Saturday, September 2, 2023

Chân lý của tôi: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (4)

Phần 2: Xứ ĐD thời kỳ 1911-1945

(tiếp theo)

Con đường Hồ Chí Minh & Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02-09-1945

Rất ít dân tộc ở châu Á phải trải qua những cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ như VN để bảo vệ chủ quyền và tồn tại  như 1 quốc gia độc lập trong lịch sử của  mình.

Năm 1858, những toán quân Pháp đầu tiên đã đổ bộ vào Đà Nẵng. Sau thời kỳ bình định, từ đầu thế kỷ 20, Pháp thiết lập chế độ cai quản ĐD với Phủ Toàn quyền đặt ở Hà Nội. Lúc này, những người VN yêu nước ngày càng thất vọng trước sự suy bại của triều đình nhà Nguyễn trong tay người Pháp. Họ băn khoăn với truyền thống "trung quân ái quốc'' lâu đời, nên khi phải đặt mình vào nghĩa vụ phục vụ nền quân chủ ngày càng trở nên mục nát và ko còn phù hợp, họ nhận thấy cần phải cách tân. 

Những người VN cấp tiến nhất đã đặt nhiều hy vọng rằng: người Pháp sẽ thực hiện trách nhiệm truyền bá văn minh cho ĐD và muốn tìm kiếm câu trả lời từ phương Tây về nỗi thống khổ của đất nước mình.
Trong số họ, có 1 chàng trai lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Đối với Thành: ko có cách nào để giải quyết vấn đề này ở trong nước. Anh muốn tìm thấy nó ở nước ngoài. 

Sau khi Marx rời nước Đức để đến Paris vào năm 1843, 68 năm sau (05.06.1911), Nguyễn Tất Thành đã rời tổ quốc của mình để bắt đầu tìm hiểu về nước Pháp và thế giới phương Tây*.


Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài từ Cảng Nhà Rồng (Ảnh: Chọn từ net)

Tàu Latouche Treville (LT) là một tàu nhỏ so với các con tàu vượt đại dương khác. Vì thế cuộc sống của Thành trên tàu hết sức vất vả. Tuy nhiên anh vẫn nhìn đời một cách hóm hỉnh: “nhân vật của chúng ta vừa huýt sáo vừa chùi toa lét và đổ rác“.  LT cập bến Marseilles ngày 6 tháng bảy năm 1911 sau khi đã qua Singapore, Colombo và Port Said. Thành nhận được những đồng lương đầu tiên khoảng 10 frances. Chừng đó chỉ đủ cho vài ngày trên bờ, nhưng Thành đã có thể dừng bước uống cafe trên đường Cannebiere, để được gọi bằng “Ngài”. Thành ngạc nhiên kết luận: “Người Pháp ở Pháp tốt hơn và lịch sự hơn người Pháp ở Đông dương”. 

Thành quay lại tàu trước khi nó nhổ neo và đến Le Havre ngày 15 tháng 7. Sau đó LT đi Dunkirk, rồi quay về Marseilles và neo ở đó đến giữa tháng 9. Từ đó, Thành đã viết một bức thư gửi thẳng cho tổng thống Pháp để xin học tại trường Thuộc địa như một sinh viên thực tập.
Sau đó, Thành nhận được tin là đơn xin học của mình đã bị từ chối. Nhà trường chỉ nhận những học sinh được toàn quyền ĐD giới thiệu. 

Trong những năm đó, Thành đã đến nhiều hải cảng ở Tây bán cầu. Con tàu của anh cũng đã ghé qua bờ Đông nước Mỹ, và Thành đã chọn New York làm nơi dừng chân của mình. Anh rời tàu và quyết định tìm việc để ở lại nước Mỹ. Giai đoạn này là một trong những giai đoạn mập mờ nhất trong cuộc đời của anh. Ngoài giờ làm việc, Thành giao du với những người bạn trong khu China town, ngửa cổ ngắm những toà nhà chọc trời New York, tham dự các cuộc họp của hội da đen Harlem, và ngạc nhiên khi thấy pháp luật công nhận sự bình đẳng của những kẻ nhập cư châu Á. 

Nhiều người  cho rằng Thành rời nước Mỹ vào năm 1913, nơi mà anh cho là 1 biểu tượng chống chủ nghĩa thực dân châu Âu và sẽ giúp VN giành độc lập. Từ Mỹ, Thành đến Anh để học tiếng Anh. Trong một bức thư gửi Phan Chu Trinh (PCT), anh nói rằng đã ở London bốn tháng rưỡi để học tiếng Anh và giao lưu với người nước ngoài. Bức thư chắc phải được viết trước khi nổ ra đại chiến thế giới I, tháng 8 năm 1914, vì Thành còn hỏi PCT sẽ đi nghỉ hè ở đâu. Bức thư thứ hai cho PCT, Thành đã bình luận về sự khởi đầu của chiến tranh. Anh cho rằng những kẻ dây vào sẽ phải lãnh đủ, anh chờ đợi những sự thay đổi lớn ở châu Á và hy vọng chiến tranh sẽ làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của Pháp.

Trong hồi ký của mình Thành đã thừa nhận những công việc rất cực nhọc của mình ở Anh như quét tuyết và đốt lò. Một vài người quen khi gặp Thành ở Pháp đã nhận thấy bàn tay của anh bị cái lạnh làm cho cong queo. Cũng may là sau đó anh tìm được một chân phụ bếp trong khách sạn Drayton Court rồi chuyển đến Carton giúp việc cho đầu bếp nổi tiếng Auguste Escoffier, nhưng anh đã từ chối cơ hội để trở thành đầu bếp.

Ngoài việc lang thang ở Hayden Park với cây bút chì và quyển sách để học tiếng Anh, Thành còn tham gia vào các hoạt động chính trị của Hội công nhân hải ngoại, tham gia vào các cuộc biểu tình đòi độc lập của người Ailen. Có thể là trong thời gian này Thành đã lần đầu tiên làm quen với các tác phẩm của Karl Marx. Anh vẫn không quên nỗi đau mất nước. 

Statue of Liberty @ NY (chọn từ net)

Trong lòng người dân VN giai đoạn đầu thế kỷ 20 vẫn âm ỉ một chủ nghĩa yêu nước xóm làng (village patriotism, chữ của Alexander Woodside). Đại  diện cho nó là tinh thần yêu nước chống Pháp của cụ Phan Bội Châu, nhưng đã thất bại vì là dòng trí thức Nho gia tàn lụi. Cái chủ nghĩa quốc gia kiểu tư sản mà ông Nguyễn Thái Học, ông Xứ Nhu, kể cả cậu ruột ông đã khởi xướng ở Việt Nam Quốc dân đảng thì đã bị thực dân vùi dập khủng bố tan hoang từ thập kỷ 30. 

Từ bỏ tất cả những xu hướng này, Thành muốn tìm 1 con đường mới, 1 giải pháp có thể áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn xh tư sản Tây Âu mà anh thấy. Vốn là 1 người VN điển hình lúc đó mang căn tính nông dân, Thành muốn có 1 hướng đi mới cho người Việt (như 1 giải pháp  cho nông dân) thoát khỏi sự thống trị của thực dân Pháp và mở ra kỷ nguyên độc lập cho tổ quốc.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, số người VN tại Pháp đã tăng lên gấp bội so với trước đó. Hàng ngàn người VN làm việc tại các công xưởng, tham gia quân đội so với không đến 100 người trước chiến tranh. Qua mối quan hệ đã sẵn có với PCT và Phan Văn Trường, Thành có thể thâm nhập vào cộng đồng chính trị VN ở nước ngoài nhằm mưu đồ cứu nước. PCT được coi là lãnh tụ của phong trào, nhưng sau khi bị bắt vì nghi ngờ phản bội hồi đầu chiến tranh, ông trở nên rất thận trọng.

Cụ Phan Chu Trinh (chọn từ net)

Khoảng năm 1918, Thành trở về Pháp và sống trong một căn hộ nhỏ trên đồi Montmartre của Paris, làm nghề chỉnh sửa ảnh dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc (NAQ).

Tại Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919, NAQ nổi lên như một người phát ngôn tự do cho quê hương mình. Nhận thấy khả năng giành được độc lập của VN trong đề xuất của Tổng thống Woodrow Wilson về quyền tự quyết của các dân tộc, NAQ – trong bộ vest đen đi thuê và mũ quả dưa – đã đến Cung điện Versailles để trình bày yêu cầu của mình.

Nhưng những gì mà NAQ hy vọng về việc giải phóng VN khỏi ách cai trị của thực dân Pháp đã bị phá hủy hoàn toàn bởi sự thất bại của Hội nghị Versailles trong việc giải quyết các vấn đề thuộc địa. Vì thế, niềm tin của ông giờ đây được chuyển sang CNXH. Bài phát biểu được ghi âm đầu tiên của NAQ là tại một đại hội của đảng Xã hội Pháp vào năm 1920, và đó là một lời kêu gọi không phải cho cách mạng thế giới mà là "chống lại những kẻ đã gây ra nhiều tội ác ghê tởm trên quê hương tôi.". Ông đề nghị đảng có "những hành động thiết thực hơn để hỗ trợ người dân bản xứ bị áp bức."

Như một định mệnh, ngay lập tức sau đó, NAQ trở thành một trong những thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp vì ông cho rằng những người theo CNXH chỉ đang quan tâm đến vấn đề thuộc địa, trong khi những người Cộng sản đã sẵn sàng thúc đẩy sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông nói với các đại biểu: "Tôi không hiểu gì về chiến lược, chiến thuật và tất cả những từ đao to búa lớn khác mà các bạn sử dụng, nhưng tôi hiểu rõ một điều duy nhất: Quốc tế thứ ba quan tâm rất nhiều đến vấn đề thuộc địa. Các đại biểu của nó cũng hứa sẽ giúp các dân tộc thuộc địa bị áp bức giành lại tự do và độc lập, trong khi những người ủng hộ Đệ nhị Quốc tế thì không nói một lời nào về số phận của các khu vực thuộc địa chúng tôi."

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/TTXVN 

BIÊN TẬP VIÊN BÁO TUẦN VÀ BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP

Với quyết định gia nhập vào hàng ngũ những người Cộng sản, sự nghiệp của NAQ đã có một bước ngoặt rõ rệt. Một mặt, ông trở thành thành viên ưu tú của Đảng Cộng sản Pháp cũng như là biên tập viên của tờ Le Paria (Người Cùng Khổ), tờ báo tuần của Hội liên hiệp Thuộc địa mà ông cùng tham gia thành lập năm 1921. Hội Liên hiệp Thuộc địa là một tổ chức nhiều sắc tộc những người đến từ Algeria, Senegal, Tây Ấn và châu Á đang lưu vong ở Paris, những người đã được thống nhất bởi một chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành và đều cam kết chung cho chủ nghĩa cộng sản.

Mặt khác, một NAQ với vẻ ngoài mảnh khảnh đã trở thành một nhà hùng biện. Ông đi khắp nơi ở Pháp để nói chuyện với đám đông binh lính và công nhân chiến trường người Việt đang đợi hồi hương.

Bên cạnh đó, NAQ còn bị hấp dẫn bởi Moscow, nơi có thể gọi là trung tâm đầu não của Chủ nghĩa Cộng Sản thế giới. Ông đến Moscow lần đầu tiên vào năm 1922, nơi ông đã trở thành một thành viên của Đệ Tam Quốc Tế khu vực ĐNA. Bằng tất cả nhiệt huyết của mình, ông cất lên tiếng nói, gặp gỡ tất cả những Đảng viên CS, giúp đỡ thành lập Quốc tế Nông dân (hay còn gọi là Krestintern) cho công cuộc cách mạng giữa các dân tộc thuộc địa.

Sau một thời gian ngắn ở Pháp, NAQ trở lại Moscow, nơi là căn cứ của ông trong nhiều năm sau đó. Ông theo học Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông, được đào tạo chính quy về chủ nghĩa Marx và các kỹ thuật kích động, tuyên truyền. Vào năm 1925, NAQ xuất bản cuốn Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp mang nội dung "tố cáo thực dân Pháp đã bắt dân bản xứ phải đóng "thuế máu" cho chính quốc... để "phơi thây trên chiến trường châu Âu"; "đày đọa" phụ nữ, trẻ em thuộc địa; các thống sứ, quan lại thực dân "độc ác như một bầy thú dữ" v.v.... Tác phẩm được cho là đã "hướng các dân tộc bị áp bức" đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tiêu diệt "hai cái vòi của con đỉa đế quốc" – một "vòi" bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc, một "vòi" bám vào nhân dân thuộc địa. Tác phẩm được cho là đã đề ra cho VN "con đường đấu tranh giải phóng" theo chủ nghĩa Marx-Lenin".

Cũng trong năm 1925, NAQ được cử đến Quảng Châu với tư cách là thông dịch viên cho Michael Borodin, một trong những lãnh đạo của phái đoàn LX giúp đỡ Tưởng Giới Thạch – khi đó, Tưởng được Quốc tế CS ủng hộ với tư cách là người thừa kế của Tôn Trung Sơn. Trong thời gian này, ông bắt đầu truyền bá tinh thần cách mạng ở Viễn Đông. NAQ tập hợp những người tị nạn VN, tổ chức thành Đoàn Thanh niên Cách mạng VN và thành lập Liên đoàn các dân tộc bị áp bức ở châu Á. Tổ chức này nhanh chóng trở thành đảng Cộng sản Nam Hải, tiền thân của các nhóm Cộng sản quốc gia khác nhau, trong đó có đảng Cộng sản Đông Dương của riêng NAQ năm 1930.

Trong hai năm, cho đến tháng 7 năm 1927, khi Tưởng từ chối các đồng minh Cộng sản của mình, NAQ đã gửi những người Việt giỏi nhất đến trường quân sự của Tưởng tại Whampoa trong khi tiến hành một khóa huấn luyện về khả năng kích động chính trị cho các đồng chí của mình.

Bìa sách Bản án chế độ thực dân Pháp (Ảnh chọn từ net)

LÁNH ĐẾN MOSCOW

Khi mối quan hệ Tưởng – Cộng tan vỡ, NAQ lánh đến Moscow bằng con đường xuyên qua sa mạc Gobi. Cuộc đời ông sau đó bao phủ bởi một màn sương mờ không rõ ràng**, nhưng người ta tin rằng NAQ đã sống ở Berlin một thời gian. Sau đó đến Bỉ, Thụy Sĩ và Italia – dĩ nhiên, dưới nhiều cái tên khác nhau.

Sau năm 1928, cái tên Hồ Chí Minh*** (HCM) lại bất ngờ xuất hiện ở miền đông Thái Lan trong vỏ bọc một nhà sư Phật giáo. Tại đây, ông cạo trọc đầu và hoạt động giữa những người Việt lưu vong, xây dựng các hội nhóm chính trị, xuất bản nhiều ấn phẩm báo chí… Từ đó xuyên qua biên giới tuồn vào VN.

Năm 1930, theo lời khuyên của Đệ tam Quốc tế, HCM đã góp công lớn trong việc giải quyết những tranh chấp gay gắt nảy sinh giữa những người theo chủ nghĩa Cộng sản ở ĐD, đặt nền móng cho sự thành lập ĐD Cộng sản Đảng – tiền thân của Đảng Cộng Sản VN (hay còn gọi là Đảng Lao Động) sau này. 

Cùng năm đó, được sự hậu thuẫn của những người Cộng Sản, một cuộc nổi dậy của nông dân đã nổ ra ở VN. Năm 1931, HCM bị bắt ở Hong Kong và bị giam trong nhà tù của thực dân Anh vì các hoạt động lật đổ. Vào thời điểm đó, dưới sự đàn áp của Pháp, ông cũng chính thức bị kết án tử hình vắng mặt. Người Pháp đã tìm mọi cách để dẫn độ HCM về, nhưng ông cho rằng mình là một người tị nạn chính trị, và vì thế không thể bị dẫn độ. Vụ án được (Sir) Stafford Cripps thụ lý ở London trong một phiên tranh biện với Hội đồng Cơ mật, đã ra phán quyết cuối cùng: HCM được trả tự do. Ngay sau đó, ông lánh khỏi Hong Kong (lần này là dưới vỏ bọc một thương gia TQ) để trở lại Moscow.

Tại Moscow, HCM theo học tại các trường Cộng Sản như Viện nghiên cứu các vấn đề Dân tộc & Thuộc địa, cũng như trường Lenin danh tiếng. Tuy nhiên, năm 1938 ông quyết định quay ngược lại TQ và trở thành thông tín viên trong hàng ngũ Bát lộ quân nổi tiếng của Mao Trạch Đông. Từ đó, ông tìm đường đi xuống phía Nam để trở về quê hương vào năm 1940. Đó cũng là lần đầu tiên HCM đặt chân về VN sau hơn 30 năm xa cách****.

(còn nữa)

(*): Cụ Phan Bội Châu từng tới làng Kim Liên và đề nghị Thành và anh trai mình tham gia phong trào Đông Du. Khi Thành hỏi Cụ: làm thế nào mà Nhật Bản có được sự thành công về công nghệ, Cụ trả lời là người Nhật Bản đã học hỏi phương Tây.
Ngay sau đó, Thành nói với cha rằng: anh muốn học tiếng Pháp.

(**): Theo W. J. Duiker, trong mỗi nhân vật vĩ đại đều tiềm ẩn 1 vẻ huyền bí. Chủ tịch HCM cũng vậy. Trả lời Bơ-na Phôn, 1 nhà nghiên cứu về VN, Chủ tịch nói: ''Người già thích có một vẻ bí ẩn nho nhỏ về mình. Tôi muốn giữ lại những vẻ bí ẩn của mình.'' 

(***): Theo tài liệu của Đảng: danh xưng “Hồ Quang” hay “Hồ Chí Minh” ban đầu được NAQ sử dụng như là một bí danh. Đó là thời điểm cuối năm 1938, từ LX trở lại TQ hoạt động, trong vai một Thiếu tá của Bát Lộ quân, NAQ đã sử dụng cái tên “Hồ Quang” để công tác tại Phòng Cứu vong thuộc Văn phòng Bát Lộ quân ở Quế Lâm (TQ), nhiệm vụ cụ thể là Ủy viên y tế kiêm Ủy viên bích báo, tham gia lãnh đạo Phòng.

(****): Theo tài liệu của Đảng: ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (HCM) và các đồng chí của mình  đã vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng)
Hình ảnh: NAQ phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5, họp từ 17/6 - 8/7/1924 ở Moskva với tư cách là đại biểu của Bộ thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

6 comments:

  1. Note: Viết từ tư liệu cá nhân và lược ghi từ cuốn HO CHI MINH a life (W. J. Duiker, HYPERION, NY-2000)

    ReplyDelete
  2. Lịch sử VN đã chứng tỏ: Vận mệnh của 1 nước nhỏ vẫn là vấn đề do các nước lớn quyết định. Với những nước ở châu Âu, dù có lịch sử phát triển cao hơn gấp nhiều lần so với VN cũng vậy (ví dụ của Hungary là vấn đề tương tự sau khi thua cuộc trong liên minh Áo-Hung hoặc cuộc cm nổi dậy vào năm 1956).
    Muốn thoát khỏi cái thế lệ thuộc này, phải làm được những câu chuyện thần kỳ như Nhật Bản, Singapore, Hàn quốc và Đài Loan (ở châu Á) hay Israel (ở Trung Đông).

    ReplyDelete
  3. Tôi ko thuộc nhóm điên cuồng chống cộng, cũng ko còn là người bị nhiễm tuyên truyền bằng lý luận đỏ khi còn bé (rất huyễn hoặc) về Chủ tịch HCM. Tôi muốn nhìn ông bằng con mắt/quan điểm ko vẩn đục bởi bất cứ sự bôi nhọ nào của những người nhỏ mọn ko đủ tư cách phê phán Cụ.
    Từ bây giờ, tôi muốn gọi Cụ là Hồ Chí Minh (HCM) hoặc chỉ gọi tắt là Cụ Chủ tịch (như nhân dân gọi bác Giáp là Đại tướng) để tỏ lòng tôn trọng của tôi với vị lãnh tụ xứng đáng của cm VN (ko gọi là Bác Hồ như khi là thiếu nhi, hay Cụ Hồ vì có vẻ Tàu quá, dù VN là xứ Á Đông mang sắc thái Đại Hán nhiều nhất ở ĐNA).

    ReplyDelete
  4. Vấn đề của VN hiện nay là hòa hợp để xây dựng và phát triển. Cứ đòi là nước trong, ko phải nước đục (nước sông ko hòa được với nước giếng) như hiện nay thì con đường của dân tộc còn mù mịt lắm, khó có thể làm được chuyện lớn. Chỉ làm được những cái như sân bay LT hay đang phá rừng làm thủy điện thôi.

    ReplyDelete
  5. Thế hệ của tôi đã được cho ăn bánh vẽ no nê rồi, nên bây giờ ko còn háo hức với mấy cái bánh mới nữa, dù to hơn, hoành tráng hơn! Thế thôi, chẳng có cái gì gọi là thần kỳ cả, bình thường thôi, có khi còn ko bằng Lào và Cam-pu-chia nữa là khác.

    ReplyDelete
  6. Note theo dòng thời sự: Đã có nhiều TT Mỹ đến VN, bây giờ vẫn cứ là nước ko chịu phát triển. Cái nước mình nó thế!
    Sắp tới có mở mang thật sự ko, ''Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không'' cũng tùy cái đoạn bây giờ nó có chuyển biến gì quan trọng hơn ko, chứ như những gì đang thấy thì chán lắm!

    ReplyDelete