Tôi dành ngày cuối năm này cho Tagore, người mà tôi hằng tôn kính. Vì ông là người "vĩ đại cả ở âm nhạc lẫn thi ca, thơ của ông đã được ngâm hát từ miền Tây Ấn Độ đến tận Burnah, bất kỳ nơi nào người ta nói tiếng Bengal. Tagore nổi tiếng ngay từ năm 19 tuổi, khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay; và ông đã sáng tác kịch khi chỉ mới quá tuổi xuân một chút; đến nay những sáng tác này vẫn được trình diễn ở Calcutta... Mọi khát vọng của nhân loại đều nằm trong tác phẩm của ông.
Những bài thơ trữ tình này, ở nguyên bản tiếng Ấn rất du dương, màu sắc vô cùng tế nhị, không sao dịch được và về âm luật thì đầy rẫy những khám phá, chúng mở rộng trong tâm trí con người một thế giới mà suốt đời họ hằng mơ ước. Những bài thơ này chẳng khác gì sự phát triển của đất lành và cỏ cây. Một truyền thống, trong đó thi ca và tôn giáo hòa hợp với nhau thành một.
Trong thơ của Tagore là âm nhạc, vì thế lúc nào người ta cũng nhận thấy ông thật phong phú, thật tự nhiên, thật táo bạo trong mọi rung động, cảm xúc và đầy sự ngạc nhiên.
Toàn thể một dân tộc, toàn bộ một nền văn minh như hiện lên qua từng dòng chữ và trí tưởng tượng của nhà thơ; tuy nhiên, chúng ta không hề bị ngây ngất vì vẻ lạ kỳ này mà chúng ta ngây ngất bởi đã bắt gặp hình ảnh của chính mình, thật như thể chúng ta đã bước trong rừng liễu của Rossetti, hoặc đã nghe - có lẽ lần đầu trong văn chương - tiếng nói của ta như trong giấc mộng.
Tagore chính là nền văn minh Ấn Độ, một nền văn minh đã dày công khám phá tâm hồn, rồi dâng trọn mình cho sự rung cảm nhạy bén của tâm hồn. Một sự hồn nhiên, một vẻ giản dị, ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác trong văn chương, đã khiến chim chóc, lá cây hình như gần gũi với thi sĩ như với trẻ thơ vậy; và bốn mùa đổi thay - những biến cố như hiện ra trước tư tưởng chúng ta - đã nâng lên sự ngăn cách giữa chúng và chúng ta... tôi thấy vui sướng khi nghĩ rằng: sự hồn nhiên đó, nét đơn giản đó mang tính cách truyền thống, một vẻ huyền bí đã phát triển qua nhiều thế kỷ giống như phong thái hào hoa, tao nhã của Tristan hoặc Pelanore."
( William Butler Yeats, Lời giới thiệu cho cuốn GITANJALI )
No comments:
Post a Comment