Sunday, June 2, 2019

BÀN VỀ SỰ TỐI TĂM CỦA NHO GIÁO

(Xin đăng bài này để mọi người tự chiêm nghiệm chứ không mong tất cả đều đồng ý với quan điểm của tác giả. Nếu ai muốn ném đá thì xin nhẹ tay)
• Bài viết có tham khảo bài của giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn và Tác giả Nguyễn Hoàng Đức
*****
“Định nghĩa Hủ nho là Nhà nho cố chấp; hẹp hòi, không thức thời “
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, và xuất thân ông bà cũng là địa chủ cường hào chứ không phải bần cố nông. Thuở nhỏ cũng được ông nội dạy dăm ba chữ nho lận lưng làm vốn nói chuyện với đời. Nhưng thời thế thay đổi, thế hệ của chúng tôi chứng kiến quá nhiều sự tụt hậu và quá nhiều những bước nhảy vọt. Thấy sự đồi bại về văn hóa ngày nay ở Việt Nam và Trung Quốc tôi không khỏi đặt những câu hỏi. Liệu sự suy đồi đạo đức này mới xuất hiện hay đã có từ cách đây hàng ngàn năm, phải có một thứ gì đó đứng ra nhận trách nhiệm về sự suy đồi và xuống cấp đạo đức xã hội này . Nho giáo đã thống trị Trung Quốc và Việt Nam hơn hai ngàn năm, ảnh hưởng của nó với xã hội là rất lớn. Sự tụt hậu về kinh tế cũng như tụt dốc về văn hóa không thể thiếu tác động của Nho giáo được. Nho giáo tốt như vậy, hay như vậy, bề dày lịch sử như vậy mà sao người Việt Nam nhiều tật xấu thế, có sự liên quan gì ở đây chăng.
Hình ảnh mẫu của nhà nho trong lịch sử là gì? Đó là “học nhi ưu tắc sĩ”, tức học giỏi để làm quan. Ngay từ trong tư tưởng của đám nho sĩ này đã không có tư tưởng đóng góp và cống hiến cho nhân loại cũng như xã hội. Điều này giải thích vì sao Việt Nam và Trung Quốc chẳng có phát minh gì đóng góp cho nhân loại cũng như cho thế giới. Tự hào 5 nghìn với 4 nghìn năm lịch sử mà không thò mặt đi đến đâu, không phát kiến ra được một vùng đất mới nào, một hòn đảo nào. Sống an phận thủ thường hẹp hòi và ích kỉ, thích trịch thượng, thích được người khác tôn trọng trong khi chẳng có gì nổi trội. Suy nghĩ thì cố chấp, tự nhận chữ của mình là chữ Thánh Hiền trong khi ra rả kêu là phải khiêm tốn.
Cụ thể trường hợp của Từ Hi Thái Hậu là mẫu hậu quốc gia, vậy mà thấy hai con nô tì chải đầu giống mình, liền lệnh lôi ra chém. Than ôi, mẫu hậu quốc gia mà còn so đọ ghen tức với cả đứa nô tì vì mái tóc. Con người hủ nho thấp hèn đến thế là cùng. Con người những nhà nho là điển hình của sự nhỏ nhặt và chấp chiếm, họ chấp nhặt với những gì mà họ cảm thấy không thích một cách rất chủ quan, họ xách mé nhau trong những bữa cơm, bữa cỗ. Họ coi nói đểu người khác và nói làm người khác đau lòng như một thước đo thể hiện trình độ và đẳng cấp chữ nghĩa của mình. Họ tự ru ngủ mình bằng những thuật ngụy biện cũ rích. Ngồi xó nhà bới móc mấy lỗi sai vặt của thiên hạ, chấp chiếm cả mấy dòng commen và STT chả trách đầu óc họ cứ mãi tối tăm trong khi chữ Nho của họ thì cả một Bồ trong bụng. Nhiều chữ để làm gì khi mà sách cổ không chịu dịch ra cho đại chúng. Một mình tự đọc rồi giấu kín không nói với ai là đặc trưng của mấy lão Nho sĩ . Ở Việt Nam mình thì nhiều thứ bí truyền lắm, nào là phương thuốc bí truyền, nào là thế võ bí truyền…. rồi cuối cùng trở thành thất truyền bởi sự tăm tối của truyền nhân.
Một đặc trưng nữa của đám Nho sĩ là rất hay nói vòng vo .Nói còn không dám nói thẳng thì , nói gì đến việc đòi đưa ra ý kiến kinh bang tế thế. Giáo dục hiện nay thối nát như thế mà không dám viết một bài viết phản biện, biết tổ chức trong nhà trường đấu đá nội bộ xấu xa mà không dám đứng về phe đúng để đấu tranh . Chọn cách đứng ngoài nhìn cảnh lưỡng hổ tương tàn để mua chút yên thân vô vị, tự hào là ta không màng danh lợi, thấy có người đấu tranh thì chúng vùi dập đi bằng câu nói ngu xuẩn “ khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” Và với phương châm đó, họ sống lúc nào cũng giấu mình nhạt nhẽo không để lộ ra cái gì xuất sắc cả để được cầu toàn. Nhưng đó chỉ là ngụy biện cho sự hèn nhát của đám nho sĩ thôi. Anh nhà nho nào đang là giáo viên đọc đến đây chắc thấy ngấm lắm, đúng lắm nhỉ ? Cái “bả” danh lợi chưa bao giờ giới nho sĩ hết thèm, tôi dám khẳng định như thế.nhưng bọn họ không dám đứng ra đấu tranh vì họ hèn nhát. Nhà triết học Pháp Francois Julien, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc phát hiện, học vấn Nho giáo thiên về “cái nhạt”, tức là nhạt nhẽo, làm sao nói mà như không nói, nói ẩn để không bị lộ mình, mong cầu toàn cho bản thân. Than ôi, lúc nào cũng lo thủ thế giữ mình, thì làm gì có được cái gì hay ho. Học giả lớn Lâm Ngữ Đường, người Trung Quốc có nói, Trung Quốc không hề có triết học và khoa học, vì người Trung Quốc không biết tôn trọng cái phổ quát thì làm sao có khoa học và triết học được. Triết gia Hegel nói : "Dân tộc Trung Quốc dù lớn, nhưng không có sử thi, nên không phải là dân tộc có tâm hồn lớn”. Vì câu nói này, trong nhiều năm gần đây, giới văn hóa của Trung quốc lọ mọ đi tìm khắp nơi, nhưng vẫn chưa tìm được sử thi nào để cứu vãn độ lớn cho dân tộc cả. Việt nam ta cũng chung tình trạng thế thôi . Người Nhật Bản khinh bỉ nho giáo đến mức họ còn đề ra chủ thuyết “Thoát Á luận”, nghĩa là muốn xã hội phát triển thì phải ly khai những thứ dây cà dây muống của đám nho sĩ . Phải bài xích cái tư tưởng ích kỉ cũng như trịch thượng và giáo điều của bọn chúng . Tự phong chữ nho là chữ Thánh hiền, cho rằng mình biết cái chữ đó là hơn thiên hạ một tầm nhìn, xin lỗi tầm nhìn quý vị chẳng qua nổi mắt cá chân của mấy người học quốc ngữ đâu mấy nhà nho ạ. Hãy xem những đóng góp của nho giáo cho giáo dục 2000 năm qua thì biết, giáo dục Việt Nam nó tàn tạ thế này, nó vô đạo đức thế này vậy mà đám nho sĩ vẫn tự hào là “ Tiên học lễ hậu học văn” tiên học lễ mà sao học trò giờ chúng nó mất dạy vậy, con người giờ xấu xa bỉ ổi vậy, không từ thủ đoạn vậy, lễ ở đâu khi xã hội suy đồi vô lễ. Đám nho sĩ phải biết nhục về cái tư tưởng mà chúng đang theo đuổi và tôn sùng .Cái đầu tầu nho học là Trung quốc đã vậy, mấy chú học lỏm ti toe ở Việt Nam sẽ thế nào? Chúng ta thử đọc : “Trì trệ và bất lực" (Lương Đức Thiệp, Việt Nam tiến hóa sử, năm 1944).
Nho sĩ là một lũ thích nịnh bợ. Thích cái mẽ bề ngoài và cũng đánh giá con người tốt xấu qua cách hành xử bề ngoài. Qua lời nói chót lưỡi đầu môi. Điểm chung là họ rất thích xu nịnh, thích được gọi là Thầy nhưng họ lại quên một điều từ Thầy phải được phát ra từ “tâm” người đối diện chứ không phải từ “miệng” người đối diện. Kẻ gọi chúng bằng Thầy nhưng trong bụng khinh bỉ chúng thì chúng đâu có biêt. Ôi dốt nát làm sao đám nho sĩ kia Thích sống hình thức nên rất thích nịnh bợ và được tâng bốc,còn những người thật thà nhưng không khéo léo nói năng có phần hơi thô thì họ chấp nhặt đủ điều
Người học nho dễ Bị ý thức hệ nho giáo bảo thủ lung lạc, bị nguỵ thuyết của bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, đẳng cấp nho sĩ Việt Nam không còn một chút hoạt lực nào, không còn được một tính cách cấp tiến nào nữa. Nho giáo chủ trương “ tân dân” nhưng rất ít người học nho có tư tưởng “ tân dân” tại sao vậy, vì ngay trong hệ tư tưởng của nho giáo đã đặt nặng tư tưởng bảo thủ .Lật lại lịch sử chỉ có một vài tia sáng nho học như Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ là có chút ánh sáng cải cách. Muốn đóng góp cho xã hội 1 thứ mới mẻ, nhưng bọn hủ nho không thích điều này, chúng thích giấu nghề, chúng thích giữ miếng. vì sao vậy, vì chúng hèn và dốt . sợ giúp đỡ người khác , truyền dạy người khác hết mình thì họ sẽ giỏi hơn chúng và cướp miếng ăn của chúng. Thật là đã hèn lại còn tham.
Nho sĩ là bọn Thiếu độc lập về tư tưởng, hoàn toàn phục tùng cổ nhân Trung Hoa về cả mặt tình cảm, quá câu nệ về hình thức, đẳng cấp Nho sĩ Việt Nam chỉ sản xuất ra được những lối thơ nghèo nàn. Nhiều tập thơ mài giũa công phu nhưng không chút sinh khí. Nhìn ông Tú Xương đi, thi không đỗ, vợ không nuôi nổi, thơ thì không bài nào dài quá 10 dòng , vậy mà còn lớn tiếng đi chửi quan trường thối nát. Thối nát thế còn cố gắng chui vào chỗ thối nát đó để ra làm quan, chui vào không nổi quay ra chửi đổng bằng mấy bài thơ con cóc ngắn ngủn, Nhà phê bình Hoài Thanh nói:” Nho học chỉ là cái máy để đúc ra hàng vạn bài thơ dở” (tất nhiên là không thể nào viết được tiểu luận, chỉ bình vớ vẩn nhăng cuội ).Thời thơ Mới, có nhiều nhà thơ giỏi cả chữ Tầu cả chữ Tây, liền lớn tiếng thách thức bọn hủ nho rằng có giỏi thì dời núi xuống đây đọ làm thơ, nhưng bọn này im phăng phắc, chắc lại đang mỉm cười trên núi rằng “người quân tử không cần đấu “
Tôi cũng là một người theo “Thoát Á luận”, trong mắt tôi, tôi không coi bọn nho sĩ ra gì cả. Thời thơ Mới, Ở Việt nam, theo các thống kê, thì chỉ có hơn mười người viết được tiểu luận về văn học và xã hội học, trong số này hình như đám hủ nho không đủ tài. Làm một cái máy bay khó muôn vạn lần, nhưng để phá hoại nó chỉ cần ném vào một nắm cát.
Nhưng tôi cũng thừa nhận, để cho đám nho sĩ nhận ra cái sai và cái dở của chúng thật thiên khó vạn nan. Ông Bá Dương trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” có nói: người Trung Quốc rất khó khăn, dường như chẳng bao giờ biết xin lỗi. Cái văn hóa nho giáo là thứ cấu kết lạc hậu nhất trong lịch sử, thật là khó mà nghe được lời chấp nhận thua cuộc hay xin lỗi của họ.
Có một nghịch lý là nho giáo ra rả suốt ngày dạy nhân, nghĩa , lễ , trí , tín thế nhưng xã hội nho giáo lại là một lũ bất nhân bất nghĩa, bất trung, bất tín, lật lại lịch sử và nhìn lại thực trạng xã hội Việt Nam đi. Tự ngẫm mà hiểu tôi nói thế có đúng không nhé, đám nho sĩ kia.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem bậc thầy của Nho giáo là ai . Đó chính là Khổng tử, và sau đây là một bài bình luận về ông tổ sư của nho giáo này.
# Một con người máy móc
Cuộc đời của Khổng Tử cũng rất thú vị, nhưng nếu đọc kĩ thì hình như ông chẳng có đóng góp gì quan trọng lắm. Ông tên là Khổng Khâu, sinh năm 551 trước Công Nguyên, ở nước Lỗ, trong một gia đình trung lưu vì bố của ông là một vị quan thuộc nước Lỗ. Tuy ông được người đời sau tôn thành "Vạn thế Sư biểu" (Bậc thầy của muôn đời), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông nếu được soi rọi kĩ thì không hẳn xứng đáng với danh hiệu đó. Nói chính xác, ông là một … thầy cúng. Theo sử sách để lại, năm 19 hay 20 tuổi, ông ra làm quan, chuyên nghề thu thuế. Sau đó, ông được giao việc chăm sóc các con vật dùng vào cúng tế.
Có lẽ chính vì cái xuất thân này mà ông rất quan tâm đến thủ tục cúng tế. Có lẽ vì xuất thân là người thu thuế, kế toán, nên ông rất quan tâm đến sự chính xác. Ông sống như kẻ trưởng giả, suốt đời từ cách ăn uống, cách mặc, cách đi đứng, cách cư xử, lúc nào cũng theo qui ước. Sách Luận Ngữ viết rằng ông chỉ ăn thức ăn nấu thật chín, món ăn phải theo mùa, lượng rau và thịt không thay đổi. Ông cũng uống rượu nhưng không bao giờ để cho say xỉn. Ăn mặc thì không mặc quần áo màu mè, lễ phục thì cánh tay mặt phải dài hơn cánh tay trái, quần áo ngủ phải dài hơn quần áo ban ngày nửa thước. Còn nói thì nói chậm, và không dùng ngón tay để chỉ một vật gì. Trong triều đình cung cách của Khổng Tử là "thượng đội hạ đạp". Đối với các quan cấp dưới thì ông tỏ ra cứng cỏi, còn đối với các quan cấp cao hơn thì uyển chuyển. Đó là chân dung của một người rất máy móc, cứng nhắc, và sống theo qui ước cho chính ông đặt ra.
# Không được trọng dụng
Thời thanh niên và trung niên, Khổng Tử không được trọng dụng vì ông chẳng có đóng góp gì quan trọng. Ông lưu lạc rất nhiều nước, nhưng chẳng có vua chúa nào trọng dụng tài của ông. Cuối cùng ông về nước Lỗ và mở trường dạy học. Nên nhớ rằng thời đó, chỉ có triều đình và những "hiền nhân" mới có quyền mở trường dạy học. Nhờ trường của Khổng Tử mà nhiều môn đồ sau này làm lớn trong triều đình. Ông đào tạo khoảng 3000 môn đồ. Nghe nói công lớn của ông là làm cho khoảng cách giữa người "quân tử" và "tiểu nhân" ngắn hơn, nhưng có người cho rằng đó là một ảnh hưởng vô ý thức, vì trong thâm tâm ông không muốn vậy. Theo sách vở để lại, ông xem kẻ tiểu nhân không đáng được kính trọng, không cần nể nang .
Khổng Tử được tôn xưng là một nhà đạo đức, nhưng "đạo đức" ở đây có nghĩa là ông làm đúng nghi lễ, chứ không hẳn là có đạo cao đức trọng. Ông dạy môn đồ phải trung thực, giữ tín nghĩa với bạn bè, phải phụng dưỡng cha mẹ, giúp người già sống yên ổn, yêu trẻ thơ. Đó thật ra là những chuẩn mực chung thời đó của người Á Đông. Nhưng Khổng Tử không có tầm vóc "global" của Phật Thích Ca hay Chúa Jesus, những người có khả năng xây dựng hẳn một nền triết lí và đạo đức học để cứu rỗi thiên hạ. Thậm chí, ông còn kém hơn Gandhi một bậc.
Ông cũng có vẻ rất thích tự xem mình làm việc của thánh. Ông từng nói rằng "Bảo ta là thánh thì ta không dám, nhưng ta làm việc thánh không biết chán, dạy người không biết mỏi." Ông cũng khá tự tin về tài năng của mình. Ông từng phán rằng vua chúa nào mà biết trọng dụng ông thì chỉ một năm ông sẽ làm cho nước đó khá lên, 3 năm là sẽ thành công. Nhưng trong thực tế, chẳng vua chúa nào tin dùng ông cả. Chứng cứ cho thấy ông làm quan nước Lỗ gần 10 năm mà nước này có khá lên đâu. Khổng Tử chủ trương tập trung quyền lực vào vua chúa, không cho các đại thần tham chính. Chính vì thế mà các đại thần rất ghét Khổng Tử, họ khuyên vua chúa nên xa lánh ông quân sư này.
Có thể nói rằng Khổng Tử là người thích làm quan cầu vinh và … trốn thực tế. Khi đã làm quan, ông khuyên rằng nước nào thịnh thì tìm đến xin làm quan, còn nước nào khó khăn thì bỏ đi. Ông cũng khuyên rằng nước lâm nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Cái triết lí này cũng từng được nho sĩ Nguyễn Khuyến áp dụng triệt để. Khi nước mất về tay người Pháp, ông lui về ở ẩn để ngâm vịnh thơ ca, chứ chẳng có đóng góp gì đáng chú ý. Thể hiện một lối sống rất vô trách nhiệm.
# Học thuyết của Khổng Tử
Cũng như các "học thuyết" thời xưa, những gì Khổng Tử để lại chẳng là bao nếu so với tiêu chuẩn hiện nay. Tác phẩm của ông là Tứ Thư và Ngũ Kinh. Nếu gộp lại thì chắc độ 300 trang. Ấy thế mà suốt đời này sang đời khác đám nho sĩ lải nhải nhắc đến những sách này như là "học thuyết"!
Khổng Giáo cũng rất quan tâm đến một giá trị đặc biệt: đó là chữ trinh tiết của người phụ nữ. Các giá trị ông đề ra cho phụ nữ phải nói là rất mất nhân tính. Những giá trị đó hạ thấp vai trò của người phụ nữ, xem họ như là vật dụng. Thật là vô lí khi đòi hỏi người phụ nữ phải phục tùng chồng con! Còn đòi hỏi trinh tiết như là một giá trị. Đây là điều đểu cáng nhất của Khổng Tử. Ông ta lấy màng trinh ra để đánh giá nhân phẩm phụ nữ, thật không có gì khốn nạn hơn, hỏi sao mấy đại gia bây giờ hay đi săn gái trinh. Cũng bởi Khổng Tử vẽ đường cho Hươu chạy . Ngày nay, những giá trị về phụ nữ đó của Khổng Tử không thể áp dụng được vì đó là một hệ giá trị quái đản.
Có vài đặc điểm về Khổng Giáo mà giới toàn trị rất ưa thích. Thứ nhất là tinh thần thủ cựu, bảo thủ. Khổng Tử, như tôi mô tả trên, là người rất tôn trọng nghi thức (ông gọi là "lễ"), suốt năm này sang năm khác, ông chỉ lặp lại những nghi thức, lễ giáo ông đặt ra. Không sáng tạo cái gì mới, thậm chí còn thù ghét cái mới. Thứ hai là thiếu tính khoan dung và độc quyền chân lí. Các giá trị mà Khổng Tử truyền bá là qua áp đặt chứ không qua thuyết phục. Ông không muốn có một chân lí khác ngoài chân lí của ông. Thứ ba là tính sùng bái cá nhân, sùng bái cấp trên một cách bệnh hoạn. Đặc điểm thứ ba này cũng rất phù hợp với quan điểm của các chế độ quân chủ và toàn trị, vì họ thích dựng lên những cá nhân thần thánh.

Vien Huynh

No comments:

Post a Comment