Tìm ra mối quan hệ nhân quả (causality) là phương pháp tư duy quen thuộc để tìm hiểu thế giới. Giữa hai sự kiện hoặc hai sự vật, nếu có thể thiết lập một quan hệ nhân quả, một cái sẽ được xem là nhân, một cái sẽ được coi là quả. Nhân là cái có trước, sinh ra quả. Sư tồn tại của quả là tất yếu khi có nhân. Bằng cách đó, các nhà thông thái cho là giải thích được và tiên đoán được sự tồn tại của quả. Các nhà chính trị thích thú vì chỉ cần khống chế được nhân sẽ có thể nhào nặn quả như chơi đất sét. Trí thức được tưởng thưởng tốt hơn đám bình dân và có cơ hội gia nhập giới cầm quyền, chỉ để ngồi phát hiện ra các quan hệ nhân quả. Vận tốc đầu nòng súng và góc bắn là nhân, viên đạn bắn trúng đích là quả. Ném một người từ đỉnh Tháp Đôi New York, Tháp nghiêng Pisa hay Tháp Eiffel, bất kể sang tiện phú bần, tri thức, nhân cách, quan điểm ra sao đều có kết quả như nhau, và đều rơi với gia tốc trọng trường. Nhát cuốc trên cánh đồng bình thường hay trên Killing Field của Khmer Đỏ, đều tuân theo định luật Newton, có cùng phản lực và gây biến dạng tỷ lệ với xung lực. Khoa học và người sinh ra nó không có quan điểm, quan điểm và kết quả là do người dùng tạo ra. Động lực sử dụng tri thức lớn đến mức, nếu nó không được dùng cho một thế lực này, nó sẽ được sử dụng cho thế lực đối địch, giống như khương tuyến của chàng sĩ quan Hungari Feri được mời chào cho Nhà Thờ Chính giáo trước, nhưng rốt cuộc lại dùng để phá cổng thành Constantinople, thành trì của Chính giáo.
Không phải quan hệ nhân quả luôn luôn hoạt động tốt với tư duy con người. Nó cũng có thể lừa gạt con người, làm cho số phận của họ khốn khổ hơn. Ở đây, chúng tôi sẽ không bàn tới những tên bồi thông thái, chuyên tìm ra các mối quan hệ nhân quả giả tạo để kiếm chác và sẽ bàn tới các tính huống có vòng tròn nhân quả (causality cycle). Thực ra quan hệ nhân quả phần lớn chỉ có thể áp dụng được trong một giai đoạn nhất định, con gà là nhân đẻ ra quả trứng là quả chỉ trong giai đoạn con gà sinh ra và lớn lên đẻ trứng. Khi đã có quả trứng, đưa vào lò ấp và nở ra con gà con, đó lại là một giai đoạn với quan hệ nhân quả khác. Thói xấu của tư duy trí thức là tổng quát hóa, lấy kinh nghiệm cục bộ, áp dụng cho toàn thể. Cũng như đem tư duy Toán học áp dụng cho các vấn đề công nghiệp, đem tư duy triết học, chính trị bàn giấy áp dụng cho cuộc sống. Thành công của tính nhân quả là với các chu kỳ dài, thường là trong thế giới cơ học. Tuy nhiên có những trường hợp một quá trình diễn ra là một chuỗi liên tiếp quả và nhân đổi chỗ cho nhau. Điều đó rất thường xảy ra trong thực tế xã hội. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem tính nhân quả trong việc một người nhân viên nói thẳng làm sếp nổi giận lôi đình. Có thể xem nói thẳng là nhân, lôi đình là quả. Nhưng thực ra, nếu sếp không có quyền nổi giận lôi đình, thì sẽ không có cơn lôi đình đó. Cơ chế của giận lôi đình không phải là xảy ra ngay tức thì và phát triển một cách tất định (deterministic) đến cao trào. Các nhà tâm lý đã chỉ ra cơ chế như sau, ban đầu sếp thấy hơi khó chịu, khó chịu sinh ra hơi giận, cơn giận đó lại gây là khó chịu hơn, khó chịu hơn sẽ gây giận hơn, và cứ như thế các vòng tròn khó chịu - giận sẽ xoay với tốc độ ngày càng tăng, nhân quả liên tục bị vi phạm để đổi vai với tốc độ ngày càng cao và bùng phát thành một cơn giận lôi đình. Nếu có cách gì chặn ngay vòng tròn đó lại thì sẽ không có cơn lôi đình. Con chó hung hăng sủa cũng bắt đầu từ tâm trạng sợ hãi, muốn trấn an sợ hãi phải hung hăng và sủa, Sủa hung hăng lại thấy sợ hãi thêm, lông gáy dựng đứng lên.
Các vòng tròn nhân quả trong thượng tầng kiến trúc đã gây ra những tranh luận rất tốn kém, "con gà-quả trứng", "vật chất-tinh thần", "văn học-cuộc sống", "nghệ thuật-nhân sinh". Cố công xác định cho được đâu là nhân là quả, thực là vô bổ, khi nhân quả chỉ là một vai trò có tính giai đoạn là một chức năng mà tư duy tạm gán để có thể giúp đỡ cho sự hoạt động của nó dễ dàng hơn, để suy luận, tư biện. Nhìn rộng ra, xã hội, cuộc sống hàng ngày, thế giới, vũ trụ có vô số vòng tròn nhân quả đang đánh lừa các tư duy thông thái sa vào vòng xảo biện, mất thời gian. Nhiều vấn đề rơi vào việc tranh luận nhân quả mà không bao giờ kết thúc tranh luận, không ai chịu ai, rồi phải dùng nắm đấm, súng ống, bom liều chết, vũ khí nguyên tử,... Vì vậy, trước khi bắt đầu một cuộc tranh luận, cần phải xem xét chúng ta có đang bị một vòng nhân quả đánh lừa hay không. Cố nhiên, trong phần lớn các trường hợp, các bên đều bị khóa chết vào vòng tròn đó, và có ảo giác là nếu vấn đề không ngã ngũ sẽ không làm được việc gì khác. Người ta thường nhầm tưởng xã hội tiến lên nhờ đấu tranh. Thực ra, đấu tranh là tất yếu khi xã hội tiến lên, nhưng khi đấu tranh thì xã hội sẽ dừng lại, thậm chí thụt lùi. Đấu tranh là cái giá phải trả chứ không phải động lực cho sự tiến lên. Đấu tranh là bắt buộc, nhưng không phải đấu tranh càng nhiều càng tốt, các xã hội chỉ biết đấu tranh không ngơi nghỉ là các xã hội chậm tiến. Tổ chức đấu đá quanh năm là tổ chức tụt hậu.
Alexander Đại đế, từ năm 333 trước Công Nguyên đã có cách giải quyết các tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", "lang bạt kỳ hồ" cắt đứt vòng nhân quả như thế.
Tương truyền rằng, tại xứ Gordium, nhà vua Gordias đã để lại một cái nút thắt Gordias (Gordian Knot) với lời nguyền "ai cởi được nó sẽ có quyền lực bao gồm cả châu Âu và châu Á". Nhiều thế hệ trôi qua, rất nhiều người đã cố gắng nhưng không ai cởi được cái nút thắt Gordias. Mùa Đông năm 333, nhà vua Alexander của xứ Macedoin, dừng chân lại Gordium và thử gỡ nút thắt này. Sau một hồi loay hoay không thành công, một tư tưởng vĩ đại chợt lóe lên, nhà vua tuốt kiếm chém nút làm đôi. Theo truyền thuyết, lời giải của Alexander làm Zeus chúa tể của các chư thần thích thú đến nỗi cầm lưỡi tầm sét vung lên lung tung. Suốt cả đêm đó trời đầy giông bão, sấm chớp ầm ầm. Chúa tể của chư thần đưa Alexander từ một công vương Macedoin hẻo lánh lên tầm Đại Để làm chủ cả hai châu lục.
Thông điệp của Alexander có thể bắt đầu chỉ đơn giản là "nếu ta không làm được cũng đừng hòng có ai làm được". Tuy nhiên, điều đó đã đưa đến một lời giải tuyệt vời, cho đến nay chúng ta vẫn còn phải học để chặt phăng những vòng nhân quả vô tích sự kéo giãn bên này thì thít chặt bên kia. Cứ ngẫm mà xem, lời giải vung gươm chặt phăng những cái nút luẩn quẩn sẽ giải quyết vô khối vấn đề của cuộc sống do chính chúng ta tạo ra với ảo tưởng của mình.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
No comments:
Post a Comment