Chữ "tâm linh" ở Việt Nam bị lợi dụng đến mức không phân biệt các điểm khác biệt tinh tế. Tin ở ma gà, ma chó, vong hồn, Thượng Đế, Phật, Chúa, tin ở bói toán, cất mộ, cơ bút, rút xăm, tất tật cái gì phi khoa học đều tâm linh tuốt. Như vậy có nghĩa là sẽ có khoa học và những điều còn lại. Nói về phạm trù "những điều còn lại" chỉ có nghĩa khi chúng hữu hạn, ngoài ra chúng sẽ bao gồm những điều xung khắc nhau, cũng có khi chẳng liên quan và không có ích lợi khi bàn về tất cả tập hợp này. Vì vậy, điểm khác biệt giữa khoa học và tâm linh có thể thấy rõ: Các nhà khoa học đều có thể đồng ý với nhau bằng tranh luận khoa học. Các nhà tâm lý không thể đồng ý với nhau và coi nhau là đối thủ nguy hiểm hơn chính khoa học.
Vì vậy, tìm hiểu về "tâm linh" phải giới hạn trong một luận điểm và định nghĩa nhất định về "tâm linh". Trong bài này tôi sẽ nói về "tâm linh" là spiritualism, có định nghĩa đàng hoàng. Các khái niệm vu khoát dù là tôn giáo hay Triết học không liên quan xin đừng thảo luận ở đây. Các giải nghĩa tôn giáo triết học có tính cá nhân lại càng không. Mục đích của tôi là bàn về những cái khoa học chưa giải thích được, nhưng có khả năng nhận thức được trong một khoảng thời gian hữu hạn không dài quá. Cũng thuộc về "tâm linh" theo định nghĩa "còn lại".
"Tâm linh" quan niệm có những linh hồn (spirits) có thể và có xu hướng giao tiếp với người sống. (Nếu như vậy sẽ có thể nhận thức, quan sát được. Tất nhiên như thế vẫn chưa phải là khoa học theo định nghĩa hiện tại vì khoa học còn yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào thời gian, không gian, cá nhân, và lặp lại được).
Do chúng ta không thể chủ động giao tiếp với các linh hồn khi chúng không muốn, theo logic thì các linh hồn là hoàn thiện, có năng lực cao hơn chúng ta. Việc cắt nghĩa chúng là hình phóng chiếu của chúng trong tâm trí chúng ta, không có gì đảm bảo không bị sai lệch và trung thành 100% với nguyên bản. Chúng ta có thể thấy bề trên, thần phật, những người đã khuất, là những hình ảnh có sẵn trong tâm trí được lấy ra để phối hợp với tác động giao tiếp tạo thành một bức tranh nào đó. Chúng ta có thể thấy quỷ dữ. Có khả năng thấy gì là do tâm trí chúng ta đã được xây dựng theo một cách thức nào đó. Người ta có thể nói hoa mĩ là tâm lành hay không lành. Để có được những hình ảnh nhất định bên cạnh việc có năng lực đặc biệt, cơ duyên có thể có những phương pháp tu tập. Tuy vậy, hiện tại không có gì đảm bảo cách tu tập này sẽ gần chân lý hay tốt hơn cách tu tập khác ngoài tiêu chuẩn "thấy dễ chịu" là một tiêu chí không liên quan đến chân lý.
Trong trường hợp chúng ta tin rằng có các đấng bề trên toàn năng, có thể hướng dẫn chúng ta để chúng ta có thể sống tốt hơn, tâm linh sẽ là xuất phát điểm cho một niềm tin, mà các tôn giáo như Phật, Chúa, Alah, Đế Thích, Ngọc Hoàng là các giản lược để tạo nên các thiết chế xã hội nhằm ràng buộc con người, bắt đầu với thiện ý nhưng luôn có xu hướng nô dịch và ép buộc con người theo ý của một thiểu số. Ở đây chúng ta sẽ dừng lại ở mức giả thiết có các bề trên, hay gọi tổng quát là các linh hồn như vậy (hy vọng chúng ta sẽ không lẫn linh hồn với "vong" là những gì được cho là còn lại của người đã chết).
Tâm linh tin rằng có thể luyện tập để mở các kênh giao lưu với các linh hồn tốt và tạo ra một vòng kim cô ngăn các linh hồn xấu. Về mặt logic, có thể không có linh hồn tốt phân biệt với linh hồn xấu và chỉ có một linh hồn mà thôi, xấu tốt là do nhận thức cá nhân như ta đã nói ở trên. Nói một cách khác Chúa và Satan là một, tùy nhận thức mà ta sẽ thấy Satan hay Chúa. Vì vậy luyện tập là để tạo ra hình ảnh Chúa và ngăn cản việc thấy Satan (hoặc ngược lại nếu muốn). Như vậy mỗi người chúng ta đều sẽ có một linh hồn dẫn dắt, cũng có thể quan niệm đó là Bề trên hay Thượng đế phổ quát, hoặc một cá thể chỉ liên quan tới cá nhân ta. Khi chúng ta không thấy linh hồn này có nghĩa là kênh giao tiếp bị đóng. Chúng ta có thể tiếp tục đóng, khóa chặt thêm hoặc tìm cách mở kênh giao tiếp.
Có một trường phái chủ trương mở kênh giao tiếp, gọi là spiritism (thông linh). Có nhiều cách khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là cầu cơ hoặc các biến thể như giáng bút. Trào lưu này khá phổ biến vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và cho đến nay vẫn còn rải rác. Ở ta đạo Cao Đài cũng sử dụng cách giao tiếp này. Qua thực hành, thông linh tin rằng có hiện tượng đầu thai hoặc tái sinh luân hồi. Đạo Thiên Chúa ngày nay không tin ở Luân hồi, do giáo lý hướng dẫn con người hướng về Chúa để lên Thiên đường, nhưng nguyên thủy có tin ở Luân hồi. Hôm nay tạm bàn thế đã.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment