Tuesday, January 16, 2024

Câu hỏi về sự vận động và bất biến của lịch sử

 Vì sao Á Đông lạc hậu, 

    1. Theo quan điểm phát triển của xã hội học hiện đại của Marx, Weber, Witgenstein, Á Đông vào thế kỷ 10-13 đã hội tụ đủ các yếu tố để phát triển như phương Tây vào thế kỷ 17-18. Nhưng cuối cùng Á Đông không phát triển, trở nên lạc hậu và bị phương Tây nô dịch. Mọi thành tựu văn minh, chất lượng cuộc sống, khả năng làm chủ số phận hiện nay của con người đều là thành tựu của khoa học và phương pháp luận phương Tây. 

   2. Nhiều học giả cố gắng cắt nghĩa điều này theo các cách khác nhau. Có người cho rằng bản chất của chế độ phong kiến Á Đông được phỏng theo mô hình xã hội của các loài côn trùng phù du: mối, kiến, ong, chỉ có mục tiêu phục vụ một cá thể là con chúa. Chính vì thế nền kinh tế không có thị trường, khoa học công nghệ không có ứng dụng. 

    3. Tôi nhìn vấn đề theo một cách khác. Xã hội độc tài tuy nhiều khi phản động ngăn chặn sự tiến bộ, nhưng đôi khi nó cũng kích thích sự tiến bộ, chẳng hạn Kim Tự tháp, nghệ thuật, kiến trúc, kỳ quan thế giới đều do các nhà độc tài tài trợ. Không có Giáo hoàng sao có thể có Michelangelo và các bức vẽ trên trần các thánh đường. Tôi thấy có một hạt nhân nguy hiểm hơn trong phương pháp tư tưởng phương Đông là việc mặc định cho rằng ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc. Thánh nhân sẽ không có ai bằng, chỉ cần noi theo là đủ. Trong khi đó, ở phương Tây, truyền thống là phủ định hình tượng. Các trí tuệ siêu việt như Socrates, Pythagoras, Aristoteles, Platon, Newton, Einstein đều bị phủ định ngay khi còn sống để rồi sau đó mới đặt họ vào vị trí chính đáng. Các giá trị của họ mang lại đều được bổ sung, cải tiến và phát triển đưa đời sống đi lên. 

     4. Sử cho rằng các tác phẩm của Khổng Tử như Ngũ Kinh, Tứ thư bị Tần Thủy Hoàng đốt hết, nhưng đột nhiên tới thời Hán Vũ Đế, khi cần, chúng lại được "phát hiện" trở lại trong nhà mồ của Khổng Tử. Điều đó gây nhiều nghi vấn. Bên cạnh đó, các tư tưởng trong các tác phẩm này đều có từ trước, Khổng Tử chỉ "san định" lại. Nói một cách khác, ông đã cắt xét đi những thứ không hợp ý mình. Riêng về Kinh Thi, nhiều người cho rằng Khổng Tử phá hoại nhiều hơn công. Ông lược bỏ những bài không theo tiêu chuẩn đạo đức của mình. Có lẽ vì vậy, khi Khổng Tử sống, ông chỉ là một nhà tư tưởng không được thực thi, hoàn toàn vô danh.   

    5. Các tác phẩm nổi tiếng như Đạo Đức Kinh,... đều khó lòng là tác phẩm của một người. Thậm chí có một người là Lão Tử hay không thì vẫn còn tồn nghi. Sử Ký nói tới ít nhất 3 người được cho là Lão Tử: Lý Nhĩ, Lão Đam, Lão Lai Tử và hoàn toàn không có chứng cứ nào về việc họ viết Đạo Đức Kinh. 

     6. Thực ra, tư tưởng cũng như nghệ thuật, triết học, thức ăn, quần áo hay công cụ, không phải khi ra đời đã giống hệt như hiện nay. Thật ngây thơ nếu tin rằng các quý tộc La Mã đã dùng các loại baguette, hay crossant thượng hạng như chúng ta dùng hiện nay. Quần áo thời Chu không phải trắng muốt, thơm tho như trong phim ngôn tình cổ trang. Chắc chắn, do chưa có bột giặt, chúng sẽ ngả sang màu cháo lòng, chất liệu cũng thô, và do ít thay, chúng sẽ có mùi không mấy dễ chịu. Rượu vang trước công nguyên có thể chỉ là một thứ nước lên men thô lỗ, chưa thể chưng cất tinh tế như sau này.  

      7. Tư tưởng bắt đầu cũng phải manh nha với các ý tưởng sơ khai, có thể ngây ngô. Phật chưa hề viết một trang kinh nào. Tuy vậy, không phải là vì ngài không muốn viết và hàng vạn trang kinh, luật, tạng đã có sẵn trong đầu ngài và chỉ vì ngài không muốn viết. Cho dù ngài có muốn, giáo lý của ngài cũng chưa hoàn thiện và đầy đủ như ngày nay. Nói Đại thừa đã tiềm tàng trong tư tưởng của Phật là một cách nói và mâu thuẫn với niềm tin của Tiểu thừa là họ mới là Phật giáo nguyên thủy. Những lời được ghi chép trong kinh được cho là của Phật cũng không hề có bằng chứng nào. 

      8. Cho dù ngài có ngồi 10 năm dưới cây Bồ đề, không động tâm vì muỗi, kiến đốt, nghĩ với tốc độ siêu thanh, cũng không thể tạo ra được một phần ngàn thông tin mà các kinh, luật, tạng đang có.  

      9. Bên cạnh đó, ngài được thừa hưởng nhiều kiến thức từ nền giáo dục lúc bấy giờ, dựa trên truyền thống Vệ Đà, Ấn độ giáo, Upanishads và ngài có một số đề xuất cải tiến mới trên nền tảng đó: có thể là Tứ Diệu đế, Duyên khởi và Ngũ Uẩn ở một mức sơ khai hơn những gì chúng ta thấy bây giờ và chắc chắn được thể hiện bằng một ngôn ngữ khác, chưa phát triển, không chặt chẽ, thiếu khái niệm không có năng lực thể hiện như ngôn ngữ bây giờ.

    10. Niềm tin có sức mạnh của nó. Có thể dẫn tới những chuyện thần kỳ mà sức người thường không thể làm nổi, kể cả quay ngược bánh xe lịch sử.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

2 comments:

  1. Replies
    1. Nhiều người ủng hộ chủ thuyết Á Đông sẽ thay thế vị thế của phương Tây hiện nay do nhận thấy quy luật thịnh suy của lịch sử (như ta đang thấy trong sự trỗi dậy của Tàu đỏ).
      Tuy nhiên, còn có tác nhân ko nằm trong mọi toan tính của con người. Điều đang xảy ra ở Trung Đông và người DT là một yếu tố quyết định tất cả.
      Thế giới sẽ trở nên ntn, tốt đẹp hơn hay sẽ bị hủy diệt, điều này sẽ diễn ra ntn, hay cũng như với số phận: ember tervez, isten végez?
      Và đây mới là cái bất diệt/tất yếu?

      Delete