Sunday, April 16, 2023

Con đường đau khổ: Những câu chuyện sau chiến tranh

 TỜ LỊCH CÁCH NAY 48 NĂM

Gợi nhớ những câu chuyện ngay sau ngày đó. Xem lại cho vui.

Mời đọc một đoạn trong THƯ VIỆN KÝ (tr.45 - tr.48)

     "... Sau ngày mới giải phóng, đã có rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Nhưng trước mắt cũng như trong tâm tưởng của tôi thì Huế và Sài Gòn vẫn luôn xinh đẹp hiền hoà và hoa lệ. Bỗng nhiên, cuối tháng 9/1975 (như đã viết ở một chương trước) tôi có mặt ở Hà Nội, thành phố chỉ có 4 màu: đen, xanh, ô liu, và trắng. Đa số dân chúng không biết gì về những tiện nghi vật chất cho một cuộc sống hiện đại tối thiểu. Tôi đến tá túc nhà của một người quen. Buổi tối nấu nước tắm, bà cụ trong nhà mở rương lấy cho tôi một lát xà bông cục được gói mấy lớp giấy báo. Họ bảo tôi là khách quý mới mời dùng cái này. 

     Khi tôi đi uống cà phê ở một cửa hàng ăn uống quốc doanh thuộc khu nhà tập thể Kim Liên. Trong một lần tôi yêu cầu ly cà phê sữa, cô bán phiếu đã xé cho tôi 2 phiếu: 1 cà phê đen và 1 sữa nước sôi. Sau khi tôi trình phiếu mua, bà mậu dịch viên liền pha cà phê vào một ly riêng, rồi chế nước sôi vào ly sữa. Sau đó bà đổ ly cà phê vào ly sữa thành một ly cối to đùng.           

     Ngày hôm sau tôi cũng mua cà phê sữa, nhưng khi tôi bảo đỗ cà phê vào sữa, đừng đổ nước sôi, thế là tội bị một câu mắng chua lè:

     - Để tôi tự chế biến, không mượn ngài góp ý.

     Một hôm tôi vào cửa hàng ăn uống trên đường Thanh Niên rồi hỏi mua 1 ly cà phê sữa đá. Một cô gái trẻ chanh chua:

     - Cái gì, ông này buồn cười nhỉ. Sữa thì uống nước sôi làm gì uống đá.

     Tôi cảm thấy tội nghiệp lẫn thương xót cho cái ngờ nghệch của họ. Buổi giao thời tôi đã phải giao tiếp với đồng bào của tôi từ phía bên kia như thế đó. Còn đồng nghiệp thì tôi chia ra thành bốn loại: 

     (1) Những người có trình độ, hiểu biết, dễ tiếp thu và hòa đồng. Tôi có kết thân với vài người, trong đó có anh Nguyễn Hồng Trân, cán bộ giảng dạy Khoa Hóa, về sau là Giám đốc Thư viện ĐH Tổng hợp Huế. Chúng tôi thường hẹn nhau tại bếp cơm tập thể của trường được đặt tại khuôn viên trường ĐH Luật khoa ngày trước; 

     (2) Những người ngây thơ, họ biểu lộ sự ngờ nghệch của mình một cách buồn cười. Họ ở những miền quê nghèo nàn, được dịp đi Đông Âu hay Liên Xô mở mắt, thấy cái gì cũng lạ. Bây giờ họ tưởng ai cũng như mình. Có một ông cán bộ giảng dạy người Quảng Bình học ở Ba Lan về. Một hôm nói chuyện với tôi một cách đầy diễn cảm và tỏ ra rất bí ẩn:

     - Anh Hiệp có tin rằng hồi em ở Ba Lan, ăn kem em ăn cả cái ly. Anh có tin không em ăn cả cái ly. Ha ha ha!

     Trong miền Nam cái loại kem để trong bánh hình nón đó trẻ con thường dùng.

     (3) Người sĩ diện tự ái hão, đã không biết mà cứ cho mình đã biết, học theo cách không minh bạch chưa đến nơi đến chốn nhưng đã muốn đè đầu người khác. Hồi đó tôi tổ chức Phòng Nghiệp vụ Thư viện và đang giữ chức Trưởng Phòng. Khi đó có một nữ giáo viên cấp hai vào làm việc thuộc phòng tôi. Hơn một năm thì bà ta được kết nạp vào đảng. Vừa kết nạp xong bà liền bắn tiếng rằng: làm quản lý là phải đảng viên. Nghe như thế, tôi liền nhường chức Trưởng phòng cho bà. Vừa nhận chức hôm nay, hôm sau bà liền viết một thông báo dán ngay cửa phòng: 'Phòng ta có máy tính, từ nay mọi người không được mang dày dép vào phòng, bụi bặm có thể làm máy tính nhiễm vi rút'; 

     (4) Người cực đoan, khoe khoang, tưởng mình giỏi hơn thiên hạ. Điển hình trong loại này là ông hiệu phó trường ĐH Tổng hợp vừa chuyển công tác về từ trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Cứ mỗi lần ông phát biểu trên hội trường hay riêng ở thư viện nơi tôi làm việc, ông đều nói bằng tiếng Việt trước rồi tự mình dịch rồi nói lại bằng tiếng Nga để lòe thiên hạ. Một hôm ông triệu tập tất cả cán bộ công nhân viên tại giảng đường C của Trường ĐH Khoa học để nghe ông thuyết trình về cái học thuật phó tiến sĩ ông học ở Liên Xô, một đề tài về Vật lý hiện đại. Ông nói xong có một người lên hỏi ông một câu. Ông có vẻ ấp úng không trả lời được. Thầy Lê Tự Hỷ, đã từng theo học ở AIT, Thái Lan,  bước lên nói rằng:

     - Sở dĩ ông không trả lời được câu này là vì từ hồi nảy đến giờ ông nói trật lất hết.

     Cả khán phòng cười ran. Thầy Hỷ trình bày lại và giải đáp thắc mắc thỏa đáng. Tiếng vỗ tay như pháo. 

     Từ đó về sau không bao giờ nghe ông hiệu phó nhà ta nói một chữ tiếng Nga nào cũng như nhắc đến cái học thuật phó tiến sĩ của ông ở Liên Xô.

     ... "

Nguyễn Minh Hiệp

No comments:

Post a Comment