Wednesday, May 19, 2021

30.4.1975, Nhìn từ một góc khác (3) - Tình yêu buổi bình minh

 (Tiếp theo)

Kết luận lạ tai của Stephan về kết cục chiến tranh khiến tôi trầm ngâm:

-Cậu nghĩ sao về ý nguyện của dân tộc này, khi chính cậu, chỉ vài tháng sau đó đã bất hạnh về những đau khổ mà người Việt phải chịu đựng, về những cơ hội bị vứt đi?

-Thọ ạ, đó chính là bi kịch của mỗi dân tộc. Người ta có thể tạo ra cái kết đẹp của một cuộc chiến để rồi lao vào một khởi đầu xấu cho nền hòa bình.…Cũng như trong đời người, hai chúng tớ đã vượt qua tất cả mọi rào cản để có một mối tình đẹp, đẹp như mơ, nhưng lại không biết giữ nó, để tuột khỏi tay.

Stephan coi Xuân là tình yêu vào buổi bình minh của anh. Hai người thuê một căn hộ trong phố để ấp ủ tương lai. Xuân luôn ở bên anh trong mọi hoạt động và họ chẳng còn giấu diếm nhau điều gì nữa. Stephan biết Xuân từng là gương mặt của cỗ máy tuyên truyền bên kia, có họ với hoàng đế Bảo Đại, sống trong nhung lụa. Stephan gọi Xuân là „cô bé mơ mộng“ và lúc nào cũng nâng niu cô như một bông hồng, chỉ sợ nó rụng cánh. Trả lời câu hỏi của Xuân: Anh là cộng sản à? Stephan nói: Đúng vậy, nhưng chỉ khi nào cách mạng Việt Nam thành công trọn vẹn!

Sau khi tình hình tạm ổn định, Stephan đến thăm đài „Truyền hình Sài Gòn giải phóng“ ở đường Hồng Thập Tự. Giám đốc đài là thủ trưởng của tôi, ông Huỳnh Văn Tiểng từ Hà Nội vào. Ông được thông báo về ý đồ của IK nên biết là sẽ có phóng viên Đức đến Sài Gòn trước 30.4, nhưng chưa rõ là ai. Nghe chàng trai Đức đứng trước mặt ông, nói tiếng Pháp giọng Alsace (1) „Tôi là người của IK cử sang để sát cánh cùng các bạn“, ông mừng lắm. Stephan nộp cho ông các vũ khí mà anh nhặt được để tự phòng thân trong mấy ngày qua và bảo ông cử người đến khách sạn thu gom những máy quay phim và thiết bị âm thanh, ánh sáng của các phóng viên phương Tây để lại. 

Từ giờ phút này, chính quyền biết Stephan là ai. Ông „Tây phe ta“ được tiếp xúc với đại diện của „Lực lượng thứ ba“: Giáo sư Ngô Bá Thành, Bác Sỹ Dương Quỳnh Hoa, Ni Sư Huỳnh Liên và các thủ lĩnh sinh viên nội thành khác. Đối với anh, đó là những „Việt Cộng“, ai cũng trí thức, cũng đáng yêu, rất con người. Xuân cảm thấy họ gần gũi hơn, đem chuyện cưới xin ra hỏi bà Ngô Bá Thành. Stephan hạnh phúc ngây ngất và cả hai quyết định cưới.

Chính quyền quân quản không ngăn cản, cũng không đồng ý, chỉ nói chờ đã. Xuân rất khó chịu. Nhưng Stephan thông cảm, nói là cách mạng mới thành công, còn trăm công nghìn việc hãy thong thả chờ. Xuân biết ngày về Đức của Stephan không xa nữa, chỉ có giấy kết hôn mới đưa cô ra khỏi xứ này… Họ hờn rỗi nhau, rồi làm lành, lại cưng nhau.

Giấc mơ của Stephan về một nước Việt Nam hòa bình, tự do, bác ái bắt đầu rạn nứt: Chỉ qua đêm hàng loạt loa phóng thanh được lắp ngoài đường chĩa vào khách sạn làm anh khó chịu. Các em bé ăn mặc chỉnh tề thắt khăn quàng đỏ diễu hành ngoài đường làm anh nhớ đến chế độ Đông Đức. Rừng cờ đỏ ngợp trời ngày đầu làm anh hứng khởi, nay được thay thế bằng các khẩu hiệu đủ kiểu khiến anh liên tưởng đến chủ nghĩa Mao…. Anh tự bào chữa: đó chỉ là sự ấu trĩ của những cán bộ ít học. Các trí thức mà anh quen biết sẽ dạy cho họ biết thế nào là văn hóa, là cách mạng. 

Nhưng rồi anh thấy những „Việt Cộng“ dễ thương cứ vắng dần đi, thay vào đó là các cán bộ lạnh lùng ngoài Bắc vào, nói chuyện gì cũng phải qua Xuân phiên dịch.…. Phim của anh gửi về Đức cho IK ngày càng „kém chất lượng“, vì nó không toát lên được khí thế cách mạng mà các đồng chí bên đó mong đợi. Các câu hỏi anh đặt ra trong phim ngày càng khó chịu. IK liên tục gửi điện, giục anh phải về ngay Đức để làm bản „Báo cáo thành tích“.  

Stephan là một người làm phim có lương tâm. Anh không thích quay những cảnh gượng gạo, càng sợ những cảnh tàn bạo. Một tuần sau 30.4, khi đang ngồi uống cà phê trong khách sạn, bỗng cả bọn nháo nhác chạy ra xem một phật tử trẻ tự thiêu ngay trước cửa. Có máy trong tay mà Stephan không dám quay, không dám chụp. Anh rùng mình nhìn bọt nước giãi sùi ra từ miệng người thanh niên kia, trong khi một phóng viên khác chụp ảnh liên tục vụ tự thiêu này để có một Hot-Story. (Phóng viên này bị phiến quân Uganda giết chết vài năm sau đó).

Chính quyền bắt đầu đưa dần số phóng viên ngoại quốc ra khỏi Việt Nam. Vài ngày một lần, lại có một thông báo ai phải ra đi, dán trước cửa khách sạn. Stephan không coi mình nằm trong diện đó, anh là đồng chí của họ cơ mà. Anh muốn ở lại vĩnh viễn với Xuân. Cơ số phim IK cấp cho, anh đã quay hết, đã gửi về đủ, coi như xong nhiệm vụ. 

Đời đâu có đơn giản thế. Cuối cùng Stephan đươc chính quyền vui vẻ thông báo là anh sẽ phải rời khỏi Việt Nam. Mình không còn có ích cho họ nữa, Stephan nghĩ bụng.

-Thế còn vợ tôi? 

-Chúng tôi sẽ giải quyết sau một năm!

Nghe vậy, Xuân la khóc: Sao anh lại có thể tin người cộng sản?

-Em chẳng đã từng bảo anh cũng là cộng sản sao? Em hãy tin anh. Giờ anh đành phải về. Nhưng anh thề sẽ đưa em ra khỏi đây.

Ngày 1.7.1975, 65 ngày sau khi đến Việt Nam, Stephan cùng một số nhân viên cứu trợ Liên Hiệp Quốc bước lên chuyến máy bay đi Vientian. Họ là những người ngoại quốc cuối cùng đã vào đây bằng thị thực của Việt Nam Cộng Hòa, nay buộc phải rời Việt Nam. Xuân đứng như trời trồng ở sân bay nhìn theo con chim sắt mất hút trên bầu trời.

Về đến Đức, Stephan bỏ mặc những bất đồng với ban lãnh đạo IK, với các bạn anh. Anh cũng chẳng  thèm làm bản „báo cáo thành tích“ nữa. Anh chỉ lo chạy để đưa Xuân sang. Tòa đại sứ của VNCH khi xưa, nay đã cắm cờ đỏ sao vàng.

- Đồng chí cameraman, đồng chí thông cảm, chúng tôi mới ra khỏi chiến tranh, còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm…. 

Nhân viên sứ quán nhiều lần lễ phép nói vậy.

Những bức điện tín của Xuân từ Sài Gòn gửi sang, càng ngày càng vô vọng…

Đùng một cái, cuối tháng 4.1976, qua một người quen, Stephan biết Xuân đã sang đến Paris. Nhưng Xuân không báo cho Stephan. 

Tại sao? Chuyện riêng tư của bạn tôi, tôi sẽ không bộc bạch! 

Chỉ biết rằng Stephan cảm ơn những người Việt Nam đã giữ lời hứa mà cả anh và Xuân đã không còn tin vào nó nữa. 

Rồi IK trải qua những năm tháng vật vã trong quan hệ với Việt Nam. Những tin xấu: Trại cải tạo, đánh tư sản, đốt sách vở, thuyền nhân chết trên biển…..làm cho tất cả họ sụp đổ.

Hè 1982, sau khi đã hồi phục về tâm lý, Stephan sang Pháp thăm Xuân, nay đang là chủ của một boutique. Cuộc gặp gỡ cảm động đó đã bình thường hóa quan hệ của cặp vợ chồng chưa cưới ngày nào về cấp bạn bè. 

Stephan chua xót:

-Tình yêu bình minh của chúng tớ cũng ngắn ngủi như giấc mộng đẹp về cuộc cách mạng ở Việt Nam.

Hai tấm ảnh trong đơn kết hôn

Köln 13.4.2018

Phần cuối đọc ở đây : https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2174054745945920

Phần (2) đọc ở đây: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2158527457498649

--------

Tái bút: Loạt bài trên đây về Stephan Köster không phải là nội dung phim „Báo cáo thành tích“, mà là những gì Stephan trao đổi với tôi trong các lần gặp nhau.

Stephan Köster sinh năm 1948, hơn tôi ba tuổi, hiện vẫn làm phim cho chương trình Terra X của đài ZDF. Anh mong có dịp quay lai Việt Nam để đi phượt bằng Harley Davidson từ Bắc xuống Nam, được đội nón vải, quấn khăn rằn, uống nước dừa như vẫn mơ ước.

Tôi vừa nhận được kịch bản mà anh đã tự đánh máy, sửa bằng bút dạ vào mùa hè 1982, sau khi đi thăm Xuân trở về. Đọc xong, tôi từ bỏ quyết định sẽ công bố phim này vào ngày 30.4.2018. Tôi phải có trách nhiệm với tình yêu của bạn tôi và sẽ chỉ công bố phiên bản Việt hóa khi đã hoàn thiện nó ở mức cao nhất, dù có tốn bao nhiêu tiền bạc và công sức. 

Phim „Báo cáo thành tích“ không nói về các sự kiện trong ngày 30.4. Những hình ảnh đó Stephan và các đồng nghiệp đã cung cấp cho thế giới từ năm 1975 hết rồi. Bên cạnh bức tranh tặng người tình, phim còn là tự sự của một con người nhân ái, yêu tự do và yêu Việt Nam, về sự thật lịch sử đã thay đổi đời anh.

----------------

(1) Alsace là vùng Pháp giáp nước Đức. Dân cư đa số gốc Đức, nói tiếng Pháp pha giọng Đức.

No comments:

Post a Comment