Saturday, July 29, 2017

Singapore: Ghi chép tháng 7 (6)

Các bạn trở lại phần trước ở đây

Từ sân bay Tân Sơn Nhất, sau gần 2 giờ bay, chúng ta sẽ đến Singapore. Chỉ cách nhau 2 giờ, trong cùng một vùng địa lý và khí hậu, cùng chung một vùng biển, nhưng sự khác biệt/thua kém quá nhiều. 

Chúng ta khác biệt không chỉ với Singapore mà còn với tất cả những nước khác trong vùng ĐNA, vì ta tự hào với 4000 năm văn hiến, với đất nước "biển bạc rừng vàng", với giòng dõi Lạc Hồng "con Rồng cháu Tiên", vì lý tưởng xây dựng 1 xã hội ưu việt ... và trên tất cả, chúng ta có "đảng lãnh đạo".

Sau khi chiến tranh kết thúc, sự lãnh đạo càng ngày càng xa rời quần chúng với một đường lối không kiên định, không thực hiện nổi kỳ vọng của những bậc tiền bối, những người kiến tạo từ thời kỳ sơ khởi/thiếu thốn và hết sức khó khăn, và VN cũng đã để lỡ những cơ hội/những tấm vé lên con tàu thịnh vượng đưa dân tộc thoát khỏi tình trạng lệ thuộc và bế tắc.

Sự lãnh đạo không phải là cứ mầy mò như "gậy thằng mù", lừng chừng/nửa vời mà phải bao gồm yếu tố anh minh đầy ý chí, có tính quyết định đến vận mệnh của Tổ quốc, thời thế càng khó khăn/nguy kịch, vai trò của tổ chức/nhóm mang sứ mệnh lãnh đạo càng lớn.

Vì sao họ lại phát triển, còn mình thì không?

Khi còn là những LHS từ những năm 70s, câu hỏi này đã làm chúng tôi thắc mắc về những khác biệt giữa các nước châu Âu (XHCN) với VN và một số nước XHCN khác ở châu Á, dĩ nhiên là từ những gì được gọi là "cùng chí hướng", cùng nguyên  lý, nhưng được lý giải là "vận dụng sáng tạo". Nhưng nhiều người như tôi chưa hoàn toàn thông suốt, thậm chí còn có ý nghi ngờ. Cho đến bây giờ, vẫn với câu hỏi này, ngày càng có nhiều người trăn trở...

"Tôi nhận ra rằng, thoạt nhìn thì câu trả lời có thể là do thể chế, hoặc do văn hóa, hoặc do những đặc thù về vị trí địa lý. Nhưng khi suy nghĩ kỹ hơn thì thấy rằng, phía sau tất cả các yếu tố này, bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng của nhà lãnh đạo xuất sắc. Có thể nhà lãnh đạo chính là người tạo ra các yếu tố này, hoặc chính là người đã khai thác hiệu quả các yếu tố này, để dẫn dắt sự phát triển của dân tộc họ. Ngay cả khi không có một nhà lãnh đạo xuất sắc hiện diện ở ngay trong hiện tại, thì thể chế ưu việt và nền văn hóa tích cực do những nhà lãnh đạo tiền bối của họ kiến tạo ra vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt." (Giáp Văn Dương)

Sau năm 1975, vấn đề lớn nhất, cũng là trầm trọng nhất là quản lý, không phải dẫn dắt/định hướng mà chỉ là chỉ đạo/thực hiện. Hạn chế này nằm trong năng lực lãnh đạo, ảnh hưởng đến sức mạnh phát triển của VN, thậm chí hiện vẫn là nhân tố kìm hãm đất nước như dư luận đã nhận định rằng: VN là quốc gia không chịu phát triển.

"Thực tế phát triển của các quốc gia cho thấy, đất nước nào lãnh đạo anh minh thì dân tộc đó cất cánh chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, có thể chứng nghiệm trong một đời người, mà Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore là những ví dụ nhãn tiền, còn dân tộc nào có lãnh đạo u mê thì dân tộc đó chìm trong nghèo hèn hàng thế kỷ, không biết khi nào mới ngóc đầu lên được, thậm chí, ngay sự tồn tại của mình cũng không chắc được đảm bảo." (Giáp Văn Dương)

Lịch sử của VN cho thấy, người VN không dễ bị khuất phục qua những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Nhưng giặc "nội xâm" cũng là thứ giặc tàn phá vô cùng ghê gớm, khi "miếng cơm manh áo" làm con người khốn khổ, "bần cùng sinh đạo tặc" hoặc đã nghèo thì phải hèn là chuyện dễ thấy...

Người lãnh đạo phải thoát khỏi những hạn hẹp về tư tưởng của đa số/quần chúng, phải có phẩm chất và tinh thần đại diện của tương lai, là hiện thân của chính tương lai đó. Đó phải là nhân vật có tầm nhìn và khả năng tổ chức/tạo động lực để mọi người đồng tâm hiện thực hóa tương lai đó.
Đây là một nhân vật lịch sử, có sứ mạng của một người lãnh đạo sáng suốt, người sẽ thiết lập một trật tự hoàn toàn mới (Nation Builder). Hoặc tập thể/quần chúng phải chọn được nhân vật này, nếu không xuất chúng thì cũng phải đáp ứng được những yêu cầu cần thiết nhất: "'Trình độ minh triết của con người ta cũng xấp xỉ như nhau thôi. Nếu không có thì phải tạo ra một nhà độc tài minh triết. Vấn đề là ai tạo, vào lúc nào và như thế nào. Vĩ nhân đều là những con người cả, vị trí và việc làm mới biến họ thành vĩ nhân chứ không cần thiết họ phải minh triết từ trước." (Nguyễn Ái Việt)

Vai trò đầu tàu/lãnh đạo đòi hỏi trước hết, lãnh tụ/nhóm lãnh đạo minh triết phải là những người có đạo đức chân chính. Nghĩa là có "NHÂN" (theo quan niệm văn hóa truyền thống của người Việt). Họ phải có đủ khả năng về mặt vật chất, đủ lý trí và tinh thần để "tùy cơ ứng biến" một cách linh hoạt. Nghĩa là có "DŨNG" và "LƯỢC". Và cuối cùng, họ phải gồm những người thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng. Nghĩa là có "TRÍ".

Một sự lãnh đạo có đủ Nhân-Dũng-Lược nhưng không thấu triệt được vấn đề cần giải quyết của cộng đồng không thể đưa con tàu cộng đồng đến được đích chiến thắng.
Trái lại, một sự lãnh đạo dù thiếu Nhân-Dũng-Lược, nhưng lại thấu triệt vấn đề của cộng đồng, vẫn có hy vọng mang thắng lợi về cho cộng đồng, dù thắng lợi đó phải trả bằng những gian lao và hy sinh to lớn.

Đời sống của 1 cộng đồng/cá nhân gồm nhiều thời kỳ. Với từng cá nhân mỗi thời kỳ khoảng 10 năm. Với 1 cộng đồng, mỗi thời kỳ có thể là một vài thế kỷ (theo lịch sử nhân loại từ Trung cổ đến giữa thế kỷ 20).

Tuy nhiên, thời nay đã khác xưa. Khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng (với tốc độ ngày càng tăng của thời đại kỹ thuật số ở trình độ cao) đang thúc đẩy rất nhanh quá trình chuyển biến. Không phải là "Đi tắt đón đầu" như kiểu chạy ẩu, chạy bừa tán loạn ngoài đường đang thấy hiện nay mà phải phát triển đúng hướng, có nghiên cứu một cách khoa học và hiệu quả. Như vậy, chúng ta mới có thể có sự đột phá, làm được điều thần kỳ mà những nước khác đã thực hiện thành công.

Quá khứ vinh quang đã lùi vào dĩ vãng. Những chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" vẫn được truyền thông cách mạng truyền tụng, lặp đi lặp lại suốt hàng chục năm qua chẳng lẽ chỉ thuộc về những kẻ liều mình "cùi không sợ lở" hay "điếc không sợ súng", chẳng lẽ vì thế mà những người "thắng cuộc" đã lấn át tất cả, kể cả những ai tôn trọng lẽ phải và công lý với quan điểm/nhận thức văn minh hơn? Như vậy thì kết cục bây giờ là phản ánh quyền lợi cho những ai, vì cái gì? Càng đối diện với những gì đã xảy ra càng thấy rõ sự thật thì bất cứ ai yêu nước cũng cảm thấy cay đắng vì dân tộc này đã hy sinh quá nhiều, phải chịu những mất mát quá lớn trong một cuộc chiến kéo dài, đẫm máu và vô cùng tàn khốc để đổi lấy một kết cục như thế này thôi hay sao.

Các bạn đọc tiếp phần sau ở đây

7 comments:

  1. Chữ viết là một trong những điều mà tôi thích của đất nước này, điều thứ 2 là lá cờ vì sự đơn giản/mang tính minimalist của nó, tiếc là Việt Nam chưa phát triển xứng tầm với lá quốc kỳ này. Đây là những sự lựa chọn đúng của cuộc cách mạng nhằm khai phá những điều mới mẻ và xóa bỏ những gì cổ hủ để biến đổi tận gốc một xã hội lạc hậu vì chịu ảnh hưởng nặng nề từ TQ với quá khứ hàng nghìn năm Bắc thuộc. Bằng chủ trương phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ, Hồ Chủ tịch đã đem lại cho đất nước này một cơ hội để phát triển sau ngày cách mạng thành công.

    ReplyDelete
  2. Phát triển lên đỉnh cao là 1 vấn đề cuả rất nhiều quốc gia. Những quốc gia nào hội đủ quyền lực và khả năng thâu tóm những gì là tinh hoa cuả nhân loại, những gì là di sản vật chất và di sản văn hoá, biến chúng trở thành những "nguồn năng lượng mới" để đưa con người lên những tầm cao chưa từng có trong Lịch sử phát triển cuả mình, những quốc gia đó có đầy triển vọng để vươn lên trở thành Đỉnh cao mới cuả nhân loại.
    Gần với Việt Nam, những gì Singapore (thực hiện từ 1965) hay Hàn Quốc, Đài Loan và những quốc gia trẻ đang làm là cố gắng giữ được truyền thống và tạo được bản sắc phát triển trong vấn đề hội nhập toàn cầu. Trong vùng Đông Nam Á và Nam Á, từng là thuộc địa của Anh, với tiếng Anh, Singapore (70% dân số là người Hoa) và Ấn Độ đang thành công với những gì mà họ đạt được. Ở các nước này, giáo dục và phát triển luôn đi đôi với nhau, tài nguyên con người là tài nguyên tạo nên tất cả.

    ReplyDelete
  3. Vấn đề cuả Việt Nam hiện nay xoay quanh sự lạc hậu và chậm phát triển. Dân trí và quan trí đều thấp dẫn đến tiêu chuẩn gì cũng thấp (bằng cấp chức vị chỉ là hình thức - danh giá chứ không có giá trị thật sự); “ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung” là tình trạng phổ biến. Cuộc đấu tranh với những nguyên tắc/chủ nghĩa? "ngoại lệ" của Việt Nam là cuộc đấu tranh gian khổ nhất để giành lại "Độc lập" và "Tự do" thật sự. Vì vậy mọi chuyện đều có thể trở nên vô cùng nan giải. Nếu trước đây trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ là khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng" thì bây giờ phải là "Tất cả vì sự phát triển".

    ReplyDelete
  4. Khi nói chuyện với nhiều người sống ở miền Nam sau giải phóng, tôi nhận thấy ở họ một "vấn đề" mà tôi không thể chấp nhận được khi cho rằng "nghèo thì phải hèn". Điều đó chỉ đúng nếu hiểu rằng "nghèo nàn" ở đây là "nghèo" về mọi mặt, cả trong vật chất và tinh thần thì mới như vậy. VN đã tồn tại cùng với kẻ thù truyền kiếp của mình quá lâu, tuy giữ được lãnh thổ nhưng vẫn phải chịu lệ thuộc và bị khống chế ngay cả sau khi giành được thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ. Vì vậy, từ bây giờ VN cần phải khẳng định thật sự với TQ bằng quyết tâm sắt đá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trước toàn thể dân tộc Việt Nam ngày 02.09.1945 "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Ai có thể làm được điều này? Còn được mấy người sẵn sàng hy sinh thật sự tất cả? Chuyện đã quá xưa, nói nhiều thành nhàm với những chữ "quyết liệt" gần đây như "đánh trống bỏ dùi" vậy.

    ReplyDelete
  5. Về dân tộc tính của người Việt, có lẽ chúng chỉ là những mảnh vụn của đổ nát và hoang tàn, là tro bụi từ những cuộc chiến tranh hoặc đang ẩn chìm sâu trong lòng đất...

    Những gì có thể chứng kiến hiện nay đều bị pha trộn, nhưng vẫn có thể tìm được sự khác biệt trong ngôn ngữ, dù đã bị Âu hóa/HÁn hóa rất nhiều (ví dụ: chữ VĂN và chữ THỊ trong tên lót của người Việt?). Chúng ta cần tìm hiểu thật nghiêm túc về cội nguồn/lịch sử của dân tộc trong việc khảo cứu và khai quật/tìm kiếm những chứng tích lịch sử về những gì liên quan đến dân tộc tính và đặc trưng của người Việt để nhận ra được chính chúng ta và thật sự lý giải được câu hỏi tại sao VN lại là 1 nước "không chịu phát triển", cái gì làm nên con người VN và chúng ta có thể vượt lên/làm được những điều thần kỳ hay không, hay chỉ làm gì cũng nửa vời/nửa đoạn, không đi đến cùng cho "ra ngô ra khoai"... cuối cùng chỉ cốt tạm bợ cho xong/cho có... như những nước kém phát triển khác?

    ReplyDelete
  6. Chúng ta hấp thụ văn hóa và lối sống hiện đại, tiếp thu tinh hoa của thời đại mới để tạo nên di sản đương thời. Nhưng ai trong chúng ta sẽ là người thực hiện công cuộc tiếp biến vẫn còn dang dở, những điều mà các vua thời Lý, Trần đã làm nhưng chỉ giới hạn trong một giai đoạn mà không thể tiếp tục phát triển được lâu dài những thời kỳ phát triển rực rỡ ấy. Tuy vậy, di sản của nhà Lý, nhà Trần để lại đáng để chúng ta tự hào về người Việt tự cường, độc lập, về những triều đại đã tạo nên những trang sử vàng với những di sản tuy không to tát lớn lao, nhưng vô cùng giá trị vì mang đậm bản sắc Việt Nam.

    ReplyDelete
  7. Chúng ta cần nhiều khát vọng cao hơn, hiểu biết nhiều hơn, mạnh mẽ và tích cực một cách bền bỉ như trong chiến tranh. Phải biết sợ cái chết vì ngu dốt hơn cái chết trong bom đạn mới có được những chuyển biến thật sự. Phải vượt lên bằng những yếu tố mới của người Việt, làm được một cuộc chuyển biến thần kỳ để sánh ngang với các nước phát triển khác. Tại sao chúng ta không thể chiếm lĩnh được vị trí đứng đầu như Phần Lan ở một số lĩnh vực đầy triển vọng và có thể trở thành đòn bẩy cho việc phát triển về mọi mặt trong cuộc sống? Vì sao chúng ta không làm được những gì mà người Do Thái và người Nhật Bản đã làm, và họ đã rất thành công.

    ReplyDelete