Một đất nước, một dân tộc cần mơ ước về sự cường thịnh và đặt cho mình mục tiêu cường thịnh! Người dân của một cộng đồng dân tộc giàu có hơn chắc chắn có cuộc sống vật chất tốt đẹp hơn. Một đất nước hùng mạnh hơn chắc chắn sẽ bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, tài nguyên, nền văn hóa và môi trường sống văn minh cho dân tộc của mình.
Chuyện làm ăn từ sau 1986 đến nay không còn mới nhưng vẫn luôn mới vì không bao giờ hết khó khăn, thử thách, nhất là đang lúc khó khăn như thế này. Trong vòng 10 năm nay, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng dưới khả năng của mình, không thể so sánh với những thành tích tăng trưởng của các nước trong khu vực.
Kinh tế thế giới khủng hoảng gây nhiều biến động ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp trong nước với áp lực lạm phát tăng và phải đối diện với những biến động bất thường trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Nước nghèo như nước ta thì càng khó khăn hơn. Chính phủ cần có nhiều biện pháp hữu hiệu trong hoàn cảnh hiện nay, đừng để doanh nghiệp Việt Nam đã nhỏ bé còn phải tự bươn chải, chống đỡ đủ mọi bề. Nền kinh tế của chúng ta còn yếu nên khi hội nhập nó rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu nghiên cứu, thông tin, dự báo. Điều này có thể khiến cho kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi trong chuỗi phân công lao động của kinh tế thế giới hiện nay.
Doanh nghiệp muốn tồn tại để phát triển cần hội đủ ít nhất 3 yếu tố: nguồn nhân lực, tài chính và định chế, chính sách vĩ mô của Nhà nước. Nhân lực dù đủ tài năng nhưng thiếu vốn cũng chẳng làm được gì, còn ngược lại, có vốn mà thiếu người đủ năng lực đảm trách công việc thì dễ mất hết vốn. Nhưng nếu có đủ cả 2 điều kiện này mà cơ chế chính sách không thông thoáng thì cũng khó bề phát triển. Chưa phải là một nước có nền kinh tế năng động và phát triển mạnh mẽ nên mọi thứ vẫn còn dở dang, đa số doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại nhỏ và vừa, làm ăn theo kiểu truyền thống, thiếu đào tạo bài bản, nhất là trong quản trị. Sự yếu kém này càng bộc lộ rõ khi làm ăn với nước ngoài. Những lỗ hổng/khoảng cách này càng trầm trọng và trở nên bức thiết khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, cơ hội và thách thức giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài gần như đã ngang bằng nhau. Nếu coi doanh nghiệp là nền móng của kinh tế đất nước thì vấn đề này đang đặt ra rất nhiều câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng từ nhiều phía khác nhau.
Sự trưởng thành của doanh nghiệp không thể tách rời khỏi chính sách của Nhà nước. Những năm gần đây, khó khăn vẫn tồn tại và sự hy vọng đặt trong khát vọng đổi mới cùng với tăng trưởng bền vững của đất nước vẫn là 1 động lực tinh thần giúp doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức. Cần có sự hỗ trợ, cơ chế và chính sách được điều chỉnh trong sự phát triển theo kinh tế thị trường, ưu tiên với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đa dạng hóa sở hữu, khẳng định phát triển kinh tế làm trung tâm với các doanh nghiệp được coi như lực lượng chủ lực. Làm sao thúc đẩy được lực lượng này một cách phù hợp và kịp thời, về phía doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh, chuyển đổi linh hoạt, không thể cứ làm kinh tế theo lối cũ, phải tính toán thật mưu lược và chiến đấu với bản lĩnh của những "chiến binh", tiếp nhận phương thức mới như những vũ khí toàn năng. Người quản lý ngoài kinh nghiệm, còn phải táo bạo, chấp nhận dấn thân, thử thách nhưng không mù quáng, tránh việc lừa đảo, mua danh thu lợi. Phải phát triển theo 1 định hướng rõ ràng, điều này có ý nghĩa quyết định cho thành công, là tri thức của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoạt động với tinh thần cống hiến đem lại quyền lợi tối đa cho doanh nghiệp và cộng đồng, tồn tại vì quyền lợi quốc gia và vì uy tín đối với quốc tế. Việt Nam còn thiếu thốn, hạ tầng xã hội về mọi mặt đều chưa ổn định nên rất cần sự đóng góp của các doanh nghiệp. Doanh nhân có tấm lòng sẽ không tiếc tiền của và công sức để đóng góp những việc hữu ích khi thấy rằng những đóng góp của họ được sử dụng một cách hiệu quả. Thời xưa, doanh nghiệp đóng góp bằng vật chất, tiền tài khi đất nước cần thì ngày nay, doanh nghiệp cống hiến bằng những nỗ lực kinh doanh, bằng tinh thần cầu tiến học hỏi vươn ra thế giới và sau đó là đóng góp. Với doanh nghiệp nhỏ, vấn đề chỉ là tiền lương, cuộc sống của người lao động, của gia đình. Với doanh nghiệp lớn là khao khát vươn cao lên tầm thế giới, để thế giới hiểu hơn về sự đổi mới và phát triển của Việt Nam, có cái nhìn tôn trọng hơn với doanh nhân người Việt. Đó vừa là cái nghiệp của một doanh nhân, vừa là niềm tự tôn dân tộc, độc lập tự cường vẫn cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa. Vì vậy, phải chú trọng trong việc thể hiện tính cách riêng, bản sắc của dân tộc với sự độc đáo là một lợi thế rất mạnh cần được tận dụng đúng lúc, đúng chỗ. Điều này xác định được chỗ đứng cho mình. Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu là thế mạnh, mang đậm dấu ấn quốc gia với thủy sản, gạo... mà sự thành bại đều sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trên thế giới.
Nhiều mặt hàng có chất lượng tốt của Việt Nam đang được bán ở các nước với nhãn mác của nước ngoài. Việt Nam có lợi thế sở hữu một lực lượng lao động có tay nghề, chính sách dành cho hàng xuất khẩu tốt, nhưng xét về mức độ cạnh tranh vẫn thua kém, thiệt thòi do điều hành vĩ mô còn hạn chế. Ở nhiều ngành chúng ta vẫn phải lệ thuộc vào nước ngoài ở phần đầu vào. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam chiếm 60% từ nông nghiệp, nhìn chung ổn định, nhưng giá trị thặng dư còn kém do công nghệ chưa hiện đại. Riêng với nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày thì hầu như không có. Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn lại và xác định hướng đi cho mình. Bước đi đó phải vững chắc, tự tin, đầy bản lĩnh và mưu lược vì cộng đồng và dân tộc.
Với một sứ mệnh, một tham vọng như vậy, doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ kinh doanh bằng năng khiếu, bằng những gì sẵn có, không chỉ kinh doanh bằng Sức mà còn phải bằng Trí. Nó phải được thực hiện bằng những chiến lược kinh doanh với sự khác biệt, bằng những nỗ lực xây dựng thương hiệu của riêng mình. Với sức thuyết phục mạnh mẽ của 1 thương hiệu đầy uy tín, doanh nghiệp sẽ dễ dàng vươn cao khi được bạn bè thế giới biết đến và khâm phục. Dĩ nhiên, tất cả phải được xây dựng trên 1 nền tảng kinh doanh vững chắc bằng chính nội lực và tinh thần mạnh mẽ của mình.
Một doanh nghiệp mạnh mẽ thì sẽ thêm 1 viên gạch vững chắc gắn vào nền móng giúp nền kinh tế nước nhà vững chãi hơn. Chúng ta cần hiểu rõ điều đó và phải làm được điều đó. Để tạo được sức mạnh mới, chúng ta hãy cùng hành động: đoàn kết chặt chẽ hơn, chuyển biến mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Cùng hợp tác toàn diện với mục đích phát triển bền vững.
(tổng hợp)
No comments:
Post a Comment