TIẾN SĨ PHẠM KIM LONG - TÁC GIẢ PHẦN MỀM UNIKEY NỔI TIẾNG
Phan Anh Sơn: Bản thân mình vẫn luôn dùng bàn phím UniKey hàng ngày trên Laptop. Rất cảm ơn TS Phạm Kim Long đã cho ra đời chương trình rất có ích này.
Sau đây là câu chuyện về sự ra đời của bàn phím này, chép lại từ trang nhà anh Trần Văn Nhung.
⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️⌨️
Phạm Kim Long sinh ra tại Hà Nội, từng học lớp chuyên toán trường Hà Nội – Amsterdam. Sau đó, Long vào học lớp Tin A, K36 Khoa Toán Tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ 1991 – 1996. Phạm Kim Long tốt nghiệp Bách Khoa loại giỏi và được cử đi nghiên cứu sinh tại Czech Technical University in Prague.
Phạm Kim Long sinh năm 1973, năm nay cũng đã 47 tuổi. Hiện tại, Phạm Kim Long đang sinh sống và làm việc chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã lập gia đình. Anh từng làm việc cho IBM Việt Nam và của FPT Telecom, một lò luyện lập trình nổi tiếng ở trong nước. Còn công việc hiện nay thì Phạm Kim Long làm vị trí Quản lý kỹ thuật Cao cấp tại tập đoàn VNG Corporation, đơn vị nắm quyền quản lý của ZingNews, Mp3.Zing, Zalo, VNG Game và nhiều cái tên đình đám khác.
Theo lời kể của Phạm Kim Long thì thời đó Việt Nam rất hiếm máy tính, điều kiện thực hành của sinh viên gần như không có, mà chủ yếu phải chạy ra ngoài thuê máy.
Vào năm 1994, khi còn là sinh viên cuối tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, Phạm Kim Long đã cùng 3 bạn cùng lớp thách đố nhau xem ai tạo ra bộ gõ tiếng Việt nhỏ gọn nhất dành cho hệ điều hành DOS bằng ngôn ngữ lập trình Assembly. Kết quả, Long giành chiến thắng với bộ gõ chỉ 2Kb siêu nhỏ gọn, nhưng đó vẫn chỉ là một sản phẩm “làm cho vui” của chàng sinh viên trẻ.
Mãi đến năm 1998, lúc còn theo học chương trình nghiên cứu sinh tại trường Đại học kỹ thuật Prague, Cộng hòa Séc, Phạm Kim Long đã lập trình bộ gõ tiếng Việt trên hệ điều hành Windows với tên gọi LittleVnKey. Phiên bản này thì Long cũng mới dừng lại ở việc sử dụng cá nhân và tặng bạn bè, thậm chí nó còn chưa hỗ trợ bộ mã quốc tế UniCode.
Phạm Kim Long có ý tưởng lập trình bộ gõ cho người Việt từ năm 1994, thời điểm mà khái niệm công nghệ thông tin còn khá mới mẻ. Hệ điều hành Windows dần xuất hiện, trong khi mãi tới năm 1997 thì Việt Nam mới có Internet. Lúc đó còn dùng dây cắm điện thoại bàn để vào mạng khá tốn kém. Việc Long cho ra bộ gõ tiếng Việt trên DOS đã làm nền tảng cho thành công của Unikey sau này.
Từ năm 2000, việc bộ mã quốc tế thống nhất dùng chung cho tất cả các ngôn ngữ trên toàn thế giới Unicode được tích hợp vào Windows đã thôi thúc Phạm Kim Long tạo ra phiên bản Unikey đầu tiên hoàn chỉnh. Lúc đó, người dùng Việt Nam muốn gõ tiếng Việt trên máy tính và trên môi trường Internet thì phải dùng các sản phẩm tính phí, mà “cánh chim đầu đàn” phải kể đến thương hiệu VietKey vang bóng một thời.
Cuối năm 2000, Phạm Kim Long mới lần đầu tiên giới thiệu phiên bản Unikey hoàn chỉnh hỗ trợ UniCode. Sự tích đằng sau đó cũng rất ly kỳ, bởi Long thời điểm đó đang bí đề tài làm luận án nên đã lân la trên diễn Đàn tin học nổi tiếng bấy giờ là VNN (tiền thân của Vietnamnet) thì thấy dân tình đang bàn tán sôi nổi về việc Windows hỗ trợ Unicode tiếng Việt. Đặc biệt, người dùng thường hay hỏi trên diễn đàn về cách crack VietKey, bộ gõ hỗ trợ UniCode trên Win nhưng phải trả phí.
Vì máu nghề mà Phạm Kim Long đã quyết định tạo bộ gõ miễn phí để giúp mọi người. Cậu dành một đêm thiết kế, hai đêm mã hóa liên tục mới cho ra phiên bản hoàn chỉnh mang tên Unikey. Chỉ sau một năm ra mắt, Unikey được cộng đồng đón nhận nhiệt tình, trở thành công cụ gõ tiếng Việt hàng đầu.
Năm 2001, Long quyết định công bố mã nguồn mở Unikey. Một số người đã gửi thư chỉ trích gọi hành động của Phạm Kim Long là nhiệt tình thái quá, và quyết chết các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên với cộng đồng người dùng, việc làm của Phạm Kim Long rất đáng hoan nghênh.
Đến năm 2006, Apple đã liên hệ với Phạm Kim Long để được quyền tích hợp lõi Unikey lên tất cả sản phẩm macOS và iOS của mình. Nếu như ngày nay bạn có thể gõ tiếng Việt trên iPhone, iPad, Mac hay MacBook thì nên nhớ đó là nhờ bộ mã UniKey của Phạm Kim Long đó.
Hiện nay, anh đang đứng đầu một nhóm phát triển những ứng dụng di động ở Việt Nam. Laban Key dành cho Android là một phần mềm đáng được chú ý kế thừa UniKey với một giao diện tương thích cho nhiều kích thước màn hình.
Bài từ fb Tuan Bui
No comments:
Post a Comment