nhân Hun, thế hệ con học tiếng từ mẹ, và người magyar bắt đầu học tiếng Hung từ các bà mẹ đó và tiếng Hung trở thành tiếng của người Hung thời sau Arpad.
8. Tương tự, cho dù không hoàn toàn giống hệt. Người Lạc-Việt có gốc Thái Tráng, có thể đã chinh phục được một tộc người Nam Á, và học tiếng của họ theo cách tương tự. Tuy vậy trong trường hợp người Việt, gene Thái-Tráng vẫn trội hơn. Cũng có thể, ngược lại, có một tộc Việt cổ, nói tiếng Nam Á, đổ bộ vào đồng bằng sông Hồng đã chinh phục được nhóm người Thái Tráng bản địa, và mang bộ gene Thái Tráng, tương tự người magyar chinh phục người hun. Tuy nhiên, nhóm người này có ngôn ngữ Nam Á thuần nhất và khá hoàn thiện, nên hậu duệ của họ chọn ngôn ngữ này. Vì vậy khả năng này gần với giả thuyết người magyar của Arpad học tiếng Hung ở vùng Ukraina ngày nay.
9. Việc gene người Việt hiện đại gần với Thái Tráng cả về phía bố và phía mẹ, cho thấy rằng, có thể đàn ông Thái Tráng không bị tàn sát, tộc Việt cổ nói tiếng Nam Á chỉ tạo ra tầng lớp thiểu số tinh hoa một thời gian. Có thể tổng quát hóa để giả thiết, ngôn ngữ là của tầng lớp thượng lưu thống trị, có thể chỉ là thiểu số, gene di truyền là của đám đông. Làm sao thiểu số lại có thể chinh phục đám đông? Chẳng hạn như trường hợp của Thục Chế, vốn có thể là người gốc Miêu-Dao, có thể chinh phục 10 bộ lạc Thái Tráng ở Quảng Tây, có lẽ có ưu thế về kỹ thuật quân sự sử dụng cung nỏ kèm theo đó là tri thức tổ chức tốt hơn. Như vậy rất có thể nhà nước Âu Lạc của Thục Phán có elite gốc Thục (Miêu Dao) đa số dân là Thái Tráng.
10. Câu hỏi đặt ra là liệu Âu Lạc có nói tiếng Thục? Đó là một khả năng. Tuy nhiên khả năng khác là Thục đã Hán hóa rất mạnh, do đó có thể Âu Lạc nói một thứ tiếng Việt cổ pha tiếng Hán. Tức là nói một thứ tiếng Hán bồi, chính là tiếng Việt sau này. Điều đó có nghĩa là quá trình chinh phục của tộc Việt cổ nói tiếng Nam Á, đối với tộc Lạc Việt gốc Thái Tráng diễn ra trước Thục Phán. Do thời gian sống của Âu Lạc không dài nên hiển nhiên ảnh hưởng Miêu Dao lên ngôn ngữ Việt không lớn.
11. Trở lại việc tộc Việt cổ Nam Á có được ưu thế gì để chinh phục tộc Lạc Việt Thái Tráng. Có thể ở binh khí, trình độ tổ chức, tôn giáo, kỹ nghệ dùng đồ kim loại.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment