Saturday, January 6, 2024

Miền Bắc: Ký ức thời VNDCCH

THỜI CHÚNG TÔI ĐI HỌC

Thời tôi đi học phổ thông 1959-1970, bố mẹ chú tâm làm ăn lo cho con cái khỏi đóI, đầu tháng chạy tiền đóng học phí cho đàn con, tối tối nhắc con ôn bài và lời khuyên của bố mẹ: “Cố mà học có cái chữ, kẻo lại con trâu đi trước cái cày đi sau con ạ!” thế thôi, chúng tôi đi học hoàn toàn tự  thân, nhà trường và gia đình không gây áp lực thành tích, vì thế học đúp là chuyện bình thường (hai ba năm học một lớp sau này họp đồng môn không kể tuổi tác) kém thì phải học lại thôi, không ai chạy chọt thày cô nâng điểm bao giờ.

Thời đó, chương trình phổ thông là hệ 10 năm. Cấp 1 (lớp 1,2,3,4) Cấp 2 (lớp 5,6,7 và học ngoại ngữ Nga văn, Trung văn là chủ yếu) Cấp 3 (lớp 8,9,10) Sau khi học hết các lớp 4,7,10 đều phải thi tốt nghiệp do sở Giáo dục ra đề thi, giáo viên các trường đi coi thi chéo rất nghiêm túc.

-Học cấp 1 chấm thang điểm 10, bắt buộc học sinh viết ngòi bút sắt chấm mực tím. Học trò tay ai cũng dây mực tím lấm lem. Vở có dòng kẻ ô ly vuông. mỗi lớp chỉ học một thầy dậy cả năm học.

-Sang học cấp 2, làm quen với việc học mỗi môn có một thày cô dạy, ngoài bút sắt học sinh được phép viết bút máy chấm mực xanh; chấm thang điểm 5 theo Liên xô (điểm 4, 5 là khá giỏi, 3 là trung bình, dưới 3 là yếu, kém). Vẫn dùng vở kẻ ô ly hết lớp 5, sau đó thì viết vở giá ba hào sáu.

Tổng kết học kỳ, hoặc cả năm, cả lớp chỉ 1, 2, 3 học sinh giỏi, còn lại khá, trung bình và yếu kém. Cấp 1,2 đến khổ vì tập đội ngũ thể dục, chi đội Thiếu niên Tiền phong. Tối xếp hàng đi hô khẩu hiệu cổ động các phong trào cấy lúa thằng hàng, bầu cử, tòng quân, làm bèo hoa dâu…

Học hết lớp 7 là tốt nghiệp cấp 2, nếu đủ tuổi 16 thì nhiều người đi học Sơ cấp, Trung cấp đào tạo nghề, hoặc các hệ sư phạm 7+1 (đào tạo giáo viên cấp 1) hệ 7+3 (đào tạo giáo viên cấp 2). Học nghề thì có sổ mua lương thực, ra trường thường được phân công tác ngay. số ít ở nhà phụ bố mẹ chỉ khoảng 1/2 sĩ số lớp thi vào cấp 3.

Cấp 3 thang điểm 5 đến hết năm 1969 lại chuyển sang thang điểm 10. Vở viết tuỳ khổ 3 hào 6, hay 5 hào 2, mực xanh. ngoài các môn học thì liên miên lao động XHCN gây quỹ và họp Chi đoàn kiểm điểm binh xét. Học hết lớp 10 phải thi tốt nghiệp cấp 3, nếu đỗ, mới được thi hoặc tuyển vào Đại học. (Có nhiều người đủ điểm vào Đại học nhưng bị đánh trượt với lý do trong 3 năm cấp 3 điểm “hạnh kiểm cả năm” có 1,2 năm chỉ “ khá”) Chỉ 1/3 lớp đỗ vào đại học. Còn lại đi bộ đội hoặc đi làm công nhân hay ở nhà làm xã viên HTX nông nghiệp. 

Thời học sinh phổ thông cả ba cấp đều chung một số điều như sau :

1-Thời đó vệ sinh lớp là của học trò thay nhau trực nhật, quét dọn trong lớp, giặt giẻ, lau bảng sạch sẽ trước khi vào học và sau khi hết tiết học. 1 tuần quy định thứ 5 là ngày lao động, đến trường làm sửa chữa hầm trú ẩn & giao thông hào, vệ sinh đường đi các lớp học sơ tán, hoặc đi giúp nhà dân liệt sỹ neo đơn (vơ cỏ, gặt lúa…) lao động xhcn gây quỹ lớp 

2-Thời ấy nền giáo dục ổn định, nhân văn, dù chiến tranh, nghèo khó; không phải năm nào cũng mua Sách giáo khoa mới. SGK dùng được nhiều năm nên các anh chị học trước để lại cho em, hoặc mượn của bạn bè, nhà trường, cuốn nào cũng được bọc bìa cẩn thận, không ai viết bậy vào sách bao giờ. Lên lớp mới thì mua bổ sung cuốn còn thiếu. Năm 1969 cải cách môn Sinh vật (Gien, các định luật Men đen) mới có tài liệu in rô nê ô

3-Việc học hành nhẹ nhàng, thầy cô chấm điểm bài kiểm tra, bài thi đúng trình độ học lực của tửng học sinh. Phụ huynh và học sinh với quan niệm nếu học kém thì phải thi lại một số môn, lưu ban hoặc vi phạm kỷ luật, học sinh chấp nhận-thầy cô nhận phần trách nhiệm, trước nhà trường…hãn hữu họp phụ huynh. Nhà đông con đi học thì làm đơn xin miễn giảm học phí, lên uỷ ban hành chính xã đóng dấu xác thực nộp cho BGH nhà trường.

4-Đầu tiết học khi thầy cô vào lớp, lớp trưởng đứng dậy hô “Học sinh đứng” cả lớp đứng lên răm rắp. Thầy cho phép mới được ngồi xuống. Ngoài giờ học, bất kể gặp thầy cô ở đâu, học sinh đều đứng nghiêm “Em chào thầy/ cô ạ! “. Thầy cô cười gật đầu đáp lại lời chào. Trong mắt học sinh thời ấy Thầy cô được kính trọng lắm. Thời ấy giáo viên tiêu chuẩn lương thực 13,5 kg, nói rang rảng cả ngày, lớp giáo viên già nhà nước thu dung giỏi chuyên môn, nền nã cung cách, lớp giáo viên trẻ nhiệt huyết đến tận các gia đình học sinh tìm hiểu gia cảnh, cũng vất vả nơi sơ tán…vẫn đào tạo nên một thế hệ tử tế cho đất nước cả trong chiến tranh và hoà bình. Nay họ đã về hưu, đã già, nhưng vẫn được học sinh cũ kính trọng yêu mến thực lòng 

Bây giờ thời @ và 4.0 Ông bà cha mẹ học sinh ngày đêm canh cánh lo cho cháu con chuyện học hành, vật vã trong áp lực, rối bời với thi cử, chọn trường, chọn lớp, quay cuồng với đổi mới, cải cách, thay đổi liên miên của Bộ GD, học phí ngày càng tăng mà chất lượng thì…chưa có hồi kết! 

-Thời của chúng tôi 17 tuổi trở lên phải sẵn sàng đi Bộ đội, giải phóng miền nam thống nhất đất nước-nghĩa là cái sự học hành dang dở, chả hề chi.

Trần Minh Hải (FB)

Hình ảnh: Tác giả st từ net

(31/12/2023)

10 comments:

  1. Dui Nguyen
    Hồi đó 1 lớp học 2, 3 năm gọi là học đúp nhưng không có nghĩa là những người đúp là hoc kém, vì có người phải phụ lo công việc gia đình. Đến năm cấp 3, có người đã đủ tuổi đi bộ đội, được gọi đi tập trung mấy tháng lại trả về, năm sau học lại, rồi lại gọi bộ đội sau 1975 lại trở về học lớp 9. Bạn tôi đó, 3 lần học lớp 9 mất đến 6 năm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dui Nguyen, đọc sách báo nghe đài nhiều nên thấm nhuần tinh thần “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Ko màng đến chuyện cao xa ở 1 thế giới khác nên từ bé tôi thích tự vẽ quân hàm (đại úy) gắn vào cổ áo và vai áo, xong chạy xe đạp lòng vòng cho bà con thấy. Rất thích làm anh hùng, hay mơ tưởng 1 hình ảnh (mình) ngực đeo đầy huân chương (cưỡi ngựa) xuất hiện trước công chúng. Lớn hơn thì thích làm phi công (do thích mấy chú ko quân từng là HSMN hay đến nhà chơi).
      Bạn của tôi thì năm lớp 10 đã viết thư bằng máu xin nhập ngũ. Ko ai biết sau đó cả 2 chúng tôi đều được đi nước ngoài học tập.

      Delete
    2. Dui Nguyen
      Nguyễn Cao Bình, Ở cơ quan (đã đi làm) có người cũng viết quyết tâm thư bằng máu, nhưng khi gọi nhập ngũ (1980) thì đut tiền, thằng khác phải đi thay. Thằng đi thay đó sau 3 tháng rèn luyện, về đơn vị mới, mới được "trả lại tên cho em" . Ai cũng thích hô khẩu hiệu và hưởng ứng phong trào.

      Delete
    3. Dui Nguyen
      Nguyễn Cao Bình, Nếu mà đơn vị đã đủ người thì nó sẽ được tuyên dương và kết nạp Đảng !

      Delete
    4. Dui Nguyen, có khi thành chính trị viên đấy!

      Delete
    5. Dui Nguyen
      Nguyễn Cao Bình, Những thằng đó mà đi thì sẽ thành sỹ quan chính trị, được giữ lại bộ khung. Nếu không phải đi thì trở thành bí thư chi bộ.

      Delete
    6. Dui Nguyen, ko biết nó đỏ cỡ nào nhưng chắc chắn sẽ luồn sâu leo cao!

      Delete
    7. Dui Nguyen
      Nguyễn Cao Bình, Đúng như bây giờ đó. Trước khi bị bắt các đ/c có thân nhân tốt. Lý lịch trong sạch, được quy hoạch đào tạo đúng quy trình.

      Delete
    8. Dui Nguyen, toàn kéo bè cánh với nhau để xoay cả!

      Delete