Saturday, April 22, 2023

Triết học và tính ứng dụng,

1. Triết học có 7 lĩnh vực truyền thống được công nhận. Tôi thêm 2 lĩnh vực nữa theo xu thế tương lai. Tức là đang nam tính (7 vía) thành nữ tính (9 vía), có khả năng sinh sản, uyển chuyển và giàu sức sống hơn. Đang yên đang lành, nói chuyện triết học, bởi là vì triết học đang có cơ hội ứng dụng tiềm tàng. Đó là một dấu hiệu của thời đại bừng sáng về tư tưởng như Phục hưng bên Tây, hình thành căn tính thống nhất bên Tàu, hay hình thành quốc gia của Ta. 

    2. Bảy lĩnh vực truyền thống là: Giá trị luận (Axiology), Bản thể luận (Ontology), Nhận thức luận (Epistemology), Đạo Đức học (Ethics), Mỹ học (Aesthetics), Luận lý học (Logics) và Thần học (Theology). Nhiều người còn nói có Chính trị, Xã hội, Tâm lý, Tôn giáo... nhưng thực ra đó là các ứng dụng của Triết học, có nhiều khái niệm mập mờ, chúng là các lĩnh vực riêng, tuy sử dụng nhiều khái niệm vay mượn của ngành khác. Hai lĩnh vực đang đi lên, theo tôi là Tâm luận và Hùng biện luận.

    3. Người Việt Nam chúng ta khổ. Chịu 30 năm chiến tranh, sau 80 năm nô lệ cho Tây. Cho là từ ngày vua Gia Long lên ngôi, tới hiệp định Patenotre, có được 82 năm chung hiệp, chưa chắc đã vui vẻ hoàn toàn. Trước đó là 300 năm nội chiến liên miên. Nhiều người cho rằng đó là quả báo, do ta tiêu diệt Champa, uất khí của họ ám ảnh ta hoài. Cũng có người nói là vì ta không có triết học. Người được coi là triết gia cổ điển của Việt Nam là Nguyễn Bỉnh Khiêm, được học giả phương Bắc khen "Nước Nam có ông Trình biết chút ít về Lý học". Lý học là một dạng thô sơ của Thần số học (numerology), đi sau các trường phái của Hy Lạp cả 2000 năm, chưa kể các ngọn ngành của nó ở Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ. Và Thần số học chưa thể gọi là triết học. Các học giả quan tâm đến triết học vẫn mơ màng với hy vọng le lói về một ưu thế nào đó của Triết học Á Đông như holism mà không có bất cứ khả năng chứng tỏ nào. Trong khi đó, Triết học là nền tảng của học vấn phương Tây từ thế kỷ 16-17, đã làm nên các trào lưu Phục hưng, Bừng sáng. Các  nhà bác vật của thế kỷ 20, như Einstein, Heisenberg, Bohr, Schrodinger,... đều có nền tảng triết học vững vàng để đưa thế giới tới những thay đổi ngoạn mục trong suốt 1 thế kỷ gần đây.

      4.  Ở VN, nói đến Triết học, lập tức chúng ta nghĩ tới Phật-Khổng-Lão-Trang, mặc dù không thật rõ các ngài có tư tưởng gì có thể giúp chúng ta tạo nhận thức mới cho đỡ khổ. Trong khi đó, triết học biện chứng dù có sức mạnh trong học thuyết đấu tranh, không cho phép đối thoại hòa bình, nên mọi chân lý đều phải kiểm nghiệm bằng thử sai, sai lầm bi thương hoặc bạo lực. Mặc dù tranh đoạt là bản năng thú tính của con người, nhưng Triết học cho phép con người suy nghĩ minh triết khi tiếng súng tạm ngừng để xã hội phát triển. 

       5. Trước hết là Giá trị luận là môn học đánh giá về những giá trị của sự vật. Chúng ta thường áp đặt một cách chủ quan các giá trị theo chủ quan, thường là của kẻ có tiền và quyền. Chúng ta nuôi một giai tầng trí thức có đời sống tương đối tốt hơn bình dân, để gần 80 năm vẫn cãi vã về việc đánh giá từ những chuyện nhỏ nhặt nhất bởi không có một hệ thống giá trị, thậm chí một học thuyết để phát triển hệ thống giá trị đó. Đặc biệt cái gọi là Khoa học xã hội, các nhà lý luận đều mơ hồ với mục tiêu này. Vì thế nạn đạo văn, đặt ra những vấn đề rỗng để thảo luận vẫn hồn nhiên tồn tại, khi nhà khoa học không có gương để soi mình. Đương nhiên, khi xã hội không có hệ thống giá trị, thì các lĩnh vực liên quan như Đạo Đức, Mỹ Học, Tôn giáo sẽ rối loạn. Cùng là sư Phật giáo đã không có một nền tảng thống nhất, sẽ tranh cãi không thôi, đó là  còn may vì trong tay họ không có vũ khí. 

       6. Bản thế luận và Nhận thức luận là cơ sở của Khoa học. Bản thể nói về bản chất của sự tồn tại của sự vật. Nhận thức luận nói về bản chất của tri thức. Chúng ta nói về bản thể như một khái niệm viển vông xa vời "Cần gì bản thể. Ngậm miệng mà lập trình, lĩnh lương" Tuy vậy cuộc sống ngày nay phức tạp hơn ta tưởng thời chiến tranh. Chúng ta hãy nghe chuyện cười chua xót của cha ông ta về hai thày trò và một cái bánh. Chuyện kể rằng gia chủ biếu hai thày trò một cái bánh. Học trò từ chối, thì thày nói rằng "Ông đã cho thì con cứ cầm lấy mà ăn". Anh học trò thật thà chén hết cái bánh. Thầy giận, nên trò đi trước, đi sau, đi ngang bằng đều bị thầy trách lỗi. Trò không hiểu phải làm sao thì thày nói "Thế bánh tao đâu". Bản chất của vấn đề là chiếc bánh, bị bao phủ bởi lễ giáo, quyền áp đặt sai trái của thầy đối với trò. Ngày nay, chúng ta rất mơ hồ với bản chất thật của vấn đề. Diễn văn, trình bày đại cà sa không đi vào bản chất. Ai bảo nỗ lực để tiết kiệm được vài năm nghe những chuyện râu ria vô bổ là viển vông. Bên cạnh đó, chúng ta không rạch ròi về tri thức. Các trí thức hàng đầu rất dễ dàng gục ngã trước bất khả tri luận, các dị đoan tầm thường, vô lý.

      7. Tôi sẽ không làm khổ mọi người về khía cạnh thực tế của Mỹ học, Đạo Đức, Luận lý và Thần học. Chỉ muốn nói rằng, chúng ta kém Triết học đến mức cho một khẩu hiệu sống sượng như "Tiên học Lễ hậu học Văn" là nền tảng và cứu cánh của Đạo Đức. Chúng ta muốn bám vào đó như kẻ chết đuối vớ được cọc. Nền Đạo Đức phong kiến, dù chúng ta có lý do nào để yêu mến chúng như yêu mến tiền nhân, thì cũng đã một đi không trở lại. Tôi rất ấn tượng với kết thúc của tiểu thuyết Bóng nước Hồ Gươm, khi ông bố chết trong đau buồn và nhận thức được rằng các học thuyết phong kiến không thể cứu được đất nước trước sức mạnh của súng đạn phương Tây. Đạo Đức hiện tại là việc nhận thức được khế ước đối với cộng đồng mình thuộc về và biết tôn trọng, thậm chí hòa nhập đối với các hệ thống khế ước khác khi cần. 

      8. Triết học là nơi nuôi dưỡng những trật tự tri thức mới đang manh nha, để hình thành các tiêu chuẩn chân lý mới đã thoát qua thử thách đối với 7 trật tự triết học truyền thống. Thế kỷ 21, con người đang gõ cửa vào cấu trúc của Ý thức với những quan niệm và năng lực mới. Hiểu về Ý thức sẽ là bước tiến của con người tiến tới tự do hơn về Tư tưởng, làm chủ về Tư tưởng không phải nhờ cậy vào ai để họ lợi dụng nô dịch mình bằng dị đoan, hoặc tín điều nhảm nhí. Về mặt ứng dụng chúng ta sẽ có những thiết bị thông minh như người. Về lý luận, chúng ta sẽ hiểu rõ quan hệ giữa trí tuệ, cảm xúc và minh triết. Một cách thực tế hơn, trước khi đó trở thành một trật tự riêng thì Tâm luận sẽ là một lĩnh vực của Triết học. 

     9. Cuối cùng, bàn đến Tâm tức là chúng ta sẽ đi đến tận cùng của ngôn ngữ. Chúng ta sẽ có một ngôn ngữ biểu đạt mới, có tính triết học hơn, thoát khỏi các ảo ảnh về nghịch lý. Chúng ta sẽ thấy những tuyên bố kiểu "Vật chất có trước tinh thần" hay "Thượng đế là toàn năng", bản thân nó không chứa bất cứ thông tin nào. Chấp nhận nó, chỉ có nghĩa là chúng ta chọn một ngôn ngữ biểu đạt để nhận thức thế giới và cùng một mệnh đề biểu đạt vẫn có thể có những ý nghĩ vô cùng khác nhau. Chính điều đó là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, tai ương và cố chấp. Về mặt ứng dụng, việc làm quen với ngôn ngữ tinh tế, ở đó các khái niệm có ý nghĩa rất mong manh, phải trở thành một năng lực của những con người mới, ít nhất họ phải nhận chân được những điều chúng ta đang cho là chân lý hiển nhiên, tuy chưa từng được chứng minh và chẳng có sở cứ nào, chẳng phải là bất di bất dịch mà chỉ là một áp đặt của lịch sử. Có một anh bạn vong niên nói với tôi một quan niệm về triết học, rất bất ngờ và làm tôi suy nghĩ mãi trong mấy chục năm "Triết học là nghệ thuật chụp mũ. Nếu bạn bị người khác chụp mũ bằng triết học, bạn đừng tìm cách cởi mũ. Bạn hãy dùng triết học chụp cho họ một cái mũ khác." Thật là minh triết một cách ảm đạm và bi thương. Tôi có lẽ là một người nhìn đời thơ dại và lạc quan hơn, nên có xu hướng cho rằng Triết học phải cho phép chúng ta kiến giải các phép tu từ với các khái niệm, phạm trù mong manh khi chúng ta tiến vào những lãnh địa mới, chưa từng biết. Đó chính là Hùng biện luận mới.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment