Monday, May 17, 2021

30.4.75 - Nhìn từ một góc khác (1)- Nhân chứng Stephan Köster

 Tôi tuổi Mão, nên chiều mồng hai tết Ất Mão đầu năm 1975, một bất ngờ lớn đã đến với tôi. Gã trai mơ mộng bỗng được ông Huỳnh Văn Tiểng, phụ trách Vô tuyến truyền hình miền Bắc gọi đến 58 Quán Sứ, giao nhiệm vụ đi Hải Phòng đón hai „đồng chí Tây Đức“ và đoàn xe truyền hình lưu động.

Cologne (Köln) từng là thủ đô truyền thông của Đức và những thanh niên trí thức ở đây đã lập ra „Ủy ban sáng kiến ủng hộ ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam“  (Initiativkommittee zur Unterstützung des Film-und  Fernsehwesens der  DR Vietnam, viết tắt là IK) từ mùa hè 1972. Họ quyên góp và giúp đỡ rất nhiều cho VTV cũng như các xưởng phim VN khác. Hai thanh niên Đức, cùng tuổi với tôi, đang là sinh viên năm cuối cùng, ngành  khoa học sân khấu điện ảnh, trường đại học Cologne đã lênh đênh trên biển 6 tuần liền, áp tải một đoàn xe lưu động 3 chiếc sang tặng THVN. Những thanh niên đầy nhiệt huyết này đã thu phục được tôi và từ đó, tôi kết bạn với họ, với ban lãnh đạo IK và trở thành người thân của họ.

Ở một xứ sở mà kết bạn với đồng chí Liên Xô còn gặp khó khăn thì chơi với Tây Đức nguy hiểm ra sao. Tôi đã khốn khổ một thời vì tình bạn này. Nhưng tôi không bao giờ bỏ bạn bè, và họ cũng chẳng bao giờ quên tôi. Đó cũng là một trong các lý do mà sau này, khi quay lại Đức 1991, tôi lại chọn Cologne làm quê hương mới. 

Những gì xảy ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc đã làm thất vọng, thậm chí tạo lên những chấn thương tâm lý cho hầu hết các thành viên IK khiến họ xa rời nhau, kể cả có nhiều bất đồng với nhau. Chính tôi đã tìm mọi cách kết nối họ lại. Họ không chủ động gặp nhau, nhưng khi tôi mời hoặc tổ chức gì đó, họ đều đến. Không ai trong số họ muốn nhắc đến quá khứ, đến các tư tưởng họ đã đi theo. Vì vậy chúng tôi thống nhất không nói, và không viết về bất cứ ai.

Tuần trước, Stephan Köster, một bạn thân trong nhóm đến thăm tôi. Bà xã đãi  các món mà Stephan đã được Xuân, vợ chưa cưới của anh nấu cho tại Sài Gòn mùa hè 1975. Stephan kể lại với chúng  tôi những cảm nhận của anh về kết cục của cuộc chiến tranh 30 năm, cuộc chiến tranh đã chính trị hóa thế hệ anh, đã đưa anh đến với Việt Nam, đến với Xuân. Những gì Stephan kể cho vợ chồng tôi nghe rất lạ tai, rất khác với những điều người Việt hay nói về ngày 30.4. Đó là một cái nhìn nhân bản của một trí thức phương tây, về một dân tộc khác. 

Tại sao Stephan lại có mặt Sài Gòn vào thời điểm đó?

Chuyện là sau khi nhận ba chiếc xe truyền hình lưu động do IK tặng, tôi được phân công chăm sóc đoàn IK suốt 45 ngày liền. Ngày cuối cùng, tôi được tháp tùng anh bạn chủ tịch IK đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó là sáng 30.3.1975, sau khi Bộ đội miền Bắc và Quân giải phóng vừa chiếm Đà Nẵng, tổng hành dinh của Quân Đoàn 1 VNCH chiều 29.3. 

Sau màn chào hỏi xã giao và phát biểu ca ngợi hai bên, chủ tịch IK xin gặp riêng thủ tướng và anh ta hỏi nhỏ ông Đồng: Bao giờ các đồng chí vào Sài Gòn?  

Câu trả lời là cuối tháng 4.1975. 

Bên IK nói sẽ gửi một phóng viên vào Sài Gòn để làm phim về sự kiện này. Thủ tướng Việt Nam cảm ơn và hứa sẽ thông tin cho các cơ quan hữu quan.

Ngày 31.3 Đoàn IK bay về Đức, mang theo toàn bộ các phim phỏng vấn giới lãnh đạo Việt Nam mà lúc đó, UPI, AFP, AP hay Reuters có mơ cũng không thể có. 

Bên IK đồng thời tìm người đi Việt Nam và họ chọn Stephan Köster[1], chàng quay phim 27 tuổi. Lý do là Stephan sinh ra trong một gia đình ngoại giao lâu đời ở Đức, đã theo bố mẹ rong ruổi khắp thế giới. Anh thông thạo 6 ngoại ngữ, ngoài ra, Stephan đã từng có những tiếp xúc với du kích Nam Mỹ khi còn ở Bolivia. 

Ngày 26.4.1975, Stephan nói dối bố mẹ là đi Tây-Ban-Nha, rồi đáp máy bay đi Bangkok. Ngày 27.4, khi những chuyến máy bay chở khách đầy ắp người Việt Nam bỏ chạy ra ngoài thì chỉ mình Stephan bay ngược về Sài Gòn. Vì lý do an toàn, Stephan không mang bất cứ một giấy tờ gì có thể lộ ra rằng anh là người của „Việt Cộng“. Trong valise chỉ có máy quay phim, máy ảnh và cơ số phim đủ cho 2 tháng.

Thế là Stephan bỗng trở thành nhân chứng lịch sử của một sự kiện mà anh tưởng rằng sẽ là ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc, bỗng yêu một người con gái Việt từ phía bên kia của cách mạng….

Stephan Köster trong ngày lễ chiến thắng tại Sài Gòn tháng 5.1975

Năm 1982 khi đã phục hồi mọi chấn thương tâm lý và tình cảm, Stephan làm bộ phim tư liêu 60 phút „Báo cáo thành tích“ (Erfolgsbericht) [2]để giãi bày lòng mình. Bộ phim được giải đặc biệt của liên hoan phim Berlinale 1983 về thể loại phim „Sân khấu nhỏ“, được coi là tạo bước ngoặt về kịch bản với các yếu tố tự sự, thơ và kể chuyện kết hợp trong mối tình có một không hai (Auf der Berlinale uraufgeführt, markiert sein Video-Film einen Wendepunkt der Dokumentarfilm-Dramaturgie, in dem er autobiographische, poetische und essaistische Elemente in einer ungewöhnlichen Liebesgeschichte vereint)

Chia tay vợ chồng tôi, Stephan đồng ý cho tôi bản quyền phim „Báo cáo thành tích“ mà tôi đã giữ kín từ 2006 đến nay. Tôi muốn tìm đối tác để dịch, lồng tiếng và phổ biến nhân 30.4.2018.

Köln 08.04.2018

Nguyễn Xuân Thọ

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment