Monday, May 3, 2021

Chuyện mấy ông XKLĐ

 GIÁO SƯ ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Bài: Sưu tầm

 Năm 1981, thấy mình còn mấy năm nữa về hưu mà nghèo đói quá, giáo sư Nam xin đi xuất khẩu lao động. Ông trình bày với lãnh đạo Viện là biết Viện có một số suất đi Irac lao động, muốn có chút tiền trước khi về hưu nên xin đi và được chấp thuận.

Đội trưởng đội lao động ở Irac là học trò cũ của ông, thương thầy già yếu mà khí hậu Irac cực kỳ khắc nghiệt, ngày nắng nóng lên 40-41 độ, nên phân công ông lau chùi các phòng vệ sinh, một công việc nhẹ nhàng trong nhà.

Chấp nhận đi xuất khẩu lao động kiếm tiền thì việc gì cũng phải làm. Nay học trò ưu tiên việc đỡ vất vả nhất, ông vui vẻ đồng ý.

Ông đồng ý một phần vì chỉ già nửa buổi sáng là xong việc, ông có thể ngồi đọc sách, buổi chiều cũng vậy.

Ba tháng trôi qua, một ngày nọ thấy ông đang ngồi đọc sách dưới bóng cây trong vườn, vị Phó Giám đốc Viện thiết kế thủy lợi, nơi ông làm việc, đi qua. Thấy có người ngồi đọc sách trong giờ làm việc, vị Phó GĐ dừng lại hỏi. Ông trả lời lưu loát bằng tiếng Pháp là làm công việc lau chùi các nhà vệ sinh, xong việc ra ngồi đọc sách. Phó GĐ Viện thấy ông Nam đang cầm cuốn Đôn Kihote bằng tiếng Tây Ban Nha, quá ngạc nhiên, ông hỏi ngoài tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha ông còn biết tiếng gì. Ông Nam trả lời còn biết tiếng Nga và đọc được một ít chữ Hán.

Quá ngạc nhiên. Một ông biết nhiều ngoại ngữ thế mà phải đi xuất khẩu lao động, lại làm việc lau chùi nhà vệ sinh. Phó GĐ hỏi ở Việt Nam ông làm gì? Ông ngượng nghịu trả lời tôi dạy ông đội trưởng của chúng tôi.

 ⁃ Về thiết kế công trình Thuỷ lợi?

 ⁃ Vâng.

Ông Phó GĐ thêm một lần nữa ngạc nhiên. Một vị giáo sư lại đi xuất khẩu lao động? Thật khó hiểu!

Vị Phó GĐ quay về văn phòng, gọi người phụ trách lao động nước ngoài lên hỏi có ai trong danh sách lao động Việt Nam là giáo sư đại học không. Ông kia trả lời có một số kỹ sư, còn lại toàn là công nhân mà hầu hết là làm trên công trường xây dựng thủy lợi. Không thể nào hiểu nổi!

Ông Phó GĐ mời ông Nam lên phòng mình, đưa cho ông Nam một bản thiết kế công trình thủy lợi mà phòng chuyên môn mới trình ông xem xét:

 ⁃ Ông đọc giúp bản thiết kế này và cho ý kiến nhận xét.

Một ngày sau ông Nam nộp bản báo cáo đánh giá, vạch ra những chỗ sai sót cần điều chỉnh. Ông Phó Giám đốc chăm chú đọc và lần này vô cùng ngạc nhiên. Bản nhận xét này chỉ người rất giỏi trong ngành mới viết nổi.

Vị Phó GĐ Viện nhanh chóng quyết định:

 ⁃ Tôi mời ông làm trợ lý cho tôi. Chúng tôi sẽ cấp cho ông căn hộ hai phòng và xe hơi đưa đón làm việc. Tôi sẽ báo cho đội trưởng của ông là chúng tôi sẽ trả lương cho ông theo chức danh trợ lý Phó Giám đốc mà không bớt số tiền lương của ông theo hợp đồng hợp tác lao động.

Từ đó ông Nam làm việc trong phòng máy lạnh. Mọi việc đều OK.

Anh đội trưởng học trò ông cũng Ok, hàng tháng lĩnh phần lương công nhân xuất khẩu lao động của ông để anh em uống bia.

Bạn đọc sẽ nhận xét chuyện của lão Hâm thường có hậu. Đúng vậy, không có hậu thì kể làm gì?

Pham Mylan st (Những câu chuyện thú vị)

5 comments:

  1. Dui Nguyen
    Tôi cũng quen 1 người là GĐ Công ty tương đối ở miền Nam cũng đi xk LĐ ở Irac sau vì chiến tranh phải về tay trắng.

    ReplyDelete
  2. Phan Văn Hải
    Chuyện kể quá xuất sắc!
    Buồn cho việc dùng người của đất nước mình quá nếu câu chuyện đúng sự thạt!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dui Nguyen
      Phan Văn Hải, Chuyện thời bao cấp chắc là có. Vì có những ông GS đi lao động họ định nói lên điều mà bạn đang nghĩ.
      Nhiều kỹ sư đầu ngành cũng đi không phải ở vai trò đội trưởng mà chỉ là CN, khi sang đó (nước củ) rồi thì họ bỏ luôn.

      Delete
    2. Dui Nguyen, tôi cũng đi HTLĐ ở Bun (1983-1989). Tiếc là ko được Hung!

      Delete
  3. Lê Minh
    GS gặp may! Thời nay khó gặp!

    ReplyDelete