Đời lắm nỗi bất công, kẻ thơ thới đi cầu, người nhó nhăn táo bón. Mỗi năm, có hơn 2 triệu rưỡi người ở Mỹ đi thăm bác sĩ vì táo bón.Bón không những khó chịu, còn có thể làm nứt hậu môn gây đau, khiến bệnh trĩ nặng hơn, trực tràng sa xuống (rectal prolapse), phân vón chặt trong trực tràng gây đau bụng, buồn nôn, ói mửa, bí tiểu.Chúng ta hay nghĩ cứ phải đi cầu đều mỗi ngày mới là bình thường, nên nhiều vị tưởng mình táo bón. Thực ra, thói quen đi cầu của người lớn chúng ta khác nhau nhiều lắm, từ vài lần mỗi ngày, đến vài lần mỗi tuần.Theo định nghĩa, ta bị táo nếu có hai (hoặc hơn) những triệu chứng sau đây:
• Đi cầu ít hơn 3 lần mỗi tuần• Khi đi cầu, phân hay cứng, ra thành cục nhỏ• Khi đi cầu, hay phải rặn dữ phân mới chịu ra• Khi đi cầu, hay phải dùng tay giúp phân ra• Khi đi cầu, hay có cảm giác phân kẹt không ra• Hay có cảm giác đi cầu không hết khi đã xong việc
Như vậy, nếu bạn đi cầu có 3 lần mỗi tuần thôi, song vẫn dễ dàng và thoải mái lắm, bạn... chưa bị táo bón.
Nguyên nhân táo bón kinh niên
Càng lớn tuổi chúng ta càng dễ bón. Các vị cao niên thường ít ăn rau trái cùng những thực phẩm giúp chống bón, không uống đủ nước, ít vận động hơn người trẻ, uống nhiều loại thuốc có thể gây bón.
Rất nhiều nguyên nhân khác nữa gây bón:
• Bất thường về cấu trúc của đường tiêu hóa: bướu (như ung thư ruột già), trực tràng lồng vào nhau hoặc bị sa, thòng ( rectal intussusception or prolapse, rectocele ).• Bất thường cơ năng ( functional abnormality ): bệnh ruột quá nhạy cảm ( irritable bowel syndrome ).• Bệnh nội tiết: bệnh tiểu đường, bệnh suy tuyến giáp trạng ( hypothyroidism ), bệnh cao hoặc thấp chất calcium trong máu ( hypercalcemia, hypocalcemia ).• Bệnh thần kinh: aganglionosis, intestinal pseudo-obstruction, multiple sclerosis, Parkinson’s disease.• Mang thai.• Thuốc dùng: rất nhiều thuốc có thể gây bón: anticholinergics, antidepressants (chống sầu buồn), antiparkinsonian agents (chữa bệnh run Parkinson), calcium-channel blochers (chữa cao áp huyết), iron supplements (thuốc chứa chất sắt), opiates (thuốc chứa chất nha phiến), v.v..
Trong những trường hợp táo bón không tìm thấy nguyên nhân rõ rệt, có lẽ bón gây do ruột già chuyển động chậm slow colonic transition ) hoặc sàn vùng chậu không làm việc đàng hoàng ( pelvic floor dysfunction , các bắp thịt vùng chậu và hậu môn không nới lỏng lúc chúng ta rặn khi đi cầu).
Kể bệnh và khám bệnh
Để giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây chứng bón khiến bạn buồn phiền, khi tâm sự với bác sĩ, bạn cho bác sĩ biết ba điểm quan trọng:
• Chứng bón mới đến thăm bạn đây hay ở với bạn đã lâu?• Thực sự, bạn bảo bạn bị bón, bạn muốn nói: bạn ít khi đi cầu, phân bạn cứng, hay bạn phải rặn đỏ cả mặt khi đi cầu, hoặc bạn đi không hết phân, v.v.?• Mỗi tuần, bạn thử nhớ, bạn đi cầu tổng cộng mấy lần?
Thế còn thuốc dùng, bạn có nhớ mang tất cả theo cho bác sĩ xem không. Kể cả những thứ mua không cần toa, như các thuốc chảy mũi, nghẹt mũi Dimetapp, Benadryl, Tavist , v.v.? Chúng có tính anticholernergic , hay gây bón. Và nhiều thuốc khác nữa. Tốt nhất, đi khám bệnh vì bất cứ triệu chứng gì, bạn đều đem theo thuốc cho bác sĩ xem.
Còn nữa. Bạn có đau bụng, đau vùng hậu môn khi đi cầu, bạn có xuống cân, chảy máu trực tràng ( rectal bleeding ) không? Trong lúc đi cầu, bạn có phải ngồi ở một vị trí nào đặc biệt để cố đi? Bạn có phải dùng tay ấn phía trước hậu môn, hoặc đưa tay vào âm đạo đè vào trực tràng ở phía sau để giúp phân ra không? (nếu vậy, bạn có thể bị thòng trực tràng, rectocele). Nếu cứ có cảm giác đầy đầy trong trực tràng, xin bạn cho biết luôn, để ta cùng nghĩ đến các bệnh sa trực tràng ( rectal prolapse ), trực tràng lồng vào nhau ( rectal intussusception ), và thòng trực tràng (rectocele). Những lúc bạn không đi cầu, phân bạn nó có tự ý rò ra không ( fecal incontinence ).
Trong lúc bạn kể bệnh, bác sĩ kín đáo để ý xem nét mặt bạn thế nào, có lộ những nét căng thẳng, buồn sầu chăng. Người căng thẳng, buồn sầu hay bị bón, và có khi đang dùng thuốc tâm thần khiến họ bón thêm. Rồi đến lúc thăm khám cho bạn, bác sĩ sẽ khám tổng quát trước, xem bạn có bệnh toàn diện nào ảnh hưởng cả đến sự hoạt động của bộ máy tiêu hóa bạn, chẳng hạn như các bệnh suy tuyến giáp trạng, bệnh run Parkinson, v.v.. Bác sĩ ngắm xem bạn có gầy còm, xanh xao không, vì bệnh ung thư ruột già có thể gây bón, còn làm ta xuống cân, mất máu. Khi khám hậu môn của bạn, bác sĩ sẽ để ý xem hậu môn bạn có vết nứt nào ( anal fissures ) hoặc có trĩ ( hemorrhoids ) khiến bạn đau, và đâm ngại đi cầu. Bác sĩ nhờ bạn rặn thử, như lúc đi cầu, để xem trực tràng của bạn có sa xuống không.
Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ngón tay vào hậu môn bạn để thăm khám tiếp. Bạn chịu khó chút. Dùng ngón tay thăm như vậy, bác sĩ có thể khám phá bạn có vết nứt hậu môn, trĩ, mạch lươn (fistulas), đồng thời thẩm định xem cơ vòng hậu môn của bạn có còn làm việc đàng hoàng không. Bác sĩ lại nhờ bạn rặn như đi cầu lần nữa, để xem bên trong, trực tràng có thòng xuống bất thường lúc bạn rặn không, và cùng lúc, nếu cơ vòng hậu môn, lẽ ra nó phải dãn ra để phân bạn thoát ra dễ dàng, mà không, nó lại siết lại, thì đúng là nó không muốn làm việc rồi. Với ngón tay trong hậu môn bạn, bác sĩ cũng xem bạn có bị bướu trong trực tràng, có bị vón phân ( fecal impaction ), có khi thành một cục to như trái banh tennis, khiến bạn đã bón càng thêm bón, hoặc ngược lại, khiến phân cứ hay nhỉ ra, nhỉ ra những lúc bạn không đi cầu, khiến bạn thấy phiền quá.
Với những vị lớn tuổi mới bị bón đây, ta cẩn thận và nghĩ xa hơn chút, vì sợ ung thư ruột già là nguyên nhân làm bón. Nếu cùng với bón, có cả chảy máu trực tràng hoặc thiếu máu do thiếu chất sắt, ta nên nhờ bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa soi toàn thể ruột già (colonoscopy ) cho chắc ăn, kẻo có ung thư nó nằm đâu đó. Còn không (không chảy máu trực tràng, không thiếu máu do thiếu chất sắt), soi ruột không gấp, ta chụp phim ruột già, vì phim chụp có thể cho thấy ruột già hoặc trực tràng có to bự bất thường hay chăng (megacolon or megarectum ).
Chữa trị
Chữa trị
Bón ít khi do những nguyên nhân nguy hiểm, nên nếu việc thăm khám không cho thấy có gì lạ lắm, chúng ta có thể bắt tay ngay vào việc chữa trị, chưa cần phải thử máu hoặc làm những trắc nghiệm phức tạp.
Chữa bón gồm 4 bước, từ nhẹ nhàng đến nặng tay. Bước đầu, bạn nên thường xuyên vận động (như đi bộ 30-45 phút mỗi ngày), uống nước cho đủ (6-8 ly nước mỗi ngày), và hàng ngày, bỏ ra 15-20 phút để nhẩn nha đi cầu. Hãy lắng nghe và đáp ứng những tín hiệu đòi đi cầu của bộ tiêu hóa, những tín hiệu này mạnh nhất sau khi ta ăn, nhất là sau bữa sáng. Nếu ta phe lờ, tín hiệu muốn đi cầu từ bộ tiêu hóa sẽ yếu dần rồi hết hẳn, nó thôi, không nhắc ta nữa.
Bạn nên ăn nhiều rau, trái cây, bran cerial, whole wheat bread, v.v., những thực phẩm chứa nhiều chất sợi (fiber) giúp ta đi cầu đều hơn. Mỗi ngày bạn cần khoảng 20-35 g chất sợi để chống bón. Bạn đang dùng thuốc gì nghi có thể gây bón ư, ta giảm lượng thuốc, hoặc đổi sang một thuốc khác không gây bón.
Nếu bạn không ăn đủ rau trái, bran cerial, whole wheat bread, v.v., để có đủ 20-35 g chất sợi mỗi ngày, ta sang bước thứ hai. Bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng các thuốc cung ứng chất sợi ( polycarbophyl, psyllium, methylcellulose ) để đi cầu đều hơn. Còn phân của bạn quá cứng ư, bạn có thể dùng thuốc làm mềm phân ( stool softener ), như thuốc Colace .
Với những biện pháp trên, mà cái ruột của bạn vẫn ỳ ra, ta phải sang đến bước thứ ba, tuần 2-3 lần, dùng thêm các thuốc xổ có tác dụng thẩm thấu (osmotic laxatives) chứa chất muối magnesium ( magnesium citrate, magnesium hydroxide ), sodium phosphates, hoặc các chất đường không hấp thụ (nonabsorbable sugars) như lactulose, sorbitol . Các thuốc này tương đối lành, tuy nhiên, ta không nên dùng chúng cho những vị bị suy thận ( renal insufficiency ), hoặc phải ăn một thực phẩm lạt, ít chất muối sodium.
Bước thứ tư là bước cuối trong sự chữa trị bằng thuốc, gồm những thuốc xổ có tác dụng kích thích (stimulant laxatives), như các thuốc bisacodyl, senna , v.v., dùng cho những cái ruột già cứng đầu, không chịu làm việc gì cả. Đã đến bước này, mà cũng chẳng ăn thua, thì đúng là ta gặp phải cái ruột già ngoan cố.
Với những cái ruột già ngoan cố, ta cần tìm xem những nguyên nhân sâu xa bên trong gây bón. Những thử máu thường được làm, trường hợp chứng bón của bạn cứng đầu, không chịu thua những cách ta đã thử kể trên: TSH, calcium, glucose, creatinine, complete blood count (đếm máu toàn diện, hay được viết tắt CBC), để truy tìm các bệnh suy tuyến giáp trạng, cao hoặc thấp calcium trong máu, suy thận, những bệnh hay gây bón. Còn làm CBC (đếm máu toàn diện) để xem bạn có thiếu máu không, nếu có, ta nên nghĩ đến ung thư ruột già, một bệnh chúa hay gây thiếu máu.
Nếu mọi tìm hiểu với thử máu đều bình thường, và chứng bón của bạn nó vẫn quá lắm, không có mòi thuyên giảm, đây là lúc bạn cần được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa, để bác sĩ chuyên khoa soi đường tiêu hóa phía dưới của bạn ( sigmoidoscopy ) xem có gì lạ, và nếu cần sẽ làm những trắc nghiệm đặc biệt như đo lường sự chuyển động của ruột già ( measurement of colon transit ), đo áp suất vùng hậu môn-trực tràng (anorectal manometry ), chụp phim lúc đang đi cầu ( defecography ), v.v.. Sự chữa trị sau đó sẽ tùy vào kết quả của những trắc nghiệm đặc biệt này. Thỉnh thoảng, có chứng bón, hết thuốc chữa, vì trị liệu nào cũng vô phương, cách trị cuối cùng là đành cắt hẳn ruột già (colectomy ).
Ôi, bón khiến nhiều người chúng ta đau khổ, mặt mày tư lự. Cũng may, thường nó không do nguyên nhân nguy hiểm. Bạn tăng cường vận động, uống cho đủ nước, ăn nhiều rau trái cùng những thực phẩm giúp chống bón, tránh những thuốc có thể gây bón, tập thói quen đi cầu đều mỗi ngày (nghe theo tiếng gọi của bộ tiêu hóa, đi ngay lúc nó muốn), thường bón sẽ bớt.
Bs Nguyễn Văn Đức
Nếu không thuộc lĩnh vực y học thì căn bệnh táo bón của VN là bị táo bón về phát minh & chế tạo.
ReplyDelete