Monday, October 18, 2021

Đế quốc bành trướng, đế quốc lụn bại – (11) Thế giới dịch chuyển.

 (tiếp theo)

Thất bại của Phương Tây tại Afghanistan làm tôi nhớ đến tiến sỹ Peter Scholl-Latour (1924-2014). Ông là một nhà báo, học giả Đức gốc Pháp với một cuộc đời hiếm thấy. Ông từng bị Gestapo bắt giam vì muốn đi theo du kích của tướng cộng sản Tito. Được quân Pháp thả ra khỏi trại giam Đức, ông đi lính lê dương sang Việt Nam. Trở về Đức ông thành phóng viên chiến trường, có mặt tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Sách của ông bán chạy như tôm tươi. Riêng quyển „Cái chết trên đồng lúa“[1] viết về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã bán được 1,3 triệu bản. Những buổi diễn thuyết của ông thường có hàng ngàn sinh viên và học giả đến dự.

Cuối năm 2010, tại giảng đường đại học Duisburg (Đức), ông từng tiên đoán: „Cuộc can thiệp của NATO vào Afghanistan sẽ thất bại ê chề“. Đi xa hơn nữa, ông còn cho là „Sự thống trị da trắng đang cáo chung“. (Das Ende der weissen Weltherrschaft)

Từ thế kỷ 15 về trước, châu Âu luôn bị các đế quốc Á châu và Trung Đông chèn ép. Quân Ba Tư, Ai cập, Tarta, Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyên Mông đã nhiều lần tràn ngập châu Âu. Mặc dù không bị Trung Quốc hay Ấn Độ xâm lăng, nhưng châu Âu luôn bị chinh phục bởi hàng hóa của họ qua con đường tơ lụa. Triết học phương Đông được các nhà thông thái ở Paris, Berlin nghiền ngẫm. Các hoàng đế châu Âu thích xây những phòng trà kiểu Tàu hay Nhật trong vườn thượng uyển của họ. 

Vào cuối thế kỷ 15, phát triển hàng hải đã giúp cho các nhà truyền giáo, các nhà buôn và kèm theo đó là chủ nghĩa thực dân Âu châu mở rộng tầm ảnh hưởng. Nền văn minh thiên chúa giáo lan dần sang châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Đại dương. 

Cách mạng công nghiệp đã giúp Châu Âu có pháo hạm, có đại bác, có khinh khí cầu. Nhưng đặc biệt là máy in đã khiến họ có… sách báo. 

Sự áp đảo của châu Âu da trắng không bắt đầu từ máy hơi nước mà từ việc truyền bá văn hóa và tư tưởng. Cứ như vậy họ truyền bá khắp địa cầu không chỉ chủ nghĩa tư bản, mà cả chủ nghĩa xã hội, không chỉ tư tưởng dân chủ, nhân quyền mà cả tư tưởng chủng tộc, không chỉ chế độ tam quyền phân lập, mà cả chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa vô chính phủ... 

Mọi thứ của văn minh da trắng trở thành thước đo, từ cái đẹp da thịt đến thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc. Người Việt biết ơn ông Alexandre De Rhodes vì đã giúp ta dùng chữ quốc ngữ để “thoát Trung”, trong khi người Hoa bỏ rượu cao lương để tập uống bia của Đức. Người Âu không chỉ đại diện cho văn minh, cho phúc lợi, họ đã gây ra hai cuộc đại chiến đẫm máu. Cuộc cách mạng XHCN long trời lở đất của họ đã khích lệ hàng tỷ nô lệ khắp thế gian vùng lên đòi chia lại của cải. Khi người Âu-Mỹ đã xử lý xong cuộc đấu tư bản - cộng sản thì người Hoa, người Việt, người Angola, người Ethiopia… âm thầm chuyển bài, bắt chước kẻ thắng cuộc.

Từ đó bản đồ chính tri thế giới chuyển dịch. Những gì xảy ra ở Mỹ tôi nêu trong bài trước chứng tỏ đế quốc này đã mệt mỏi, đang từ bỏ dần vai trò lãnh đạo của nó.

Châu Âu vốn là quê hương của các đế quốc. Những đế quốc nhỏ từ Makedonia, Áo, Hung, Thụy Điển, Ba Lan đến Latvia nay chỉ còn nuối tiếc quá khứ huy hoàng. Các trùm đế quốc già cỗi: Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều đã rụng hết lông. Các cường quốc này nếu đứng riêng bên các thuộc địa cũ như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia sẽ chỉ là cái đinh. Vì vậy họ liên kết với nhau thành liên minh EU, hy vọng có trọng lượng trên trường quốc tế. Nhưng 27 ông bà ích kỷ này chỉ định góp gạo thổi cơm chung. Nhiều kẻ chỉ thích lấy đồ trong cái nồi chung đem về nhà, không chịu góp gì hết. Đã thế mấy ông Hung, Tiệp, Ý, Hy-Lạp toàn bán cá độ cho đối phương. Ba-Lan thì chỉ thích tiền của EU, trong khi chửi bọn cấp tiền cho mình như hát hay. Nội tình của EU sau Brexit khá rối ren.

Thực ra sự vô địch của người Âu bắt đầu lung lay từ 1905, khi Nhật Bản đánh chìm hạm đội Nga ở biển Hoàng Hải và 36 năm sau tàn phá Trân Châu Cảng của Mỹ. Sự trỗi dậy của Nhật Bản trong những năm 1970 khiến Âu Mỹ lo ngại “Nạn Da Vàng” sẽ đè bẹp họ. Điều đó đã không xảy ra. Cho đến khi Trung Quốc trỗi dậy.

Việc Trung Quốc đang vươn lên thành siêu cường là một thực tế khách quan. Dù phương Tây có cảnh giác hay không thì chỉ là vấn đề thời gian. Napoleon đã biết điều này gần ba thế kỷ trước. 

Thách thức lớn nhất của Trung Quốc không phải là tổng sản lượng hàng hóa hay sức mua khổng lồ, mà là mô hình. Nếu như tự do, dân chủ kết hợp với công nghiệp hóa đã thúc đẩy phương Tây phát triển hai thế kỷ liên tục, thì công nghiệp hóa bằngđộc tài, đàn áp đã đưa Trung Quốc đi lên trong vòng 40 năm qua. 

Chế độ độc tài có thể bỏ mặc số phận của hàng triệu người để san bằng các khu dân cư, có thể bất chấp mọi quyền riêng tư của công dân để giành uy thế về trí tuệ nhân tạo, có thể khóa chặt dân chúng sau các hàng rào sắt để chống dịch, có thể sử dụng mạng người sống để tạo ra các thành tựu y học…Kể ra không hết tội ác. 

Điều nguy hiểm nhất ở mô hình này là nó hấp dẫn nhiều người. Không vô lý mà ở các nước ôn hòa như Brazil nay Phillipinne, người ta thèm thuồng nhìn về Bắc Kinh. Một loạt các đế quốc nhỏ theo mô hình này đang ra đời, xáo trộn bàn cờ thế giới. Tiều quốc Qatar bé nhỏ chưa tới 3 triệu dân nhưng đang thao túng bàn cờ chính trị Trung Đông là một ví dụ.

Mặc dù là một trí thức lớn lên và tốt nghiệp ở Anh, Hamad al Thani, ông chủ duy nhất của Qatar đã dùng chế độ độc tài phong kiến hà khắc để phát triển xứ sở thành một cường quốc, có ảnh hưởng  lớn đến các cuộc xung đột ở Syria, Lybia, Yemen, Libanon, Israel. Ở Afghanistan không có Qatar thì chẳng việc gì chạy được. Đài truyền hình Al Jazeera của dòng họ Thani hiện là một trong ba mạng tin tức (News Network) lớn nhất thế giới, bên cạnh BBC và CNN. Cơ quan Qatar Space Agency đang lập kế hoạch đưa người lên mặt trăng.[2]

Thành công kinh tế của Qatar được trả bằng mồ hôi và máu của rất nhiều lao động nhập cư, nhưng đang đưa nó đến vinh quang qua hàng loạt các giải vô đich thế giới, bất chấp mọi cáo buộc của giới nhân quyền. World cup bóng ném 2015, Vô địch điền kinh thế giới 2019, đua xe F1 2021 và World cup bóng đá 2022 là những phần thưởng bẩn thỉu mà Qatar được hưởng. Qatar là một Mini-China, chỉ cần thay Tập bằng Al Thani, thay đảng bằng vương triều.

Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi, Brazil… cũng đang trở thành các cường quốc khu vực, chia sẻ quyền lực với phương Tây. Đó chính hệ quả phát triển dân số, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chỉ ngạc nhiên khi ai đó không lựa chọn mô hình ưu việt của dân chủ, tự do tây phương.

Người ta cố tình không hiểu rằng: Trong sự phát triển ngoạn mục của Trung Quốc chứa đựng rất nhiều yếu tố diệt vong. Tôi đã viết nhiều về những xung đột và bất cập trong mô hình Trung Quốc. Từ mâu thuẫn giàu nghèo, mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, mâu thuẫn về phân chia quyền lực của các tập đoàn, mọi việc đều được giải quyết bằng bạo lực, đàn áp. Những  gì Tập đang làm hiện nay với giới doanh nghiệp, văn nghệ sỹ Trung Quốc xem ra có vẻ tập trung sức mạnh vào chế độ, nhưng về lâu về dài sẽ buộc giới tinh hoa phản kháng. Sùng bái cá nhân là một đặc tính của người Trung Quốc, nhưng trong thời đại thông tin, cạnh tranh, nó sẽ tạo ra xung đột trong nội bộ đảng.

Xung đột nội bộ sẽ là chất nổ phá tan đế chế. Trung Quốc hiện chỉ đang quay lại vị trí siêu cường mà nó từng mất. Trong lịch sử, đế chế Trung Hoa đã nhiều lần chìm đắm. Thậm chí người Hán từng mất nước vào tay Nguyên Mông, Mãn Châu và phương Tây.

Mô hình phát triển của chế độ độc tài có thể đem lại những lợi thế trước mắt. Nhưng về lâu về dài, nền dân chủ vẫn có sức sống hơn, cho dù bị thách thức.

Người Việt vốn ghét Trung Quốc nên mọi tội vạ trên đời đều đổ cho “Tàu”. Mua đồ cũ về xài không được cũng là tội của Tàu. Nhắm mắt sản xuất nông sản cho Trung Quốc, khi không bán được cũng tại “Tàu thâm”. Ấy vậy mà người ta học Tàu từ cách chống dịch đến cách mắc dịch. Sợ và ghét Tàu khiến người ta mâu thuẫn. Khen Trump đánh Tàu sắp chết, nhưng đổ tội Tàu mua hết cả nước Mỹ, từ đảng Cộng hòa, quan tòa đến báo chí khiến Trump thua…

Nhận thức được sự phát triển của Trung Quốc và những dịch chuyển toàn cầu sẽ giúp người ta tỉnh táo. Cách duy nhất để không bị ăn hiếp là xây dựng một quốc gia cường thịnh, tự do và nhân đạo. Đó là điều Trung Quốc không có.

Học theo họ thì Việt Nam luôn là tay học trò tồi.

Nguyễn Xuân Thọ

-----

No comments:

Post a Comment