PHỤC HỒI RỪNG ĐỂ CHỐNG LŨ LỤT CÓ DỄ KHÔNG ?
Xin thưa là : Không dễ ! Và xin thưa, rừng nguyên sinh mà phá thì vĩnh viễn mất, không bao giờ có thể hồi phục lại được. Nhưng chúng ta vẫn có thể phục hồi thành rừng tái sinh, dù thiên nan vạn nan. Thiên nan vạn nan nhưng không phải là bất khả.
Cho đến năm 1975, sau nhiều năm bị bom đạn và chất hóa học cùng với việc phá rừng làm rẫy lấy lương thực nuôi quân, nhưng dãy Trường Sơn và rừng đầu nguồn ở miền trung phần lớn vẫn còn rừng nguyên sinh. Sau đó, tốc độ phá rừng đã diễn ra chóng mặt. Ngày nay, rừng nguyên sinh không còn nữa, chỉ còn ở một số khu bảo tồn nhưng luôn luôn bị đe dọa.
31 năm trước, tôi viết bút ký “Rừng vẫn chưa xanh lá” nói về vụ kỷ luật thất đức dành cho nhà lâm sinh kiệt xuât kiêm Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Nam Đà Nẵng Hoàng Đình Bá, cùng với thảm cảnh phá rừng, đăng trên tạp chí Đất Quảng. Vì bài viết đó, sau khi tôi ra Hà Nội, vẫn bị Tỉnh ủy gọi về thi hành kỷ luật “Cảnh cáo” do đã dám lật lại một quyết định của Đảng. Là một nhà lâm sinh yêu rừng như yêu vợ con mình, là người mà cố chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công sinh thời đánh giá là con chim đầu đàn về lâm sinh không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á, ông Hoàng Đình Bá với tư cách là Trưởng ty Lâm nghiệp, đã đem hết tài năng của mình ra tổ chức phục hồi rừng của tỉnh này. Chỉ trong vòng 3 năm sau hòa bình, dưới sự điều hành của ông, toàn bộ đất trống đồi núi trọc mấy trăm ngàn ha đã được phủ xanh thành rừng. Nhưng tất cả công lao của ông đã biến thành tội lỗi, ông bị kết tội là “tù binh của giai cấp tư sản” vì đã sử dụng kinh tế tư nhân để phục hồi rừng. Ông bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng, kéo theo đó là toàn bộ rừng do ông tổ chức phục hồi lại biến thành đồi núi trọc, và sự kiêu ngạo tham lam của con người cứ thế tấn công vào rừng rậm.
Trước đó, khi còn ở miền Bắc, ông là tác giả dự án bảo tồn Rừng Quốc gia Cúc Phương, nơi được đánh giá là khu bảo tồn rừng nguyên sinh tốt nhất nước ta hiện nay. Ông vào Nam trong chiến tranh, vẫn là người kiên quyết bảo vệ rừng giữa bom đạn. Ông phản đối việc tổ chức những binh đoàn phá rừng sản xuất lấy lương thực nuôi quân mà ông cho rằng không hiệu quả, chỉ có rừng bị phá còn sản xuất thì không đủ nuôi chính những người sản xuất. Cũng giữa chiến tranh, ông cảnh báo, nếu giữ cung cách quản lý quan liêu như miền bắc hồi ấy, thì sau hòa bình sẽ diễn ra tình trạng “chảy máu chất xám”, ông thẳng thắn nói điều đó giữa Đại hội Đảng bộ Khu 5. Giám đốc Công an Khu hồi ấy đã ký lệnh bắt ông, nhưng nhờ Bí thư Khu ủy Võ Chí Công can thiệp nên ông mới không bị làm sao. Sau hòa bình, ông đã từ chối chức vụ Thứ trưởng để đem hết tâm huyết khôi phục rừng và ông đã trả giá.
Từ mấy chục năm trước, ông đã cảnh báo tần suất lũ lụt sẽ ngày càng nghiêm trọng và nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt nếu như không giữ được rừng. Mỗi khi lũ lụt diễn ra, tôi lại nhớ tới ông. Những ngày này, khi đồng bào miền trung phải oằn mình đau thương chết chóc trong cơn lũ trầm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây thì bạn tôi báo tin ông đang rất yếu, ông đã gần 90 tuổi rồi còn gì. Ông đã làm tất cả những gì mà một con người có thể làm được để giữ rừng, ông chính là vị Thần Rừng mà đồng bào Quảng Nam quê tôi ngưỡng mộ mỗi khi nhắc đến. Người ta đã không nghe ông, không nghe những người có tâm huyết với rừng như ông, để cho người dân lương thiện bây giờ phải trả giá thay cho họ.
Đối với tôi, đây là Bút ký đầu tiên để chuẩn bị bước chân vào nghề báo chuyên nghiệp. Ông đã dạy cho tôi rất nhiều điều về cây cỏ, về sông suối, về sự khiêm tốn của con người trước thiên nhiên và về hậu quả của sự ngạo mạn. Mất rừng, không chỉ có thảm họa do lũ lụt. Mất rừng, mạch nước ngầm cũng sẽ cạn kiệt, sự sống của con người và cỏ cây sinh vật cũng bị thu hẹp. Ở quê tôi, rừng đầu nguồn bị mất cộng với một loạt dự án thủy điện đầu nguồn sông Thu Bồn – Vu Gia, phố cổ Hội An cũng sẽ không còn, ông đã cảnh báo từ hơn 30 năm trước, giờ thì sự sạt lở đang hiển hiện. Nếu không phục hồi rừng đầu nguồn thì phố cổ Hội An không bao lâu nữa sẽ chỉ còn là phế tích điêu tàn.
Gần 10 năm nay, nhớ lời ông mà tôi đã đi trồng cây để tạo một cái vườn rừng be bé nơi tôi ở. Và thương mến biết bao những bạn trẻ đang bỏ phố về quê để trồng cây tạo vườn rừng. Không thể khôi phục lại rừng nguyên sinh, nhưng mỗi người trồng ít nhất một cái cây, rừng sẽ tái sinh, tại nơi chúng ta ở, lan tỏa ra những nơi khác. Hy vọng sẽ có một phong trào tình nguyện trồng cây gieo hạt ở rừng đầu nguồn, chắc chắc nhiều bạn trẻ sẽ tham gia, người lớn tuổi như tôi cũng nhất định sẽ tham gia.
Mỗi người một cái cây, ngay từ bây giờ. Sẽ không ngăn được thảm họa trong hiện tại và tương lai gần, nhưng sẽ ngăn được thảm họa trong tương lai cho con cháu. Nếu thực hiện nghiêm ngặt việc đóng cửa rừng và cấm sử dụng gỗ rừng tự nhiên, thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị cấm săn bắt tiêu thụ động vật hoang dã, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ và mỗi người trồng một cái cây, thì rừng nhất định sẽ tái sinh. Tất nhiên phải trồng những loài cây có bộ rễ sâu mới có thể tái sinh rừng. Không chỉ có chúng ta trồng cây gieo hạt, động vật hoang dã, nhất là chim chóc và côn trùng cũng sẽ làm nhiệm vụ gieo hạt. Và gió lành cũng làm nhiệm vụ gieo hạt với chúng ta.
HOÀNG HẢI VÂN
No comments:
Post a Comment