Sunday, December 17, 2023

Hướng đi

 3 Sạch!

Sáng chủ nhật hôm qua 17/12, CLB Aiviet đã quyết định đã nhóm hội offline lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid, để tự mình đưa ra câu trả lời dứt khoát là  “Việt Nam nên làm gì?” sau khi chủ đề CHIPS trở nên nóng bỏng.

Hai bài trình bày chất lượng và bổ sung cho nhau của chuyên gia chính trị quốc tế: Phạm Vũ Thiều Quang và tiến sĩ bán dẫn Nguyễn Trần Thuật, cùng nhiều ý kiến độc đáo đã mang lại một cuộc tranh luận bổ ích cho các khán giả.

1/ Thị trường chips thế giới đã có những bước tăng trưởng ngoạn mục trong 10 năm gần đây, đạt 600 tỷ USD năm 2022 và dự kiến 1200 tỷ vào năm 2030. Hơn nữa, ngành này còn trực tiếp ảnh hưởng đến rất nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác, ước tính chiếm đến 50% GDP toàn cầu.

2/ Đại dịch Covid, và chiến lược khó hiểu “Tự cung – tự phong tỏa mình” của TQ làm đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra nạn khan hiếm chips trên toàn cầu, là giọt nước tràn ly, khiến Mỹ thông qua đạo luật CHIPS, tháng 8 năm 2022, chính thức hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang TQ, rút sản xuất về trên đất Mỹ.

3/ Trong khi TSMC được hứa hẹn 12 tỷ USD để đưa nhà máy sang Mỹ, thì Nvidia mất đứt ngay hơn 2 tỷ doanh thu từ TQ và toàn ngành bán dẫn Mỹ có thể mất đến 83 tỷ doanh thu nếu cuộc chiến đạt đỉnh. Có lẽ đây là lý do chính để Jensen Huang thăm các nước ĐNA để tìm nguồn doanh thu bù đắp. Các biện pháp trả đũa của TQ có thể còn làm cho các hãng mất nguồn truy nhập vào kho tài năng con người gần như vô hạn của họ. Như Tim Cook (CEO Apple) nói đùa:  “nếu bên Mỹ có 1 chuyên gia, thì ở Thượng Hải có cả sân vận động”

4/ Công nghiệp bán dẫn khởi sắc từ 1957, sau khi những nhà phát minh được giải Nobel. Và từ năm 1965, đã phát triển liên tục và mạnh mẽ nhờ khẩu hiệu “Moore and more” theo định luật mang tên Gordon Moore nhà sáng lập Intel. Cuộc chạy đua nhét nhồi nhét transitors lên chips tiếp diễn gần như không giới hạn.

5/ Mỹ là nước dẫn đầu về tất cả các lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, trong đó Trung quốc nổi lên dẫn đầu về tiêu thụ. Theo sau đó là Hàn quốc. Nhật bản đột nhiên bỏ cuộc đua từ năm 2010, nhưng mới tuyên bố sẽ trở lại năm 2027 với phát minh sẽ làm cho cả thế giới ngỡ ngàng. Đài loan, tập trung chỉ vào foundry, tức là các thao tác trên phiến silic, đã chiếm đến 90% thị trường sản xuất các chips tiên tiến. Hà lan yên tâm làm máy bán cho các đại gia. Còn UAE nhảy vào từ năm 2020 bằng cách mua lại, hệt như cách họ sở hữu các CLB bóng đá châu Âu và sẽ mang Champion League về Ả rập:-)

6/ Việt Nam hóa ra là đã làm các linh kiện bán dẫn xuất khẩu sang khối Đông Âu từ năm 1980. Nhưng sau đó bị dừng lại vì khối này tan rã, và thiếu nước được làm sạch để xử lý bụi. Các nhà khoa học bán dẫn Việt Nam đã không bỏ cuộc, không được làm bán dẫn thì họ chuyển “làm” người làm bán dẫn, tức là đào tạo sinh viên. Tiến sĩ Thuật là một sản phẩm của các thầy thế hệ đó. Có khoảng 30 công ty bán dẫn thế giới đã mở cơ sở ở Việt Nam tuy qui mô còn nhỏ.

7/ Dựa trên tình hình đó, CLB Aiviet đưa ra các khuyến cáo cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam như sau:

7.1 Chuẩn bị thật tốt 3 thứ:

o Làm nước sạch, nói rộng ra là các ngành phụ trợ, có thể bao gồm cả bán cơm bụi cho kỹ sư bán dẫn

o Chuẩn bị đất sạch, nói rộng ra là các điều kiện thuận lợi, để các đại gia chuyển cơ sở sang Việt Nam 

o Đào tạo người sạch, để có thể tham gia vào các quá trình nghiên cứu sản xuất mà các đại gia sẽ cần đến

7.2 Phát động toàn dân tìm “ngách”, tức là những kẽ hở thị trường mà các đại gia bỏ quên như Hà Đông tìm ra Flappy Bird. Ví dụ: tiến sĩ Thuật và các cộng sự đã tìm ra cách đưa các linh kiện bán dẫn của chip ảnh nhiệt của mình lên panel màn hình phẳng, chẳng cần fab, tiết kiệm được rất nhiều tiền.

7.3 Đàm phán với các đại gia, đổi việc truy cứu hình sự để họ đi mua các công ty bán dẫn nước ngoài. Các tính toán sơ bộ cho thấy, nếu thỏa thuận thành công, TML có thể mua đến cả chục công ty nghiên cứu, sản xuất các loại cho Việt Nam.

8/ Tóm lại, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là giống TQ mà không phải là TQ. Không chọn bên mà để các hãy để các bên chọn Ta. 

Cuộc thảo luận kết thúc trong một bầu không khí lạc quan, hẹn 10 năm sau gặp lại trong một tương lai sán lạn của ngành Bán dẫn Việt nam.

Ảnh: thảo luận chuẩn bị ra nghị quyết

Nguyễn Thành Nam

No comments:

Post a Comment