Tuesday, November 7, 2017

Kỷ niệm 100 năm: Cách mạng Tháng 10

Hồi còn đi học, vào những ngày kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (CMTM), tôi vẫn nhớ cái không khí tưng bừng tràn ngập tin tức và hình ảnh về Liên Xô được lan truyền qua báo đài và các phương tiện truyền thông đại chúng trong những năm 60s.
Sẵn có tình yêu nước Nga từ báo ảnh và âm nhạc, tôi ngưỡng mộ Lê Nin như một lãnh tụ thiên tài của thế giới. Một nhân vật siêu phàm và vĩ đại đứng trên tất cả. Vì tôi không theo một tín ngưỡng nào nên có thể nói ông là người thật bằng xương bằng thịt tài giỏi nhất, chỉ thua kém thần linh mà thôi. Cùng với ông, những cái tên Cung điện Mùa Đông, tuần dương hạm Rạng Đông, hồng quân, xô viết và hình ảnh những người lính thủy quả cảm cùng với lá cờ đỏ và những người bôlsêvic... đã gắn liền với cuộc cách mạng này. Vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 của CMTM, tôi còn nhận được nhiều kỷ vật từ nước Nga, đó là những huy hiệu kỷ niệm rất đẹp mà tôi rất thích.

Nếu nói chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu thì không biết phải nói cuộc CMTM là gì? Có lẽ phải hơn thế nhiều về cả ý nghĩa lịch sử và những gì nó cuốn theo cùng với ảnh hưởng của nó trên thế giới.




Năm 1917, cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, giai cấp vô sản được gắn sứ mệnh giải phóng nhân loại. Từ đó, nước Nga thật sự bắt đầu một quá trình với những diễn biến mở ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin chỉ rõ rằng cần chấm dứt tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại ở nước Nga bằng cách chuyển giao chính quyền về tay các xô viết: "Điều độc đáo trong thời sự nước Nga chính là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng là giai đoạn đã đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản tiến lên giai đoạn thứ hai của cách mạng là giai đoạn phải đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản và cho những tầng lớp nghèo trong nông dân". Về phương pháp đấu tranh, Lênin viết: "Vũ khí ở trong tay nhân dân, không có sự cưỡng bức nào từ bên ngoài đối với nhân dân, đó là thực chất của sự vật. Điều đó cho phép và bảo đảm sự phát triển và hòa bình của cách mạng".

Các khẩu hiệu của cách mạng: "Tất cả chính quyền về tay Xô Viết", "Hòa bình, ruộng đất, bánh mì", "Đả đảo chiến tranh"... được dân chúng giơ cao trong các cuộc biểu tình dưới sự lãnh đạo của đảng Bôlsêvic.

Phe đối lập chống lại những người bôlsêvic thuộc phái chính phủ lâm thời, chính phủ liên hiệp đưa Alexander Kêrensky, lãnh tụ đảng Xã hội Cách mạng lên làm thủ tướng, mặt khác âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự bằng cách đưa Kornilov Affair, một viên tướng cũ của chế độ Nga hoàng, làm bạo loạn giành lấy chính quyền.
Lênin đã phát động quần chúng đánh tan cuộc nổi loạn của Kornilov, các đội Cận vệ đỏ - lực lượng vũ trang của công nhân được nhanh chóng thành lập ở các nơi, đồng thời phản đối chính sách tiếp tục theo đuổi chiến tranh của chính phủ Kêrensky, do đó sau khi cuộc nổi loạn bị dập tắt, uy tín của đảng Bôlsêvic tiếp tục được nâng cao. Những đại biểu Mensêvic và Xã hội Cách mạng dần bị các đại biểu Bôlsêvic thay thế trong các Xô Viết.

Sang tháng 10 (lịch Nga), làn sóng cách mạng lan tràn khắp nước Nga. Những thất bại quân sự của chính phủ lâm thời (Kêrensky) khi phải đối đầu với liên quân Đức, Áo-Hung trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất càng làm cho tình hình nước Nga trở nên tồi tệ. Đại hội của đảng Bôlsêvic chỉ rõ phải chuẩn bị chuyển sang khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền.

Chiều 24 tháng 10, cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Theo kế hoạch, các đơn vị Cận vệ đỏ tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, nhà ga, các cầu bắc qua sông Nêva. Trong đêm 24 và ngày 25, các đơn vị Cận vệ đỏ của công nhân, binh lính cách mạng và thủy thủ hạm đội Ban Tích đã đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô. Ngay trong đêm 24 tháng 10, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Petrograd, bao vây Cung điện Mùa Đông mà hầu như không tổn thất.
Kế hoạch tấn công Cung điện Mùa Đông được ấn định vào rạng sáng ngày 25 tháng 10. Đến 7 giờ sáng, đợt tấn công thứ nhất bắt đầu. Các vòng đai dần khép lại nhưng các cuộc tấn công quá chậm và phải dùng xe hơi chuyển mệnh lệnh. 3 giờ chiều, đại bác được chĩa thẳng vào Cung điện Mùa Đông. Các chiến sĩ Cận vệ đỏ đứng sau những chướng ngại vật hoặc làm nhiệm vụ tuần tiễu chờ lệnh phát hỏa. Các đội tuần tra quan sát theo dõi mọi hoạt động của quân đội chính phủ. Đến 6 giờ chiều, cung điện bị vây chặt, binh sĩ và thủy thủ tiến sát đến cung điện và chiếm lấy tất cả những góc đường và các mái nhà ở bến tàu cạnh bộ Hải quân và cung điện. Các binh lính bảo vệ cung điện dựng chướng ngại vật chặn cổng ra vào Cung điện Mùa Đông, nã súng trường và súng máy vào các mục tiêu di động.
9 giờ 45 phút tối, chiến hạm Rạng Đông nổ loạt đại bác báo hiệu tấn công (thực ra các phát đạn không nhắm vào cung điện mà chỉ dùng tiếng nổ của đại bác để đối phương hoang mang). Hàng lính bảo vệ cung điện rối loạn và lợi dụng điều đó, thủy thủ, chiến sĩ Cận vệ đỏ và binh sĩ cách mạng tràn vào cung điện. Cuộc chiến diễn ra tới 2 giờ 45 phút sáng thì kết thúc. Toàn bộ chính phủ lâm thời bị bắt (trừ Kêrensky).

lược trích từ Wikipedia (Cách mạng Tháng Mười)

1 comment:

  1. Tác giả Thierry Wolton xem cuộc Cách mạng tháng Mười chỉ là cuộc đảo chính của phe Bolshevik. Khi lực lượng quân sự của người Bolshevik tiến vào Cung điện Mùa Đông, lúc đó đã trở thành quân y viện, họ không gặp sự kháng cự nào đáng kể từ đội nữ binh và các sinh viên sĩ quan. Trong vụ đảo chính này, xã hội vẫn hoạt động bình thường, hầu như đa số người dân thủ đô Petrograd không nhận ra. Theo nhà sử học Mỹ Richard Pipes, thiệt hại tổng cộng chỉ có năm người chết và một số người bị thương, hầu hết là do đạn lạc. Sau sự kiện này, tất cả báo chí không phải của người Bolshevik đều bị cấm còn hội đồng Xô Viết bị ngưng hoạt động mười ngày sau đó. Chính quyền do người Bolshevik lãnh đạo cai trị bằng sắc lệnh. Một tháng sau, Tchéka (Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại) ra đời. Đến tháng Giêng năm 1918, Quốc Hội lập hiến bị giải tán. Đến tháng 6/1918 những trại tập trung đầu tiên được thành lập.
    (Wikipedia)

    ReplyDelete