Thursday, April 27, 2023

Đi Mỹ

 CHUYỆN KỂ NHÂN NGÀY 30/4/1975.

     Lá số tử vi của tôi khẳng định tôi sẽ đi du học. Khi học cử nhân Lý Hóa, tôi đã học thêm cử nhân Anh văn nhằm đầu tư cho ý định nầy. Tôi hy vọng và mơ ước điều đó. Thế nhưng sự kiện ĐỔI ĐỜI ngày 30/4/1975 ập đến. Mơ ước du học tan tành thành mây khói. Tôi không còn nghĩ đến chuyện đó và quên đi câu chuyện tử vi.

     Thế mà 17 năm sau chuyện đó lại đến. Đầu năm 1993, tôi trúng tuyển học bổng của Học viện Harvard - Yengching đi du học Hoa Kỳ trong bối cảnh Mỹ chưa bỏ cấm vận VN.

     Ông Edward Baker, Phó viện trưởng Học viện Harvard - Yenngching là người phỏng vấn tôi. Hôm đó khi tôi bước vào phòng, ông mời tôi ngồi và hỏi tôi mà không nhìn vào tôi vì ông đang bận ghi chép dữ liệu người phỏng vấn trước:

     - Ông giữ chức vụ gì trong thư viện.

     Tôi trả lời:

     - Tôi không giữ chức vụ gì quan trọng nhưng tôi đã làm nhiều việc quan trọng cho thư viện trường tôi.

     Ông ngừng viết và nhìn tôi:

     - Ông đã làm những việc gì?

     Tôi trình bày những gì tôi đã làm cho Thư viện ĐH Tổng hợp TP HCM.

     Sau khi nghe tôi trình bày ông nói ngay:

     - Thứ Sáu mời ông đi thi TOEFL.

     Trong khi những người khác phải chờ kết quả phỏng vấn.

     Thế là tôi đi du học. Thì ra tử vi mình nói đúng.

     Mời xem câu chuyện “ĐI MỸ 1” được đăng trong tập bút ký “THƯ VIỆN KÝ”.

     ĐI MỸ 1 (TVK tr. 70)

Tôi đã đọc tiểu thuyết “Đi Tây” của Nhất Linh lâu lắm rồi và rất thích cái tư tưởng rất thâm thúy của Lãng-du, nhân vật chính trong truyện rằng “Đi Tây tức là đi Tây !”. Giờ đây tôi đang chuẩn bị đi Mỹ và ngẫm nghĩ mãi không biết làm gì để lý giải cái chuyện đi Mỹ của mình, thì chợt nhớ đến anh chàng Lãng-du của Nhất Linh và rõ ràng cái tư tưởng thâm thúy của anh ta hoàn toàn có thể lý giải chuyện đi Mỹ của tôi: “Đi Mỹ tức là đi Mỹ!”, thế thôi.

Ngày nay chúng ta đi Mỹ là chuyện bình thường. Nhưng trong  tình thế của Việt Nam dưới thời bao cấp và còn đang bị chính quyền Mỹ cấm vận, thì sự kiện được đi Mỹ du học của tôi là chuyện không bình thường. 

Hơn nữa trong cùng thời gian đó, tôi đã làm một việc khiến cho công an phải theo dõi thường xuyên. Tôi (cùng với một số cựu hướng đạo sinh khác) đã tổ chức và thành lập một đoàn hướng đạo bao gồm con em của những cựu hướng đạo sinh chúng tôi vào ngày 23/2/1992. Đoàn mang tên Liên đoàn Lạc Hồng, thường xuyên sinh hoạt tại Sân golf Gò Vấp (nay là Công viên Gia Định). 

Những hộ láng giềng của tôi trong khu phố thường bị công an đến tra hỏi về sinh hoạt riêng tư  của tôi. Nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao những người công an đó chưa từng đến nhà để trực tiếp gặp tôi. 

Chúng tôi lập luận rằng “Hướng đạo một ngày là hướng đạo trọn đời” chúng tôi đã có “một đời hướng đạo” tại sao chúng tôi lại không tạo điều kiện cho chính con cái chúng tôi có “một ngày hướng đạo” để chúng có “một đời hướng đạo” như chúng tôi, nghĩa là chúng sẽ là những người sống tốt và sẳn sàng giúp ich mọi người bất cứ lúc nào như trong lời hứa hướng đạo. Chúng tôi tập họp con cái chúng tôi vào những ngày cuối tuần để dạy dỗ chúng những điều tốt đẹp hơn là để cho chúng lêu lõng ngoài đường. Chúng tôi mong được gặp các anh công an để trình bày cho các anh hiểu những gì chúng tôi làm. Các anh không gặp tôi, nhưng các anh theo dõi chúng tôi và các anh đã hiểu. Biết thế, nhưng thời gian bắt đầu làm thủ tục đi Mỹ, tôi đã ngưng hoạt động hướng đạo và giao đoàn cho người phụ tá của tôi là anh bạn Nguyễn Trực. 

Ngày tôi lên đường, các ông Chủ tịch Phường, Bí thư Phường, và Công an khu vực đã đến đưa tiễn tôi một cách trang trọng. 

Thế là tôi đi Mỹ – Cái “tư tưởng rất thâm thúy” của Lãng-du là ở chỗ đó. Nhưng thiết nghĩ nếu nói rõ cái nguyên do do đâu dẫn đến chuyện tôi đi Mỹ thì “tư tưởng rất thâm thúy” đó lại càng thâm thúy hơn.

Buổi sáng hôm đó, như thường lệ tôi ngồi uống cà phê ở hành lang tầng một của cơ sở 2 của trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Xã hội-Nhân văn TP. HCM).  Tôi đang nhâm nhi thì bỗng nhiên cô Ngô Phương Thiện (con gái bà luật sư Ngô Bá Thành), phó chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh xuất hiện. Cô đưa cho tôi một lá thư bằng tiếng Anh và bảo:

      –  Anh Hiệp nè, hình như cái thư này là của thư viện, nhưng không biết tại sao lại nằm ở bàn làm việc của tui cả tháng nay. Sáng nay tui dọn dẹp mới tình cờ nhìn thấy.

Tôi ngẩng đầu chào nói cám ơn rồi nhận lá thư. Sau khi đọc, tôi mới biết đây là công văn của Học viện Harvard-Yenching thuộc ĐH Harvard thông báo tuyển nhân viên thư viện của Việt Nam đi qua Mỹ du học. Tôi coi lại ngày tháng thì thấy đã gần hết hạn đăng ký du học. 

Liền sau đó, tôi mang lá thư báo cáo cho ông giám đốc thư viện Lại Thanh Sử. Sau khi đọc, ông liền quyết định đề cử tôi và cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng rồi vội vàng lên gặp Ban giám hiệu để làm thủ tục. Tôi đã sốt ruột chờ tin cả ngày hôm đó. Hôm sau ông đến gặp tôi và nói:

      – Hỏng rồi. Cậu thì tốt nghiệp đại học Lý, cô Phượng thì tốt nghiệp đại học Hóa, nhưng yêu cầu là người đi du học thạc sĩ thư viện thì phải có bằng đại học thư viện. Như vậy chỉ có những người trên khoa Thư viện mới đủ tiêu chuẩn.

Nghe xong tôi phản ứng ngay đề nghị ông giám đốc thư viện Lại Thanh Sử rà soát lại vì những lý do sau: (1)  Theo công văn của Mỹ thì họ tuyển nhân viên đang làm việc tại thư viện trường chứ không phải cán bộ giảng dạy. (2) Phía Mỹ không yêu cầu học thạc sĩ thư viện là phải có đại học thư viện. (3) Đăng ký là một việc nhưng có đủ trình độ tiếng Anh phải thi đậu TOEFL để đạt tiêu chuẩn không là một việc khác. Nếu không cân nhắc thì chúng ta sẽ mất suất đi học.

Ông Sử đã hành xử trung thực. Cuối cùng hai người thư viện của trường là tôi với cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng được đăng ký cùng với năm người của khoa thư viện, rồi ông đã cho tôi biết:

     – Để tranh đấu cho hai người thư viện được đăng ký dự tuyển thì nội bộ của chi bộ đảng Thư viện trường-Khoa Thư viện đã chia rẽ trầm trọng !    

Kết quả phỏng vấn chỉ có hai người thư viện của chúng tôi được dự thi TOEFL. Tôi đậu học khóa 1, cô Phượng sang năm thi lại và học khóa 2. 

Lần này cái tư tưởng thâm thúy không thuộc về Lãng-du nữa mà thuộc về ông Einstein: “Theo Einstein thì chính ảo tưởng thị giác đã làm cho con người chỉ thấy có mình và quyền lợi của mình trên cõi đời này và sẽ tranh đấu để đạt được cái đó bằng mọi cách” . 

Thế là tôi đi Mỹ. “Đi Mỹ tức là đi Mỹ !”, thế thôi.


Nguyễn Minh Hiệp (Trang Văn chương Miền Nam)

1 comment:

  1. Trong câu chuyện này, vẫn là vấn đề chia rẽ.
    Tại sao lá thư gần như bị bỏ qua, ko đến được nơi nhận?

    ReplyDelete