Sunday, June 9, 2019

Tuyệt đối đúng

Phật Giáo và Văn hóa Ấn Độ

Gần đây tôi có trao đổi về tâm linh với một số người. Từ tâm linh chuyển sang Phật Giáo. Và họ khóa chết mọi trao đổi, tranh luận bằng mệnh đề "Phật giáo tuyệt đối đúng" và đem mệnh đề đó làm Càn Khôn Quyện để phủ định mọi lập luận khác biệt, cho dù lập luận đó có phù hợp với Phật Giáo. Điều đó chẳng khác gì "Anh nói gì tôi không quan tâm, phải nói theo tôi". Status này là để trao đổi lại với phương pháp luận trên,
Thứ nhất, mệnh đề "Phật giáo tuyệt đối đúng" chẳng có ý nghĩa gì. Vì bản thân Phật giáo có nhiều thừa, mỗi thừa lại có nhiều tông, mỗi tông có nhiều phái, mỗi phái có nhiều thầy, có các quan điểm khác nhau, bài xích lẫn nhau theo nguyên tắc càng gần quan điểm, thù hằn càng sâu. Nội bộ đã bài bác nhau, lấy đâu ra "tuyệt đối đúng". Nội quan điểm về ăn chay ăn mặn, kiêng sắc dục hay không các phái đã không thống nhất (tôi sẽ bàn trong một dịp khác).
Phật giáo ra đời sau đạo Bà Là Môn và tại Ấn Độ, do đó tiếp thu không ít tư tưởng từ Bà La Môn và văn hóa Ấn Độ. Chúng ta tưởng rằng những tư tưởng như Không, Bát chánh đạo, niệm chú Ba la mật, Tịnh độ, Nghiệp, Vô sắc giới là đặc trưng cho Đạo Phật. Thực ra chúng đã có từ trước trong Kinh Vệ Đà, Áo nghĩa thư. Lấy ví dụ Mật tông, là một tông phái có thể xem thuộc Đại Thừa, ra đời sau Phật Thích Ca khá lâu, có tiếp thu nhiều tư tưởng của Ấn Độ giáo, nhiều chỗ mâu thuẫn với Phật giáo Nguyên thủy, thậm chí cả lời Thích Ca. Tuy nhiên khi, Phật Thích Ca còn tại thế, đi thuyết giảng, nhiều khi Ngài cũng phải dùng thủ pháp niệm mật chú của Mật Giáo để tự chữa bệnh hoặc chữa bệnh cho tăng đồ. Có rất nhiều đệ tử của Ngài vốn là tín đồ Bà La Môn cải sang Phật Giáo nên cũng du nhập vào Phật Đoàn những phương pháp tu tập của Bà La Môn, và cũng có nhiều trường hợp có hiệu quả. Do đó Đức Phật tuyên bố trung lập với những phương pháp khác nhau. Về sau, các cao tăng Mật Giáo vẫn tìm được các chi tiết chứng tỏ thực hành Mật Giáo có từ thời Thích Ca tại thế, do đó không mâu thuẫn với Phật.
Bên cạnh đó rất nhiều khái niệm, tư tưởng của Phật, có sẵn trong kinh bổn Bà La Môn và văn hóa Ấn Độ. Kinh bổn đạo Phật rất nhiều, không ai đọc hết, và nhiều khi bị cắt nghĩa mâu thuẫn nhau, nên không thể căn cứ vào một vài quyển. Nhiều khái niệm muốn hiểu kỹ có thể phải tra về kinh bổn của Ấn Độ giáo, nơi có sự nhất quán hơn về kinh bổn.
Vì vậy thái độ nhắm mắt khăng khăng cho mình đúng, bài bác các tôn giáo khác, hoặc nói "Phật giáo tuyệt đối đúng" không có ý nghĩa gì cả.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

No comments:

Post a Comment