Wednesday, July 1, 2020

Ấn Độ: Từ hôm qua đến ngày mai (11)

LỄ HỘI Ở ẤN ĐỘ
Các bạn trở lại phần trước ở đây

Vishwanath S. Naravane

Du khách đến thăm Ấn Độ với ý nghĩ: Ấn Độ là 1 nước khắc khổ, rầu rĩ, sẽ xiết bao kinh ngạc trước niềm vui sống dào dạt của người Ấn Độ được thể hiện 1 cách sinh động và đặc sắc nhất trong các dịp hội hè có từ thời Cổ đại xa xưa. Những lễ hội này cho ta 1 cái nhìn khái quát về những truyền thống phong phú và lâu đời của người Ấn Độ. Trong đám người đông đảo, quần áo sặc sỡ đủ mọi màu sắc và nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nông dân lẫn nhà quý tộc, kẻ hành khất lẫn nhà chiêm tinh, thi sĩ, nhà thuyết giáo lẫn kẻ hát rong đều cùng chung 1 sự nhiệt thành, 1 niềm say sưa, tạo nên hình ảnh vĩnh cửu của Ấn Độ.

Các lễ hội ở Ấn Độ hầu hết mang màu sắc tôn giáo, được điểm xuyết những bài thuyết giáo, những bài thánh ca và những tiết mục đọc thánh kinh. Mỗi lệ hội thường gắn liền với 1 vị thần riêng. Ví dụ: các lễ hội Rama Navami (tháng 3 hoặc tháng 4), Shiva Ratri (tháng 2 hoặc tháng 3) và Krishna Janmashtami (tháng 8) là những dịp thờ thần Rama, thần Shiva và thần Krishna. Ngày lễ nữ thần Durga được cử hành vào tháng 10, còn nữ thần Sarasvati bảo trợ khoa học và nghệ thuật, được thờ cúng vào đầu mùa Xuân.

Ratha, chiếc xe chở đền trong 1 đám rước. Chiếc xe nặng hàng tấn di chuyển nhờ sức của voi và các tín đồ 

Lịch Ấn Độ là âm lịch cho nên những đêm trăng tròn hay đầu tuần trăng đều mang 1 ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Những hiện tượng khác nhau trong tự nhiên cũng được sùng bái và tôn thờ. Có 1 ngày riêng để bày tỏ niềm biết ơn đối với những ân huệ của cây đa, và 1 ngày khác để thờ các naga (con rắn). Các mùa trong năm được đón chào bằng những ngày lễ tết. Vasant Panchmi (đầu tháng 2) là tết mùa Xuân. Mùa Thu được đón chào vào đêm trăng sáng nhất trong năm, tết Sharad Purnima (thường vào cuối tháng 10). Tại nơi hợp lưu giữa sông Ganges và sông Yamuna ở Allahabad, 1 lễ hội được tổ chức trong suốt tháng Magha (tháng Giêng-tháng 2). Cứ 12 năm 1 lần, lễ hội đó được gọi là Khumba Mela. Trong dịp lễ Khumba, đôi khi có tới hơn 5 triệu người đến tắm trong dòng nước thiêng này vào ngày Amavasya (đầu tuần trăng).

Lễ tết lớn nhất trong đạo Hồi là Id al-Fitr vào cuối kỳ nhịn ăn Ramadan kéo dài 1 tháng. Các tín đồ mặc quần áo mới đến dâng các bài kinh cầu tại giáo đường, tiếp đến là các hoạt động hội hè. Tết năm mới của người Parsi (Nauroz) và những ngày lễ Nôen và Phục sinh của đạo Kitô được tổ chức rất náo nhiệt. Ngày sinh của Đức Phật, Đức Mahavira và Giáo tổ Nanak (Giáo tổ của đạo Phật, đạo Jaina và đạo Xích) đều là những ngày quốc lễ. Tuy nhiên, hầu hết các lễ tết này đều thuộc truyền thống của người Hindi và hòa hợp 1 cách tốt đẹp các khía cạnh tôn giáo và thế tục trong cuộc sống. Những nghi lễ tôn giáo được kết hợp với những hoạt động vh: dân vũ, hòa tấu, kịch dân gian, múa rối, chọi thơ. Mấy năm gần đây, các nhà chính trị cũng nhân các cuộc tập hợp dân chúng này đến diễn thuyết.

Hàng triệu người đến tắm trong dòng nước thiêng vào dịp lễ hội Khumba (Ảnh: Dhyanam India Tours) 


Dussehra, DiwaliHoli là 3 tết lớn của người Hindi. Tết Dussehra kéo dài 10 ngày, được tổ chức để kỷ niệm chiến thắng của Rama, hiện thân của thần linh, trong cuộc giao chiến với Ravana, vua của quỷ sứ. Trong dịp tết này có trình diễn trích đoạn sử thi Ramayana. Tết Dussehra thường diễn ra vào tháng 10, tiếp đến 3 tuần sau là tết Diwali, lễ hội của ánh sáng. Nhà cửa được dọn dẹp và thắp đèn sáng trưng để đón nữ thần Lakshmi, nữ thần của sự giàu có và phồn vinh. Một nét đặc sắc của tết Diwali là người ta bày tỏ sự quý trọng các dụng cụ nghề nghiệp. Ví dụ, thợ vàng bạc và thợ mộc lau chùi bóng lộn các đồ dùng/công cụ của họ và bày hoa lên trên. Nhà buôn thì tỏ lòng tôn kính với quyển sổ thu chi; với nhà văn và họa sĩ là cây bút, lọ mực và bút vẽ.

Tết Diwali được cử hành vào đầu tuần trăng còn tết Holi, lễ hội của màu sắc, được cử hành vào đêm trăng tròn tháng Phalgun (tháng 3-tháng 4). Những đống lửa trại được đốt lên ở mọi góc phố để tẩy uế 1 cách tượng trưng cho ko khí khỏi mọi thứ xấu xa dơ bẩn. Sáng hôm sau, mọi người ra phố, vẩy nước màu vào người nhau. Cũng như các buổi tế lễ thần rượu ở Hy Lạp cổ đại, Holi là 1 ngày hội dân gian ko biết đến những điều cấm kỵ, phụ nữ được ra khỏi nơi khuê phòng, và các hàng rào đẳng cấp được dẹp bỏ. Đến trưa, mọi sự ồn ào náo nhiệt dừng lại. Mọi người tắm rửa rồi ôm hôn nhau, đem kẹo chia nhau. Holi được coi là lễ hội ưa thích của thần Krishna, người anh hùng đồng quê có vẻ đẹp làm mê mẩn tất cả các cô gái chăn bò trong làng. Trong dịp tết Holi, thần Krishna nhảy múa với các cô gái ấy, nhất là với nàng Radha mà thần yêu quý, và vẩy nước màu vào họ. Vì lẽ đó, ngày nay tết Holi vẫn được tổ chức đặc biệt vui vẻ náo nhiệt tại Vrindavan, quê hương của thần Krishna.

Tết Holi đầy màu sắc với thần Krishna và nàng Radha (Hình ảnh: WLT blog)

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment