Sunday, January 8, 2023

Người phát hiện vấn đề

Thế nào là đẳng cấp tư duy? 

Nếu tư duy là một bức tường thì thế giới ở phía bên kia. Cuộc đời là một sự tu hành để giải quyết những khó khăn không hẹn mà gặp. Bất kể bạn đi trên con đường nhỏ hẹp gai góc hay trên thảo nguyên mênh mông, khó khăn trải dài dưới chân bạn, vững vàng tiến bước thì khó khăn sẽ ít dần và con đường sẽ rộng mở thênh thang. Và vận mệnh ẩn chứa trong phương thức tư duy của chúng ta. Các cụ thường dậy :”Chỉ cần tư duy không nản chí, biện pháp chắc chắn nhiều hơn khó khăn”. 

Hãy trải nghiệm 3 tư duy đẳng cấp nhất trên thế giới và học cách suy nghĩ như một người thông minh.

1. Hiệu ứng Matthew (Matthew Effect)

Định nghĩa: Hiệu ứng Matthew đề cập đến hiện tượng kẻ mạnh trở nên mạnh hơn và kẻ yếu trở nên yếu hơn, đó là hiện tượng phân cực. Được sử dụng phổ biến nhất trong xã hội học và kinh tế học, hiện tượng xã hội được phản ánh là sự phân cực, trong đó người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo trở nên nghèo hơn.

Nguồn: Truyện ngụ ngôn trong Kinh Thánh "Phúc Âm của Ma Thi Ơ”. Ngày xửa ngày xưa, một vị vua chuẩn bị đi xa, trước khi đi, ông gọi 3 người đầy tớ đến, đưa cho mỗi người một thỏi bạc và dặn: "Các ngươi hãy đi kinh doanh, và đến gặp ta khi ta quay về." Khi nhà vua trở lại, người đầy tớ đầu tiên nói: "Thưa chúa công, thần đã kiếm được 10 thỏi bạc từ thỏi bạc mà ngài đã cho." Sau đó, nhà vua thưởng cho anh ta 10 thành quách. Người đầy tớ thứ hai tâu rằng: “Thưa chúa công, thần đã kiếm được 5 thỏi bạc từ thỏi bạc mà ngài cho.” Vì vậy, nhà vua ban thưởng cho anh ta 5 thành quách. Người đầy tớ thứ ba tâu lên: "Thưa bệ hạ, thỏi bạc mà ngài cho thần đã gói kỹ trong chiếc khăn tay và không bao giờ lấy nó ra vì sợ làm mất nó." Nghe xong, nhà vua bèn ra lệnh lấy lại thỏi bạc từ người đầy tớ thứ ba để thưởng cho người đầy tớ đầu tiên, rồi nói: "Nếu có ít, ngay cả những gì anh ta có cũng sẽ bị lấy đi. Nếu có nhiều, hãy cho anh ta nhiều hơn, để anh ta có cơ hội nhiều hơn." Đây là "Hiệu ứng Ma-thi-ơ" ", phản ánh một hiện tượng tâm lý đang tồn tại trong xã hội ngày nay. Một hiện tượng phổ biến là kẻ thắng sẽ được tất cả. Trong câu chuyện này thì nhắc nhở chúng ta phải dùng tiền để đẻ ra tiền, đồng tiền cất đi thì không bao giờ có cơ hội thành công. Thà đối mặt với rủi ro cũng nên thử sức mình trong thương trường để làm người chiến thắng. Đừng cam chịu làm kẻ nghèo hèn. Nói thì là vậy, các bạn tự liệu! 

Hiệu ứng Matthew rất nổi tiếng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội học, tâm lý học và các ngành khoa học khác nhau, hình ảnh thu nhỏ của nó có thể được nhìn thấy ở hầu hết mọi nơi trong các ngành và lĩnh vực khác nhau của xã hội, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng rộng lớn của nó. 

2. Lý thuyết Fesneau (Fesneau Theory)

Lời gốc: Con người có hai tai nhưng chỉ có một miệng, nghĩa là con người nên nghe nhiều nói ít.

Nguồn: L. Fesneau, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành, United Airlines

Dale Carnegie tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm từng gặp một nhà thực vật học khi tham gia một bữa tiệc. Suốt đêm, ông ngồi yên lặng lắng nghe nhà thực vật nói về nhiều loại cây cho đến tận đêm khuya mới chào nhau chia tay. Sau đó, người chủ trì bữa tiệc nói với ông rằng nhà thực vật học đã nhiều lần ca ngợi ông là người "rất truyền cảm hứng" và "một người thú vị và rất ưa chuyện". Trên thực tế, ông không nói một lời nào cả đêm, ông chỉ làm một việc trong đêm đó là lắng nghe. Tục ngữ có câu “Thuỷ thâm vô ngữ, nhân ổn vô ngôn” tức nước sâu không có tiếng, người chín chắn không có lời. 

Lỗ Tấn từng nói: "Khi tôi im lặng, tôi thấy phong phú. khi tôi mở miệng, tôi lại thấy trống rỗng." Giá trị và địa vị xã hội của một người tỷ lệ thuận với sự không thể thay thế của anh ta. Sự không thể thay thế đến từ đâu? Nó đến từ nhân cách độc lập và phương thức tư duy độc đáo.

Có một cuốn sách rất thú vị của Cao Minh có tựa đề "Thiên tài bên trái, kẻ điên rồ bên phải” ghi chép lại các cuộc phỏng vấn bệnh nhân tâm thần. Cuốn sách từng được thổi phồng và đánh giá cao trên Weibo và các diễn đàn văn chương Trung Quốc trước đó, có rất nhiều lời bình luận khiến chúng ta phải suy ngẫm chẳng hạn như "có lẽ chúng ta mới là bệnh nhân tâm thần, và họ mới là những nhà tư tưởng thực sự”…Trong đấy có một câu đối thoại đơn giản giữa tác giả với người bệnh tâm thần hay tuyệt đỉnh:

"Thế giới lớn bao nhiêu?" Tác giả hỏi. 

"Nếu tư duy là một bức tường thì thế giới ở phía bên kia." Bệnh nhân tâm thần trả lời. 

Lão PP luôn kiên nhẫn lắng nghe bạn phây khi ngồi với họ cho dù họ nói cả những điều lão đã biết. Các bạn đã từng ngồi với lão sẽ nhìn ra điều này. Nói ít, nghe nhiều, làm nhiều. Đừng như những kẻ biết thì ít, nói thì nhiều, ngồi đâu cướp diễn đàn đấy. Hãy học nước sâu thâm cùng, cổ thụ lặng lẽ.

3. Luật Jidelim (Jidelim Law)

Nhà quản lý nổi tiếng của hãng General Motors, Mỹ Jidelim từng nói: "Khám phá ra một vấn đề thường quan trọng hơn giải quyết nó. Nếu bạn viết ra rõ ràng, một nửa vấn đề đã được giải quyết". 

Một lần, hãng Ford bị trục trặc về máy móc khiến dây chuyền sản xuất ô tô bị dừng lại. Họ mời Steinmenz là một kỹ sư nổi tiếng đến sửa chữa, trước đó công ty đã cử nhiều kỹ sư sửa chữa nhưng đều bó tay. Steinmenz chẳng làm gì, anh trải một tấm thảm nằm ngủ trên máy. Sáng dậy, anh vẽ lên một đường ở một vị trí và nói: "Ở đây thiếu một vòng cuộn cảm biến". Sau khi thay mới cuộn cảm biến, động cơ quả thực đã hoạt động trở lạ. Giám đốc rất mừng hỏi Steinmenz lấy phí sửa bao nhiêu, Steinmenz đáp: "10.000 USD". Hơn một trăm năm trước, lương hàng tháng của các kỹ sư hàng đầu của Ford chỉ là 5 USD. Thấy mặt vị giám đốc biến sắc, Steinmenz quay người viết trên một tờ giấy: "Nét vẽ bằng phấn 1 USD; biết vẽ đúng chỗ: 9.999 USD". Sau đó, chủ tịch của Ford không chỉ đồng ý trả tiền cho Steinmenz mà còn đưa ra một mức lương vô cùng hấp dẫn mời ông về làm cho mình. Đấy, hơn nhau ở chỗ biết được vẽ đúng chỗ, muốn biết được đúng chỗ thì phải đọc ngàn cuốn sách, và học ở trường nhiều năm. Cũng như lão PP viết bài vậy, tại sao con chữ cứ tuôn ra như bò đái? Muốn có nước (đái), bò phải uống nhiều nước …kkk

Thực ra, kĩ sư nào của hãng Ford cũng đều biết một động cơ cần 20 vòng cuộn cảm, có điều Steinmenz lại là người duy nhất biết nó bị thiếu ở chỗ nào. Chúng ta mỗi khi gặp vấn đề đều cuống cuồng tìm cách giải quyết, nhưng lại không nỡ dành ra một phút để tĩnh lại, suy nghĩ thấu đáo. Nên nhớ, người thông minh không phải là người hành động đầu tiên mà là người phát hiện ra vấn đề nhanh nhất.

Hồi mới sang Mỹ lão làm giám đốc công ty phân phối thực phẩm ở phố Tầu New York. Một lần, dây chuyền đưa hàng lên từ tầng trệt bị hỏng, ông chủ gọi điện thoại mời người Mỹ đến sửa. Nghe đi ngóng lại nửa ngày rồi xách đồ nghề đi về hẹn mai đem phụ tùng đến thay. Trong khi ấy bao nhiêu hàng cần chuyển lên bằng cầu thang chuyển tải này để đưa đi ngay. Vừa hay, một ông bạn ghé qua thăm lão. Cậu ta tên là Sinh, đại uý cơ điện trên tầu Hải quân của quân đội Việt Nam cộng hoà. Một người bạn rất giỏi về điện máy. Lão đưa Sinh xuống và muốn Sinh nhận sửa chữa kiếm chút tiền bởi Sinh cũng mới chân ướt chân ráo sang Mỹ định cư. Sinh mượn lão một cái Tuốc nơ vít, lão đưa xong lên ngồi trong văn phòng. Chưa đầy 5 phút, nghe tiếng thang dây chuyền chạy rầm rầm. Lão hốt hoảng chạy đến ra hiệu cho Sinh dừng lại, cũng may khi ấy ông chủ ra ngoài phố có việc. Lão nói với Sinh:”Cậu sửa gì nhanh thế?”. Sinh thật thà nói:”Bị đứt một đầu dây điện, nối lại là chạy mà”. Lão nói:”Đừng cho chạy, tháo tung ra rồi lên uống trà với tớ. Chốc tay chủ về cậu lại xuống giả vờ hí hoáy nhé. Bao giờ gần hết giờ mới cho chạy”. Và cuối cùng lão chi cho Sinh 800 Đô công sửa chữa, trong khi bọn Mỹ đòi đến 1500 Đô. Ông chủ cười tít mắt khen :”Dịt nàm rằn hẩu rể a” (Người Diệc Lam giỏi nhỉ)…kkk ( Ghi chú: Mới đấy mà đã gần 40 năm xa cách mất liên lạc. Nguyễn Xuân Sinh bạn tôi nếu đọc được những dòng chữ này xin liên hệ ngay. Nhớ lắm!)

Những người thực sự quyền lực không phải là những người hành động trước, mà là những người phát hiện ra vấn đề nhanh nhất. Một số học giả đã từng nói: "Chỉ bằng cách chủ động phát hiện ra vấn đề, sau đó tích cực suy nghĩ về nó, chúng ta mới có thể chủ động giải quyết vấn đề." Einstein đã đưa ra câu trả lời: “Bởi vì việc giải quyết vấn đề chẳng qua là một kỹ năng toán học hoặc thực nghiệm, phát hiện vấn đề mới có được ý nghĩa thực chất”.

Vào đầu những năm 1980, hãng hàng không Continental Airlines giảm giá vé từ Texas đến Thành phố New York xuống mức thấp nhất là 49 USD. Trong 10 năm tiếp theo, hiệu quả hoạt động của công ty tiếp tục giảm sút, năm nào cũng thua lỗ. Đến năm 1995, 18% số chuyến bay của công ty đều bị lỗ nặng. Continental Airlines đã thử nhiều cách để phục hồi nhưng đều thất bại. Để đảo ngược tình thế bất lợi này, Gordon, chủ tịch mới của công ty, quyết định cắt đứt các lộ trình thua lỗ này. Để tìm ra giải pháp, anh phân tích kỹ lưỡng mấu chốt của vấn đề.

Gordon chợt nhận ra rằng chiến lược bán vé giá thấp nhất sẽ không làm thay đổi hiện trạng của Continental, chứ đừng nói đến việc đưa Continental trở thành một hãng hàng không đặc biệt. Trên thực tế, nó phản tác dụng và mọi người không háo hức những thứ mà Continental chào bán. Bởi vì mặc dù Continental Airlines muốn tăng số lượng ghế ngồi và lượt bay giữa các thành phố trong ngày, tuy hãng giữ giá vé máy bay ở mức thấp. Nhưng hóa ra những thành phố này không thực sự có nhu cầu lớn như vậy. Bằng cách này, Continental Airlines chỉ có thể thua lỗ.

Tìm ra điều này, Gordon đã nhanh chóng thay đổi đường bay đến nơi mọi người muốn đến. Đồng thời, Continental từng bay sáu lần một ngày giữa Greensboro, Bắc Carolina, Greenfell và Nam Carolina. Những thành phố này không cần nhiều chuyến bay khứ hồi như vậy và Gordon cũng lập tức cắt giảm một số chuyến bay, tiết kiệm cho công ty rất nhiều chi phí không cần thiết.

Gordon cũng thấy rằng Continental đang thua lỗ trên tuyến Greensboro-Greenfell, mặc dù chiếm 90% thị phần. Sau khi điều tra, Gordon phát hiện ra rằng các chuyến bay của Continental Airlines từ Raleigh đến Thành phố Kansas hoặc Orlando hoặc Cincinnati là vô cùng bất hợp lý và gây bất tiện cho hành khách khi muốn đến các thành phố quan trọng khác. Tuy nhiên, nếu đường bay đến Newark được mở ra, thị phần của Continental Airlines đủ để hỗ trợ hãng mở đường bay đến Cleveland và Houston, đây là những đường bay thuận tiện nhất cho hành khách, thì đương nhiên hãng sẽ được hoan nghênh. Sau khi nghĩ ra điều này, Gordon lập tức hành động, giảm bớt một số tuyến đường không hợp lý và mở ra một số tuyến đường mới có hiệu ứng hợp lý. Sự thật sau đó đã chứng minh rằng mặc dù số lượng chuyến bay của Continental Airlines đã giảm, nhưng số tiền kiếm được đã tăng lên rất nhiều và ngay cả khi giá vé được tăng lên một cách thích hợp, nó đã không ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Thông qua hàng loạt quy trình đặt vấn đề, phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề của Gordon, Continental Airlines nhanh chóng chuyển lỗ thành lãi và trở thành một hãng hàng không khá cạnh tranh. Đây là một trường hợp mà lão PP chứng kiến trong những năm ấy.

Học vấn là huy chương đồng, khả năng là huy chương bạc, quan hệ xã hội là huy chương vàng, và tư duy là con át chủ bài. Hãy lưu lại bài này và giáo dục cho con cháu những điều kể trên, chắc chắn sẽ giúp ích cho chúng, bởi chúng ta đều muốn thế hệ sau thông minh hơn và thành công hơn chúng ta. Good luck!

Peter Pho

No comments:

Post a Comment