Có một "nghĩa trang" ở Thái Bình Dương dành cho các vật thể từ không gian rơi xuống khi hết hạn sử dụng. Đã có 260 thiết bị không gian nằm ở đây.
Point Nemo là một điểm được đặt tên của thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết 20.000 dặm dưới đáy biển của Junes Verne, nó nằm gần Úc và New Zealand, cách phía Bắc Nam Cực 1500km và cách bờ Đông của New Zealand 2500km.
Ở độ cao 330km và 410km cách mặt đất nên chính những phi hành gia trên các trạm không gian là những người sống gần điểm Nemo nhất.
Từ Skylab đến Mir, những ngôi sao một thời trong không gian đều đến an nghỉ ở đây. Chúng được lập trình để rơi xuống 1 điểm được xác định, nhưng trước khi chạm bề mặt Trái Đất chúng đã vỡ thành hàng nghìn mảnh khi đi vào khí quyển, vì vậy nghĩa trang phải trải rộng trên 1500km2 và sâu 4km để tiếp nhận tất cả các mảnh vỡ. Chiếm chỗ nhiều nhất ở đây là các "sản phẩm" Nga với hơn 190 vật thể so với 52 của Mỹ, 8 của châu Âu và 6 của Nhật. Nổi tiếng nhất là Mir, được phóng vào năm 1986. Sau hơn 15 năm hoạt động, trạm đã được các chuyên viên điều khiển cho rời quỹ đạo và rơi vào năm 2001. Chỉ 25 trong số 142 tấn của trạm rơi xuống Thái Bình Dương.
Các cơ quan không gian được tự do sử dụng vùng biển ít tàu bè qua lại này, nhưng việc "hạ cánh" không phải không có nguy cơ. Vì vậy, vùng biển này được đặt dưới trách nhiệm chung của giới hữu trách hàng hải và hàng không thuộc 2 quốc gia là Chile và New Zealand. Họ sẽ được thông báo trước khi 1 vật thể sắp rơi vài ngày để cảnh báo cho các phi công và thuyền trưởng tránh vùng biển này.
Ngoài những trạm không gian có kích thước lớn, sau hơn 60 năm hoạt động trong không gian, có hơn 29.000 vật thể lớn hơn 20cm trên quỹ đạo quanh Trái Đất và cũng chừng ấy sự cố khi chúng rơi trên đầu chúng ta một lúc nào đó. Nhiều thiết bị đã quá hạn sử dụng làm tăng đáng kể lượng rác bay quanh Trái Đất. Mỗi ngày, những thùng rác bay ấy lại bị hút gần hơn về phía mặt đất và có thể rơi trong trạng thái ngoài tầm kiểm soát.
Gần đây nhất, vào tháng 11.2015, một chủ trại ở Tây Ban Nha sực tỉnh vì 1 tiếng va chạm chói tai đã phát hiện 1 quả cầu kim loại đường kính 1m nằm trong vườn. Đây không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, vào năm 2001, 1 mảnh động cơ bằng titan rơi xuống Ả Rập Saudi. Tháng 1.1997, một bồn chứa của tên lửa Delta 2 nằm chình ình cạnh Georgetown (Texas). Cũng năm 1997, một bồn chứa bằng titan được thấy ở Texas. Năm 1991, những mảnh vỡ của trạm Salyut 7 rơi xuống thành phố Capitan Bermudez (Argentina). Rồi một mảnh của trạm Skylab được thấy ở gần Perth (Úc) vào năm 1979... Những mảnh kim loại phiêu lưu này thường có chỗ trong 1 viện bảo tàng, nhiều mảnh khác thường nằm dưới đáy sâu của Thái Bình Dương, bị nhuộm màu nâu đỏ do rỉ sét.
Từ 20 năm gần đây, các cơ quan không gian đã xử lý rác không gian bằng cách gắn chúng vào một module để đưa về Trái Đất, hoặc đổi hướng quỹ đạo của chúng để chúng mất đi mãi mãi trong thiên hà.
Còn bây giờ, giới chuyên môn đang quan tâm đến Thiên Cung 1 (Tiangon I), trạm không gian đầu tiên của TQ, dài 12m, nặng 8,5 tấn, được phóng vào tháng 9.2011. Vấn đề: TQ đã không thể kiểm soát nó từ tháng 3.2016. Nó sẽ rơi vào đầu 2018. Ở đâu? Không ai biết.
(lược đăng từ bài "Nghĩa trang thiết bị không gian" của Ngọc Ngà, KTNN No.983)
No comments:
Post a Comment