Saturday, January 14, 2023

Thông tin lưu ở đâu?

 1. Đã nói đến hiểu biết như Tri, Kiến, Giác, Thức, thậm chí ở mức cảm nhận, cảm giác, tri giác, tâm địa, tức là phải nói đến thông tin biểu diễn các đối tượng này. Đã nói đến thông tin tức là phải có cơ chế lưu trữ, xử lý và truyền. 

     2. Việc tìm hiểu cơ chế  xử lý và truyền thông tin nói trên, bao gồm cả thông linh, khá phức tạp và khó khăn. Chúng ta sẽ bàn sau vào một dịp khác. Tuy nhiên ta có thể đặt câu hỏi, cảm nhận, cảm giác, tri giác, tâm địa lưu ở đâu, ghi lại theo định dạng và cơ chế thế nào? Nếu không ghi lại thì chắc chắn cùng một sự kiện không thể có được ký ức giống nhau.

     3. Có khả năng, kho lưu thông tin là cloud, chúng ta là thin-client, tức là một cái máy nhận tin, kèm theo một trình duyệt, khi cần gì thì tải về. Tuy nhiên, cũng như máy tính ngày nay, vẫn phải có lưu một phần thông tin như khóa thông tin, dùng để  truy vấn (query) tải thông tin về. 

       4. Theo hiểu biết hiện tại, phần quan trọng của thông tin sẽ ghi lại ở não, cơ quan của ý thức. Chắc chắn cơ chế ghi thông tin của não không phải như máy tính digit hiện tại dựa trên trạng thái của từng tế bào thần kinh, mà thông tin được biểu diễn dưới dạng bit, và mỗi tế bào giữ 1 số bit nhất định. Cơ chế lưu thông tin sẽ ở dưới dạng, bộ nhớ kết hợp, cho phép truy cập, xử lý nhanh hơn, lưu được nhiều thông tin hơn, có khả năng hồi phục và kiểm soát lỗi tốt hơn.

       5. Nếu như vậy, có khả năng là thông tin không chỉ lưu tại não mà có thể ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Chẳng hạn như trong mạng lưới màng gân (fascia chẳng hạn). Cùng một thông tin có thể có nhiều biểu diễn ở các mức khác nhau. Tuy phiên bản ở não quan trọng, nhưng không hoàn toàn giống phiên bản ở các bộ phận khác. 

      6. Theo tôi con số 5 thức gắn với các (cảm) giác quan chỉ là ước lệ, cũng có thể chúng ta sẽ có nhiều hơn ngũ (cảm) giác (có thể là 6, 7, 8, 9). Theo tôi để đỡ mất công, có thể dồn các thức liên quan tới cảm giác quan vào cùng một thức gọi là "cảm thức". Cảm thức có thể có n thức, sẽ không ảnh hưởng đến việc tìm hiểu của chúng ta cho dù n=5 hay n>5.  Như vậy chúng ta sẽ có các "cảm căn", "cảm trần", "cảm giác", "tri giác", "cảm niệm". Các thông tin này hoàn toàn có thể không lưu ở não bộ (ít ra không ở đại não). 

       7. "Ý căn" là đối tượng đặc biệt xuất phát từ "pháp trần", có thể qua các mức, "ý giác", "ý tưởng", "ý niệm" rồi tới "ý thức". Dùng thuật ngữ có hệ thống như vậy sẽ có sức khiêu ý, kích thích suy nghĩ, sáng kiến, ý tưởng. Có lẽ "ý căn" bắt đầu từ "pháp" nên phải ghi ngay vào bộ não, nhiều khả năng là bắt đầu từ tiểu não, khi đến mức "ý thức" sẽ phải ghi vào đại não. 

       8.  Sự hình thành của "ý thức" không đơn giản, tuy vậy tìm hiểu "ý thức" tương đối thuận lợi do chúng ta biết khá rõ. "Ý thức" hình thành không thể tách rời kinh nghiệm chứa trong "cảm thức". Về mặt tổ chức và truyền thông tin, tôi cho rằng sẽ hợp lý nhất nếu toàn bộ "cảm thức" được lưu tại tiểu não. Tại đó "ý căn", "ý tưởng", "ý niệm" sẽ được kết hợp với kinh nghiệm để hình thành "ý thức" và sẽ có phiên bản cuối được ghi vào đại não dưới dạng khái niệm và logic. 

        9. Câu hỏi tiếp theo: thông tin về Tàng Thức và Nhiễm ý thức sẽ lưu ở đâu? Năng lực tiếp thu thông tin ngoại cảm hay thông linh (nếu có) sẽ là bộ phận nào? Thông tin tiếp thu được (nếu có) sẽ được lưu ở đâu, điều chế thế nào? Trước mắt tôi chưa có câu trả lời mà chỉ có vài ức đoán, trên cơ sở lập luận có lý (heuristic) chứ không có chứng cớ. Tôi hy vọng việc tìm hiểu về hệ mạng lưới màng gân cơ, gọi cho khoa học là "hệ kinh lạc cân cơ" hay gọi cho dễ hiểu là "hệ gân bạc nhạc" (fascia network) có thể cho nhiều khả năng hơn. Riêng việc xử lý thông tin, rõ ràng sẽ có một cơ chế tương tác giữa "ý thức" với manas và alaya, mà chúng ta đang tìm hiểu.  

      10. Câu hỏi tiếp theo, tình cảm, cảm xúc (emotions) sẽ đóng vai trò thế nào trong bức tranh trên, và được lưu ở đâu. Tất nhiên, cảm xúc sẽ có một phiên bản trong ý thức, lưu trong não bộ, nhưng không phải toàn bộ.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment