Wednesday, July 1, 2020

Từ chuyện ốc vít, thịt ba rọi... đến chuyện học hành, thi cử

KHÔNG ĐỦ NĂNG LỰC

Ngồi với ông anh, nghe thấy bảo phải ghép thi 2 in 1 vì để giúp các ĐH có căn cứ để tuyển sinh, bởi vì nhiều trường ĐH không đủ năng lực tổ chức thi tuyển sinh. Trên thực tế mình biết một ít, thì không chỉ ĐH mà còn rất nhiều trường tư các cấp rất khó khăn trong việc tuyển sinh vì không đủ năng lực chuyên môn kiểu như không có đủ giảng viên các môn cơ bản để ra đề và chấm thi...

Không làm được thì đi thuê, kiểu như không làm được ốc vít thì mua của thiên hạ. Nhất là thi tuyển sinh, đặc biệt như thi ĐH thì mỡ nó rán nó: bổ chi phí vào túi tiền của phụ huynh thí sinh. Nhưng có một thực tế khác là có trường trước đây từng tổ chức, kể cả thuê ngoài, thi tuyển sinh. Thế nhưng tổng kết lại thấy rất tốn công sức và tiền của mà kết quả cũng không khá gì hơn là xét tuyển ăn theo: trường hạng trên loại ra thì ta thâu vào! Vậy thì cứ ăn theo cho an toàn, lại giảm chi phí và công sức... Đương nhiên đầu vào yếu hơn thiên hạ thì đầu ra cũng đừng mơ so với thiên hạ! Cũng may nhờ chủ nghĩa bằng cấp nên nhiều ĐH sống khỏe nhờ học đại. Kết quả cuối cùng thì các cử nhân, thạc sỹ lận đận kiếm việc làm, thậm chí là không ít TS nữa. Lý do thì nhiều, nhưng lý do cơ bản nhất là những người có các bằng cấp đó hầu như không biết làm việc theo nhu cầu xã hội. Và cứ thế là lại luẩn quẩn...

Không làm được thì đi thuê! Rất nhiều gia đình thấy bất an liền thuê tây đào tạo, xuất khẩu đồng chí con đi du học là một giải pháp mà không ít gia đình bình thường lựa chọn (khác với trước là phải học giỏi hoặc giàu có mới du học). Trừ một số không nhiều du học sinh xuất sắc, phần đông du học sinh chỉ còn có tờ giấy và chút ngoại ngữ bản địa. Và thế là cũng khó có được công việc hợp lý với sự học như vậy ở trời tây, còn về nước thì còn vô tích sự hơn nữa so với môi trường làm việc quá nhiều phi chuẩn. Du học kiểu đấy thì coi như là thất bại thảm hại so với những ước mơ ban đầu, cái gọi chung là american dreams...

Vĩ mô thì không dám lạm bàn, nhưng có lẽ mỗi gia đình và mỗi học sinh đến lúc cần đặt lại câu hỏi "học gì? và để làm gì?" và nên tìm các câu trả lời thật nghiêm túc, bớt đi những mong ước nhiều cảm tính tự vẽ, tự sướng cho tương lai vốn dĩ bất định, dù american hay vietnamese dreams thì cũng thế. Có thể không có được ngay trả lời hoàn chỉnh, nhưng bản thân quá trình tìm lời giải thì cũng sẽ giảm đi nhiều bi kịch đẽo cày giữa đường trong tương lai gần của sự học hành chăng?

Không làm được thì đi thuê? Đó chỉ luôn đúng nếu có nguồn tài lực cần thiết và luôn có lý ở một xã hội phát triển lành mạnh. Thế không có tài lực gì thì sao? Thì không nghĩ đến thuê nữa, trừ khi vay nợ. Mà nợ nần thì khó vay mãi được... Hầu như chỉ còn cách duy nhất là tự đổi vai trò, ai sai bảo gì làm nấy và nếu muốn thì cố tự làm, cho dù có phải vay mượn ít nhiều. Muốn ấy lại là muốn khác, có cả thêm ý chí nữa, thậm chí duy ý chí...

Xưa, khoa là có cử. Bất chấp mọi sự phê phán về chế độ thi cử phong kiến, nhưng hầu như xưa ai đỗ cử nhân thôi thì đã được bổ làm quan cỡ tri huyện cho tới tri phủ (trừ ai muốn làm ông đồ tự do hay một số ít trường hợp đặc biệt). Các ông cử đó, không bàn liêm hay tham, có vẻ cũng điều hành được công việc hàng huyện. Vậy thì thi cử hồi đó cũng có cái hay, học hành đèn sách những môn gì mà đỗ là có thể hành được? Mình tuyệt nhiên không biết nguyên văn 1 đề thi thời phong kiến nào, danh mục chi tiết các loại sách mà một nho sinh phải học thì lại càng không. Thelathenao? Còn bây giờ, dăm bảy chục năm nay, thi ở ta chủ yếu là vượt rào, không hướng tới hành và lại càng không hướng tới nhận thức, tri thức...

Có người ví học để hành nghề giống như món thịt ba rọi, chưa phải là tri thức thực thụ. Tinh hoa ở đâu đó, thời đại nào cũng không nhiều, mình nghĩ thế, thì sự học của số đông để hành nghề gì đó kiểu thịt ba rọi thì cũng tốt chứ sao! Ba rọi không ôi thiu luộc chấm nước mắm cũng ngon miệng chán ra đấy thôi!

Không làm được ốc vít thì chưa sao cả, nhưng không tìm thấy được thế mạnh nào đó khác thì là bi kịch. Và còn bi kịch hơn nữa nếu không có ý định tìm...

Copy từ FB-Như Hùng

3 comments:

  1. Học là việc khó, chọn gì dễ hơn?

    ReplyDelete
  2. Riêng khoản "american hay vietnamese dreams", cha mẹ giàu hay nghèo, nếu muốn con có sự giáo dục tử tế của Tây, nhờ Tây đào tạo thì nên xác định với con, ngay từ lúc chập choạng tiểu học là phải học để có được học bổng và quyền chọn trường, mới có cửa du học.
    Điều khoản khác, vẫn muốn thay vietnamese dreams bằng american dreams, bằng mọi giá, thì cứ chấp nhận là cho đồng chí con đi du hí cái đã, cho biết đó biết đây về còn tán dóc cho vui cửa vui nhà... vụ du học thì hồi hộp lắm, có khi đi vòng quanh quả đất mấy lần vẫn chưa đâu vào đâu...

    ReplyDelete
  3. Bùi Diệu
    Luật Trời rất nghiêm, không có châm trước nên vũ trụ vĩnh hằng mà các thành tố thì sinh trụ hoại không.Luật người thì có yếu tố tùy tiện, châm trước nên thịnh chưa bao lâu lại loạn và loài người với tư cách là thành tố vũ trụ tuy muốn mình vĩnh hằng mà thành ra hoại diệt trước hạn.

    ReplyDelete