Danh họa Nguyễn Gia Trí đứng vào hàng ngũ những họa sĩ tiên phong có cao vọng cách tân nền hội họa Việt Nam. Ông là người đi đầu, sục sôi sáng tạo, và có công rất lớn trong việc tìm tòi, nghiên cứu, thể nghiệm ở chất liệu mới sơn mài - 1 chất liệu mà trước đây chỉ sử dụng trong mỹ nghệ và đồ thờ cúng - thành 1 chất liệu quý, sang trọng, lộng lẫy, rực rỡ, sâu thẳm trong nghệ thuật tạo hình. Ông đã giải phóng sơn ta thoát khỏi cái tĩnh trang trí ngàn năm để đến với cái động tự do, phóng khoáng, mở rộng các khả năng biểu đạt những rung cảm tinh tế nhất của người nghệ sĩ. Cũng cần lưu ý thêm, lúc bấy giờ thế giới vẫn chưa có công nghệ sơn mài này.
Vườn xuân và thiếu nữ
Nghệ thuật vẽ tranh sơn mài bắt đầu từ đầu thập niên 1930, khi cụ Nam Sơn - người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - hướng sự say mê nghệ thuật của 2 ông thầy người Pháp Victor Tardieu và Joseph Inguimberty vào việc tìm hiểu vẻ đẹp của đồ sơn Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Sau đó chính Victor Tardieu quyết định mở xưởng nghiên cứu sơn ta do họa sĩ Joseph phụ trách và mời nghệ nhân Đinh Văn Thành về dạy nghề sơn. Bước đầu tìm tòi và đạt được kết quả ở một chừng mực lộng lẫy và thơ mộng, nhưng vẫn chưa làm chủ được hoàn toàn chất liệu mới này, đặc biệt là kỹ thuật sử dụng vỏ trứng. Phải đến Nguyễn Gia Trí, nghệ thuật sơn mài mới đạt được tầm cao mới. Từ nền tảng tiếp thu bốn màu truyền thống: đen, đỏ, vàng, bạc, Nguyễn Gia Trí đã làm phong phú thêm cho bảng màu truyền thống để nâng cao hiệu quả diễn đạt nghệ thuật. Với hàng loạt tác phẩm mới có sức truyền cảm mạnh trong những năm 1938-1944, ông đã làm kinh ngạc công chúng Hà thành với những bức tranh mang vẻ liêu trai, những thiếu nữ thướt tha trong sắc vàng rực rỡ và sắc trắng trinh bạch... cuốn hút và đầy cảm hứng sáng tạo. Sau khi xem các tác phẩm này, họa sĩ Tô Ngọc Vân khẳng định: "...sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng, tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra". Những năm này, thế giới sơn mài của Nguyễn Gia Trí vừa thực vừa ảo trong đó gợi niềm khát khao về cái đẹp vĩnh hằng. Sử dụng chất liệu thuần Việt để bộc lộ tình cảm của dân tộc bằng ngôn ngữ hội họa hiện đại là giá trị nghệ thuật của hội họa Nguyễn Gia Trí.
No comments:
Post a Comment