Wednesday, December 3, 2014

Mỹ thuật - Danh họa Việt Nam: Hai người con gái trong tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn

Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn là "bộ tứ danh họa" lẫy lừng của Việt Nam. Trần Văn Cẩn (1910-1994) là một trong những họa sĩ hàng đầu đã mang đến cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại một phong cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng và giàu bản sắc dân tộc.

Không chỉ được đào tạo trong ngôi trường danh tiếng: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trần Văn Cẩn còn được nuôi dưỡng bởi nguồn văn hóa của dân tộc. Tốt nghiệp thủ khoa (1931-1936), Trần Văn Cẩn nổi danh với những tác phẩm Em Thúy (sơn dầu-1944), Chợ Tết (lụa), Gội đầu (khắc gỗ), Hai cô gái trước bình phong (lụa).
                                           
                                           Em Thúy

Em Thúy là đỉnh cao của Trần Văn Cẩn với lối biểu hiện chân thực và nhẹ nhàng, lôi cuốn người xem bằng vẻ đẹp thơ ngây và trong trắng với đôi mắt mở to hồn nhiên ẩn chứa cảm xúc rất Việt Nam của tác giả.
   Hội họa Trần Văn Cẩn vừa hiện đại mới mẻ, giàu sự liên tưởng, lại phát huy được tính dân tộc, đậm đà sắc vị dân gian. Tiếp thu phương pháp nghệ thuật hàn lâm phương Tây nhưng Trần Văn Cẩn vẫn tìm cho mình một bản sắc của Việt Nam qua việc học tập, nghiên cứu kỹ lưỡng và công phu vốn cổ dân tộc.
   Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Trần Văn Cẩn chuyển biến với phong cách mạnh mẽ, đầy cá tính khi vẽ những người nông dân, ghi lại hiện thực cuộc sống. Có lẽ, ông là một trong những danh họa vẽ nông dân thành công nhất với bố cục vững chắc, các mảng đan xen tài tình, từng dáng điệu được nghiên cứu công phu... Nhưng Nữ dân quân vùng biển (sơn dầu-1960) mới là tác phẩm thành công nhất của ông sau Em Thúy. Dấu ấn của Trần Văn Cẩn lần này là một người con gái da sẫm, khỏe mạnh, biểu hiện ý tưởng: giữ gìn biển trời của Tổ quốc, đối diện với kẻ thù trong thời kỳ Mỹ "leo thang chiến tranh", mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. 


   Trần Văn Cẩn đã tổng hợp tri thức của phương Tây và phương Đông, đem lại cho tác phẩm tính khái quát bằng cái nhìn của phương Đông. Ông là một họa sĩ nghiêm túc với nghệ thuật và đời sống, là một người thầy rất mực mô phạm. Danh họa dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật, là một tấm gương về lao động nghệ thuật cho các thế hệ mai sau.
(lược đăng từ bài "Danh họa Trần Văn Cẩn" của Trịnh Chu, KTNN No.705, 2010)

No comments:

Post a Comment