HUNGARY, MẢNH ĐẤT KỲ DIỆU CỦA NGƯỜI MAGYAR
Mười sáu giải Nobel và thứ hạng thứ 8 trong Top 10 các quốc gia đoạt được nhiều huy chương nhất trong lịch sử phong trào Thế vận quốc tế chỉ là hai trong số vô vàn kỳ tích mà người Hungary đã đạt được, khiến thế giới phải để tâm và khâm phục đất nước chỉ vỏn vẹn khoảng 9,5 triệu dân và diện tích nhỏ hơn miền Bắc Việt Nam này. Đây cũng là một trong số 10 quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1950, và tới giờ vẫn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống rất quý báu với nước ta.
Không phải ai cũng biết rằng mặc dù tọa lạc ở trái tim của vùng Trung Âu, trong vùng bồn địa lịch sử Panonnia, nhưng Hungary lại là mảnh đất định cư của các bộ lạc Magyar (1) sau một cuộc di cư vĩ đại trải qua nhiều thế kỷ về thời gian và hàng chục ngàn cây số về không gian. Vốn là một dân tộc bán du mục, người Hung đã bôn ba nhiều nơi, qua những vùng thảo nguyên rộng lớn của lưu vực sông Volga, nước Nga và Ukraine hiện tại, để tới lập quốc ở nơi hiện tại là Hungary vào năm 895, để rồi thành lập quốc gia vào Noel năm 1000.
Một ngàn một trăm năm dựng nước và giữ nước của Hungary là những trang sử kiêu hùng, nhưng cũng chất chứa đầy biến cố bi thảm, khi vương quốc này đại bại trước quân Mông Cổ và gần như bị san bằng (1241-1242), bị Đế quốc Otthoman cai trị một phần đáng kể đất nước trong 150 năm (1541-1699), và sau đó là hơn 150 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Áo. Phải đến thời kỳ nền "song quốc quân chủ" Áo - Hung (1867-1918), Hungary mới giành được độc lập và trải qua nửa thế kỷ hòa bình, hạnh phúc và phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, thế kỷ 20, Hungary lại đứng về "phe bại trận" trong cả hai cuộc thế chiến, và hậu quả là hai phần ba diện tích đất nước bị cắt qua các nước láng giềng, hai phần ba cư dân Hung chỉ trong chốc lát biến thành công dân "xứ lạ". Những nỗi đau trong quá khứ ấy đến bây giờ người Hung vẫn nhắc nhớ, nhưng luôn đi kèm với niềm tự hào của một dân tộc anh dũng, không chịu khuất phục, đầu hàng, với khí phách "Chết tự do không chịu sống tôi đòi - Không yên nghỉ khi tự do chưa có" như đại thi hào Petőfi Sándor từng ca ngợi (2).
Dân tộc nhỏ này đã có những người con vĩ đại trong khoa học, đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ 20, khi giới khoa học thế giới đã kinh ngạc gọi các nhà bác học di cư từ Hungary qua để Mỹ lánh nạn chiến tranh là "người Hỏa tinh" vì bộ óc xuất chúng của họ. Bom nguyên tử, bom khinh khí, máy điện toán... là một vài trong số rất nhiều công trình mà thế giới phải cám ơn Hungary, với những tên tuổi như Neumann János, Szilárd Leó, Teller Ede... hay gần đây nhất như Karikó Katalin, "mẹ đẻ của công nghệ mRNA" góp phần "cứu vãn thế giới" (3).
Trong văn học nghệ thuật, Hungary cũng có những đỉnh cao như đại nhạc sư Liszt Ferenc, danh cầm vĩ đại nhất của mọi thời đại, tên tuổi vĩ đại của trường phái Lãng mạn đầu thế kỷ 19, Kodály Zoltán, nhà sư phạm âm nhạc bậc thày với "phương pháp Kodály" nổi tiếng, hay Kertész Imre, Giải Nobel Văn chương 2002, người khắc họa nỗi đau diệt chủng Do Thái... Thế giới cũng luôn nhớ "Đội tuyển vàng" với thủ quân Puskás Ferenc thập niên 50 trong bóng đá, và Hungary là cường quốc thể thao lớn nhất còn chưa được đang cai Thế vận.
Nhắc tới Hungary, những cái tên như thủ đô Budapest, "Biển hồ" Balaton lớn nhất vùng Trung Âu, Thành cổ Eger anh hùng hay hồ nước khoáng chữa bệnh Hévíz lớn nhất Châu Âu là những điểm nhấn rất quen thuộc. Với gần 16 triệu lượt khách tới thăm trong năm 2023, quốc gia này thuộc nhóm các nước du lịch phát triển: Quần thể Lâu đài và các di sản trên Đồi Buda, những công trình kiến trúc nằm dọc hai bên bờ "Danube xanh", Đại lộ chính Andrássy và Quảng trường Anh Hùng ở thủ đô là những danh thắng UNESCO lừng danh.
Tuy khoảng cách địa lý rất xa xôi, nhưng Hungary và Việt Nam có nhiều "duyên nợ", ân tình trong quá khứ. "Việt Nam, chúng tôi ở bên các bạn!" là khẩu hiệu và phương châm của nước Hung trong những năm chiến tranh gian khổ; từ đầu thập niên 50 thế kỷ trước, Hungary đã hào hiệp ủng hộ và giúp Việt Nam đào tạo nhiều thế hệ DHS, NCS... để tới bây giờ, lãnh đạo hai nước trong các phát biểu vẫn tự hào rằng cộng đồng ngoại quốc am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Hungary dù không có mối liên quan về sắc tộc, chính là ở Việt Nam!
Những năm gần đây, Hungary và Việt Nam đã có quan hệ hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, pháp luật và tư pháp, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân... Hungary coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, và hai đã nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào tháng 9/2018 trong chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai nước có tiềm năng và còn có thể tăng cường hơn nữa trong nhiều lĩnh vực như thương mại - đầu tư, nông nghiệp, hay y tế, du lịch, lao động…
Cho đến nay, nước Hung cũng là quê hương thứ hai của một cộng đồng Việt thuần hậu, được đánh giá là hội nhập thành công trong cuộc sống và công việc, nhưng vẫn hướng về Tổ quốc với nhiều nỗ lực đóng góp "lá lành đùm lá rách...". Mới đây nhất, Việt Nam còn là nguồn cung ứng lao động đáng kể cho nền kinh tế Hungary, vốn cần rất nhiều nhân lực đến từ các quốc gia thứ ba cho thị trường nội địa trong chiến lược tái công nghiệp hóa của chính phủ. Nhiều cơ hội được mở ra, cần tận dụng khai thác một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Với những nét tương đồng đáng kinh ngạc trong lịch sử và ký ức, Hungary và Việt Nam là hai dân tộc có sự đồng điệu về tình cảm và tâm thế trong quá khứ kiên cường trước giặc ngoại xâm. Truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, ở vào thời đại "thế giới phẳng", cần được phát triển và tăng cường với những nội dung mới, hình thức hợp tác mới, mà chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong thời gian 18-20/1/2024 có thể sẽ đem lại nhiều kết quả mới, theo kỳ vọng của đôi bên.
Ghi chú:
(1) Người Hungary gọi họ là dân tộc Magyar.
(2) Trích thi phẩm nổi tiếng "Bài ca Dân tộc" (Nemzeti Dal, 1848), bản dịch của dịch giả, PGS. TS. Vũ Ngọc Cân.
(3) Tựa đề một bộ phim tư liệu của Pháp về GS. Karikó Katalin, nhà sinh học đồng giải thưởng Nobel Y Sinh 2023, với phát minh đặt tiền đề cho vaccine "thế hệ mới" kháng virus Corona.
Nguyễn Hoàng Linh
No comments:
Post a Comment