Tuesday, May 30, 2023

Câu chuyện âm nhạc

 The Pianist (North Korea version)

Cre Pham Tho 

Anh Kim Cheol Woong tuổi Dần (sinh năm 1974) anh có bố là bí thư tỉnh uỷ, có ông là khai quốc công thần, chiến hữu của lãnh đạo Kim Nhật Thành, bà anh là tổng giám đốc công ty bách Hoá ở Bình Nhưỡng.

Như vậy nghĩa là anh Kim Cheol Woong thuộc nhóm đặc quyền đặc lợi của xã hội Bắc Hàn, khi nhân dân bên ngoài đói, nhà anh vẫn có nhu yếu phẩm thịt thà bơ sữa chuyển tới nhà hàng ngày. 

Anh là trẻ con có năng khiếu, khi lên 8 anh được nhận vào đại học nghệ thuật Bình Nhữơng học piano. Sau 14 năm tu nghiệp anh được gửi tiếp qua Moscow để học tiếp tại Tchaikovsky từ năm 1995 tới 1999. Anh thuộc dạng oách, hạt giống đỏ mới được ở lại học chứ các sinh viên Bắc Hàn khác là sau khi bức tường Berlin sụp, trong đêm tập hợp về nước tất.

Ở Moscow, anh phải sống trong sứ quán, bị quản lý chặt từ trường về nhà.

Một hôm, được nghỉ học, anh phá rào đi cafe, trong lúc ngồi cafe anh lần đầu được nghe Richard Clayderman.

Từ nhỏ, anh chỉ biết classic hoặc nhạc cách mạng. Bởi vậy, lúc đó anh cực ngỡ ngàng và Richard Clayderman được coi như sự nổi loạn.

Đối với Bắc Hàn, nguyên nhân của sự sụp đổ của phe Đông Âu là do ảnh hưởng của văn hoá và âm nhạc là yếu tố ảnh hưởng mạnh. Theo các nhà lý luận Bắc Hàn nhạc rocks là nguyên nhân chính sự sụp đổ của Soviet Union.

Năm 2000, quay về Bình Nhưỡng, anh làm việc trong dàn nhạc giao hưởng quốc gia, là nhạc công chính chơi piano. Anh yêu một bạn gái, bạn này học cùng anh từ nhỏ, là cháu anh Jang Song Thaek, con rể của lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Dự kiến là tỏ tình một cách đặc biệt với bạn gái, anh luyện bản "A' Comme Amour" của Richard Clayderman. Khổ thân anh, có đứa nó thù anh, nó đi báo cáo tổ chức anh chơi nhạc phản động.

Anh bị viết kiểm thảo 10 trang xong anh uất ức. Năm 2001 anh quyết định bỏ nhà vượt biên đi tìm tự do.

Anh dự kiến trốn qua Nga đi qua ngả TQ. Tuy nhiên, khi vượt biên anh bị công an biên phòng tóm, anh hối lộ toàn bộ số tiền anh có, cỡ $2000 và được bạn biên phòng giúp vượt sông.

Qua TQ, nghĩ rằng anh có thể kiếm sống được bằng chơi piano. Tuy nhiên, ở tỉnh biên giới đó người dân còn không biết piano là cái gì. Do vậy anh phải làm ruộng, chặt gỗ để kiếm cái ăn. Sống vất vả nhưng anh vẫn đau đáu nỗi niềm lại được chơi đàn.

Ở hơn 1 năm thì có người bạn đồng hương vượt biên bảo anh là ở đây có một nhà thờ Hàn quốc và có piano. Đây là nhóm truyền đạo bất hợp pháp ở TQ, họ cho người vượt biên từ Bắc Hàn chỗ ngủ và đồ ăn.

Khi tìm tới được nhà thờ, anh tham gia nhóm học kinh thánh để được chơi piano. Tuy nhiên người chơi piano của nhóm truyền đạo không cho anh sờ vào đàn vì không thể tin cái con người rách rưới sầu thảm đấy có thể chơi nhạc. Anh đã khóc khi nhìn thấy đàn. Và, cho dù chưa từng chơi trước đó bao giờ, khi được sờ tay vào phím bản nhạc đầu tiên anh chơi là bản Amazing grace.

Cuộc đời anh sau đó sang trang, anh được giúp đỡ để có được passport giả mạo là công dân TQ và vé máy bay bay qua Seoul, tuy nhiên anh bị bắt ở sân bay. Khi bị tóm, anh đập vỡ cửa sổ toilet và trốn thoát.

Sau đó, anh lại bị tóm, được đưa trở lại Bắc Hàn. May cho anh, khi ở Bắc Hàn sĩ quan an ninh thẩm vấn anh biết anh là ai, bố anh chính là người đã thăng chức cho anh sĩ quan này. Do vậy, người sĩ quan đã thả tự do cho anh, sau khi tự do anh lại trốn qua TQ tiếp. Lần này, anh sử dụng passport Hàn quốc giả và thoát qua được Seoul.

Năm 2004, anh ở Seoul và bắt đầu dạy nhạc tại Hansei University. 

Năm 2009 anh làm được điều mà nhiều nghệ sĩ piano mơ ước, anh chơi đàn ở Carnegie Hall's ở New York.

Anh cũng dành tiền để trả dịch vụ cho nhóm buôn người đón mẹ anh qua Seoul theo ngả vượt biên qua TQ. Bố anh đã qua đời vì tai biến.

Anh vẫn ước mơ về một ngày 2 miền thống nhất, với anh bỏ qua chính trị chính em, anh nhớ về những ngày thơ ấu, con đường tới trường, căn nhà cũ và bạn bè thủa xưa.

Hôm nay là thứ 6, cuối tuần, chúc mọi người có 1 weekend vui vẻ.

Ps: viết trong lúc nhịn đói.

Monday, May 29, 2023

Thái độ: Nói về cái mình muốn

Ly Hoang chinh: Người Trí thức là ai ? Theo tôi đó là người biết gắn tri thức của mình với trách nhiệm xã hội và khai sáng dân trí!🌺 

GS Ngô Bảo Châu là một trong những nhà khoa học danh tiếng tầm cỡ thế giới, bận trăm công ngàn việc xong Ông luôn trăn trở với những vấn đề lớn của đất nước. 

Việt Nam ta có đến hàng triệu GSTS, VNS, NKH...những người được cho là có tri thức và được coi là giới tinh hoa của đất nước, nếu họ đều là những Trí thức như Ông thì lo gì đất nước này ko hóa rồng!? Nhưng thật buồn thay!!!😪

YÊU NƯỚC! - GS Ngô Bảo Châu🌺

( Tôi nghĩ chắc Ông đã khóc khi viết bài này!!!? )😪

K. là giáo sư toán ở Đại học Yale, có quốc tịch Mỹ nhưng gốc là người Nga, nói tiếng Mỹ vẫn đặc sệt giọng Nga. Có lần tôi hỏi anh ấy lần cuối anh về Nga là khi nào. Anh ấy nói từ khi tôi đi Mỹ tôi chưa quay lại Nga bao giờ. 

Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, K. nói rằng đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga. 

Trường hợp của K. không phải là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng không phải là một trường hợp cá biệt.

Tuy hơi bị bất ngờ nhưng tôi cảm thấy cái lý trong những chia sẻ rất thẳng thắn của K. Nói cho cùng thì tại sao mỗi người phải gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra.

Một vài lần quá cảnh ở sân bay Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, tôi bắt gặp vài tốp thanh niên Việt Nam, có vẻ như đến từ nông thôn, có vẻ như nói giọng Nghệ An, họ tụm năm tụm ba, ngồi bệt uống bia, đánh bài, có vẻ như không quan tâm đến xung quanh, nhưng kỳ thực mắt vẫn nhìn quanh với một vẻ nửa hoang mang, nửa thách thức. 

Những lúc đó bỗng dưng tôi thấy quặn lòng thương đồng bào của mình. Ai trong số họ đã nợ ngập cổ để mua cho bằng được một suất đi xuất khẩu lao động, ai trong số họ sẽ phải làm lụng vất vả mấy năm trời để trả hết số tiền đã vay, ai trong lúc bần cùng, nghe bạn bè rủ rê, sẽ đi ăn trộm ăn cắp.

Tại sao lại đồng cảm với họ? Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ có thể dùng để hiểu nhau, ngoài nơi sinh Hà Nội và Nghệ An cách nhau vài trăm cây số, tôi có gì chung với họ? Tại sao tôi vẫn cảm thấy “liên quan” đến số phận của họ? 

Tôi thấy chỉ có một câu trả lời hợp lý duy nhất: sự “liên quan” đó chính là lòng yêu nước. Nếu đó là tình yêu thì có lẽ không cần tìm cách lý giải nữa.

Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình.

***

Tôi rất thích xem bản đồ. Nhìn cái quả cầu xanh xanh nhớ lại chỗ này chỗ kia mình đã đi qua. Nhớ cánh đồng lúa xanh mướt, nhớ con đường nho nhỏ chạy thẳng ra biển mà ở ven ven thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ. Nhớ những đỉnh núi hùng vĩ quanh năm tuyết trắng, nhớ những cánh rừng thông xào xạc chạy dọc bờ biển Đại Tây Dương. 

Chỗ nào cũng cảm thấy như nhà mình, trái đất là nhà mình, dù rằng có một vài điểm hình như thân thương hơn các điểm khác.

Nếu hay xem bản đồ thế giới, đến một lúc nào đó, bạn sẽ có một phát hiện rất lạ lùng. Hóa ra cái điểm Việt Nam thân thương không hề là trái tim của nhân loại. Nó nằm ở nơi cùng trời cuối đất. Đi tiếp sang phía đông, hay xuống phía nam là biển rộng, là đại dương.

Văn minh nhân loại được mở rộng và phát triển nhờ vào những cuộc viễn chinh, những làn sóng di dân. Chiến tranh và những cuộc di dân, vừa là tai họa cho cuộc sống con người, lại vừa là phương tiện chuyên chở tôn giáo, những tư tưởng nhân văn, những kiến thức về tổ chức xã hội, những phát kiến khoa học và kỹ thuật. 

Những cuộc chiến tranh, những cuộc di dân, những thảm họa đã từng cầy xới châu Âu cũng đã là một nguyên nhân làm cho nó trở nên phồn thịnh, văn minh.

Có lẽ vì đất nước của chúng ta nằm ở nơi cùng trời cuối đất mà trong gần hai ngàn năm, nó hầu như nằm bên rìa của văn minh nhân loại. 

Chiến tranh, thực ra không nhiều, hầu như đều đến từ phương Bắc, người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, văn minh Trung hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc bộ.

Cuộc sống bây giờ đã khác nhiều. Ngay cả những thanh niên nông thôn mà tôi gặp ở sân bay Narita, dù có lẽ họ không có một hệ quy chiếu nào khác ngoài một bộ ứng xử của người nhà quê, mà nền tảng lý luận dường như là một dạng tối giản của văn minh Trung hoa, họ cũng hiểu rõ họ cần thoát ra ngoài cái khung đó để mưu cầu hạnh phúc, và họ muốn thoát ra bằng mọi giá.

***

Mấy tuần gần đây, dù muốn hay không, mà thực ra là không muốn, tôi cảm thấy rất quan tâm đến diễn biến chính trị ở Việt Nam. 

Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng quan tâm như tôi, có lẽ quan tâm đến đại hội lần này hơn hẳn so với những đại hội lần trước, dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến đại hội của “họ”.

Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.

Tôi không định nói chúng ta phải quay lưng lại với cốt cách của con người Việt Nam truyền thống. Đối với tôi, cậu thanh niên Nghệ An quần áo xộc xệch dáng vẻ lấm lét ở sân bay Narita, dường như thân thương hơn nhiều so với các nam thanh nữ tú Hong Kong đang dán mắt vào cửa kính các quầy hàng duty free.

Nhưng tôi mong muốn một khế ước xã hội như những khế ước xã hội đã là nền tảng cho những nước phát triển. 

Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền.

Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. 

Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.

Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ súy cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự.

***

Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. 

Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra.🌲☘🌺

N.B.C.

Sunday, May 28, 2023

[EDU-KIDS] Năng lực đọc sách của trẻ,

 1. Học sinh Việt Nam không có thói quen đọc sách. Rất nhiều sinh viên đại học mà tôi biết chưa đọc một cuốn sách nào từ đầu đến cuối, ngoài sách giáo khoa. Đa số không có thói quen đọc sách. Ngày không đọc là chuyện bình thường đến nỗi ngày có đọc khoảng 5-10 trang sách mới là chuyện lạ. Do đó, người lớn, những người đi làm, cán bộ quản lý, lãnh đạo, người làm chuyên môn, đặc biệt là các thầy cô giáo hầu như không có thói quen đọc sách. Chúng ta thường nhầm lẫn khi nghĩ các môn Toán, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật không liên quan tới năng lực đọc.  Trẻ dốt và sợ Toán, công nghệ bắt đầu bằng việc không thể đọc và diễn đạt các ý tưởng trong các môn này. Những trẻ được cho là khá Toán hay công nghệ nếu không tiếp tục phát triển năng lực đọc, không thể phát triển nghề nghiệp của mình trong tương lai. Tôi đã từng rất phiền muộn về khả năng đọc, hiểu và diễn đạt của các kỹ sư CNTT dưới quyền và các học trò, đồng nghiệp. 

    2. Chương trình đào tạo phổ thông dành một thời lượng rất lớn với mục tiêu rõ ràng là học ngữ văn để đọc sách. Tuy nhiên, chương trình không tạo được thói quen đọc sách, và ít hơn chưa tạo ra được năng lực đọc sách có thể đo đếm và càng không có phương pháp đọc sách để học sinh có thể tư duy, diễn đạt và nâng hiệu quả đọc. Du học sinh Việt Nam rõ ràng thất thế khi theo học tại các trường đại học trên thế giới, với khối lượng bài đọc hàng tuần trung bình cỡ 250-400 trang/tuần. Tuy chưa có số liệu thống kê, nhưng chỉ nhìn vào năng lực đọc của người lớn đã đi làm, sinh viên đại học, học sinh trung học, có thể thấy đa số du học sinh, dù là tinh hoa của học sinh Việt Nam đi nữa, không thể đạt quá 60% khối lượng nói trên. Về lâu dài sẽ là một khoảng cách khó san bằng về tri thức và năng lực tư duy.

      3. Năng lực đọc sách không thể hình thành một sớm một chiều và phải rèn  luyện từ tiểu học. Chúng ta dạy trẻ biết mặt chữ, đánh vần và coi việc đọc là việc của trẻ, mặc cho chúng vật lộn với vô số khó khăn, trước hết là thấy được ích lợi, yêu thích việc đọc sách, rồi tới các phương pháp để nắm được thông điệp, học được cách diễn tả ý tưởng và suy nghĩ quan sát để liên hệ những điều đọc được trong đời sống. Số trẻ đọc sách thường xuyên đã ít, đọc để hiểu, nhớ và vận dụng được kiến thức còn hiếm hơn nữa. Một số trẻ hiếm hoi thông minh, thích đọc, đọc nhiều sẽ thấy một mớ kiến thức lộn xộn, hỗn loạn, không thể diễn đạt nổi. Thật là xót xa. Người làm cha làm mẹ không nên chỉ than vãn, chê bai mà nên vào cuộc đồng hành với các con, trước hết là có nhận thức về việc đọc, không lấy mình làm tiêu chuẩn của con. Chúng ta không đọc sách vẫn sống, làm việc không đến nỗi thua kém người xung quanh, không có nghĩa con cái chúng ta cũng có thể tiếp tục không đọc sách hoặc đọc sách thiếu suy nghĩ. Rõ ràng chúng ta đã thua kém các nước khác về năng suất lao động và sự sáng tạo. Xin đừng chỉ ra cho tôi các ví dụ thành công "tự hào dân Việt", bởi vì ngoại lệ chỉ  khẳng định quy luật.

     4. Một trong những điều tôi băn khoăn nhiều nhất là việc "biết đọc" không có chỉ số cụ thể để định hướng cho việc dạy. Và chương trình, sách giáo khoa của chúng ta không được thiết kế cho việc đó.  Vì vậy tôi muốn xây dựng một chương trình bổ sung cho trẻ dựa trên các chỉ số đó. Trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu bằng tốc độ đọc. Tiêu chuẩn trên thế giới về tốc độ đọc trung bình của học sinh bước vào trường đại học phải từ 40-50 trang/giờ. Ở Tiểu học, học sinh phải đạt tốc độ độc 15-25 trang/giờ. Ở Trung học là 25-40 trang/giờ. Tất nhiên, hiệu quả đọc tính trên lượng kiến thức thu nhận được mới là quan trọng. Nhưng chúng ta nên chú ý rằng để đạt tốc độ trên 35-40 trang/giờ, học sinh đã phải có đủ kiến thức để có thể bỏ qua nhiều câu, nhiều từ không cần thiết hoặc đã biết quá rõ. Vì vậy tốc độ đọc cũng phản ánh kiến thức.

      5. Một chỉ số khác, sẽ rất quan trọng để theo dõi học sinh Tiểu học, và cũng có thể sử dụng để đánh giá sinh viên đại học cũng như để thiết kế chương trình đào tạo là thời gian trẻ có thể tập trung để đọc liên tục. Thời gian này sẽ tăng qua quá trình rèn luyện với lộ trình tiêu chuẩn sau: 7-10 tuổi: 15-30 phút, 11-15 tuổi: 30-40 phút, 16-18 tuổi: trên 50 phút.  Thời gian nghỉ giữa các khoảng thời gian đọc cũng giảm dần từ 20 phút xuống 5 phút. Điều đó có hệ quả đối với việc dạy trẻ Tiểu học là chúng ta cần bắt đầu tạo thói quen đọc cho trẻ, bắt đầu bằng 15 phút mỗi ngày và tăng dần tới 30-35 phút. Ngược lại đọc cũng là biện pháp rèn luyện tập trung tư duy. 

      6. Tốc độ đọc cũng phụ thuộc vào nội dung đọc. Nếu là một cuốn sách có chủ đề biết trước, tốc độ đọc sẽ nhanh hơn là một tập hợp các thông tin chọn ngẫu nhiên. Tốc độ đọc cũng phụ thuộc vào mức độ khó của nội dung. Chúng ta có thể tạm chia làm 3 loại như sau để tiện theo dõi. Dễ nhất là báo, tạp chí, tin tức. Sau đó đến truyện. Cuối cùng là sách chuyên môn. 

     7. Việc đọc cần phải rèn luyện đi đôi với viết và diễn đạt lại ý tưởng. Ở mức cao hơn diễn đạt phải ở mức trình bày, thuyết phục và tranh luận được. Ở mức này việc điều tiết được tốc độ suy nghĩ cho phù hợp với tốc độ diễn đạt cũng là quan trọng. 

     8. Cuối cùng việc đọc phải đạt được năng lực biết thâu tóm được thông điệp, nội dung cũng như ẩn ý. Học sinh phải phân biệt được đâu là thông tin quan trọng hay ít quan trọng hơn trong một văn cảnh. Đó chính là tiêu chuẩn đánh giá năng lực đọc cuối cùng của học viên chứ không phải là việc học sinh nhớ thuộc lòng được bao nhiêu như hiện tại.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

Saturday, May 27, 2023

Lan man thật lòng

 NHÌN VÀO.. GÓC KHUẤT.

(Tản văn-phần 1)

    Tản mạn về "góc khuất"

    Góc khuất là góc .. khuất tầm nhìn. Dù "chính chủ" là ai cũng đều muốn dấu biệt tăm biệt tích. Chỉ mình ta biết ta hay những gì đang nằm im ru trong đó. 

     Tôi hiểu đơn giản như vậy.

     Tôi luôn cho rằng góc khuất cũng là góc tối, nằm ẩn cư phía sau chính diện huy hoàng.

     Vì vậy:

     Phía sau lời mật ngọt là những em ruồi chết thẳng cẳng

    Phía sau đảm đang là đuối như trái chuối

     Phía sau sự hiền lành có thể là một chú cù lần

    Phía sau sắc đẹp, lịch sử đã ghi nhận nhiều vụ các mỹ nữ đã gây ra họa.. nghiêng thành mất nước

    Phía sau thành tích là tảng đá áp lực đè lên đầu lên cổ "chủ thể" mỗi ngày.

     Đàng sau các biệt phủ là những mưu đồ đen, liên kết xám, những hợp đồng ma mị, những bắt tay bí ẩn.

    Phía sau ca khúc khải hoàn là hoang tàn, mất mát.

    Vân vân..

    Góc khuất tối thui đó làm sao nhìn thấy? Thật đáng buồn, trước khi hậu quả xảy ra ta chẳng thấy gì ráo trọi. Hoặc chỉ thấy tơ lơ mơ như thầy bói xem voi.

     Vì chỉ thấy lờ mờ, nên khi "hệ lụy" xảy ra thì ta mới vỡ lẽ, thì ra ta đã quá tin ai đó, không sớm nhìn ra được góc khuất của họ. Cho nên hậu quả cũng là kết quả của lòng tin bị phản bội, bi ai nhất là khi sự phản bội đó từ chính người thân của mình.

    Tôi đã thấy trong xóm tôi, một người cha là Việt kiều già, rất già, gom hết tiền bạc chắt chiu về VN cho người con cất nhà, hy vọng tuổi già ông sẽ hồi hương ở với con cháu. Nhà cất xong, ông ngậm ngùi trở về Mỹ, tuyên bố sẽ không trở về quê hương lần nào nữa.

    Tôi biết một người mẹ tự kết liễu cuộc đời, sau khi lỡ sang tên tài sản nhà cửa cho người con duy nhất, để rồi sau đó nó thay đổi thái độ xem mẹ nó như người ở trọ.

    Sự "phản bội niềm tin" đó đôi khi làm cho tôi ngẩn ngơ không hiểu nổi.

    Lần đầu tiên tôi nhìn thấy mặt trái một người là khi tôi 25 tuổi, đã đi làm được 5 năm, không quá lơ ngơ. Vậy mà tôi đã thật sửng sờ vì thấy người ta trở mặt quá nhanh.

    Chuyện là vầy, có lần tôi xin anh sếp trẻ (mới chuyển về công ty thay chú sếp cũ) cho tôi được chuyển công tác cho gần nhà (có một công ty đang tuyển dụng). Sếp khuyên tôi đừng chuyển đi, vì: "em là cánh tay phải của anh". Ôi, nghe thiệt là mát lòng mát dạ, tôi hứa với sếp sẽ không chuyển đi đâu hết.

    Sau đó khoảng vài ngày, có một cô gái đến gặp tôi, nói là đến.. nhận việc, thay thế vị trí của tôi đang làm.. A! Sao có thể chứ.. !! tôi kêu lên:

    - Hả, thiệt vậy ha chị?

     - Đúng vậy, tui thế chổ của chị đó.

    Cô ta khẳng định.

    Ui, nghe mà choáng váng tiền đình!

    Tôi cứ tưởng có sự nhầm lẫn gì ở đây, vì sếp không hề nói với tôi lời nào.

    May mà công ty tuyển dụng đó vẫn còn vị trí cho tôi chuyển về.

   Ở công ty mới đó, tôi như cái cây bị nhổ mang trồng nơi khác. Héo queo, buồn thảm. Còn đâu những cô chú anh chị ở công ty cũ, luôn thương quý tôi như người nhà.

    Sau này tôi nghe nói ở những vị trí quan trọng sếp trẻ đều thay đổi bằng ekip mới, đó là điều bình thường, vì đa số lãnh đạo các cấp đều làm như vậy. Tôi chỉ không thích cách "xử lý", sếp điều người cũ làm những việc không phù hợp cho họ nản, họ tự xin thôi việc. Nhưng phải công nhận sếp trẻ rất giỏi, chỉ sau vài năm từ một công ty nhỏ đã trở thành tập đoàn lớn nổi tiếng quản lý các khu công nghiệp tầm cở của tỉnh.

    Ở công ty mới, nhìn đâu tôi cũng thấy sự lạnh lùng, hình như họ đang cười "khi dễ" mình thì phải. Tôi chưa quen việc mới.. stress quá trời quá đất.. buồn hiu hắt.

    Khi đủ lâu, đủ thân, các bạn đồng nghiệp mới này là những người giúp tôi nhiều nhất: bênh vực, tâm sự, đồng cảm..

    Thì ra góc khuất trong mỗi con người không phải lúc nào cũng xấu. Nhìn vậy chứ không phải vậy.

     Nhưng thường thì góc khuất hay chứa đựng những điều đáng buồn. Tôi sẽ kể bạn nghe tiếp câu chuyện của mình.

    Tôi có một cộng sự rất siêng năng giỏi giang, câu hay nói của em đó là: "chị cứ để em làm cho". (Bổng có một ngày..) tôi phát hiện ra em này đã mạo danh tôi để lừa người khác. Lớn chuyện đến nỗi suýt chút tôi nguy to rồi, có thể tù tội như chơi. May mà người ta kiểm định chữ ký không phải của tôi. Tôi thật không hiểu nổi, tôi đã tin tưởng người này biết bao. Bạn sẽ hỏi vậy người này có hối hận không, có xin lỗi tôi không? Không hề nhé.. sau đó thì biệt tăm.

    Tôi có một người bạn, từng thân thiết tâm sự mọi điều.. (bổng có một hôm..) người ta nói bạn này hay nói xấu sau lưng tôi. Không có đâu! Tôi khẳng định. Nhưng khi người thứ 2, thứ 3.. kể y vậy, thì tôi biết mình đã mất người bạn này rồi. Vì quá ngạc nhiên, tôi đã gặp bạn ấy để hỏi câu" tại sao"? Chỉ có sự im lặng để trả lời.

    Có một bạn tôi từng giúp lúc bạn khó khăn. Sau này bạn thành đạt, chức vụ cao. Tôi nhờ bạn  một việc tương tự như lần tôi giúp bạn. Bạn nhận lời. Rồi tôi cứ chờ mãi.. chờ mãi. Bạn nói.. cứ từ từ.. từ từ. Một người biết chuyện chỉ cho tôi "nguyên nhân sâu xa" vì sao cứ chờ hoài:

    - Bồ phải chi tiền ra chứ.

    - Ơ, hồi đó tui giúp bạn ấy, có đòi tiền bạc gì đâu..

     - Hồi đó khác, bây giờ khác..

     Thì ra vậy, ai nói sống lâu thì hết.. ngây thơ.

     Và còn nhiều lắm những sự việc luôn làm tôi sửng sốt. Vì sao họ đối xử với mình như vậy, ta đã rất tốt với người đó mà. Sao mình không thấy góc tối của họ sớm hơn, để bây giờ phải hối hận.

    Nhìn ra mặt trái sâu kín của ai đó không dễ, vì vậy mới có từ "cảnh giác".

    Bạn đừng thấy ai đó giàu có bảnh tỏn mà lầm nhé. Nếu hợp tác làm ăn với ai đó hãy thật cẩn thận, làm đủ mọi thủ tục an toàn tài chính cho mình. Vì cái người sang trọng sáng láng đó có thể quỵt nợ trắng trợn, vô liêm sỉ, phủ nhận trách nhiệm tỉnh queo. Dù bạn có thưa họ ra tòa họ cũng không ngán. Đừng hy vọng nhiều ở luật pháp.. vì thực tế người tôi nói đến đó vẫn vô sự với nhà lầu, xe hơi. Còn món nợ vẫn y nguyên. Bạn sẽ nói sao có thể được? Đáng buồn là có thật đó bạn. Vì sao luật không đụng chạm được đến tài sản người này, vì đó là tài sản riêng của họ. Bạn nhớ nhé, hãy luôn cẩn trọng khi kinh doanh với công ty mà cái tên có câu "trách nhiệm hữu hạn".

    Rồi còn phải cảnh giác ai nữa? Bất cứ ai, vì bạn không thể nào biết được đến khi nào họ sẽ trở thành.. con người khác. Bạn tin cứ tin, bạn yêu cứ yêu.. nhưng hãy luôn "tỉnh táo" coi chừng.

    Than ui! Vì tôi đã trải qua nhiều rồi.. đã từng đau lòng, từng ngẩn ngơ, từng khổ sở. Túm lại, cảnh giác tất cả.. bạn nhé. 

    Nói thì nghe dễ ợt. Riêng tôi thì gần như không "cảnh giác" được ai. Chỉ khi nào "sáng mắt ra" thì tôi mới tự trách mình: Sao ta "khờ bền vững" quá lâu, sao dễ tin người, sao số xui quá mạng..

    Rồi mọi chuyện buồn phiền cũng trôi theo thời gian. Nhìn lại chuyện cũ, tôi nhận thấy những người sống "tệ" ấy đều nhận "quả báo" không hay, chỉ là nhiều hay ít, lâu hay mau mà thôi.

    Tôi không hề cảm thấy vui khi biết họ gặp rủi ro. Vì trước đó chúng tôi đã từng có những kỷ niệm đẹp, tin tưởng, gắn kết.. tôi đã rất buồn khi tình thân ấy không còn nữa.

    Dù sao đi nữa, tôi sẽ vẫn luôn sống thật lòng, tử tế, thiện lương.. tin người.. đáng tin. Mọi chuyện đã có số phận an bài.

Vân Huỳnh

(Còn tiếp.)

Ảnh mạng st

Friday, May 26, 2023

Chuyện của Gió

 Vì sao nhiều nhà đấu tranh đã ngừng hoạt động vẫn bị bắt.

...........................

Gần đây rất nhiều người hỏi tôi vì sao người này, người kia đã ngừng đấu tranh, không còn hoạt động gì nữa mà vẫn bị công an Việt Nam bắt và xử án nặng ?

Tôi trả lời tôi đã từng viết bài có tên là Chúng Ta Đều Ở Trong Rọ, bài viết đại khái là khi chúng ta làm gì đó, công an chưa bắt ngay, đến ngày nào đó họ cần đối thoại về nhân quyền, cần thành tích lên chức, họ bắt người đấu tranh. Có rất nhiều người cũng đã trả lời câu hỏi này trên mạng xã hội,  nội dung là do cộng sản ác độc, muốn trấn áp những người đấu tranh ôn hoà để duy trì quyền lực.

Hôm nay có anh bạn đến chơi, anh muốn mượn xe 9 chỗ của tôi chở gia đình anh đi dự đám cưới họ hàng, anh bạn từng là một trong những admin của trang Dân Luận lừng lẫy một thời, cho đến khi làn sóng Facebook đánh bẹp các trang website, trang Dân Luận mất dần lượng người đọc và rồi hình như cũng chẳng còn hoạt động nữa, nhất là khi phong trào Con Đường Việt Nam được khởi xướng trên trang có nhiều thành viên ly tán bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Anh bạn đã có tuổi, vợ sinh con nhỏ, anh đi làm ở nhà hàng đến tối mới về. Chẳng còn thời gian cũng như sức lực mà lên facebook chiến đấu nữa. Viết thì không phải sỏ trường, cập nhật tin thì nhiều trang facebook trẻ trung, năng động và am hiểu kỹ thuật họ làm tốt hơn anh nhiều.

Tôi làm cho anh bát phở to ú hụ, gấp đôi người khác vì biết cơ thể đồ sộ của anh phải cần như vậy.

Lúc trà thuốc, anh lại hỏi tôi câu hỏi mà bao năm qua, đã bao nhiêu người hỏi tôi.

- Sao bọn Lân Thắng, Lâm Bùi có làm gì nữa đâu, bọn nó chăm con bỏ mẹ, mà lại bị bắt nhỉ?

Tôi nhớ, anh chính là người đã đăng bài Chúng Ta Đều Ở Trong Rọ của tôi lên trang Dân Luận hơn 10 năm trước, chắc chắn anh không quên nội dung bài đó.

Trích đoạn.

'' Là chúng ta, những người viết blog sẽ có thể bị bắt bất cứ lúc nào khi mà cơ quan an ninh muốn. Không phải ngày hôm nay chúng ta ngừng viết, chúng ta không sờ đến bàn phím nữa, chúng ta sẽ yên lành. Chúng ta đều ở trong rọ, đến thời hạn cần thăng chức, lên lon, xét duyệt, thời điểm cần vụ án chính trị để phục vụ mục đính chính trị. Người ta thò tay vào rọ và chọn ai đó trong số chúng ta. Những bài viết mà chúng ta viết đều được một bộ phận theo dõi in ra, một bộ phận sẽ cần mẫn hàng ngày đọc từng câu, dòng để vạch xanh đỏ vào đó đánh dấu rồi kết luận bên lề là ” điều 88” điều ”79”. Khi cần rất nhanh chóng, những tập giấy in bài viết này được chuyển sang bên sở văn hoá TTTT cho các ” chuyên gia” thẩm định trong vòng vài tiếng cho hợp lệ.''

Bây giờ anh vẫn hỏi tôi chuyện này. 

Tôi không phải là cơ quan an ninh bắt người, cho nên những câu trả lời của tôi thế nào cũng chỉ là cảm nhận. Nếu là cảm nhận thì nói riêng với anh em thân thiết với nhau chẳng có vấn đề gì, nhưng viết ra công khai đăng lên mạng là điều cần phải cân nhắc. Không chừng viết ra lại bị quy rằng làm nhụt chí người đấu tranh, phá hoại phong trào đấu tranh dân chủ.

Anh bạn nghe tôi kể cảm nhận của bản thân, sau vài chuyện về làm ăn rồi đi ngủ.

Tôi thức mãi đến 1 giờ đêm, dậy pha trà và quyết định viết và lại những gì tôi đã kể với anh. 

-----------

 Hồi đó em và Lân Thắng, Trương Dũng bị bắt trong một khách sạn ở thành phố Vinh lúc mờ sáng. Hơn trăm cảnh sát và dân phòng bao vây kín khách sạn, bọn em đưa lên xe kín chở về công an TP Vinh. Buổi trưa bọn em ăn cơm ở nhà ăn công an thành phố, ngồi cùng bàn có cả đại tá, thiếu tướng. Đến chiều thì Lân Thắng và Trương Dũng được thả ra khỏi công an thành phố. Riêng em bị giữ lại đến tối, nằm trên cái giường trong phòng của cán bộ nào đó, tầm 8 giờ người ta mới bảo em.

- Ngoài kia họ muốn chúng tôi đưa anh về, giờ không có chuyến bay nào cả. Chúng mình đi xe ô tô vậy. Trước khi đi anh cho chúng tôi chụp anh kiểu ảnh để làm bằng chứng anh khoẻ mạnh không bị đánh đập gì khi ở đây.

Em ra bàn uống nước ngồi, hai tay xếp khoanh trên bàn, nở nụ cười cho họ chụp ảnh.

Sau đó họ đưa em ra một chiếc xe con 7 chỗ ngồi, có 6 người công an cùng đi, lái xe cũng là công an. Họ mặc sắc phục, quân hàm đại tá, thượng tá, thiếu tá đủ loại.

Xe đi nửa đường, họ dừng lại trước một quán ăn khá to. Viên đại tá bảo em.

- Chúng ta vào đây nghỉ, ăn gì đó.

Vào quán họ gọi gà luộc và bia, em ăn bát phở và không uống. Em ăn xong trước ra bàn uống nước ngồi, những quán ăn ven đường quốc lộ hay có cái bàn đặt bên ngoài, có bộ ấm chén, trà xanh, điếu cày cho khách dùng. Ông chủ quán thấy tốp khách công an đi đêm, chắc nghĩ có chuyện gì quan trọng lắm, đến gần em lân la hỏi.

- Các anh đi công tác gì mà đêm khuya vất vả thế ?

Em bảo.

- Công tác mẹ gì, tôi là người bị bắt, còn mấy ông kia là người áp giải. Ông nhìn tôi mặc thường phục như này, họ mặc như kia mà không nhận ra à?

Tất nhiên ông ta chẳng nhận ra và cũng chẳng tin lời em nói, vì có thằng tội phạm nào bị bắt mà nhởn nhơ ăn xong ra uống trà, hút thuốc lào trong khi mấy ông áp giải đang ăn uống bên trong.

Ăn xong, uống nước trà xong.  '' Đoàn Công Tác '' bọn em lại lên đường ra Hà Nội.

Đến Hà Nội 7 giờ sáng, em được đưa vào Hà Đông, nơi trụ sở của an ninh thành phố Hà Nội. Họ bàn giao em cho một cô công an khá xinh, đồng thời đưa một số giấy tờ cho cô ấy ký và chào em rồi đi.

Em ngồi với cô công an, hỏi cô ấy có mua hộ cho em bao thuốc lá được không. Cô ấy cười xoè, bảo thuốc lá thì em có đầy tủ, rồi cô mở tủ lấy ra bao 555 đưa em. Hỏi bao tiền, cô bảo mấy khi mời được anh Buôn Gió bao thuốc. Hỏi sao cô sẵn thuốc và trà thế, cô bảo việc cô liên quan đến tiền nong, tiếp phẩm, kế toán, thủ quỹ. 

Lúc sau người làm việc với em đến, là người từng triệu tập em nhiều lần. Anh ta nhìn xấp giấy mà cô công an kia đưa, nhìn em rồi chửi thề.

- Đm ông ra đây mà xem, mình ông đưa từ đấy ra mà mất từng này tiền, làm gì đến 6 người đưa ông ra. Toàn các ông tranh thủ đi thăm con học, ở lại còn tính tiền khách sạn sang nữa.

Em hỏi ngạc nhiên.

- Thế các ông phải trả tiền cho họ à ?

Người kia nói.

- Chứ còn gì nữa, hạch toán độc lập, chúng tôi đề nghị họ đưa ông ra đây thì chúng tôi phải chịu chi phí đó.

Em không nhịn được cười, vì em nghĩ em là quan trọng lắm nên mới được công an Vinh cho ăn uống cùng bàn, được xe riêng có 6 người áp giải mà không bị còng tay, không bị quát mắng gì. Hoá ra là các ông công an Vinh tranh thủ làm chuyến đi thăm con mang em ra làm cái cớ để quyết toán chi phí. Cười vì mình ngộ nhận, nhưng cũng bật cười vì cái cách ông kia cay cú bị mất tiền vì mình.

Nhưng rồi em không cười nữa, em cảm thấy lo sợ. Vì bản chất em là con buôn, em ngồi ngẫm lại mấy năm qua người ta đi theo dõi em khắp nơi, người ta lên tận công an Lạng Sơn gặp em đến mấy xe ô tô, người ta theo em về Hải Phòng, Nam Định...nữa. Nếu mà tính người và của thì họ tốn khá nhiều. Ngay cả chính cái ông hỏi cung này, có hôm giữ em lại bảo ở trong phòng ngủ công an, em bảo ngủ đây nhìn toàn quần áo công an treo trên tường, sợ không ngủ được, em đòi ngủ khách sạn. Ông ấy xin xe ô tô chở em ra khách sạn , chọn phòng 4 giường để thêm ông nữa ngủ cùng. Sáng dậy còn đi ăn phở, trưa ăn cơm trong nhà ăn công an, thịt gà, hải sản đủ thứ. Lúc ăn có ông còn nói, nhờ có anh mà bọn tôi được ăn thêm nhiều món như này đấy.

Em nghĩ đấy là tiền ngân sách, nhưng họ phải hạch toán.

Và cũng như con buôn, họ phải kê khai số tiền đã chi ra vào em, và kết quả họ thu được, như anh em mình đầu tư nhà hàng, bỏ vốn rồi tính thu lời ấy.

Cái lời của cơ quan an ninh nó khác với con buôn. Họ triệu tập làm việc nhiều lần thấy mình không liên quan đến tổ chức gì, chỉ riêng mình làm, nếu mình nhận lỗi, họ bảo mình viết kiểm điểm và hứa không tái phạm, mong được tha thứ.  Họ cho mình về với lời đe là tạm ngừng làm việc để trình cấp trên. Mình về và không hoạt động, không viết lách gì thời gian dài dài qua vài năm thì họ xếp hồ sơ. Coi như đã xong chuyên án xử lý đối tượng chính trị, kết luận đối tượng đã bị khuất phục không còn thái độ chống đối nữa. Cái bản kiểm điểm và xin được tha thứ ấy chính là bản quyết toán hay gọi là chốt lãi của cơ quan an ninh.

Có người đã viết như thế, sau về một thời gian lại hoạt động, bị bắt luôn chẳng cần phải triệu tập thêm lần nào nữa. Vì đã có bản kiểm điểm hứa không tái phạm, xin được tha thứ nay lại hoạt động thì sẵn đó rồi cứ thế họ khiêng đi.

Nhiều người bị triệu tập, thái độ của họ ngoan cường, đối đáp khảng khái với cơ quan an ninh. Họ vẫn được về, một thời gian sau lại bị triệu tập dù họ hoạt động có giảm hơn trước. Đây mới là triệu tập chốt sổ lờ lãi. Nếu tinh thần vẫn khảng khái thì chỉ nhanh chậm dăm bữa sau là bị bắt tù.

Vì giáo dục, răn đe, doạ nạt không hiệu qủa, đối tượng không khuất phục, do đó dù đối tượng đã ít hoạt động hơn trước nhưng bản chất không thay đổi, chỉ tạm lắng chờ dịp. Cho nên kết luận chốt sổ cho đi tù để còn hạch toán dứt điểm chuyên án này, lập ngân sách cho chuyên án khác.

Kiểm điểm rồi xin tha thứ là việc em không thể làm rồi, không phải em anh hùng mẹ gì. Mà em biết tính em hay ngứa miệng, kiểu gì có lúc lại nói. Làm kiểm điểm xin tha thứ như thế càng làm mình bị bế đi nhanh. Còn anh hùng khảng khái khẳng định lập trường muốn thay đổi chế độ thì bị bế càng nhanh, nhưng như em nói rồi, em có phải anh hùng đâu mà khảng khái.

Thế là em chơi bài với họ, tôi biết gì về dân chủ hay đa nguyên đâu, mấy thứ đó thực tình loại lưu manh như tôi làm sao hiểu nổi, tôi còn học chưa hết cấp ba. Chẳng qua nhìn mấy cái chuyện lặt vặt thì ngứa mồm mà nói thôi. Ngoài hàng trà đá xe ôm người ta cũng bàn tán như thế hàng ngày. Mấy chuyện tầm phào như thế mà kiểm điểm hay xin tha thứ thì các anh thừa thời gian và người quá. Chuyện vặt người ta buôn dưa lê ngoài hè đường như đánh đề, độ bóng mà nâng tầm như thế thì các anh hết việc quan trọng làm rồi.

Em được về, nhưng em biết chưa đến lúc họ chốt sổ. Dù sao tiền và công sức an ninh Việt Nam bỏ ra với em cũng nhiều hơn người khác rồi. Chỉ vài tháng nữa thôi, sẽ có lần triệu tập chốt sổ. Em về liên hệ với bên Đức, nơi đã gửi giấy học bổng cho em lần trước nhưng bị cấm xuất cảnh,  họ nói sẽ can thiệp để em đi.

An ninh lại gọi em lên, họ chỉ thăm hỏi em rất tình cảm, rồi mời em ra quán ăn. Họ nói em là người tài, nếu thích viết thì họ nhận em làm báo Công An Thủ Đô  hay Hà Nội Mới, hoặc không muốn viết mà muốn làm nghề quảng cáo thì họ cấp cho hợp đồng treo băng rôn, cờ quạt của thành phố, việc có quanh năm tha hồ dư dật.

Em bảo làm quảng cáo cũng hay, nhưng mà em quyết đi Đức thời gian cho các anh đỡ bận tâm rồi.

Họ không ngạc nhiên khi em nói sẽ đi, họ bảo em nên ở lại làm gì cho đất nước, kể cả mảng tiêu cực cũng cần người viết, nhưng viết phải đăng báo nhà nước đàng hoàng, có lương, có đãi ngộ chứ đăng trên mạng rồi thỉnh thoảng nhận vài ba đồng của bọn nước ngoài làm gì.

Em cảm ơn và vẫn nói sẽ đi Đức.

Ba ngày sau, giám đốc Chung Con cho người gọi em lên CATP, đưa cuốn hộ chiếu mới và nói.

- Thôi anh đi thì chúng tôi cũng chẳng giữ làm gì, chúc anh đi nhiều may mắn.

-----------------------------

Bây giờ đã 3 giờ sáng, câu chuyện mà tôi kể với anh bạn đã viết lại xong. Có thể nhiều người đấu tranh sẽ không thích câu chuyện này, vì nó chỉ đơn lẻ trong bao nhiêu trường hợp bị an ninh trấn áp, không khái quát được toàn bộ bản chất của an ninh cộng sản Việt Nam.

Nhưng nó là câu chuyện có thật hoàn toàn và những suy nghĩ thật sự của tôi để mong ai đó cân nhắc khi gặp lần chốt sổ tính lờ lãi của an ninh.

 Chúng ta vào thời điểm này không thể làm ra một cơn sóng thần quật đổ ngay tức khắc chế độ này, chúng ta cũng không thể làm ra mùa xuân Ả Rập, cách mạng Đông Âu trong thời điểm này, chúng ta không thể thức tỉnh ngay được hàng triệu người dân xuống đường biểu tình vào lúc này. Đó là sự thực cần được nhìn nhận, chứ không phải là sự hèn nhát mà nói vậy và không phải là dư luận viên cài trong hàng ngũ đấu tranh nói vậy để làm suy giảm tính đấu tranh.

Cứ mệt mỏi, lo lắng ở  những lần triệu tập đầu tiên rồi dừng lại, khi mà chuyên án còn là quả trứng, chưa nở thành con gà. Thành gà rồi thì các bạn biết đấy, sớm muộn cũng bị chốt sổ. Người khác sẽ tiếp nối hình thành quả trứng rồi dừng lại, để người khác tiếp nối lại hình thành quả trứng. Chúng ta cần nhiều quả trứng vào giai đoạn này chứ không phải cần có quả trứng nào nở thành gà luôn rồi kết cục là bị thịt.

Ảnh anh bạn Trần Minh Trường, nguyên học viên trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây, đấu tranh cho dân chủ Việt Nam từ thời bức tướng Berlin sụp đổ, nick admin Dân Luận là Hồ Gươm.

FB-Thanh Hieu Bui

Thursday, May 25, 2023

Tinh hoa, quý tộc và thượng lưu

 KHÔNG THỂ TÙY TIỆN PHONG NHỮNG KẺ TI TIỆN NÀY LÀ TẦNG LỚP TINH HOA ĐC., TUYỆT ĐỐI KHÔNG!🌲🤔

Mời A/c đọc bài khá xuất sắc của CÔ GIÁO Lê Huỳnh Phương Thảo về luận đề thế nào "QUÝ TỘC" thế nào là "TINH HOA".☘🌺

Mấy năm trước, khi bùng lên tranh cãi về việc xây Nhà hát nghìn tỷ ở Thủ Thiêm.

Dân mạng lao vào ném đá anh chồng của cô “thợ hát” Mỹ Linh là “thợ viết nhạc” Anh Quân. Vì anh ta lên tiếng cho rằng những thứ như nhà hát là cần thiết cho tầng lớp “tinh hoa, quý tộc”. 

Mình đọc báo xong, chỉ cười nhạt, ngán ngẩm cho sự ngộ nhận kệch cỡm của anh ta. 

Nhưng hôm nay thấy báo Người Lao Động giật tít “Nói Thẳng: Tại sao ngày càng nhiều người trong giới tinh hoa vướng lao lý”?

Thì không thể im lặng, vì đây là tờ báo lớn, cơ quan tuyên truyền của nhà nước mà nhà báo, toà soạn đếch hiểu gì về giới tinh hoa, quý tộc và ngộ nhận gán ghép nó cho bọn đầu trộm, đuôi cướp, cơ hội phải nói là hạ đẳng của xã hội.

Vậy tinh hoa, quý tộc là gì?

Tầng lớp quý tộc trong mắt người phương Đông là những gia đình giàu có, có mối liên hệ với hoàng gia (hoàng thân quốc thích), hay tầng lớp có huyết thống cận vua chúa, có nhiều ưu đãi so với dân thường. 

Đó là những định kiến mà sách vở, phim ảnh mang lại cho chúng ta về tầng lớp quý tộc này. 

Khi nói đến giới quý tộc Anh chúng ta hay liên tưởng đến những nhân vật có cuộc sống xa hoa với kẻ hầu người hạ? 

Ngày nay, giới nhà giàu mới nổi Trung Quốc, Việt Nam thậm chí còn gửi con cái theo học ở các trường dành cho quý tộc ở Anh Quốc với hi vọng chúng sẽ thành tinh hoa, quý tộc. 

Nhưng họ sớm phát hiện ra nhận định của họ về giới quý tộc Anh không như họ nghĩ.

Tại trường nội trú Eden nổi tiếng của nước Anh. Học trò phải ngủ trên những tấm phản cứng, ăn uống đạm bạc và chịu sự giáo dục vô cùng nghiêm khắc. 

Eton College là ngôi trường xây dựng từ thế kỷ 15, chuyên đào tạo con em dòng dõi Hoàng Gia, quý tộc, nhưng ngày nay đã mở rộng ra đại chúng. Vậy nhưng để theo học ở đây chỉ tiền thôi là chưa đủ. 

Quy trình tuyển chọn rất gắt gao. Mỗi năm chỉ tuyển 250 người trong hàng vạn đơn xin ứng tuyển dù học phí hàng năm là 46.400 USD. Đó là còn chưa kể các chi phí cho các tập huấn ngoại khoá, dạ hội, dạ tiệc. 

Sở dĩ nó có chi phí đắt đỏ như vậy bởi người châu Âu không chỉ tôn thờ giá trị quý tộc với sự xa hoa, giàu sang mà đó còn là tinh thần tiên phong hướng về giá trị hạt nhân với Vinh Dự, Trách Nhiệm, Dũng Khí và Kỷ Luật.

Những trường học theo kiểu quý tộc thường dạy theo kiểu quân sự hoá nghiêm khắc và gian khổ. 

Mục đích là để rèn luyện tinh thần kỷ luật và ý thức hợp tác. Quý tộc là phải có khả năng tự kiềm chế, có tinh thần mạnh mẽ. Tinh thần này cần được bồi dưỡng từ thuở nhỏ. 

Một trong những cái tên nổi trội của trường Eden là tướng Wellington. Người đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho hoàng đế Napoleon của Pháp. 

Trước trận chiến sinh tử với Napoleon, khi đó bất chấp hoả lực nguy hiểm, tướng Wellington vẫn xông lên để theo dõi đối thủ. 

Người trợ lý khuyên ông nên quay trở về vì quá nguy hiểm. Nhưng Wellington cứ đứng như bất động. 

Viên trợ lý liền hỏi: -Ngài có nhắn nhủ gì nếu chẳng may ngài tử trận? Wellington vẫn không quay lại mà đáp: -Nhắn với mọi người là trăn trối của ta, giống như ta đang đứng ở đây. 

Cuộc sống quý tộc giống như đa số mọi người hiện nay vẫn nghĩ là sống trong nhung lụa, có kẻ hầu người hạ, chỉ tay năm ngón ra lệnh tuỳ tiện, mua xe Bentley, Rolls &Royce, có máy bay riêng, sống trong biệt phủ ... đi đánh golf. 

Thực tế, đây không phải tinh thần quý tộc, mà chỉ là thứ tinh thần của giới nhà giàu mới nổi. Đa số người ta thường đánh đồng giữa phú và quý. 

Thực tế, hai khái niệm này thuộc hai cảnh giới khác nhau. Phú là chỉ vật chất, quý là chỉ tinh thần. Trong tinh thần quý tộc phải khắc ghi ý thức kỷ luật. Phải khắc ghi, dâng hiến bản thân phụng sự Tổ Quốc mới là hàng đầu. 

Hoàng tử Harry và hoàng tử William của nước Anh là điển hình cho tinh thần này. Hoàng gia Anh đã gửi họ vào học ở học viện quân sự. 

Sau khi tốt nghiệp, hoàng tử Harry bị đưa tới tiền tuyến ở Afghanicstan. Không phải vì hoàng gia Anh không ý thức được vai trò quan trọng của hoàng tử cũng như rủi ro nơi chiến trường.

Nhưng họ cũng không quyên rằng tinh thần thiêng liêng phục vụ quốc gia mới là tinh thần thiêng liêng của người quý tộc. 

Vua Edward VIII khi đi thị sát trong một khu nhà ổ chuột ở London trong thế chiến 2. Đứng trước một căn nhà xiêu vẹo ông cất tiếng hỏi bà cụ bên trong: 

  - Xin hỏi, tôi có thể vào trong nhà được không? 

Có thể thấy, tinh thần tôn trọng người khác, cho dù người đó sống ở tầng đáy của xã hội chính là tinh thần cao quý. 

Và trong thời gian này, con gái vua Edward VIII sau này là Nữ Hoàng Anh Elizabeth cũng làm thợ máy, kiêm tài xế phục vụ trong chiến tranh. 

Ngày 21/01/1793 tại quảng trường ở Paris, hoàng hậu Marie Antoinetle khi lên đoạn đầu đài vô tình dẫm phải chân một đao phủ, bà còn nói: “Tôi xin lỗi thưa ông”! 

Trước đó người chồng của bà là Vua Louis XVI khi bị hành quyết cũng đã bình thản nói với đao phủ mặt đang sát khí đằng rằng: -“Tôi chết trong sạch, tôi tha thứ cho kẻ thù của tôi. Hi vọng máu của tôi sẽ làm xoa dịu cơn thịnh nộ của đám đông”. 

Hai trăm năm sau, tổng thống Pháp là Francois Mitterand nói rằng Vua Louis XVI là người tốt. Cái chết của ông là một bi kịch. 

Ngày 28/10/1910 có một ông cụ 83 tuổi bỏ hết tài sản và trang viên rộng lớn chia cho người nghèo rồi lang thang như một người vô gia cư và chết ở một bến xe.

Đó chính là nhà văn lừng lẫy Lev Tolstoy. Nhiều năm sau, nhà văn người Áo là Stefan Zweig đã nói: -“Kết thúc cuộc đời như thế chính là sự vĩ đại của ông ấy.

Nếu không như thế thì Lev Tolstoy không thuộc về nhân loại như hiện nay”!

Cho dù số phận, kết thúc cuộc đời mỗi nhân vật kể trên, mỗi người một khác.

Nhưng họ có mang một điểm chung, đó là thân phận và tinh thần quý tộc. 

Xã hội phương Tây cho đến cuối thế kỷ 18 vẫn là cho do giới quý tộc làm chủ.

Nhưng dẫu giai đoạn đó qua đi thì giới tinh hoa vẫn giữ được tinh thần quý tộc. 

Trong cuộc nội chiến Mỹ, đứng đầu phe miền nam là tướng Robert Lee đã khước từ lời đề nghị ẩn quân vào dân chúng để tiến hành chiến tranh du kích khi quân đội miền nam thất thế. 

Ông nói: -“Chiến tranh là nghiệp của người lính, là nhiệm vụ của chúng ta. Không được đẩy trách nhiệm vào người dân vô tội. Cho dù là tướng bại trận cũng không được làm cách này. 

Nếu phải đổi tính mạng để mang lại bình an cho bách tính miền nam thì có là tội phạm chiến tranh và bị hành quyết vẫn còn hơn”! 

Đó là tinh thần của giới tinh hoa, quý tộc châu Âu được lưu giữ.🌲🌺

(copy từ FB-Ly Hoang Chinh)

Ảnh: "Giới tinh hoa"?!🤔

Wednesday, May 24, 2023

Trên đường đời

Bốn Điều Cần Ghi Nhớ Để Vượt Qua Những Sóng Gió Trong Cuộc Đời .

Trên những đoạn khúc khuỷu của đường đời, chúng ta thường dễ trượt ngã và oán trách số phận: “Sao đời lại bất công như thế?”. Nhưng người Ấn Độ khác hẳn lại luôn dùng kim chỉ nam là 4 quy tắc tâm linh đầy sâu sắc dưới đây để đi qua những cơn sóng của niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống.

1 . Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp .

 Không ai ngẫu nhiên bước vào cuộc đời bạn mà không mang một ý nghĩa nào đó. Tất cả những người chúng ta gặp trên đường đời đều là những người “thầy” vô giá. Dù họ yêu thương bạn, bỏ rơi bạn, giúp đỡ bạn hay tranh đấu với bạn, tất cả chỉ để dạy bạn cách sống, cách yêu thương, cách bao dung và nhẫn nhường. Số phận luôn sắp đặt đúng người vào đúng thời điểm để tôi luyện ý chí và phẩm cách con người bạn, để bạn nhận ra đâu là giá trị cuộc sống và giá trị của bản thân mình. Vậy nếu bạn chỉ biết ơn những người trao cho bạn cơ hội mới, những người tặng bạn những khoảnh khắc ngọt ngào, và thù ghét những người để lại vết thương lòng trong bạn thì bạn mới chỉ hiểu một nửa thông điệp của tạo hóa.

 2 . Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều nên xảy ra .

 Không có điều gì chúng ta từng trải qua trong cuộc đời mình đáng ra không nên xảy ra cả, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Trước mỗi một sai lầm hay vấp ngã, chúng ta đều than thở "Giá như mình không làm thế thì mọi chuyện đã khác". Nhưng không, chẳng có cái giá nào hết bởi vì những gì nên xảy ra thì đều đã xảy ra.

 Qua đó, chúng ta rút ra được bài học để hoàn thiện, phát triển bản thân hơn. Thay vì ngồi đó bực tức, bất lực, trách mình vì đã đánh đổ nước cam lên chiếc laptop ban sáng, bạn hãy bình tĩnh chấp nhận, lau chùi nó rồi đem chiếc máy tính đi sửa và rút kinh nghiệm lần sau không bao giờ để nước vào túi đựng laptop nữa, có phải là tốt đẹp hơn không? Khi bị kẹt cứng trên một tuyến đường đông đúc trong lúc đưa con đi học, bạn cũng sẽ không nghĩ rằng nếu đi nhanh hơn thì một chiếc xe tải lao như bay trên đường có thể cướp đi sinh mạng của mình và con mình?

 Bởi vậy mới nói, đừng ngồi mà ước "giá như" bởi chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời là không có nguyên do. Nhẹ nhàng chấp nhận mới có thể ung dung, tự tại. Không có gì chúng ta trải qua lại có thể khác đi và đừng tốn thời gian để hối tiếc về những chuyện đã qua.

 3 . Chuyện gì đến, ắt sẽ đến.

 Tất cả mọi chuyện trên đời đều xẩy đến vào đúng thời điểm nó xẩy ra, không sớm hơn hay muộn hơn. Chúng ta không thể đoán trước điều gì sắp xảy ra, cũng không thể ngăn chặn nó vì nó đã ở đó và sẽ xảy ra vào một thời điểm mình không ngờ tới.

 Việc lo sợ vào một ngày nào đó một chuyện tồi tệ ập đến sẽ khiến bạn quên đi những giây phút đáng quý của hiện tại. Dù là niềm vui hay nỗi buồn, hãy học cách can đảm đón nhận nó. Bạn không thể kiểm soát thế giới xung quanh bạn. Chuyện gì phải đến cũng sẽ đến và phải học cách bình thản đối diện với những chuyện có thể bất ngờ xảy ra. Đôi khi, chúng ta phải chờ đợi rất lâu và trải qua rất nhiều những “chuyện sẽ đến” để hiểu hết ý nghĩa của thời điểm. Thời điểm luôn là món quà mà Thượng Đế trao cho những ai biết nhẫn nại, kiên trì và quyết tâm.

 4. Chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua

 Quy tắc này rất đơn giản. Khi một điều gì đó đã kết thúc, thì có nghĩa là nó đã hoàn thành trách nhiệm giúp ta phát triển. Duyên phận của chúng ta với điều đó đã chấm dứt để nhường chỗ cho mối nhân duyên khác hội tụ.

 Đôi khi chia tay một người hay rời bỏ một công việc chưa chắc đã là điều không tốt, bởi vì biết đâu đó lại là cơ hội để mình tìm được một công việc mới tốt hơn hay một người khác tử tế hơn.

 Đó là lý do chúng ta phải biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.

 Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc được bài viết này bởi vậy nếu cảm thấy đúng, đừng giữ cho riêng mình mà hãy chia sẻ! Hãy yêu thương bản thân, sống an nhiên và luôn hạnh phúc nhé!

Trần Quốc Phong (Chuyện Tuổi Trung Niên)

Tuesday, May 23, 2023

Singapore và câu chuyện phát triển

Tóm tắt: Singapore là hiện tượng kỳ diệu của thế giới ở thế kỷ 20. Từ một thị trấn nghèo qua 3 thập niên với ý chí quyết đoán của người đứng đầu là Lý Quang Diệu, Singapore đã trở thành “thiên đường của chủ nghĩa tư bản”. Năm 2014, GNP đầu người của nước này là 72.000 USD tính theo PPP. Xã hội thịnh vượng. Môi trường trong lành. Quan chức liêm khiết. Cả thế giới muốn bắt chước, nhưng có nhiều điều không thể bắt chước và cũng có nhiều điều người ta không muốn bắt chước. Bởi Singapore phát triển trong những nghịch lý không dễ lý giải, mà nghịch lý lớn nhất là “cất cánh” rồi “hóa rồng” trong môi trường ít nhiều độc đoán, độc tài. Tự do, dân chủ bị quản lý chặt. Nhà nước can thiệp sâu vào đời sống, thậm chí đời sống riêng tư của người dân. Kinh tế thị trường sôi động nhưng “bàn tay vô hình” của nó bị điều khiển bởi nhà nước. Tôn vinh đặc thù châu Á nhưng rất gần với phương Tây. Rất chú ý đến tính xã hội của sự phát triển nhưng lại xây dựng thành công một kiểu xã hội tư bản chủ nghĩa.

Ý chí cá nhân của Lý Quang Diệu được coi là nguyên nhân quan trọng làm nên sự thành công của Singapore. Và đó cũng lại là nguyên nhân khiến Singapore hiện ra không chỉ với toàn những điều tốt đẹp. Nhưng sự thịnh vượng đã làm mờ những điều không mấy nhân đạo trong sự phát triển của Singapore, che đậy và xóa đi các “vết đen” lịch sử.

I.

Tháng 3/2015, khi ông Lý Quang Diệu nằm xuống, cả thế giới nói về ông, người đã biến Singapore từ một làng chài nghèo đói vào giữa những năm 1960 thành một thương cảng sầm uất nhất thế giới sau 30 năm, một đảo quốc xứng đáng là “viên ngọc quý của sự thịnh vượng”. Bên cạnh những lời ngợi ca tưởng chừng đã vượt ra khỏi khả năng của ngôn từ, “người Cha sáng lập Singapore” vẫn phải nhận không ít những phê phán từ nhẹ nhàng tới gay gắt. Khắp nơi, đặc biệt ở các nước đang phát triển, tranh cãi về ông dường như lại tăng thêm. Mặc dù, với Singapore, “biểu tượng thần kỳ của sự phát triển”, hầu hết các các quốc gia ít nhiều đều muốn bắt chước.[1] Nhưng ngay cả sự bắt chước cũng đã chứa trong nó điều không mấy khả thi – nửa thế kỷ nay, Singapore gắn liền với tên tuổi của Lý Quang Diệu. Đó thực sự là hai trang của một tờ giấy. Và, không thể có trang này mà lại thiếu trang kia. Đây chính là một nghịch lý.

Đảo quốc này quá nhỏ, dân số chỉ 5 triệu người, không có tài nguyên, “một trái tim không có cơ thể” (a heart without a body), chính Lý Quang Diệu đã nói như vậy.[2] Trái tim này phải cố gắng biến thế giới thành cơ thể của nó. Và điều “không tưởng” đó Singapore đã làm được. Đây là nghịch lý thứ hai.

Lý Quang Diệu được nhiều học giả coi là đi theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Thời trẻ ông đã từng bắt tay với phong trào cộng sản và trong cuộc đời mình, không ít lần ông đã kịch liệt phê phán chủ nghĩa tư bản. Nhưng rốt cuộc, ông lại là người hết lòng xây dựng chủ nghĩa tư bản. Singapore của ông là tấm gương rực rỡ cho sự thành công của một “thiên đường tư bản chủ nghĩa”, “chủ nghĩa tư bản sạch” (Clean Capitalism, Capitalist Paradise),[3] một chủ nghĩa tư bản chẳng liên quan gì đến khái niệm của Max Weber. Đây là nghịch lý thứ ba.

Lý Quang Diệu tin tưởng tuyệt đối vào kinh tế thị trường. Ông từng giảng giải “đừng bao giờ tin rằng có thể đi ngược lại sức mạnh của thị trường” (“Never believe you can go against market forces. If you try, then nothing will happen”)[4] nhưng Singapore của ông lại là điển hình cho sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế thị trường, cả ở tầm vĩ mô đến những hiện tượng vi mô. Rất có thể quan hệ nhà nước với thị trường ở Singapore những thập niên qua đã vượt quá cả lý thuyết về kinh tế tự do của Friedrich Hayek hay của Keynes. Đây là nghịch lý thứ tư.

Lý Quang Diệu là người có cảm tình với dân chủ. Thời trẻ, dân chủ là tiếng gọi lý tưởng của ông. Ông hiểu rõ giá trị dân chủ. Nhưng Singapore của ông là một thứ “chủ nghĩa tư bản chuyên chế” (Authoritarian Capitalism – trong bài chúng tôi sẽ dẫn ra những bằng chứng thật khó phản bác). Còn ông, dù được ngưỡng mộ đến mấy người ta vẫn phải xếp ông vào hàng những lãnh tụ “có bàn tay sắt”, quản lý theo phương thức toàn trị, độc tài, dù đó chỉ là một kiểu “chuyên chế mềm” (Soft Authoritarianism).[5] Lý lẽ đáng kể nhất của ông là, dân chủ, tự nó đã bất hợp lý ngay từ giả định đầu tiên rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng và có đóng góp ngang nhau vào cái tốt đẹp chung (“The weakness of democracy is that the assumption that all men are equal and capable of equal contribution to the common good is flawed”).[6] Đây là nghịch lý thứ năm.

Lý Quang Diệu nhiệt thành tin tưởng vào giá trị về trách nhiệm xã hội, một giá trị cốt lõi của Khổng giáo. Singapore hiện đại được ông xây dựng theo mô hình của những giá trị châu Á. Trong mắt ông, giá trị phương Tây khác biệt đáng kể nên khó phù hợp. Nhưng Singapore ngày nay, hơn bất cứ một quốc gia châu Á nào khác, kể cả Nhật Bản, lại rất giống phương Tây. Đây là nghịch lý thứ sáu.

Về phương diện cá nhân, Lý Quang Diệu được tiếng là người giản dị đến xuề xòa, thực tế đến thực dụng, cởi mở đến phóng khoáng, thông minh đến thông thái, kiên quyết đến không hề biết nhân nhượng. Nhưng ông lại cũng là người “không thể làm bất cứ việc gì cẩu thả, từ việc mang một đôi giày bóng lộn đến ra một quyết định quan trọng”; không trói mình vào bất cứ vào lý luận nào hay lời khuyên nào, kể cả Macchiaveli và Khổng giáo, hai học thuyết mà ông rất tâm đắc. Ông lảng tránh tranh cãi đúng sai về các chủ thuyết, mà chỉ muốn tìm giải pháp thực tế cho những bài toán phát triển.[7] Đánh giá về ông, tờ tạp chí nổi tiếng “Life” ngay từ 1965 đã nhận xét, mà đến nay vẫn rất nhiều người dẫn lại rằng “Lý là người xuất sắc nhất, dù có đôi chút hung bạo” (“Lee is the most brilliant man around, albeit just a bit of a thug”).[8] Đó cũng là một nghịch lý của Singapore.

Vấn đề là ở chỗ, Singapore với 31 năm Lý Quang Diệu giữ cương vị Thủ tướng đã phát triển ngoạn mục trong những nghịch lý không dễ lý giải. Phẩm cách cá nhân của Lý Quang Diệu chắc chắn là nguyên nhân vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là nguyên nhân quyết định. Cùng một mô hình với Hàn Quốc và Đài Loan, nghịch lý lớn nhất của những nước này là đều tăng trưởng rồi “cất cánh” trong điều kiện ít nhiều độc đoán, độc tài. Một vài thế hệ đã trở thành vật hy sinh cho sự phát triển. Hàn Quốc “cất cánh” trong lao động khổ sai đầy nước mắt và có cả máu. Đài Loan “cất cánh” khi lãnh tụ giật mình về công tội của mình. Singapore được tiếng là sự trả giá để “cất cánh” dễ “chấp nhận” nhất. Sự thịnh vượng thực tế đã che mờ các “vết đen” lịch sử. Nhưng thực ra những hành vi độc đoán, toàn trị và thiếu cởi mở như những chứng cứ như chúng tôi sẽ trình bày trong những phần dưới đây, cũng thật khó “để rơi vào quên lãng” nhất là đối với những người trong cuộc.

II.

Vào những năm 1960, GDP thực tế của Singapore dưới 500 USD/người. Lúc đó Singapore rất nghèo, đang loay hoay tìm đường phát triển sau khi độc lập và sau cú sốc tách khỏi Malaysia. Sau hai thập niên, năm 1985 GDP của Singapore là 10.811 USD/người, nghĩa là đã vượt qua ngưỡng bị coi là nước nghèo (960 USD/người theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, hoặc 875 USD/người theo tiêu chuẩn của WB). Không rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình và dừng lại ở đó, Singapore tiếp tục phát triển và trở thành một nước công nghiệp hóa mới, một trong 4 con hổ châu Á – điều kỳ diệu của thế kỷ 20. Đến năm 2003, GDP (tính theo PPP) Singapore là 29.663 USD đầu người năm; Chỉ số phát triển con người (HDI) 2005 là 0,925, xếp hạng 25/177 nước. Năm 2007, GDP (tính theo PPP) Singapore là 35.163 USD đầu người năm; Chỉ số phát triển con người 2009 là 0,944, xếp hạng 23/182 nước. Năm 2011, GNP (tính theo PPP) Singapore là 52.569 USD đầu người năm; Chỉ số phát triển con người là 0,866 xếp hạng 26/183 nước. Năm 2013, GNP (tính theo PPP) Singapore là 52.613 USD đầu người năm; Chỉ số phát triển con người là 0,895 xếp hạng 18/186 nước. Năm 2014, GNP (tính theo PPP) Singapore là 72.371 USD đầu người năm; Chỉ số phát triển con người là 0,901 xếp hạng 9/186 nước.[9]

Biểu đồ về Singapore thời Lý Quang Diệu của tạp chí “The Economist” 22/3/2015

Hệ thống cai trị ở Singapore được xem là minh bạch về chính trị và ít tham nhũng nhất trên thế giới. Trong xếp hạng hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), Singapore vẫn thường nằm trong tốp các nước ít tham nhũng nhất. Vào năm 2005, Singapore với chỉ số CPI (Corruption Perceptions Index) là 9,4 xếp thứ 5 trong nhóm nước trong sạch nhất, chỉ sau Iceland, Phần Lan, New Zealand và Đan Mạch. Năm 2012, với chỉ số CPI 87, Singapore là quốc gia minh bạch xếp hạng thứ 5 của thế giới. Năm 2014, điểm sáng duy nhất của khu vực Đông Á vẫn là Singapore với chỉ số CPI là 84 (dù có thấp hơn mức CPI của chính Singapore năm 2011 và 2012), nhưng chỉ đứng sau 6 nước là Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, New Zealand và Đan Mạch; Singapore vẫn là quốc gia minh bạch hàng đầu thế giới.[10]

Để có vị trí này, Singapore đã trải qua một quá trình đấu tranh nghiêm khắc ngay từ khi Lý Quang Diệu mới lên nắm quyền. Ông Lý hiểu sâu sắc hơn bất cứ ai về sự nguy hiểm của tham nhũng, không chống được tham nhũng thì mọi mục tiêu phát triển trở thành vô nghĩa. Bàn tay sắt của ông đã được hỗ trợ bằng một cơ chế hiệu quả. Khi ông qua đời, mạng corruption.net đã đánh giá, trong số các nhà lãnh đạo thành công và không thành công, không ai có liều thuốc chống tham nhũng tốt hơn Lý Quang Diệu.[11]

Trong ba yếu tố tạo nên tham nhũng, vào những năm 1960, Singapore chưa thể làm gì với thực trạng lương bổng vì lúc đó đất nước vẫn còn nghèo. Vì vậy, chính phủ chọn tấn công vào hai yếu tố tạo tham nhũng còn lại: giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hình phạt. Luật chống tham nhũng mới ra đời với 32 phần, thay bộ luật cũ năm 1937 với 12 phần. Có một số sửa đổi quan trọng như án tù tăng lên, người nhận hối lộ phải trả lại hết tiền đã nhận. Văn phòng điều tra tham nhũng (CPIB) được tăng quyền hạn, với khả năng điều tra “mọi tài khoản ngân hàng” của những ai bị nghi có hành vi phi pháp. Một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi người đó chưa nhận tiền hối lộ, nếu ý định phạm pháp đã đủ để khép tội. Công dân Singapore phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như phạm pháp trong nước. Cả khi bị cáo qua đời, tòa án cũng có quyền trưng thu tài sản tham nhũng.

Mãi tới thập niên 1980, khi kinh tế đã phát triển, Singapore mới đủ khả năng làm nốt phần còn lại trong chiến lược chống tham nhũng là tăng lương cho công chức. Tháng 3/1985, Thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để “dưỡng liêm” bảo đảm cho chính quyền trong sạch. Ông nói cách hay nhất chống tham nhũng là “đi cùng thị trường”, thay cho thói đạo đức giả đã tạo nên tham nhũng.[12]

Theo GS. Jon S.T. Quah, khoa chính trị học Đại học Quốc gia Singapore, kinh nghiệm của Singapore không dễ lặp lại ở các nước khác vì hoàn cảnh đặc thù và vì những chi phí chính trị và kinh tế của việc trả lương cao. Tuy nhiên, có 6 bài học có thể tham khảo được. Đó là:

Bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.

Các biện pháp chống tham nhũng phải đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem xét lại để thay đổi, nếu cần thiết.

Cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch. Không nhất thiết phải có quá nhiều nhân viên, và bất kỳ thanh tra nào tham nhũng cũng phải bị trừng phạt và đuổi ra khỏi ngành.

Cơ quan chống tham nhũng phải tách khỏi bộ máy cảnh sát.

Để giảm cơ hội tham nhũng tại các ngành dễ sa ngã như hải quan, thuế vụ, công an giao thông, các cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra và thay đổi qui định làm việc.

Động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp cho họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Đảng Nhân dân Hành động (PAP – People’s Action Party; 人民 行动 党) cầm quyền không phải là đảng duy nhất tồn tại ở Singapore, nhưng là đảng duy nhất lãnh đạo và có vị trí được coi là không thể thay thế đối với sự phát triển của đảo quốc này, ít nhất là cho đến nay. Đảng PAP đã có nhiều biện pháp tự do hóa nền kinh tế và thu hút vốn nước ngoài, thực hiện nhanh chóng công cuộc cải biến kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng sống, nhưng cũng bị coi là toàn trị và không kém độc đoán.

Vai trò điều tiết vĩ mô của chính phủ thể hiện rộng khắp trong mọi mặt của đời sống kinh tế, tạo nên một ví dụ kinh điển về mối quan hệ tiềm ẩn khả năng tích cực giữa nhà nước và thị trường, giữa bàn tay cứng rắn của pháp luật với đời sống tự do của dân chúng, giữa trách nhiệm cá nhân và kỷ cương xã hội, giữa tính minh bạch và phát triển kinh tế: chính phủ lập kế hoạch dự thảo ngân sách cho mọi hoạt động từ tài chính quốc tế cho đến thu gom rác; chính phủ sở hữu, kiểm soát, điều tiết hoặc phân bố đất đai lao động và nguồn vốn; chính phủ ấn định hoặc tác động đối với nhiều loại giá cả làm cơ sở cho các nhà đầu tư tư nhân tính toán kinh doanh và quyết định đầu tư.

Sự can thiệp của nhà nước trong nền kinh tế đã ảnh hưởng tích cực không chỉ đối với lợi ích của doanh nghiệp tư nhân, mà còn đối với phúc lợi chung của nhân dân. Ngoài việc tạo ra việc làm trong các khu vực tư nhân và nhà nước, chính phủ còn cung cấp nhà ở hỗ trợ, giáo dục và y tế và các dịch vụ giải trí cũng như vận tải công cộng. Chính phủ quyết định mức tăng lương hàng năm và dự định mức phụ cấp ngoài lương tối thiểu trong các khu vực nhà nước và tư nhân. Chính phủ còn quản lý quỹ tiết kiệm hưu trí thông qua Central Provident Fund và Post Office Bank, tạo điều kiện cho cá nhân có các cổ phần tại các doanh nghiệp.

Như đã nói ở trên, những sự thay đổi của Singapore gắn liền với tên tuổi Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore giai đoạn 1959-1990, người đã dùng quyền lực của mình tác động vào mọi khía cạnh, mọi hoạt động, thậm chí mọi ngóc ngách trong cuộc sống của người dân nước này. Điều này đối với một số người dân Singapore là bình thường, một số khác thấy tự do của mình bị vi phạm. Và khi Singapore “hóa rồng”, tất cả những can thiệp phi lý, tàn nhẫn, vượt quá thẩm quyền của Lý Quang Diệu và chính thể Singapore lại trở thành công lao.

Nhứng năm 1960 và 1970, để hạn chế gia tăng dân số, ở Singapore, phụ nữ sinh con thứ ba trở đi sẽ phải hưởng thời gian nghỉ thai sản ngắn hơn, đồng thời phải chi trả mức viện phí cao hơn và quyền giảm trừ thuế của họ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, chính phủ Singapore thưởng 5.000 SGD cho bất cứ cặp vợ chồng nào chấp nhận triệt sản sau đứa con thứ hai. Họ cũng sẽ được ưu tiên đăng ký mua nhà ở giá thấp và con cái của họ được hưởng các ưu đãi khác ở nhà trường. Những người Kito giáo không chấp nhận nổi cách cư xử này. Nhưng mọi tiếng nói phản đối đều vô hiệu. Năm 1983, Lý Quang Diệu thay đổi quan niệm, ông tuyên bố phụ nữ trí thức nên có 3 đến 4 con và kêu gọi nam giới nên kết hôn với phụ nữ trí thức. Tuyên bố này gây tranh cãi lớn trong toàn xã hội. Ngay cả những phụ nữ là trí thức cũng cảm thấy bị xúc phạm và họ đã phản đối kịch liệt.

Về quản lý trật tự xã hội, những hành vi như xả rác, hút thuốc hay khạc nhổ nơi công cộng đều bị phạt tiền, thậm chí bị đánh roi, kể cả đối với người nước ngoài. Năm 1994, hình phạt đánh roi dành cho Michael Fay, một công dân Mỹ đã làm cả thổng thống Clinton và nhiều thượng nghị sỹ Mỹ phải lên tiếng.

Một đạo luật được Lý Quang Diệu ban hành đã bắt buộc người lao động phải tiết kiệm 1/4 số tiền lương mỗi tháng. Khoản tiền này sẽ chỉ được rút ra khi người lao động 55 tuổi. Chính phủ quản lý sẽ dùng số tiền này để phục vụ cộng đồng.

Ở Singapore, còn có nhiều điều luật, quy tắc, quy định… mà ở nước khác thì có thể bị kết tội vi phạm quyền con người, quyền công dân. Dân chúng hài hước đùa rằng, với các nước khác, điều gì không cấm thì có thể làm, riêng với Singapore, điều gì không cấm thì buộc phải làm; còn điều gì đã cấm thì chỉ phải nhịn đến khi đi du lịch nước ngoài.[13]

Đánh giá về Lý Quang Diệu, Tom Plate, nhà báo nổi tiếng của tờ Los Angeles Time cho rằng:

“Thế kỷ 20 đã có không biết bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu linh hồn bị hủy hoại chỉ vì một lãnh tụ có thái độ mù quáng tôn thờ một chân lý duy nhất. Lý Quang Diệu không muốn trở thành nhà lãnh đạo kiểu đó. Thực tế ông bị quyến rũ bởi vũ điệu của những ý tưởng thông minh chứ không phải những bước nhảy ngớ ngẩn, vụng về của quỷ dữ. Ông cũng hoàn toàn không phải là một kẻ lập dị như Pol Pot hay một tiểu Hitler nông nổi”… “Lý Quang Diệu giống như Muhamad Ali vĩ đại, di chuyển nhẹ như bướm và đốt đau như ong (bạn không nên ghi tên mình vào danh sách đen của ông, vì nếu thế bạn sẽ bị ông dồn vào góc tường, kiện bạn đến cùng và bạn sẽ xong đời)”… “Singapore hẳn nhiên không phải là thiên đường đối với kẻ buôn bán ma túy, cũng nhất định không phải là thiên đường trên mặt đất đối với những người phản đối chính phủ và đảng cầm quyền. Trong những nghề có đặc quyền riêng mà bạn thấy đáng tự hào ở phương Tây thì luật sư bào chữa các vụ án hình sự ở Singapore của Lý Quang Diệu ít có quyền lực hơn nhiều. Những người ủng hộ tu chính án thứ nhất hẳn sẽ không thấy có niềm vui của xứ Utopia khi phải đối mặt với đường giới hạn tinh vi nhưng rất nghiêm ngặt dành cho giới truyền thông ở đây”.[14]

Toàn bộ những dòng này, Lý Quang Diệu đã đọc và sửa trước khi xuất bản. Nghĩa là ông thừa nhận và chỉ cần như thế người đọc cũng có thể hiểu và suy diễn, kiểm chứng thêm nhiều điều. Chúng tôi đánh giá cao Tom Plate; qua những dòng này, Tom đã thể hiện mình là cây bút “có hạng”, khôn khéo không để cho ngòi bút của mình mất đi tính khách quan, nhưng cũng không vì thế mà làm hỏng điều căn bản nhất – ngồi lại với Lý Quang Diệu, truy vấn ông về tất cả những gì đã làm nên điều kỳ diệu Singapore. Khó mà phủ nhận được, với Lý Quang Diệu và Đảng Nhân dân hành động, Singapore không có chỗ cho những người đối lập. Nếu ai đó bị đưa vào danh sách đen, người đó sẽ bị “dồn vào góc tường, và sẽ xong đời”. Chính thể này không nhẹ tay với án hình sự và công nhiên hạn chế quyền bào chữa của luật sư. Có ranh giới rất tinh vi nhưng rất nghiêm ngặt dành cho giới truyền thông… Có lẽ, chỉ với chừng ấy nội dung, bất cứ nước nào ngày nay nếu chủ trương như vậy cũng sẽ bị xếp vào dạng có vấn đề về nhân quyền. Nhưng Singapore là đảo quốc nhỏ bé, thực ra là một thành phố, cũng là thành phố nhỏ nếu so với Bangkok, Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, nên tất cả những gì cộm lên đều đã bị xóa mờ bởi một Singapore giàu có, trong lành và phát triển.

Trên thực tế, Lý Quang Diệu đã bị chỉ trích nhiều vì đã áp dụng những biện pháp cứng rắn đàn áp phe đối lập, cản trở tự do ngôn luận, cấm mít tinh, biểu tình (bằng chính giấy phép của cảnh sát), hạn chế các ấn phẩm không vừa ý chính quyền và sử dụng các luật lệ về tội phỉ báng để cố tình và bằng mọi cách đẩy những đối thủ chính trị vào tình trạng phá sản. Về những hành vi này, Devan Nair, Tổng thống Singapore từ năm 1981 (đến năm 1985 từ chức vì bất đồng quan điểm với Lý Quang Diệu, năm 1995 ông định cư tại Canada) nhận xét rằng, thủ đoạn của Lý Quang Diệu là khởi kiện đối thủ, gây áp lực với tòa án và các văn phòng luật sư, làm cho đối thủ không gỡ được để thoát ra khỏi các thủ tục và chi phí tố tụng, cho đến khi họ phá sản hay thân bại danh liệt. Làm như vậy Lý đã tìm cách thủ tiêu các quyền chính trị của đối thủ. Devan Nair cho rằng, càng về sau Lý Quang Diệu “ngày càng trở thành loại người tự cho mình biết đủ và biết đúng mọi sự”. Cũng giống như các nhà độc tài khác, ông Lý cũng như bị vây quanh bởi “những kẻ bù nhìn”. Devan Nair đưa ra những nhận xét này vào năm 1999. Thậm chí ông còn nói “Singapore hôm nay là nơi vô hồn, hệ tư tưởng của nó chỉ là vật chất mà thôi” (Singapore today is a soulless place whose only ideology is materialism). Nổi khùng trước những nhận xét này, Lý Quang Diệu lại đâm đơn kiện Devan Nair.[15]

Đã có trường hợp, sau khi toà kháng án bác bỏ phán quyết có lợi cho Lý Quang Diệu, chính phủ bèn hủy bỏ quyền kháng án. Suốt trong thời gian đảm nhiệm chức thủ tướng từ 1965 đến 1990, Lý Quang Diệu đã bỏ tù Tạ Thái Bảo (Chia Thye Poh), một cựu dân biểu quốc hội thuộc đảng đối lập Barisan Socialis, trong 22 năm mà không xét xử, chiếu theo Luật An ninh Nội chính, ông này chỉ được trả tự do vào năm 1989. Để có thể dành quyền hạn tuyệt đối cho các thẩm phán, Lý Quang Diệu đã huỷ bỏ luật “Xét xử có bồi thẩm đoàn”.[16]

Theo Thayil George, cố vấn biên tập của tờ The New Indian Express, tác giả chuyên về chính trị và tiểu sử chính khách; trong cuốn “Singapore của Lý Quang Diệu”, nhận xét rằng, để quản lý Singapore, Lý Quang Diệu đã không ngần ngại sử dụng các thủ đoạn đối với phe đối lập và cả đối với dân chúng. Trong việc tiêu diệt đối thủ của mình, chiến thuật của ông có thể so sánh được với việc dùng một quả bom nguyên tử để tấn công một con muỗi. Đầu năm 1963 trong một cuộc bầu cử, ông đã sử dụng Đạo luật An ninh nội bộ Anh để bỏ tù 100 thành viên chủ chốt của nhóm thân cộng Barisan Sosialis cánh tả, vốn tách ra từ đảng PAP. Những người còn lại sau bầu cử chỉ được chọn vào các vị trí hành chính không có quyền lực chính trị thực sự.[17]

Sau cuộc bầu cử năm 1997, ứng cử viên Công đảng Tang Liang Hong phải đối mặt với vụ kiện bởi 11 thành viên đảng PAP, bao gồm cả cựu Thủ tướng Goh và Bộ trưởng cao cấp Lý Quang Diệu. Ông Tang bị khép tội là đã phỉ báng Kitô giáo và Hồi giáo trong quá trình vận động tranh cử.[18]

Joshua Benjamin Jeyaretnam, nhà lãnh đạo của Công đảng từ năm 1971 đến năm 2001, cũng phải đối mặt với một loạt tội phỉ báng. Năm 1981, ông trở thành chính trị gia đối lập đầu tiên của Singapore trong Quốc hội, khi ông đánh bại ứng cử viên đảng PAP. Ông tái đắc cử năm 1984, nhưng bị mất ghế Quốc hội năm 1986 khi bị quy tội một cách bất công là chiếm quỹ của đảng (tội danh này sau đó được lật ngược bởi Hội đồng Cơ mật của Vương quốc Anh). Ông trở lại Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử năm 1997. Tuy nhiên, ông đã bị tước ghế nghị sỹ năm 2001 khi bị phá sản vì không thanh toán kịp cho các nhà lãnh đạo đảng PAP về vụ kiện.[19]

Chee Soon Juan, lãnh đạo Đảng Dân chủ Singapore (SDP), giải thưởng Dân chủ năm 2003 và Tự do năm 2011, đã bị bắt và bỏ tù nhiều lần vì các hoạt động tổ chức biểu tình và các phát biểu công khai về chính trị. Ông bị kiện vì tội phỉ báng đảng PAP và vì thế đã bị phá sản vào năm 2006 khi không bồi thường nổi cho Lý Quang Diệu và Goh Chok Tong, mặc dù vợ chồng ông đã phải bán ngôi nhà để trả chi phí vụ kiện. Theo Chee, Ở Singapore, chính phủ kiểm soát tất cả và đó là lý do gây sợ hãi trong dân chúng.[20]

Tháng 3/2000, Uri Gordon, giảng viên Đại học Loughborough, Anh, và là nghiên cứu viên Viện Khoa học Chính trị, Đại học Tel Aviv, Israel đã công bố một nghiên cứu so sánh giữa những phương thức, biện pháp và thủ đoạn của nền chính trị độc tài, được mô tả trong các tác phẩm của Niccolò Machiavelli và phương thức độc tài thực tế của Lý Quang Diệu đối với đất nước Singapore.

Mặc dù giữa nước Ý thế kỷ 16 và Singapore thế kỷ 20 là cách nhau quá xa, nhưng những điều được phân tích trong tác phẩm của Niccolò Machiavelli và phương thức lãnh đạo đất nước của Lý Quang Diệu lại có những điểm tương đồng đến kỳ lạ. Được biết Lý Quang Diệu cũng rất mê Machiaveli và đây chính là lý do để Uri Gordon so sánh Lý Quang Diệu với những “nguyên tắc Machiaveli”.

Cần phải nói đôi điều về Machiaveli trước khi bàn đến sự so sánh của Uri Gordon. Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469-1527), ông tổ của khoa học chính trị hiện đại, nhà ngoại giao, nhà triết học, “một nhân vật khổng lồ của thời đại Phục hưng” (theo lời Friedrich Engels). Ông được biết đến với các luận thuyết vô cùng sắc sảo nêu rõ bộ mặt của chủ nghĩa hiện thực chính trị (trong tác phẩm The Prince) và bản chất của nền cộng hòa (trong tác phẩm Discourses on Livy). Hai cuốn sách này cùng với cuốn History of Florence trở thành mô hình kinh điển chỉ dẫn cho nhiều nhà cầm quyền và cho các phân tích chính trị từ thế kỷ 16 đến nay. Theo Machiaveli, “Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì lại không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy, và là sư tử để dọa sói”.[21] Chính Lý Quang Diệu cũng có vẻ rất tâm đắc với tư tưởng này, khi ông bình luận về Machiaveli rằng: “Giữa được yêu thương và được sợ hãi, tôi luôn tin rằng Machiavelli đúng. Nếu không ai sợ tôi, thì tôi chẳng có ý nghĩa gì” (“Between being loved and being feared, I have always believed Machiavelli was right. If nobody is afraid of me, I’m meaningless”).[22]

Nguyên tắc Machiaveli là nguyên tắc của nền chuyên chính tư sản. Tất cả đều do ý chí, tâm hồn, hành động của con người quyết định. Nhà chính trị mẫu mực là người có đầu óc phê bình mạnh bạo, có tư tưởng duy lý phi tôn giáo, có lòng căm ghét bọn quý tộc ăn bám, và có khát vọng muốn xây dựng đất nước (thời đó và đất nước mà Machiveli nói đến là Italia) thành một quốc gia thống nhất, tự do, bình đẳng với một chính quyền mạnh, sử dụng bạo lực để xây dựng trật tự mới. Theo Machiaveli, con người muốn xứng đáng là một con người phải tiến thẳng vững vàng tới mục đích. Mục đích sẽ chứng minh tính đúng đắn của biện pháp. Machiavelli cũng đưa ra vô số lời khuyên về những thủ đoạn mà các quân vương nên áp dụng. Theo Machiavelli, đấng quân vương nào muốn thành công thì phải học được cách gác lòng tốt sang một bên, việc có vận dụng nó hay không tùy thuộc vào thời thế. Một quân vương, theo ông, cần biết tùy thời mà tốt hay không tốt, nhưng phải làm ra vẻ mình có đầy đủ mọi đức tính. Điều quan trọng nhất đối với quân vương là cần tránh bị khinh miệt và thù ghét. Machiavelli cũng thấy rất rõ tầm quan trọng của “lòng dân”. “Không có chính sách nào toàn vẹn, cần phải biết chọn lấy cái bất lợi nhỏ nhất” – tư tưởng này cũng được coi là một nguyên tắc Machiaveli.[23]

Theo Uri Gordon, các quan điểm và hành động chính trị của Lý Quang Diệu chính là sự giải thích một cách mạnh mẽ cho tính hiệu quả của các “nguyên tắc Machiavelli”. Ông Lý đã chủ động vận dụng các nguyên tắc Machiaveli, kể cả trong việc đưa ra luận thuyết “giá trị châu Á”.

Trên thực tế, đảng cầm quyền luôn thực thi các hành động chính trị nhằm tìm mọi cách duy trì chế độ độc đoán, dập tắt các bất mãn và nghiền nát các lực lượng đối lập. Singapore là một đất nước mà quyền con người được xem là không cần thiết trong cuộc đua phát triển kinh tế. Dựa vào lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản hiện đại Singapore, chính phủ cung cấp cho các công dân của mình các loại phúc lợi với chi phí lấy từ lao động của họ. “Phe đối lập được chờ sẵn các án tù chính trị. Chính phủ kiểm soát toàn bộ quá trình bầu cử và tiến hành các vụ kiện đối với bất kỳ lời phát biểu nào chống lại chính quyền. Mọi sự phê phán chính quyền đều biến thành hành động tự sát chính trị. Ban cho dân một cuộc sống mà chính phủ có thể tự do kiểm soát, Lý và các phụ tá của ông có thể được xem như là đệ tử thuần thành của nhà nước kiểu Florentine”.[24]

Khi Singapore được cả thế giới nhìn nhận là một đảo quốc thịnh vượng, an toàn và trong sạch, với sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, người ta thường chỉ rút ra kết luận rằng, nếu không có một nhà lãnh đạo như ông Lý, Singapore sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được những thành tựu mà thế giới đang chứng kiến và muốn bắt chước. Theo chúng tôi, nếu Uri Gordon không thiên kiến, thì đúng là Lý Quang Diệu đã một lần nữa chứng minh cho quan điểm chuyên chính cực đoan tư bản chủ nghĩa – Mục đích có thể biện minh cho biện pháp, dù biện pháp ấy chẳng hề chính đáng chút nào.

Kết luận

Kể từ nền dân chủ Athens, loài người đã 2500 năm đi theo con đường dân chủ tự do với lịch sử đầy máu và nước mắt. Càng ngày, các dân tộc càng nhận thấy “nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người”. Ở Việt Nam, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ khẳng định điều này.[25] Dân chủ, bản thân nó có thể tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Dân chủ trong phát triển là phương thức hữu hiệu nhất để tránh phải trả giá. Dân chủ có khả năng đem lại hạnh phúc hợp lý cho các xã hội, cho từng con người, từ lãnh tụ tới người dân. Ngày nay không lý lẽ nào có thể biện minh nổi cho sự phát triển mà phải sự hy sinh con người, dù đó là một cá nhân, một cộng đồng hay một thế hệ. Hàn Quốc, Đài Loan ngày nay là các xã hội có trình độ dân chủ cao của châu Á. Nghịch lý Singapore có thể không dễ lý giải, nhưng cũng không phải là bằng chứng cho sự đi ngược lại xu thế tự do dân chủ.

Tác giả: Hồ Sĩ Quý *

* GS.TS., Nguyên trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hà lâm Khoa học xã hội Việt Nam. hosiquy.thongtin@gmail.com. Bài đã xuất bản lần đầu trong “Khoa học xã hội Việt Nam” số 7 (92) 2015. tr. 47-56.

Chú thích
[1] Xem: John Burton, Peter Montagnon, Kevin Brown and Jeremy Grant (2015). Lee Kuan Yew, Singapore’s founding father, 1923-2015 http://www.ft.com/.../24145cfe-b89d-11e2-869f...
// Carlton Tan (2015). Lee Kuan Yew leaves a legacy of authoritarian pragmatism. http://www.theguardian.com/.../lee-kuan-yews-legacy-of...
// David Reed (1979) Singapore: Jewel of Prosperity, “Reader’s Digest”, November 1979. // Tom Plate (2011). Đối thoại với Lý Quang Diệu. Nxb. Trẻ.
[2] Xem: Michel Schuman (2009). The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth. Harper Collins Pubishers. p. 57.
[3] Xem: James Heartfield (2015). The Communist who made Singapore a Capitalist Success. Lee Kuan Yew transformed a small trading post – but at a cost. http://www.spiked-online.com/.../the-communist.../16806...
// Nathan Lewis (2011). Moving Toward 21st Century Capitalism. http://www.forbes.com/.../capitalism-hong-kong-gdp...
[4] Xem: Michel Schuman (2009). The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth. Harper Collins Pubishers. p. 57.
[5] Carlton Tan (2015). Lee Kuan Yew leaves a legacy of authoritarian pragmatism. http://www.theguardian.com/.../lee-kuan-yews-legacy-of...
// Can authoritarian capitalism outlive Lee Kuan Yew? http://demdigest.net/.../can-authoritarian-capitalism...
[6] Xem: Han Fook Kwang, Warren Fernandez, and Sumiko Tan (1998). Lee Kuan Yew: The Man and His Ideas. Singapore: “Time Editions”. p. 383.
[7] Xem: Michel Schuman (2009).Sđd. p. 58.
[8] Lee Kuan Yew, Prime Minister of Singapore: brilliant, but a Bit of a Thug.“Life” No 16, July, 1965. p. 43. http://www.oldlifemagazines.com/july-16-1965-life...
[9] Các số liệu này chọn từ: UNDP. Human Development Report. 2003, 2005, 2007, 2011, 2013, 2014. Lưu ý: Số liệu GDP từng năm tại các Báo cáo HDR có thể khác nhau do UNDP thay đổi cách tính vào năm 2010. So với các tài liệu của WB, CIA hoặc IMF, số liệu về GDP và GNP cũng khác do cách tính quy đổi ra USD PPP (Purchasing Power Parity).
[10] Xem: Corruption Perceptions Index 2014. http://www.transparency.org/cpi2014/in_detail
[11] Xem: Lee Kuan Yew’s Fight Against Corruption. http://www.corruption.net/.../poli.../singapore-lee-kuan-yew
’s-fight-against-corruption/154
[12] Xem: Jon S.T. Quah. Corruption in Asia with special Reference to Singapore: Patterns and Consequences. http://www.jonstquah.com/.../Corruption%20in%20Singapore...
// Joshua Berlinger (2012). Why China Should Study Singapore’s Anti-Corruption Strategy. http://www.businessinsider.com/why-china-should-study...
[14] Xem: Tom Plate (2011). Đối thoại với Lý Quang Diệu. Nxb. Trẻ. Tp Hồ Chí Minh. tr. 254, 260.
[15] Xem: Former president criticises suppression of dissent. http://www.singapore-window.org/sw99/90329gm.htm
. // Uri Gordon (1977). Machiavelli’s Tiger: Lee Kuan Yew and Singapore’s Authoritarian Regime. http://unpan1.un.org/.../documents/apcity/unpan002548.pdf
. // Sim, Soek-Fang (2001). Asian value, Authoritarism and Capitalism in Singapore. The Public Vol.8, 2, c. 45 – 66. http://javnost-thepublic.org/article/pdf/2001/2/3/
[16] Xem: Uri Gordon (1977). Machiavelli’s Tiger: Lee Kuan Yew and Singapore’s Authoritarian Regime. http://unpan1.un.org/.../documents/apcity/unpan002548.pdf
. // Devan Nair acted strangely Lee Kuan Yew. http://news.google.com/newspapers?nid=1309&dat=19880630&id=ElpPAAAAIBAJ&sjid=JpADAAAAIBAJ&pg=5119,3332621
[17] Xem: George, T. (1973), Lee Kuan Yew’s Singapore. London: Andre Deutsch. C. 68-9.
[18] Xem: Singapore. How to earn a living, Singapore style. http://singaporedissident.blogspot.com/.../singapore-how...
.
[19] Xem: J. B. Jeyaretnam – Lawyers’ Rights Watch Canada. www.lrwc.org/j-b-jeyaretnam
[20] Xem: Nadel, A. (1997), ‘Singapore’s Voice of Reason’. South China Morning Post (March, 1.). http://www.singapore-window.org/chee.htm
// Bell, Daniel A. (2000) East meets West: human rights and democracy in East Asia. http://cs5538.userapi.com/.../Daniel_A_Bell_East_Meets...
// Asia Profile: Singapore democracy activist Chee Soon Juan. http://www.radioaustralia.net.au/.../asia-profile...
[21] Niccolo Machiavelli (2005). Quân Vương. Nxb. Lao động. tr. 9.
[22] “Between being loved and being feared, I have always believed Machiavelli was right. If nobody is afraid of me, I’m meaningless”. Lee Kuan Yew, 6.10.1997. Xem: Uri Gordon (2000). Machiavelli’s Tiger: Lee Kuan Yew and Singapore’s Authoritarian Regime. http://unpan1.un.org/.../documents/apcity/unpan002548.pdf
.
[23] Niccolo Machiavelli (2005). Quân Vương. Sđd. tr. 85, 94-95, 134, 175, 179-180.