Wednesday, January 17, 2024

Vì sao nghèo? Chiến tranh. Vì sao sau chiến tranh không tăng trưởng?

 Tác động của chiến tranh lên nền kinh tế

    1. Tôi thường nghe câu nói cửa miệng "Nước ta nghèo, khó khăn là do hậu quả chiến tranh". Nghe riết thành quen, tưởng thật. Đến nỗi, chiến tranh qua đến nửa thế kỷ, nhiều người vẫn tưởng là ta nghèo là do chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Lãnh đạo thì lấy đó làm lý do biện hộ: chúng ta lãnh đạo tốt, đúng hướng, nhưng do chiến tranh nên .... 

    2. Chúng ta hãy thử suy nghĩ một chút xem điều đó có đúng không. Trong lịch sử thế giới, sau chiến tranh, thường kinh tế phát triển phồn thịnh. Ở nước ta, sau khi bị đô hộ và chiến tranh 10 năm, đầu đời Hậu Lê, kinh tế phát triển 

                "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông 

           Gạo trắng đầy đồng trẻ chẳng chịu ăn"

     Các nước Nhật, Mỹ, Nga, Đức,... sau chiến tranh đều có những phát triển thần kỳ về kinh tế, mặc dù trừ Mỹ, đều bị tàn phá nặng nề. Từ thời Chu, ngay sau chiến tranh là Thành Khang chi trị, tới thời Thanh, đều thấy sau thời chiến tranh, lập quốc là thời phát triển mạnh. Nước ta sau khi chống Nam Hán, Nguyên Mông,...phân tranh Tây Sơn-Nguyễn đều hưng thịnh ngay sau chiến tranh. 

   3. Thực ra, nền kinh tế chậm phát triển là do thiếu động lực, bị ngăn cản bởi cơ chế già nua, những con người trì trệ bảo thủ, các thể chế hết thời. Chiến tranh thay đổi thế hệ, tạo ra khát vọng, phá hủy cơ chế cũ, và có một thị trường lớn làm lực đẩy. Có thể nói chiến tranh là động lực đẩy bánh xe kinh tế quay, khi quay sẽ tạo ra của cải, sức mua, cơ chế mới. Nước Mỹ từ sau chiến tranh lạnh luôn phải có các cuộc chiến tranh nhỏ cục bộ để kích hoạt nền kinh tế.   

   4. Vậy tại sao Việt Nam lại không có tăng trưởng hậu chiến như vậy: Có thể là do một số ngành kinh tế bị đứt gãy về cả nhân lực và tri thức, không có tiếp nối, do đó khát vọng không có đất gieo. Điều quan trọng hơn là sự cô lập với thế giới và với sự tiến bộ. Cũng có thể lực lượng chủ lực của bộ máy chiến tranh quá mạnh, không thể tự thay đổi. Cho đến nay vẫn còn đơn vị kinh tế, KHCN, giáo dục đào tạo của quân đội, công an, đảng và ....

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

38 comments:

  1. Hoang Giang
    ·
    Kt VN hậu chiến ko phát triển nhanh do món nợ khổng lồ mà Mỹ đòi phải trả có sự tiếp sức của các sát thủ kinh tế để lại như Ng xuân Oánh….

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Hồng Phương
      Hoang Giang đọc nhiều nó mụ người đi đấy bác à. Ảnh này ra mấy tiệm sách chụp là có ngay. Ông Thích Ca ngồi dưới cây Bồ Đề, có cần phải đọc nhiều sách này đâu?
      Bác đọc mấy cuốn đó (hầu hết toàn tác giả tư bản, tư bản Mỹ), liệu bác có sợ bác bị cuốn vào tư duy của mấy tay tác giả đó, mà bác ko đọc những trường phái khác? Kiểu như một số người lúc nào mở mồm ra là cũng Mỹ can thiệp các nước blah blah, thế chả nhẽ ko nghĩ đến tình huống Nga, Tàu cũng can thiệp à? Rồi những chuyện thâm cung bí sử làm sao viết ra mặt sách báo được? Những thứ viết ra ở sách sử là do phe chính thống, phe cai trị viết, và viết những thứ có lợi cho họ. Thế cho nên, đọc vừa vừa thôi thì đầu óc mới tỉnh táo được bác à.
      Thêm nữa, nếu cứ đi tìm đối tượng bên ngoài để đổ lỗi cho những thất bại yếu kém của bản thân, thì rất khó tiến bộ. Triết học Mác nói rồi, cái nội tại bên trong mới là cái chính yếu.

      Delete
    2. Nguyen Lanh
      Hoang Giang VN đã phải xử lý nợ nần với Mỹ (là 1 nội dung trong nhiều yêu cầu, trong đó có rút quân khỏi CPC) để Mỹ đồng ý dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa QH ngoại giao từ lâu rồi.

      Delete
    3. Hoang Giang
      ·
      Nguyen Lanh đến giờ vẫn chưa hết nợ đâu. Còn thêm vào nữa.

      Delete
    4. Aiviet Nguyen
      Nguyen Lanh, Nợ cũ với Mỹ xử lý xong lâu rồi.
      Hoang Giang, Nợ hiện tại không phải do chiến tranh để lại.

      Delete
  2. Bùi Đức Ngọc
    Câu cuối của bài viết đã chỉ ra câu trả lời, vì tư duy chủ đạo luôn là “ đánh Mỹ còn thắng nữa là phát triển kinh tế, xây dựng XHCN là cái đinh gì…!”

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bùi Đức Ngọc, đúng là 1 khẳng định như đinh đóng cột của bên thắng cuộc ngay sau chiến tranh!

      Delete
  3. Nam Nguyen
    Vì anh Bình còi anh ý quá khôn trong khi phía bên VN lại quá ngây thơ và cả kiêu ngạo sau chiến thắng nên anh Bình còi anh ý đã bắt tay được với Mỹ, nhờ đó mà TQ đã phất lên còn VN không những không bình thường hóa được mà còn bị cấm vận.

    ReplyDelete
  4. nguyễn xuân hùng
    Các cụ nhà mình có câu " có bột mới gột nên hồ " ...tôi nghĩ Vietnam phát triển không như kỳ vọng là do thiếu vốn , thiếu nguồn lực để tái thiết sau chiến tranh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      nguyễn xuân hùng, Ai chẳng thế.

      Delete
    2. Nguyễn Tài Thiên
      Aiviet Nguyen, ko hề. Kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu và kế hoạch tái thiết Nhật Bản đã đầu tư một lượng vốn tư bản và tri thức rất lớn cho 2 quốc gia "bại trận" này. Ấy là chưa kể trước chiến tranh 2 trùm phát xít này cũng có nền tảng dân trí và công nghiệp căn cơ vững mạnh chứ ko phải là nước nông nghiệp lạc hậu, mù chữ như Việt Nam.
      Lại xét đến cụm từ "sau chiến tranh" là sau chiến tranh nào? Sau chiến tranh với Mỹ năm 1975 hay sau chiến tranh biên giới 1979? Hay hải chiến 1989? Đúng là việc điều hành kinh tế của VN có vấn đề đặc biệt là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng giá - lương - tiền. Nhưng so sánh với Nhật và Đức là cách tiếp cận vấn đề rất hời hợt, không thật sự công tâm và có phần cố tình "dìm hàng" theo kiểu "con nhà người ta". Thái Lan, Philippines có lẽ là tấm gương gần gũi hơn để đánh giá

      Delete
    3. nguyễn xuân hùng
      Nguyễn Tài Thiên, Việt nam nếu nói đến sau chiến tranh thì phải nói đến mốc sau 1989...lúc đó mới dừng tiếng súng. Và lúc đó các nguồn lực mà ta trông cậy vào ( như Liên xô thì coi như đã chết ..)

      Delete
    4. Nguyễn Tài Thiên
      nguyễn xuân hùng, tôi cũng đồng tình với góc nhìn đó. Sau chiến tranh biên giới năm 1979, VN luôn phải duy trì quân đội, quốc lực kiểu thời chiến. Xây dựng các căn cứ sân bay, đường sắt, cơ sở quân sự quốc phòng,...để đề phòng một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc. Liên Xô sau đó lại tham chiến tại Afghanistan và tan rã sau đó nên VN mất hết chỗ dựa về mọi mặt. Nội lực không có, kinh nghiệm, kiến thức điều hành kinh tế bằng 0.

      Delete
    5. Aiviet Nguyen
      Nguyễn Tài Thiên, Tôi không có ý định so sánh với Đức, Nhật, Hàn. Tôi chỉ nhắc ý sau chiến tranh bao giờ cũng có chu kỳ khôi phục kinh tế rất mạnh, có nhắc chính nước ta sau kháng chiến chống Minh và nội chiến Nguyễn-Tây Sơn. Sai lầm của ta sau 1975 có rất nhiều, nhưng có 5 cái lớn nhất: 1. Cải tạo công thương và ngăn sông cấm chợ, 2. Cải cách giá lương tiền, 3. Cách giải quyết vấn đề Campuchia và thương thảo hậu chiến với Mỹ 4. Tổ chức lại hành chính và nhân sự 5. Đào tạo và đề bạt nhân tài. 5 vấn đề này không phải là hệ quả của chiến tranh mà có thể là tiền đề cho chiến tranh Campuchia và chiến tranh biên giới. Nhưng tôi không muốn đi vào chi tiết 5 vấn đề trên. Thay vì đó tôi đặt câu hỏi, liệu các sai lầm (trong đó có 5 vấn đề trên) có một mẫu số chung ở văn hóa hay không.

      Delete
    6. Aiviet Nguyen
      nguyễn xuân hùng, Có thể đặt vấn đề vì sao chiến tranh lại tiếp diễn đến 1989? Kẻ thù bắt ta ôm cây súng? Chiến tranh với Mỹ và Pháp coi như là bất khả kháng đi.

      Delete
    7. Nguyễn Tài Thiên
      Aiviet Nguyen, sau chiến tranh ko phải luôn có chu kỳ khôi phục kinh tế mạnh. Sau chiến tranh với nhà Thanh, nội chiến Tây Sơn - Nguyễn chẳng có đợt phục hồi kinh tế mạnh nào cả. Nó mang tính cá biệt cụ thể của từng chính quyền sau khi thắng trận nhiều hơn chứ ko phải công thức chung. Lại phụ thuộc nhiều đến "quan hệ quốc tế thời hậu chiến". Đức, Hung sau thế chiến thứ nhất đã không có cơ hội khôi do bị chèn ép trong các quan hệ quốc tế. Đức (Tây Đức) sau thế chiến 2 thì ngược lại, được đầu tư để khôi phục thần kỳ. Nếu không có cái bắt tay của Mỹ và TQ năm 1972 thì quan hệ Việt Trung có lẽ đã không xấu đi, gián tiếp gây ra vấn đề Campuchia, gián tiếp gây ra cái nhìn tiêu cực của quốc tế về VN thời hậu chiến. Vấn đề quốc tế xấu là thế, nguyên nhân nội tại cũng chẳng khá hơn khi VN vẫn kiên trì mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Kinh tế VN không khác gì một người vốn đã không biết bơi lại còn mất đi phao cứu sinh. Chưa hiểu văn hoá (theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp) có vai trò gì trong chuyện này.

      Delete
    8. nguyễn xuân hùng
      Aiviet Nguyen, tôi hiểu câu hỏi của bác : có thể diễn lại câu hỏi thành " Liệu ta có thể tránh được chiến tranh với Tàu hay không ? ( cuộc chiến bên Campuchia nên coi là phái sinh của cuộc chiến với Tàu )
      Với các nguồn thông tin được biết đến giờ thì tôi thấy rằng Không thể tránh khỏi cuộc chiến đó...ta mất thêm15 năm chiến tranh không thể cưỡng lại được. Bây giờ có cho các nhân tài hiện tại ( biết được kết cục cuộc chién ) xuyên không về năm 1975 và lãnh đạo Vietnam vừa thống nhất thì cũng không có cách nào thoát được cuộc chiến với Tàu sau đó đâu

      Delete
  5. Ngô Tiến Nhân
    Con người là nguồn lực ( nguyên khí ) lớn nhất, trong con người bộ não là cơ quan quan trọng nhất Đông Lào chơi sang … ko thèm xài !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Ngô Tiến Nhân, Tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề chính.

      Delete
    2. Ngô Tiến Nhân, vấn đề nguồn lực này nằm trong việc thống nhất đất nước, hoà hợp và hoà giải dân tộc. Là căn bản từ văn hóa!

      Delete
    3. Ngô Tiến Nhân
      Nguyễn Cao Bình, Rất đúng
      Nhưng rất “ phản động “ !
      Thế ở đây ko có văn hoá hử ?

      Delete
    4. Ngô Tiến Nhân, thì bạn trả lời rồi: nó nằm trong não tất! Có hay ko có thôi.

      Delete
  6. Hoàng Đình Chiến
    Hậu quả, hệ lụy của lạc lối từ 1923

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Hoàng Đình Chiến, Nếu là từ năm 1923, thì tại sao ta không có cơ chế tự sửa lỗi.

      Delete
    2. Hoàng Đình Chiến
      Aiviet Nguyen, không thể sửa chữa được vì không có quyền lực mà chỉ khôn khéo để tồn tại. Chuyện dài lịch sử

      Delete
  7. Duong Vu
    Em nghĩ chiến tranh nhiều ảnh hưởng đến tính cách và văn hóa của người Việt mình, là tính chạy giặc (là vơ nhanh được cái gì thì vơ), và tầm nhìn ngắn ạ. Chiến tranh qua rồi nhưng tính cách này tuy mai một dần nhưng vẫn được chúng ta truyền lại cho con cháu ạ. Hihi 🙂

    ReplyDelete
  8. Phan Hoang
    Cách Aiviet Nguyen đặt vấn đề phản biện ý " Vn chậm phát triển do chiến tranh " thực ra ko mới vì đã được nhiều người đề cập từ 199x .
    Sau đó tuyên giáo gài tiếp " Vn phát triển chậm do đánh Mỹ và bị P Tây cấm vận " thì bị phản biện bây giờ 2024 đã chơi với Mỹ 30 năm mà vẫn lẹt đẹt 4000 $ 1 người 1 năm ( như Nhật , Tây Đức sau 30 năm ( 1945 - 1975 ) đã vào top 5 kinh tế TG với 40.000 $ 1 người 1 năm )
    Khi xem TC phát triển thì biết ngay cái VN thiếu là cái đầu ngu ko làm chủ nổi về Kinh doanh và Công nghệ ..
    Nói Mỹ cần chiến tranh để phát triển thì nên soi cả Nhật Đức Hàn Đài Sing .. bạn ơi

    ReplyDelete
  9. Nguyễn Thế Hiện
    Cho dù là các nguyên nhân chính phụ nào và vào thời gian nào thì theo tôi chỉ cần nhớ một điều quan trọng là khi nước ta được gần như, (nghĩa là chỉ gần như thật yên ổn, ví dụ chính phủ còn không lo đến sự bị rình rập lật đổ) làm ăn xây dựng phát triển thì cũng bát đầu cái việc ấy với dăm ba cái nhà máy điện cũ các loại đáng kể, dăm ba cái nhà máy cơ khí chế tạo v.v… và nông nghiệp thi cũng 90-95% con trâu là sức kéo chủ lực, dân thì vẫn không dưới 90% là nông dân, canh tác thì lúa cũng là chủ yếu v.v…. Còn các thứ khác như tài nguyên thì gì cũng phải tìm kiếm được đã, mọi thứ khác đều ở mức sâu (thẳm) dưới người ta. Lẽ dĩ nhiên có rất, rất nhiều điều rất đáng phê phán và rất rất cần thay đổi nhưng có thể cũng nên công bằng mọi mặt để xem xét cho hợp tình hợp lý chuyện nước chuyện dân! Tôi chẳng bênh vực cái gì vô lối nhưng cũng chẳng mù quáng tin tưởng cái gì tuyệt đối, chưa làm được cái gì đáng kể nhưng cũng chưa gây ta điều gì tai quái, tác hại đến bất kỳ ai. Tôi cứ lòng thành mạnh dạn trình bày cách nhìn nhận, cách nghĩ của mình như vậy! Tôi nói thế và xin các anh, các bạn rộng lòng chớ nói điều quá đáng với tôi nếu không đồng ý vì bất cứ lý do gì!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen
      Nguyễn Thế Hiện, Chúng ta sẽ không nói chuyện chính trị, cho dù là quan điểm thế nào. Bản thân tôi tin chắc đem chính trị và tôn giáo vào để thảo luận các vấn đề luôn sẽ che mờ lý tính. Vì vậy trên tường nhà tôi sẽ không có ai nói gì quá đáng với ai nhân danh niềm tin cá nhân về chính trị và tôn giáo. Tôi đặt vấn đề này vì thấy chiến tranh luôn tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Chúng ta có những chiến tranh rất dài nhưng không có được động lực tăng trưởng kinh tế như những trường hợp khác, ắt phải có lý do (chưa chắc đã là chính trị, vì chính trị tôn giáo chỉ nằm ở bề nổi của văn hóa). Chắc chắn đổ lỗi cho chiến tranh nên chậm phát triển một thời gian nửa thế kỷ là không thể chấp nhận. Nhưng ở đây cũng phải nói thẳng (không tấn công cá nhân không có nghĩa là phải đồng ý): nói là chúng ta chậm phát triển do chúng ta ở mức phát triển thấp thì lại càng buồn cười hơn về logic, vì đó là cách nói luẩn quẩn.

      Delete
    2. Nguyễn Trường Luyện
      Nguyễn Thế Hiện ,bạn Hiện ơi,tôi rất đồng ý với Bạn.Phải nhìn vào thực tế.Đức ,Nhật ý ... đã có cơ sở các ngành công nghiêp nặng , nông nghiệp trang trại rất phất triển ,có đội ngũ trí thức ,công nhân chuyên nghiệp tay nghề cao, tác phong làm việc CN...Những thứ đó ,họ cũng phải xây dưng trong một tg dài sau cuộc CM CN lần thứ 2.CT TG thứ 2 , bị tàn phá nhiều ,nhưng cũng không thể bằng VN phải trải qua 3 cuộc CT chống lại 3 cường quốc lớn cùng với các nước tay sai kéo dài 30 năm ,sau đó lại bị cuộc cấm vận của Mỹ ,phg Tây và TQ gần 20 năm.KT VN lúc đó không bị phá sản là còn may nhờ LX và các nước XHCN đông Âu giúp đỡ mới thoi thóp thở được .Bây giờ nhiều bạn trẻ chưa trải qua thời kỳ gian khổ trong cuộc KC chống Pháp ,chống Mỹ ,nên phát biểu quá chủ quan.Tôi còn nhớ để chuẩn bị cho chiến dịch thu đông 1951_1952 ,riêng tỉnh NA phải cung cấp cho chiến dich 200.000 tấn lương thực.Thời đó ,nông nghiệp năng suất thấp ,hạn hán ,lú lụt thường xuyên,do công tác thủy lợi còn quá kém ,nên 200.000tấn lương thực là quá lớn , tất cả các gia đình vét sạch lương thực trong nhà vẫn không đủ nộp theo chỉ tiêu .Không khí trong dân rất căng ,nhưng do lòng yêu nước mà mọi người cắn răng chịu đói ,dùng khoai sắn ,rau cỏ đắp đổi qua ngày chờ mùa thu hoạch tới.Thế đó .Với một nền KT như thế ,mà đòi hỏi sau CT phải phát triển như Mỹ ,Đức ,Pháp,Nhật... Ngồi cào phím thì dễ ,nhưng làm thực mới khó.

      Delete
    3. Ta Ngoc Vinh
      Nguyễn Thế Hiện, Thực ra đề cập đến một vấn đề như thế này, dù chúng ta luôn với tinh thần vô tư và đầy tính xây dựng thì vẫn liên quan đến chính trị. Bởi kinh tế phát triển được hay không phụ thuộc trước hết và sau cùng vào đường lối, chính sách của đảng và chính phủ, vào khát vọng và ý chí của các nhà lãnh đạo. Sau đó mới đến người dân. Khát vọng và ý chí nó quyết định tính liêm chính. Đường lối và chính sách nó quyết định tính chuẩn xác của mục đích và phương tiện. Chúng ta có muốn biện hộ mà các vấn đề ấy chúng rõ ràng thì biện hộ cũng không được. Phát triển kinh tế phải theo những quy luật rất khắc nghiệt, không nói chung chung được.
      Xem như các nước đông nam Á, giành độc lập từ sau 1945 cả, nay mấy nước thành phát triển, ngoài Singapore? Mà giới tinh hoa của họ đâu có kém, đâu có gà mờ cả.
      Đích của chúng ta là thành nước phát triển kia mà. Cá nhân tôi chỉ nghĩ, cứ dùng dằng, không tiến lên được những bước căn bản thì chúng ta lỡ mất thời cơ rồi.

      Delete
    4. Aiviet Nguyen
      Nguyễn Trường Luyện, Bạn cứ đưa ra các lập luận của bạn. Không cần phải tấn công kiểu "cứ đòi", "cào bàn phím",... Cái đó không phải là lập luận. Nhân đây tôi xin hỏi "ngăn sông cấm chợ" dựa trên tư duy nào và cũng là bắt buộc?

      Delete
    5. Ta Ngoc Vinh
      Nguyễn Trường Luyện, Bạn hơi nhầm một chút. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra từ những năm 1870 đến khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Thời gian này gắn liền với sự phát triển của các cường quốc công nghiệp như nước Anh, Đức và Hoa Kỳ. Như vậy không phải Đức, Ý Nhật khôi phục sau chiến tranh thế giới thứ 2 với cuộc cách mạng CN lần thứ hai mà là họ lợi dụng được ưu thế có sẵn từ cuộc cách mạng công nghiệp ấy mà thôi.
      Chỉ nêu một nước Nhật để so sánh. GDP thực tế theo giá so sánh hàng năm (năm gốc là 1965) của Nhật Bản trong thời kỳ 1955-1973 hầu hết đều có tốc độ tăng lên tới hai chữ số. Chính trong thời kỳ này, kinh tế Nhật Bản đã đuổi kịp các nền kinh tế tiên tiến của thế giới. Nếu vào năm 1950, GNP của Nhật còn nhỏ hơn của bất cứ nước phương Tây nào và chỉ bằng vài phần trăm so với của Mỹ, thì đến năm 1960 nó đã vượt qua Canada, giữa thập niên 1960 vượt qua Anh và Pháp, năm 1968 vượt Tây Đức. Năm 1973, GNP của Nhật Bản bằng một phần ba của Mỹ và lớn thứ hai trên thế giới. (Theo Wikipedia). Do vậy tôi nghĩ không cần so sánh và thực tế không thể so sánh với mấy nước Đức, Ý, Nhật như bạn nói ở trên.
      Ta hãy so sánh với một nước khác, ở đông Á, đó là Hàn quốc.
      Kinh tế Hàn Quốc trong 50 năm qua đã đạt những thành tựu nổi bật, được cả thế giới công nhận. Sau chiến tranh năm 1953-1954, nền kinh tế Hàn Quốc là thê thảm (họ khó khăn hơn Việt nam sau 1975 nhiều). Họ đã đã vươn lên từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới ở thập niên 1960 thành quốc gia phát triển với thu nhập bình quân đầu người 31.762 USD năm 2019, là một trong những quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo (World Bank, 2020).
      Dựa theo số liệu tính toán của Jesus Felipe (2012), Hàn Quốc ở mức thu nhập trung bình (TNTB) thấp năm 1969. Năm 1988, Hàn Quốc đạt mức TNTB cao, và đến năm 1995 đạt mức thu nhập cao. Như vậy, chỉ mất chưa tới 30 năm, Hàn Quốc đã chuyển từ quốc gia có TNTB thấp lên thành quốc gia có thu nhập cao và là quốc gia tiêu biểu cho trường hợp thoát khỏi bảy TNTB.
      Giai đoan 1969-1995, kinh tế Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới, đặc biệt năm 1974 thu nhập bình quân đầu người tăng 38% so với năm 1973. Kinh tế tăng trưởng liên tục đua Hàn Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người ở mức cao kể từ năm 1995.
      (Theo Tạp chí Kinh tế và Quản lý, số 5-2021, bài ở link sau).
      https://sti.vista.gov.vn/.../324104/CVv418S372021062.pdf
      Hàn quốc khác nước ta ở chỗ nào trong phát triển kinh tế? Khác về khát vọng và ý chí công nghiệp hoá nền kinh tế (họ cao, chúng ta thấp kém, không có khát vọng & ý chí đủ lớn, toàn hô khẩu hiệu). Khác về tổ chức vận hành nền kinh tế (họ ngay từ đầu về khẳng định kinh tế thị trường, chúng ta thực hành nền kinh tế kế hoạch). Khác về thành phần nền kinh tế (họ coi kinh tế tư nhân là chủ yếu, như với các tổ chức tập đoàn tư nhân gọi là Chaebol, còn chúng ta coi kinh tế quốc doanh là chủ yếu, với các quả đấm thép nay thành ra quả đấm rơm). Khác về vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế. Khác về thành phần và trình độ, về phẩm chất và lý tưởng của đội ngũ nhân sự quản lý từ trung ương đến địa phương. V.v. và v.v... Khác những điểm chính. Và họ thành công. Còn chúng ta tôi tin rằng đang sa vào bẫy thu nhập trung bình. Mà một khi sa vào bẫy này, khó mà vượt lên thu nhập cao được. Thực tế chẳng thấy nước nào thoát bẫy được. Xem như tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Singapore, đều sập bẫy này. Cũng độc lập từ 1945 cả. Chắc lẽ bạn biết rất rõ mức phân biệt các quốc gia chậm phát triển, đang phát triển và phát triển. Và có lẽ bạn cũng biết rất rõ khái niệm bẫy thu nhập trung bình trong nền kinh tế. Nếu không nắm được khái niệm này, chắc khó giải thích để hiểu về nền kinh tế).
      Bạn so sánh nền kinh tế hiện nay với thời kỳ kinh tế nửa phong kiến nửa dân chủ hồi 1951-1952 tôi thấy rất buồn cười. Nói kiểu gì cũng không so sánh được chứ. Còn chiến tranh liên miên và cấm vận là một câu chuyện khác. Muốn đề cập đến chuyện ấy lại va vào chính trị mà vị chủ trang không muốn. Và tôi cũng thấy không hay ho gì.

      Delete
    6. Nguyễn Trường Luyện
      Ta Ngoc Vinh ,xin lỗi Bạn ,trong bài viết ,tôi muốn nói các nước phg Tây ( Mỹ ,Đức ,Pháp ,Anh ,Ý....kể cả Nhật ) sau cuộc CT thế giới thứ 2 ,tuy bị CT tàn phá ,nhưng họ đã có các cơ sở ,các ngành công nghiệp nặng ,có đội ngũ trí thức ,đội ngũ Kỹ sư ,công nhân lành nghề ,tay nghề cao ,lại làm viếc có tác phong công nghiệp....tất cả những lợi thế đó đã dần được hình thành không phải ngày một ngày hai mà kéo dài suốt thời gian dài từ cuộc CM công nghiệp lần thứ 2 đến cuộc CT TG 2.Còn VN có gì sau hơn 30 năm chiến tranh với 3 cường quốc Mý ,Pháp ,TQ và các nước tay sai ,chắc chắn là VN thu được thành quả quan trọng nhất về chính tri ,đó là một nước VN độc lập , tự do và thống nhất.Còn vè kinh tế ư? VN trước ,trong 30 năm CT chống xâm lược là một nước nông nghiệp lạc hậu ,một XH tiểu nông ,không có công nghiệp ,chưa kể lại bị Mỹ ,các nước phg Tây và TQ cấm vận gần 20 năm sau đó.Nền kinh tế VN bị điêu đứng ,đời sống người dân cực khổ .Cha ông ta dạy rất chuẩn xác ' có bột mới gột nên hồ ". Với một cơ sở kinh tế như thế ,chưa kể nhân lực lao đông trẻ khỏe lại còn phải ra chiến trường ,một số khá lớn hy sinh ,một số bị thương...,ở nông thôn thì phần lớn là người già ,phụ nữ..,rồi vốn ( ~ tư bản) ở đâu có nghĩa là lấy bột ở đâu để gột nên hồ !!!.Nên nói thì quá dễ ,nhưng làm thật thì cực khó.Cha ông ta đã dạy rất đúng " dục tất bất đạt " .Không thể đốt cháy giai đoạn được đâu ạ.Kinh nghiệm xương máu ở TQ thời kỳ Mao Trạch đông còn đó.Các nhà Vật lý VN ,ai không thèm muốn được giải Nobel ,nhưng hiện nay chắc chắn không thể ,vì trình độ chỉ đến thế này thôi ,dù các nhà VL VN cũng đã học tập làm việc hết sức ở các nước có nền KH CN tiên tiến .Nếu vấn hết sức cố gắng như ngày nay ,tôi hy vọng các thế hệ sau ,may ra mới đạt được diễm phúc đó Bạn ạ.Về KT VN cũng thế thôi.

      Delete
    7. Aiviet Nguyen
      Nguyễn Trường Luyện, Tóm lại quan điểm của bạn là "chúng ta đã làm đúng và cố hết sức rồi, không thể đi nhanh hơn và phải chịu". Đó là một quan điểm. Tôi thấy ta phát triển quá chậm, đáng ra có thể phát triển nhanh hơn và không tán thành "dục tốc bất đạt". Đó là quan điểm khác. Đúng sai thế nào cứ bàn luận từ tốn và phải có lập luận. Không phải cứ đi nhanh là giống Mao Trạch Đông. Nếu có thể đi nhanh hơn mà mình cứ đi chậm tức là có tội với thế hệ tương lai.

      Delete
    8. Ta Ngoc Vinh
      Nguyễn Trường Luyện, Đáng tiếc là bạn đã bỏ qua những điều tôi thật lòng muốn bạn hiểu. Xuất phát điểm của Hàn quốc những năm 1954-1964 còn tệ hơn nước ta. Nhưng khát vọng lớn và ý chí mạnh mẽ, xác định đường đi đúng, nên chỉ sau 4 kế hoạch 5 năm, tức đến khoảng 1985 họ đã công nghiệp hoá xong nền kinh tế, đặt một đường ray không thể đảo ngược để đất nước này thành nước phát triển.
      Từ 1975 đến nay trải qua gần 50 năm rồi, nước ta chưa CNH xong nền kinh tế. Điều đó nói lên tất cả. Nền kinh tế kể như đang sa vào bẫy thu nhập trung bình rồi. Đó là ý nghĩ chắc chắn của tôi. Chúng ta không còn cơ hội nữa. Bạn hiểu thêm khái niệm bẫy TNTB này đi. Tôi chắc bạn chưa rõ nên mới nói "Dục tốc bất đạt". Xin thưa, cơ hội đến rồi đi, không dừng lại chờ để cho phép ta chậm trễ đâu.
      Còn một câu tục ngữ khác, "Trâu chậm uống nước đục". Chúng ta có được an ủi là hầu hết các nước Đông Nam Á cũng đã sa bẫy cả. Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng đều thế một mình chi em. Thôi ta yên tâm vậy. 🙂
      (Xây dựng, phát triển kinh tế không nói bừa theo kiểu ta nhất định thắng được. Nó có quy luật của nó. Nhưng dù gì, trước hết phải có ý chí và khát vọng đủ lớn (mới liêm chính được để át bọn cơ hội đi). Đồng thời là đường lối đúng, chính sách đúng mới nắm được thời cơ. Bây giờ mà còn nói dục tốc bất đạt là chết thẳng cẳng. Chậm là chết. Bạn đừng cho là tôi cào bàn phím nhé. Tôi thật lòng muốn bạn hiểu rõ câu chuyện này. Cám ơn bạn đã trả lời. Tôi không có gì cần nói thêm nữa).

      Delete
    9. Phan Hoang
      Ta Ngoc Vinh, tôi đọc comt của bạn mà buồn cười : sao bạn ko so VN với Bắc Triều mà lại so với Hàn quốc nhỉ ...

      Delete
  10. Trinh Thuy Mai
    Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc và tiến dứt khoát trên một con đường sai lầm.

    ReplyDelete