Friday, January 12, 2018

Tin hay không

Có Thiên đường hay không? Ta có thể tìm thấy hay chỉ đến được như trong Thánh Kinh đã chỉ ra mà thôi.

Đường dẫn đến Thiên đường nằm trong tâm thức của con người. Khi yêu nhau, người ta cảm thấy như cả hai cùng bước vào vườn Địa đàng, trong thế giới chỉ của hai người, bởi lúc đó, cả hai đều tin yêu/gắn bó với nhau, hòa hợp như trong một cơ thể. Còn khi rời xa nhau, người ta cảm thấy như bị rơi vào vực thẳm trống rỗng vì đã mất đi niềm tin đó. Khi gặp nghịch cảnh, nhiều người từng chết đi sống lại nhiều lần, có người trở lại với cuộc sống, "tái sinh" với sự mạnh mẽ và khôn ngoan hơn nhưng nhiều người đã không vượt qua được số phận nghiệt ngã của mình.

Thiên đường dành cho ai? Nếu những người được Chúa chọn đều có phẩm giá tốt đẹp thì những người bị từ chối không có được cái tư cách ấy vì những khiếm khuyết của mình. Có phải Chúa muốn loài người phải hình thành những đức tính cao quý sau khi đã trải qua những sóng gió/thử thách của cuộc đời mới được ban phần thưởng của mình và đó mới chính là ý nghĩa của cuộc sống. Nếu không có được điều này thì sự tồn tại của con người chẳng mang một giá trị đáng kể nào. Chúa có bất công không khi bắt nhiều người phải chịu những khổ nạn/khuyết tật hoặc tưởng chừng cho nhiều người quá nhiều ưu đãi nhưng rồi lại lấy đi của họ những gì quý giá nhất. Có ai là người không hề có được ân sủng từ Đức Chúa nhân từ hay không? Liệu rằng, mỗi người đều có một kịch bản/số phận mà Chúa đã an bài?

Cuộc sống tinh thần của con người đầy ắp những cảm xúc khác nhau. Như mặt nước xao động với những con sóng bởi những ngọn gió và lấp lánh ánh nắng Mặt Trời, không bao giờ tĩnh lặng và vơi những nỗi buồn nhưng cũng có những lúc tràn ngập niềm vui. Bên cạnh tình cảm cháy bỏng là lý trí lạnh lùng, cả hai  như con dao 2 lưỡi: có thể vô cùng chân tình hay sắc sảo, khôn ngoan nhưng cũng có thể làm chảy máu, để lại những vết thương không lành trong tâm trí, làm cho con người trở nên hoài nghi, mất đi niềm tin vào con người và cuộc sống. Tại sao khi còn bé, người ta thấy cuộc sống là màu hồng và mơ tưởng về những điều tốt đẹp sẽ xảy ra như trong chuyện cổ tích, đến khi trưởng thành, sau khi đã va chạm và pha trộn bằng trải nghiệm lại thấy đời là bể khổ?

Sống một cách cân bằng là sống với những lựa chọn bằng cả trái tim và cái đầu tỉnh táo. Là sống với bản năng gốc với nhận thức làm con người là một sinh vật khác biệt hơn muôn loài. Sự cân bằng không để con người bị sa ngã bởi những cám dỗ thấp hèn nhưng không vì vậy mà thiếu những cảm xúc hoàn toàn tự nhiên được Tạo Hóa ban tặng do bị lý trí chế ngự.

Sống hết mình với con tim hay thận trọng bởi lý trí? Dù là ai thì cũng không thể thấu đáo mọi nhẽ. Vì thế, ta có thể yêu nhiều người nhưng chỉ nên tin vài người mà thôi. Đó là những người thân, người bạn sẵn sàng vì nhau, không bao giờ thiếu nhau, luôn bên nhau cả trong hoạn nạn khốn cùng dù không kề cận trong thực tại. Đó là những người mà ta thấy xứng đáng nhất để dành nhiều thời gian quý báu cho họ, vì họ mà làm những điều tốt đẹp nhất.

Vì thế, cũng như chàng Ikarus trong thần thoại Hy Lạp, khi được chắp đôi cánh, cũng đừng bay quá cao, dù Mặt Trời là hiện thân của ánh sáng, vẫn phải giữ được khoảng cách an toàn, không để rời xa Mặt Đất là nơi mình phải trở về. Bài học này có lẽ đủ để cảnh tỉnh những ai có quá nhiều tham vọng/ham muốn nên hầu như buông thả/đánh mất mình hoặc sống khắc nghiệt một cách cực đoan, bó hẹp và cuối cùng đánh mất tất cả.

Mỗi con người là một thế giới với đủ cả hỉ, nộ, ái, ố. Trong đó hiện diện tất cả những gì của cuộc sống được thể hiện qua tâm tính của mỗi người, là hiện thân của cả thiên thần và quỷ dữ mang hình ảnh của Thiên đường và Địa ngục. Nếu sống với sự cân bằng, trong ta sẽ là sự bình yên, thanh thản. Nếu buông thả bản thân, sống lệch lạc sai lầm thì phải chấp nhận một cuộc sống khác, trong đó con người tự đày ải bản thân vì những lỗi lầm của mình.

Có phải vì thế mà Phật, Đức A-la hay Chúa đều là hiện thân của Đấng Tối cao sống trong đức tin của con người để thức tỉnh, chỉ ra cho họ con đường thoát khỏi u mê, cứu rỗi những tâm hồn lầm lạc đến Thiên đường hay miền Cực Lạc?

5 comments:

  1. "Life is not fair, get used to it!", câu nói của Bill Gates không được người đời thừa nhận hoàn toàn, người ta vẫn đấu tranh/đả phá và tiêu diệt lẫn nhau nhân danh Chúa hay vì những Đấng Tối Cao khác do không thể chấp nhận những sự khác biệt.
    Ngay cả tôn giáo khi để những nhận thức hạn hẹp của con người chi phối cũng chỉ là những giáo điều lừa mị khắc nghiệt mà thôi.

    ReplyDelete
  2. Liệu những người đã được Chúa chọn để sống cùng với mình thì Thiên đường có phải là nơi mọi người đều tin yêu nhau hay không?

    ReplyDelete
  3. Bức tranh "Bữa tiệc cuối cùng" của Leonardo da Vinci mô tả về việc Chúa biết mình sẽ phải chết vì một kẻ phản bội. Đến Chúa mà còn bị phản bội thì người đời không có tư cách gì để đòi rằng mình phải được thế này hay thế nọ. Rốt cục vẫn cứ phải "get used to it!" mà thôi.

    ReplyDelete
  4. Hình ảnh nào cho thấy một cách đầy đủ nhất về những người xứng đáng với tư cách là những người "chân chính" với đầy đủ ý nghĩa của chữ này. Có lẽ là đóa sen vươn lên từ bùn đen, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"?

    ReplyDelete
  5. Cơ thể người là 1 kiệt tác của tạo hóa. Sống ntn với nó là chuyện điều hành của từng người tùy theo việc họ kết hợp ra sao, như việc lái 1 chiếc xe tốt. Có điều, hình như cái rốn là để đánh dấu 2 phần, phần trên gồm đủ cả tim và não bộ, phần dưới chỉ có bộ phận mang tính "phồn thực" là đáng kể. Nếu sống hài hòa, cân bằng là cuộc sống được duy trì bằng tất cả hoạt động của các bộ phận này mà không quá chú trọng/lệch về phần trên hay dưới trong bất cứ tình huống nào.

    ReplyDelete