Wednesday, December 13, 2023

Sự ngạo mạn sẽ dẫn đến đâu?

LUẬN VỀ NGẠO MẠN 

Đầu những năm 90 là những năm đỉnh cao của lão PP trong tiền tài và danh vọng. Sự nghiệp đang lên như diều gặp gió. Nhưng chính vì ngạo mạn mà dẫn đến sụp đổ thảm hại, như diều hâu đang dũng mãnh bách chiến bách thắng, ngạo nghễ làm chủ cả bầu trời, bỗng dưng bị trúng mưu hèn kế bẩn của loài chim sẻ rồi rơi bịch xuống đất. Quay đầu nhìn lại, cả lão PP và người cháu quản lý công ty đã mắc bệnh ngạo mạn. Ngạo mạn bởi tiền vào quá dễ, quá thuận lợi, và có quá nhiều quan hệ chống lưng, nên kiêu ngạo mất cả đề phòng. Đối phương đã dựa vào điểm yếu ấy của mình thiết kế ra một cái bẫy để mình rơi vào. Kết quả hơn nghìn tỷ VND lúc bấy giờ đi tong, đời lại quay lại từ đầu. Lúc ấy nếu biết khiêm nhường và chín chắn, doanh nghiệp của gia tộc lão có lẽ cũng chẳng thua kém gì Jack Ma. Bởi công nghiệp cồn, rượu là một trong những ngành nghề phát triển nhanh và vững vàng nhất Trung Quốc. Một kế hoạch thu mua hầu hết các xưởng sản xuất cồn trên đất Vân Nam và Tứ Xuyên đang sắp định hình. Nếu thành công, danh hiệu “Vua Cồn China” chắc thuộc về lão. 

Từ sự thất bại đau đớn này lão mới nhìn ra sự nguy hiểm dại dột của ngạo mạn. Ngạo mạn khiến mình chủ quan mù mắt, còn khiến các chư thần thánh ghét bỏ, dẫn đến rủi ro. Các bạn thấy bây giờ là một PP khác hẳn trước đây, một PP hạ mình sát đất, làm nô lệ cho chúng sinh, viết bài vui chơi cùng các nông hộ, không phân biệt giàu nghèo sang hèn…kkk

Tam Thể là cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn người Trung Quốc Lưu Từ Hân. Tên sách phỏng theo Bài toán ba vật thể trong Cơ học. Tuy đây chỉ là cuốn đầu tiên trong bộ ba Chuyện cũ Trái Đất, nhưng người đọc thường gọi cả bộ sách là Tam Thể. Trong tiểu thuyết “Tam Thể”, dù xét về mặt trí tuệ hay công nghệ, con người trên trái đất không thể so sánh được với “Người tam thể”, một dạng sinh vật khác sống trong vũ trụ. Người tam thể có thể dễ dàng chiếm đoạt và ngự trị trái đất. Nhưng chỉ vì sự ngạo mạn khinh thường con người trên trái đất mà kết cục họ đã thất bại. Trong tiểu thuyết, tác giả đã đưa ra một kết luận rất đáng lưu tâm: Sự yếu đuối và thiếu hiểu biết không phải là trở ngại cho sự sinh tồn mà chính là sự kiêu ngạo.

Xuyên suốt lịch sử loài người, có quá nhiều câu chuyện thất bại do ngạo mạn. Napoléon bại trận ở Waterloo, Quan Vũ bất cẩn đánh mất Kinh Châu...

Thậm chí toàn bộ Kinh thánh cũng là một cuốn từ điển ghi lại những rắc rối ưu phiền mà con người tự chuốc lấy vì sự kiêu ngạo của mình. Adam và Eva ăn trái cấm và bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Họ có phải là người thiếu hiểu biết? KHÔNG. Họ biết rất rõ hậu quả của việc ăn trái cây đó, nhưng họ đã kiêu ngạo. Pharaoh, vua Ai Cập, đã trải qua mười thảm họa tàn khốc. Phải chăng do thiếu hiểu biết? KHÔNG. Ông biết rất rõ hậu quả của việc bắt bớ dân Israel sẽ rất thảm khốc.Tuy nhiên, ông ta đã quá kiêu ngạo. Kinh Thánh ghi lại: “Trái tim Pharaoh đã chai sạn”. Ý nghĩa ban đầu của sự cứng cỏi trong lòng Pharaoh bởi “nghĩ rằng mình mạnh mẽ và có thể làm chủ được”. Sự thật đó là do kiêu ngạo.

Và sự cố Tháp Babel nổi tiếng. Người ta cố gắng vươn tới bầu trời từ việc xây tháp Babel, họ không biết mình cân nặng bao nhiêu mà dám chạm đến trời xanh? Họ đương nhiên biết. Nhưng họ kiêu ngạo... Theo huyền thoại, các thế hệ loài người sau trận đại hồng thủy, nói cùng một thứ ngôn ngữ và di cư về phía tây, đến vùng đất Shinar (שִׁנְעָר). Ở đó, họ cùng nhau dựng lên một thành phố và một tòa tháp đủ cao để chạm tới thiên đường. Nhưng sự ngạo mạn của họ đã khiến Chúa tức giận. Chúa đã tạo ra rào cản trong tiếng nói của họ khiến họ không còn hiểu được lẫn nhau, và làm họ rải rác đi khắp thế giới.

Và Sau-lơ (Saul), Đa-vít (David), Sa-lô-môn (Salomon)... Sự kiêu ngạo giống như một loại ma túy khiến người ta choáng váng và không thể dừng lại. Họ chạy theo ham muốn của bản thân, họ trở nên tự cao tự đại vô cớ. Kinh Thánh là lịch sử cứu chuộc con người nhưng đồng thời cũng là lịch sử về sự kiêu ngạo của con người.

Vừa qua, bệnh viêm phổi Covid -19 Vũ Hán là một ví dụ, lúc bấy giờ đã có người đưa tin trên mạng rằng có một loại virus viêm phổi xuất hiện. Nếu khiêm tốn, mọi người nên nhanh chóng xác minh rằng đây là một vấn đề nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, Công an Vũ Hán đã xử lý người đăng tin theo pháp luật. Họ không biết hậu quả nếu bệnh dịch lây lan hay sao? tất nhiên là biết, nhưng họ ngạo mạn và nhắm mắt làm bậy. Cho đến khi dịch bệnh bùng phát, người ta mới nhận ra người đầu tiên báo tin không phải là dân thường mà là một bác sĩ chuyên nghiệp. Cảnh sát đã "xử lý" các bác sĩ với danh nghĩa "tung tin đồn về dịch bệnh", và truyền thông đã công khai việc này. Thật là kiêu căng và ngạo mạn.

Quyền lực đương nhiên có thể mang lại lợi ích cho nhân loại, nhưng gen của con người tự nhiên ẩn chứa yếu tố ngạo mạn. Nó dường như đang ẩn náu trong một cơ quan nào đó của con người, nó vô hình nhưng sẽ vô tình lọt ra ngoài để diễu võ dương oai. Vì vậy, một khi ngạo mạn gắn liền với quyền lực, nó sẽ ngay lập tức trở nên ngạo mạn và nhe nanh múa vuốt.

Thomas Hobbes gọi nó là đại quái thú Leviathan. (Leviathan, là một loài sinh vật biển thần thoại xuất hiện trong Kinh Thánh. Trong ngành khoa học nghiên cứu ma quỷ, Leviathan là một trong bảy hoàng tử của địa ngục, là tội đồ đố kỵ, ganh tỵ và canh giữ cổng địa ngục).

Montesquieu là một luật sư, nhà xã hội học, nhà văn và triết gia Pháp sống trong thời đại Khai sáng.  Ông đã nói trong cuốn “Tinh thần pháp luật” rằng: Quyền lực có xu hướng bị lạm dụng một cách tự nhiên. Nói cách khác, một khi đã nắm được quyền lực thì sẽ bị sử dụng đến mức vô giới hạn. Cho đến khi nó gặp phải một sức mạnh khác có thể kiềm chế nó. Đặc tính quyền lực này là do tính kiêu ngạo của con người thường bộc lộ ra ngoài để gây rắc rối. Hơn nữa, quyền lực đương nhiên không muốn bị giám sát và hạn chế.

Trong một cuộc họp báo, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng một phóng viên CNN đã xúc phạm ông nên đã thu hồi quyền đưa tin của phóng viên này trong Nhà Trắng. Tuy nhiên, quyền tự do báo chí được bảo vệ bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, phóng viên này ngay lập tức kiện tổng thống thông qua luật sư của mình về hành vi này, cuối cùng Trump phải mời phóng viên quay lại. Để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực do bản chất kiêu ngạo của con người gây ra, các bậc tiền bối của Hoa Kỳ đã phát minh ra hiến pháp, phân quyền, tự do báo chí và tư pháp độc lập...

Cơ quan công an Vũ Hán có thể ngang nhiên “xử lý theo pháp luật” đối với các bác sĩ tuyến đầu, vụ việc này còn đáng sợ hơn cả chính bệnh dịch. Tuy nhiên, bệnh dịch ập đến đột ngột và rõ ràng, khiến mọi người nhanh chóng cảm nhận được sự nguy hiểm. Nhưng sự ngạo mạn của quyền lực thường được che giấu và có vẻ hợp lý. Cảnh sát Vũ Hán nhân danh luật pháp và chiêu bài lo ngại xã hội hỗn loạn để xử lý việc các bác sĩ “tung tin đồn”. Trông có vẻ đúng luật và cảm tính. Tuy nhiên, giống như con quỷ Bạch Cốt Tinh đã biến hình, nhưng đấy mới là yêu tinh thực sự. Ôn dịch đã khiến yêu tinh hiện nguyên hình, nhưng cả thế giới phải trả giá quá đắt cho sự ngạo mạn quyền lực này.

Sự ngạo mạn quyền lực sẽ lộ rõ ​​bản chất nếu dư luận xã hội giám sát kịp thời. Dư luận chính là đôi mắt lửa con ngươi vàng của Tôn Ngộ Không, chỉ cần được tự do biểu đạt, yêu quái vừa xuất hiện sẽ bị nhận ra tức thì, rất nhanh sẽ không nơi ẩn nấp. Tuy nhiên, sau khi công an Vũ Hán “xử lý” bác sĩ “theo pháp luật” thì truyền thông không giám sát quyền lực mà phụ thuộc vào quyền lực. Họ ủng hộ hành động của công an Vũ Hán và thổi phồng nó lên. Nếu cảnh sát, truyền thông và tòa án liên minh lại với nhau thành một khối thì họ gần như thiên hạ vô địch thủ,  nghĩa là có thể đánh bại bất cứ kẻ nào trên thế giới. Nếu cơ quan tư pháp không độc lập thì luôn có một trong hàng trăm tội danh trong luật hình sự phù hợp với bạn. Nói cách khác, nếu cảnh sát, giới truyền thông và tòa án kết hợp lại sẽ biến thành một con quái vật khổng lồ với sức mạnh vô song.

Plato nói: Công lý có nghĩa là “mọi người đều thực hiện đúng chức năng của mình, mọi người đều tôn trọng trật tự và mọi người đều ở vị trí của mình.” Nghĩa là, cảnh sát chỉ làm những việc của cảnh sát, bác sĩ chỉ làm những việc của bác sĩ, phóng viên chỉ làm những việc của phóng viên, và tòa án chỉ làm những việc của tòa án.

Leviathan, con quái vật khổng lồ này, cũng giống như Tôn Ngộ Không, nếu không kiềm chế, nó có thể đại náo thiên cung, mang tai họa cho đất nước và nhân dân. Nhưng nếu trói buộc nó bằng một vòng kim cô với một bùa chú hiệu nhiệm, nó có thể mang lại lợi ích cho dân chúng và thậm chí còn có thể tạo ra các thánh đồ.

Trong lịch sử, phần lớn những tai họa mà xã hội loài người phải gánh chịu không phải là sự kiện tự nhiên mà là những thiệt hại do ngạo mạn quyền lực gây ra. Hãy nhìn vào hai cuộc chiến tranh thế giới, một khi con người kiêu ngạo có sức mạnh vô hạn, họ có thể biến xã hội loài người thành địa ngục trần gian. Việc ngăn chặn thói ngạo mạn quyền lực không chỉ đòi hỏi sự sắp xếp của nhiều hệ thống khác nhau mà còn phải có sự bảo vệ cho những người tố giác trong xã hội.

Con tàu Titanic được cho là không thể chìm, nhưng số phận của nó thực ra lại thuộc về người thủy thủ quan sát phía trước bằng kính viễn vọng. Coi thường tiếng nói của “người thổi còi” là coi thường mạng sống của một thuyền người. (Người thổi còi hoặc người tố giác là một người làm rò rỉ, tiết lộ ra công cộng, các thông tin chung quan trọng được giữ bí mật với quần chúng).

Giáo viên, luật sư và bác sĩ là những người thổi còi trong xã hội. Những trường đại học đầu tiên trong xã hội loài người chỉ có ba chuyên ngành là thần học, pháp luật và y học. Nếu tinh thần của một người có vấn đề thì tìm đến thần học, nếu hành vi của một người có vấn đề thì tìm đến pháp học, nếu cơ thể có vấn đề thì tìm đến y học. Điều này cũng đúng với một xã hội: Giáo viên bảo vệ và truyền đạt lương tâm của xã hội. Luật sư bào chữa, điều chỉnh hành vi của xã hội. Các bác sĩ chăm sóc và chữa bệnh cho người dân. Một khi mất đi ba điểm này, giáo viên không được tự do bày tỏ, luật sư bị lệ thuộc vào quyền lực, và bác sĩ không thể đưa ra những phán đoán chuyên môn. Kết quả chắc chắn sẽ là thảm khốc. Nó dường như là một căn bệnh truyền nhiễm, nhưng nếu chúng ta không chữa khỏi căn bệnh này trong xã hội, chúng ta chỉ có thể né tránh trước những thảm họa khác nhau, và cuối cùng chúng ta sẽ không còn nơi nào để trốn tránh.

Khổng Tử nói: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách”. (Khổng tử nói: Lãnh đạo dân bằng pháp luật dùng nhiều đến hình phạt, dân có thể tránh được sai phạm nhưng mất lòng tự trọng. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ nghi khiến dân biết xấu hổ mà tự cảm hóa). Nói cách khác: Một quốc gia dựa vào chính trị và trừng phạt để cai trị thì chỉ nuôi dưỡng ra một đám bạo dân vô liêm sỉ, giống như cài đặt một quả bom nổ chậm, nhìn có vẻ yên tĩnh nhưng không ai biết khi nào nó sẽ nổ tung?

Sở dĩ thiên nhiên tràn đầy năng lượng, có sức sống mãnh liệt là nằm ở sự bao la, rộng lớn của nó. Bớt đi ngạo mạn quyền lực, chấp nhận những tiếng nói khác nhau, thậm chí cho phép những tiếng nói gay gắt khó nghe, xã hội mới có thể sôi động, đầy nhựa sống và tiến bộ nhanh chóng. Càng nhiều người thổi còi càng tránh được những tảng băng có thể làm đắm tàu phía trước. Mọi người cùng khiêm nhường và làm đúng chức năng của mình cho một xã hội hài hòa, nhân văn và tiến bộ.

Peter Pho

No comments:

Post a Comment