Tuesday, September 19, 2023

Chân lý của tôi: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (7)

 Phần 3: Hai cuộc chiến tranh

Sau Thế chiến thứ 2, 30 năm tiếp theo là ''30 năm vẻ vang'' của sức mạnh phát triển thần kỳ của kinh tế ở Tây Âu trong thế kỷ 20 (1945-1975). Ngược lại, ở VN, giai đoạn này đã xảy ra 2 cuộc kháng chiến liên tiếp. Bất chấp nỗ lực khai hóa về vh & giáo dục của những người Pháp tiến bộ ở ĐD, khái niệm này tiếp tục ý nghĩa đạo đức của sứ mạng truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại nhằm biện minh cho hành động thực dân (mà nghĩa vụ của nó là giải thoát các dân tộc lạc hậu khỏi những thảm họa của thiên tai, bệnh tật, dốt nát và sự chuyên chế bằng cách đem lại cho họ kỹ thuật và những ích lợi trong nền y tế, giáo dục và 1 hệ thống quản lý trong sạch).

Đây là mặt tốt đẹp của mục đích khai hóa về vh & kinh tế, bởi nước Pháp, từ thế kỷ 17 với thuyết cứu thế của Pháp và tiếp theo cuộc cm Pháp, Pháp trở thành ''cường quốc cứu thế quan trọng bảo trợ trí tuệ và tinh thần bên ngoài biên giới Pháp và bên trong các đế chế và cường quốc khác''. Khái niệm ''văn minh'' lúc đó được hiểu là ''những tiến bộ tập thể và độc đáo đưa nhân loại thoát khỏi tình trạng man dã'', đây là nội dung mang tư tưởng khai sáng với 9 nấc thang* (cấp thấp nhất là bộ tộc và cao nhất là chính thể Cộng hòa Pháp).

Người Pháp đã chinh phục ĐD bằng cuộc chinh phục lãnh thổ và tiếp theo là đến cuộc ''chinh phục tinh thần''. Tuy nhiên, phong trào đòi độc lập của những người theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở châu Á và châu Phi đã có ảnh hưởng lan rộng, đặc biệt là sau khi cuộc cm Tháng 10 nổ ra ở nước Nga. Đối với người Pháp, trong lời kêu gọi (ngày 18/6/1940), de Gaulle khẳng định: nước Pháp ''có hẳn một Đế chế thuộc địa như hậu phương'', nhưng Roosevelt ko giấu giếm sự khinh bỉ về chủ nghĩa thực dân và nước Pháp Tự do buộc phải nhượng bộ dưới sức ép của Mỹ.

Tháng 7/1943, Ủy ban Giải phóng quốc gia Pháp đề xuất ý tưởng về 1 ''chính sách bản xứ kiểu mới'' được thực hiện trong khuôn khổ 1 chế độ liên bang kết hợp giữa quyền tối thượng của Pháp và sự công nhận 1 ''pháp nhân chính trị'' cho các lãnh thổ ngoài biên giới Pháp, mang lại tự do hành chính, chính trị và kinh tế.

Tháng 12/1943: de Gaulle hứa cho ĐD ''một quy chế chính trị mới trong khuôn khổ liên bang. Các quyền tự do của các quốc gia thuộc Liên bang sẽ được nới rộng''. Đầu năm 1944, Hội nghị Brazzaville yêu cầu 1 cuộc cải cách hệ thống thuộc địa nhưng vẫn giữ quyền tối thượng của Pháp. Kết luận của hội nghị này tổng kết ''những mục tiêu của sự nghiệp khai hóa mà nước Pháp đã hoàn thành ở các xứ thuộc địa và gạt bỏ hoàn toàn mọi ý tưởng về quyền tự trị và mọi khả năng biến chuyển vượt ngoài Đế chế Pháp''.

Ngày 24/3/1945: Chính phủ lâm thời Pháp tuyên bố chính thức thành lập Liên bang Đông Dương với chế độ hưởng ''quyền tự do riêng'' và 5 xứ ''vẫn giữ quy chế của riêng mình''. Vậy là ko có chuyện độc lập hay tự quyết. Về giáo dục, bậc tiểu học sẽ trở thành bắt buộc. Giáo dục bậc trung và đại học sẽ được đầu tư nhưng ''việc học tiếng và tư tưởng dân tộc sẽ phải gắn chặt với văn hóa Pháp''. Tuyên bố này khẳng định sự biến chuyển trong nhận thức của dân bị trị và chứng minh nỗ lực cải cách của nước Pháp Tự do.

Do chính phủ Lâm thời ko nắm rõ hiện tình ĐD và đã rất ngây thơ nên những người Pháp Tự do vẫn muốn quay lại đây. Tờ Le Monde (ngày 8/5/1945) viết: ''lúc này, thuộc địa tươi đẹp của chúng ta đang chờ đón sự giải phóng trong cùng một điều kiện như ở Ấn Độ thuộc Hà lan hay Mã Lai''.

Thực tế mà Pierre Messmer và Jean Cédile (2 ủy viên của CH Pháp nhảy dù xuống VN vào tháng 8/1945) nhận thấy thật chua xót: ko như tuyên bố của người Pháp, người Việt đang cười nhạo cái tuyên bố ''hoàn toàn lỗi thời'' và họ chỉ thừa nhận quyền độc lập như điều kiện tiên quyết cho mọi đàm phán. Tuy nhiên, bất chấp thực tế như thế, tuyên bố tháng 3/1945 vẫn được người Pháp sử dụng như nền tảng cho chính sách của họ tại ĐD trong những năm sau đó.

Ở Nam kỳ, người Pháp lấy lại được 1 phần trong tầm kiểm soát vào đầu năm 1946, trong khi đó, VM nắm quyền kiểm soát ở Bắc kỳ. Tại đây, người Pháp bị cô lập và được đại diện bởi ủy viên Jean Sainteny.

Ngày 6/3/1946, HCM và Sainteny ký Hiệp định qua đó nước Pháp công nhận ''chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa như một nhà nước tự do có chính phủ, nghị viện, quân đội và nền tài chính riêng, nhưng vẫn trực thuộc Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp''. Từ ''độc lập'' ko được nhắc đến.

Sau Hiệp định 6/3/1946 là các cuộc đàm phán tại Đà Lạt rồi Fontainebleau nhưng ko đem lại kết quả nào trên những vấn đề thuộc về chủ quyền. Tại Nam kỳ, chiến tranh du kích của VM bắt đầu bằng những cuộc phản công và sau đó kiểm soát được 3/4 lãnh thổ vào tháng 10/1946. Ở Bắc kỳ, Pháp liên tục gây hấn về chính trị và quân sự.

Vào ngày 19/12/1946, Chủ tịch HCM ra ''Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến''. Cuộc chiến tranh ĐD chính thức bắt đầu.

(*): Trong cuốn Sơ Thảo Phác Đồ Lịch Sử, Condorcet, triết gia & chính trị gia, đại diện tiêu biểu của tư tưởng Khai sáng, đã miêu tả chín nấc thang của quá trình tiến hóa của nhân loại (NTP)

Lược ghi từ cuốn Trường Pháp Ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa (Nguyễn Thụy Phương-Omega & NXB Hà Nội-2022)

NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (VNDCCH) - NHỮNG NĂM ĐẦU TIÊN

Ko như thiện chí của Chủ tịch HCM bày tỏ với nước Mỹ (do Tổng thống Franklin D. Roosevelt chủ trương chống việc thực dân trở lại các thuộc địa sau Thế chiến thứ 2), người kế nhiệm Roosevelt là Tổng thống Truman đã từ chối những yêu cầu giúp đỡ của Chủ tịch HCM, với sự đồng lõa của Anh, đã ủng hộ thực dân Pháp trở lại đánh chiếm ĐD**.

Đây là quãng thời gian mà HCM phải chèo lái con thuyền cm để giữ vững nền độc lập trong bối cảnh quốc gia và quốc tế phức tạp với việc quân Tàu Tưởng vào giải giáp phát xít Nhật ở miền Bắc, quân Anh tiếp quản miền Nam từ vĩ tuyến 16 với mưu đồ đưa Pháp trở lại VN, đã là "một công thức" thảm họa. 

       Nước VNDCCH vừa ra đời đã đứng trước thử thách khắc nghiệt "ngàn cân treo sợi tóc". Thù trong giặc ngoài làm tình thế như "nước sôi lửa bỏng", thêm vào đó, nhà nước cm phải tiếp thu một gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: nền kinh tế tiêu điều, kiệt quệ, tài chính trống rỗng, nạn đói trầm trọng, 90% dân số mù chữ, tệ nạn xh đầy rẫy.

      Tổ quốc trên hết! Dân tộc trên hết! Triệu người VN như một dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Chủ tịch HCM vì nền độc lập tự do vừa giành được. Dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc, Chủ tịch HCM đã quy tụ được hầu hết nhân tài ưu tú trẻ tuổi đầy nhiệt huyết của VN thời ấy tham gia cuộc cách mạng do VM lãnh đạo***.

     "Kháng chiến - Kiến quốc"! Chủ tịch HCM kêu gọi cả nước tập trung chống 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. William Duiker trong cuốn "Hồ Chí Minh: một cuộc đời" (Ho Chi Minh, A Life), đã ghi lại những tư liệu cho thấy tinh thần dân tộc và tính nhân văn của một chính phủ cm non trẻ qua "một loạt các biện pháp khẩn cấp để chống nạn đói... Thuế nông nghiệp được giảm và sau đó bãi bỏ hoàn toàn, một sở tín dụng nông nghiệp được lập ra giúp nông dân vay vốn dễ dàng hơn...".

      Chính quyền cách mạng lâm thời cố gắng phục hồi kinh tế bằng nhiều biện pháp cấp bách, chia đất cho dân, tuy không "quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và cơ sở thương mại... Chỉ có đất đai của thực dân Pháp và Việt gian mới bị tịch thu".

Hình ảnh nhân dân thủ đô dựng chiến lũy để cản bước tiến của thực dân Pháp

(**): Rousevelt cho rằng ĐD không thể trả lại cho Pháp do thực dân Pháp đã mất nhân tâm và có nhiều tội ác ở đây. Ông gợi ý cho Tưởng Giới Thạch tiếp thu ĐD, Tưởng trả lời "Không bao giờ".

Ngày 22/8/1945, Truman phản bội ý chí của Rousevelt bằng cách ký cam kết mật ủng hộ Pháp trở lại ĐD. Ngày này có thể xem như là bắt đầu của cuộc chiến 30 năm.

(***): Trong khi hướng sự tập trung trên hết của Đảng vào công cuộc kháng chiến chống Pháp để giành độc lập cho VN, Chủ tịch HCM tạm bỏ qua mục tiêu (lần đầu tiên đưa ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất tháng 10 năm 1930) là giải phóng toàn bộ ĐD và thành lập 1 Liên bang các quốc gia ĐD độc lập, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo của cuộc cm.


Năm 1946 là một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử VN sau khi vừa thoát ra khỏi ách thuộc địa. Trong quyển Vietnam 1946****, sử gia Na Uy Stein Tonnesson theo dõi quá trình diễn biến quan hệ Việt-Pháp từ nhân nhượng đến xung đột qua hai biến cố: Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và biến cố 19-12-1946 khi chiến tranh bùng nổ. Tonnesson trình bày hai phát hiện quan trọng. 

Thứ nhất, Hiệp định sơ bộ 6-3 có được do công của các tướng lãnh Quốc dân Đảng TQ đã cố gắng môi giới cho cả hai bên Pháp Việt tiến hành đàm phán. Mặc dù thực ra sau năm 1945, Paris chỉ muốn bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Nam bộ, các viên chức Pháp ở ĐD đặt kế hoạch giành quyền kiểm soát lâu dài ở miền Bắc khi họ điều quân ra Bắc để thay thế quân đội chiếm đóng Quốc dân Đảng. Nếu không có phía Quốc dân Đảng (có Mỹ đứng phía sau) gây áp lực mạnh đối với cả hai bên Pháp Việt để ký Hiệp định sơ bộ 6-3, chiến tranh có lẽ đã bùng nổ vào lúc đó. 

Phát hiện thứ hai của Tonnesson liên quan đến câu hỏi ai chịu trách nhiệm đối với việc chiến tranh nổ ra vào ngày 19-12-1946. Cũng như đối với trường hợp trên, Tonnesson cho thấy những viên chức Pháp ở ĐD làm trái với chỉ thị của chính phủ Pháp khi họ khiêu khích chính phủ VNDCCH để nhử tướng Giáp tấn công trước. Quân đội VN đã cố gắng không trả đũa các trò khiêu khích của quân Pháp trong một thời gian, nhưng cuối cùng đã sập bẫy và nổ súng vào ngày 19-12, chỉ vài ngày sau khi chính phủ Đảng Xã hội lên cầm quyền ở Pháp và mở ra triển vọng đạt được hòa bình bằng con đường thương thuyết. Tonnesson cũng phê bình tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh của VN, vì đã ra lệnh khai chiến hoặc đã không ngăn cản được binh sĩ của ông ta nổ súng vào đêm 19-12-1946.

Tonnesson sử dụng rất nhiều tài liệu chủ yếu từ các kho lưu trữ ở các nước phương Tây. Rất rõ ràng và thuyết phục, ông cho thấy vì nhiều lý do, Paris đã bỏ bê tình hình ở ĐD, thông tin giữa Paris và Sài gòn (nơi Cao ủy Pháp đóng bản doanh) bị lệch pha, và các chỉ huy Pháp ở Sài gòn đã có những hành động dẫn đến chiến tranh. Chủ yếu dựa trên tư liệu Pháp kết hợp với một ít tư liệu Việt Nam, Tonnesson dựng lại bức tranh khá chi tiết mô tả các biến cố xảy ra từng giờ trong ngày 19-12 cực kỳ quan trọng. Bức tranh này phức tạp hơn nhiều so với câu chuyện chúng ta vẫn nghe về biến cố này như một cuộc tấn công bất ngờ vào lực lượng Pháp do quân đội Việt Minh tổ chức. Mặc dù tướng Giáp đúng là có soạn ra một kế hoạch tấn công như vậy từ trước, Tonnesson cho thấy rằng quyết định tấn công chỉ được đưa ra vài giờ trước khi nổ súng, và cũng không thể loại trừ khả năng binh sĩ dưới quyền tướng Giáp tự tiện nổ súng không có lệnh trên [và ông ta chỉ còn cách phải tuyên chiến với Pháp vì việc đã lỡ xảy ra].

Không chỉ soi rọi các biến cố xảy ra trong năm 1946, công trình của Tonnesson còn có ba đóng góp rộng hơn đối với lịch sử Việt Nam. Đóng góp thứ nhất là về vai trò của Quốc dân Đảng Trung Quốc trong diễn tiến lịch sử Việt Nam. Cho đến nay, giới sử học đã coi nhẹ vai trò của Quốc dân Đảng Trung Quốc đối với sự tồn tại của chính phủ Hồ Chí Minh. Nếu người Trung Quốc đã làm như người Mỹ ở Seoul (từ chối không công nhận một chính phủ thiên tả vừa mới thành lập sau khi Nhật đầu hàng), hay như người Anh ở Sài Gòn và Jakarta (cho phép quân đội Pháp và Hà Lan trở lại khôi phục thuộc địa cũ đã bị Nhật chiếm trong Thế chiến II), chính phủ Hồ Chí Minh có rất ít cơ hội sống sót. Bộ chỉ huy quân chiếm đóng Quốc dân Đảng Trung Quốc giúp chính phủ Hồ Chí Minh qua việc ép buộc các nhóm chống cộng là Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội phải tham gia vào chính phủ Việt Minh và ký Hiệp định sơ bộ 6-3. Mặc dù Đảng Cộng sản Đông Dương không thực sự chia sẻ quyền lực với các nhóm này, việc họ tạm thời chấp nhận tham gia vào chính phủ Việt Minh cho phép chính phủ này tuyên bố là Việt Minh đại diện cho tất cả mọi giai cấp và phe nhóm Việt Nam. Thay vì cảm ơn Tưởng Giới Thạch và các tướng lĩnh của ông ta, lịch sử quan phương ở Việt Nam lại chê trách họ: người Trung Quốc bị xem là một kẻ thù còn tệ hơn người Pháp. Các học giả Tây phương (trừ King Chen) cũng rất hay chỉ ra tính chất vô kỷ luật và thổ phỉ của quân đội Quốc dân Đảng Trung Quốc, nhưng quên mất vai trò quan trọng của họ đối với vận mệnh chính phủ Hồ Chí Minh.

Đóng góp thứ hai của Vietnam 1946 là góp thêm chứng cứ cho luận điểm ngược lại với quan điểm lịch sử quan phương về sự lãnh đạo tập trung của Đảng Cộng sản Đông Dương trong và sau “Cách mạng tháng Tám.”[2] Bức tranh ngày càng rõ nét cho thấy một Đảng Cộng sản Đông Dương yếu ớt, phải dựa vào những lực lượng khác để giữ chính quyền, mặc dù có thể Đảng này có tổ chức mạnh nhất so với tất cả. Đảng có rất ít quyền kiểm soát đối với chính quyền địa phương ngoài những thành phố lớn. Việc giải thể Đảng Cộng sản Đông Dương vào cuối năm 1945 làm cho tình hình này tồi tệ hơn. Dựa trên tư liệu của tình báo Pháp, Tonnesson (tr. 24) suy đoán rằng “công tác Đảng bị các lãnh đạo Đảng (nếu không phải là chính Trường Chinh) xem nhẹ trong giai đoạn 1946-47 vì họ bận rộn với công việc quản lý nhà nước.” Giả thuyết binh sĩ của tướng Giáp nổ súng tấn công Pháp bất chấp lệnh trên vào tối 19-12 góp thêm một chi tiết vào bức tranh chung trên.

Thứ ba, Tonnesson chia tay với một xu hướng chủ đạo trong Việt Nam học từ thập niên 1960. Các học giả theo xu hướng này né tránh việc phê phán các lãnh tụ cộng sản Việt Nam khi cần phải phê phán.[3] Theo xu hướng này, những người cộng sản được mô tả như chỉ quan tâm thuần túy và chính đáng đến việc giành độc lập dân tộc, nhưng bị buộc phải tiến hành chiến tranh tự vệ chống lại các thế lực xâm lược ngoại bang. Có vẻ như họ không bao giờ phạm sai lầm, mà nếu có phạm thì cũng rất thành thật thú nhận. Xu hướng này có lẽ do việc nhiều sử gia quá tin vào hồi ký của các lãnh tụ cộng sản như Trần Huy Liệu và Võ Nguyên Giáp. Không có gì lạ khi các nhân vật này tô vẽ hào quang lên Đảng của họ và lờ đi những sai lầm. Tonnesson mở đầu quyển Vietnam 1946 bằng việc kiểm điểm lại số người chết vì chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ 20. Con số này lên đến hàng triệu người, cả người Việt lẫn nước ngoài. Tonnesson tin rằng tất cả những cuộc chiến tranh này đều có thể đã tránh được nếu chính phủ Việt Minh đã biết tự kiềm chế vào cái ngày định mệnh 19-12-1946 đó. Trong khi Tonnesson không trách Hồ Chí Minh về biến cố này, ông cho rằng Võ Nguyên Giáp có trách nhiệm để cho chiến tranh xảy ra, mặc dù trách nhiệm của ông ta ít hơn các quan chức Pháp như Đô đốc Georges D’Argenlieu, Leon Pignon, và tướng Jean-Etienne Valluy. Tệ hơn nữa, Tonnesson cho rằng Võ Nguyên Giáp là một người bướng bỉnh tự cho rằng ông ta không có trách nhiệm gì, mặc dù các chứng cớ lịch sử cho thấy khá rõ trách nhiệm của ông ta để cho chiến tranh xảy ra. Theo Tonnesson (tr. 257), “Đối với tướng Giáp, người chịu trách nhiệm rất lớn không chỉ đối với quyết định tấn công [ngày 19-12], nhưng đối với tất cả những thiệt hại nhân mạng và các khổ đau khác trong những cuộc chiến kế tiếp ở Đông Dương, ý nghĩ rằng chuỗi thảm kịch đó có thể bắt đầu từ một sự hiểu lầm là không thể chấp nhận được.”

Quyển sách có một điểm yếu quan trọng: đó là việc dùng rất ít tư liệu từ Việt Nam. Mặc dù Kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng tư liệu, có nhiều bộ Văn kiện Đảng đã được xuất bản, đặc biệt là bộ mới in gần đây từ năm 1999.[4 ]Các văn kiện trong Tập 8 (1945-1947) của bộ sách này cho thấy rõ sự tồn tại của cơ quan Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương vào thời điểm này.[5] Nhân vật bí ẩn trong tư liệu tình báo Pháp có tên là “Nhân Nhân” rất có thể là Trường Chinh, vì ông ta đôi khi ký tên Nhân dưới một số văn kiện.[6]

Chỉ đọc lướt qua Tập 8 nói ở trên, chúng ta có thể nêu thêm bốn sự việc quan trọng nhìn từ phía Việt Nam để bổ sung bức tranh phía Pháp do Tonnesson vẽ ra. Sự việc thứ nhất là chính phủ Hồ Chí Minh có vẻ sợ các đối thủ Việt Nam (Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội) hơn sợ Pháp. Trong một văn kiện ngày 3-3-1946, Thường vụ Trung ương giải thích lý do Đảng quyết định ký Hiệp định sơ bộ 6-3 với Pháp như sau. Trung ương Đảng nghĩ rằng nếu Việt Minh đánh nhau với Pháp sẽ có lợi cho Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội chứ không có lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Lãnh tụ Đảng thừa nhận rằng “chủ hòa lúc này có hai chỗ nguy hiểm: a) Bọn phản động lợi dụng tinh thần kháng chiến của quần chúng mà tuyên truyền phỉnh dân và vu ta là phản quốc, là bán nước cho Tây; b) bọn thực dân Pháp có thể tăng gia lực lượng trên đất ta để một ngày kia bội ước diệt ta.” Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng cho rằng có hai điều lợi lớn khi ký Hiệp định sơ bộ: một là “phá được mưu mô bọn Tàu trắng, của bọn phát xít, và của bọn Việt gian, bảo toàn được thực lực;” và hai là, “dành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới… tiến tới giành độc lập hoàn toàn.”[7] Một trong những biện pháp đầu tiên Đảng muốn thi hành ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ là “lợi dụng thời gian hòa hoãn với Pháp mà diệt bọn phản động bên trong, tay sai của Tàu trắng, trừ những hành động khiêu khích ly gián ta và Pháp.” Văn kiện này chứng tỏ rằng cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm người Việt cũng quan trọng không kém cuộc tranh giành độc lập giữa tất cả người Việt và thực dân Pháp. Việc Đảng Cộng sản Đông Dương e ngại các kẻ thù người Việt hơn là Pháp cho thấy rằng các biến cố năm 1946 không chỉ liên quan đến nền độc lập của Việt Nam mà còn đến việc giành quyền lãnh đạo đất nước của các đảng phái Việt Nam.

Sự việc thứ hai: tư liệu Việt Nam cho thấy lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương kỳ vọng rất nhiều vào Hiệp định sơ bộ 6-3, không phải như Tonnesson (tr. 5) nghĩ rằng họ chỉ ký cho xong chuyện nhưng sau đó sẽ tìm cách thoái thác thi hành. Thực ra họ coi Hiệp định sơ bộ 6-3 là một bước tiến quan trọng so với tuyên bố của De Gaulle cho Đông Dương tự trị ngày 24-3-1945. Mặc dù theo Hiệp định sơ bộ 6-3, Việt Nam chưa được độc lập, một văn kiện Đảng viết rằng “Pháp đã từ bỏ tham vọng lập lại chế độ thuộc địa tại Việt Nam và công nhận nguyên tắc tự do và thống nhất của ta. Kẻ thù trực tiếp của chúng ta bây giờ là bọn phản động Pháp…”[8] Ít nhất là vài tháng sau khi ký Hiệp định sơ bộ, lãnh đạo Đảng vẫn muốn tiếp tục đàm phán trên cơ sở Hiệp định sơ bộ chứ không phải thoái thác thi hành, mặc dù họ vẫn tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh vũ trang nếu cần thiết. Thái độ lạc quan của họ khi nghĩ rằng người Pháp đã từ bỏ tham vọng lập lại chế độ thuộc địa có lẽ là lý do tại sao Đảng Cộng sản Đông Dương sợ Pháp ít hơn sợ các đảng phái Việt Nam khác.

Sự việc thứ ba: Tonnesson chĩa mũi dùi phê phán vào tướng Giáp với tư cách người chịu trách nhiệm chính bên phía Việt Nam đối với việc chiến tranh bùng nổ. Tonnesson có nhắc đến việc Trường Chinh thuộc phe chủ chiến, nhưng tư liệu Việt Nam cho thấy giàn lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Đông Dương đều ủng hộ tướng Giáp. Sau vụ tàn sát ở Hải Phòng, Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác (Đảng Cộng sản Đông Dương trá hình) ra tuyên bố khen ngợi các chiến sĩ Việt Nam đánh nhau với Pháp ở Hải Phòng và Lạng Sơn và kêu gọi cảnh giác và tăng cường chuẩn bị chiến tranh. Tuyên bố này nói rằng Tạm ước 14-9-1946 (do chủ tịch Hồ Chí Minh ký ở Pháp) là “một bước nhân nhượng cuối cùng.”[9] Cùng lúc đó, Trường Chinh viết một bài với giọng điệu sặc mùi chiến tranh và máu lửa: “toàn dân sẵn sàng đứng dậy; tay đã để vào cò súng, mắt đã ngắm vào đầu bọn cướp nước, những bắp thịt đã căng thẳng; chỉ chờ lệnh là hàng triệu người ào tới băm vằm quân tàn bạo.” Trường Chinh hướng mối căm thù của ông ta không chỉ vào thực dân Pháp mà vào cả những người Việt không thích chiến tranh: “Phải gạt phăng những lời khuyên đầu hàng của bọn tự nhận là “bạn” ta hay của thù ta. Phải kịp thủ tiêu những chủ trương tháo lui, dao động của những kẻ non gan trong hàng ngũ dân tộc. Phải trừng trị thẳng tay những kẻ làm tay sai cho địch, bất kỳ trong tầng lớp nhân dân nào… Trước khi xông lên ngăn địch, phải chặt những dây dợ vướng chân.”[10] Mặc dù tướng Giáp có thể đã một mình ra quyết định nổ súng vào tối hôm đó, chắc hẳn ông ta có sự đồng thuận của ban lãnh đạo Đảng. Các biến cố năm 1947 ăn khớp với cách suy luận này. Sau khi chiến tranh bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị Cán bộ Trung ương để phân tích tình hình thế giới và trong nước, đồng thời thảo luận các chính sách và kế hoạch cần thiết. Bản nghị quyết dài 33 trang của Hội nghị này chỉ nói đến công tác ngoại giao trong một đoạn ngắn như trích dẫn một phần dưới đây:

Vấn đề ngoại giao: vấn đề Việt Nam vừa được đem ra bàn cãi náo nhiệt ở Quốc hội Pháp. Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Pháp vừa tỏ rõ thái độ đối với Chính phủ Pháp giảng hòa với Việt Nam. Bọn Đờ Gôn lại hoạt động mưu cho phản động thế giới mà lật đổ chế độ cộng hòa Pháp. Đứng trước tình hình ấy, đoàn thể [đây là nói đến Đảng Cộng sản Đông Dương] phải theo dõi từng tí thời cuộc và chính trị nước Pháp. Nếu Pháp nhận Việt Nam độc lập và thống nhất, nhưng phải làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rằng, chưa đánh đến hết gia đoạn thứ ba của cuộc trường kỳ kháng chiến, thì dù có dàn xếp cũng chưa thể giải quyết hẳn được sự xung đột giữa ta và thực dân Pháp. Chẳng qua tạm hòa hoãn để dành thời gian, v.v… Bởi vậy tuy phải lợi dụng hết khả năng ngoại giao, làm cho cuộc đổ máu Việt-Pháp rút ngắn lại, nhưng không thể có thái độ chủ quan đối với những cuộc đàm phán và nhất là không được sơ hở để quân địch lợi dụng… đánh úp ta.[11]

Lãnh đạo Đảng có vẻ không đặt nhiều niềm tin vào chính phủ Đảng Xã hội của Pháp, cũng không có vẻ luyến tiếc rằng chiến tranh đã xảy ra. Mặc dù Hồ Chí Minh vẫn tìm cách đàm phán với Pháp và giao một số Bộ trong chính phủ cho các nhân vật không cộng sản vào đầu năm 1947, Trường Chinh và Lê Đức Thọ ban những chỉ thị cảnh cáo nghiêm khắc quần chúng không nên đặt quá nhiều hy vọng vào ngoại giao.[12]

Sự việc thứ tư: Tonnessson (tr. 10) cho rằng “bổn phận căn bản nhất của mọi chính phủ” là bảo vệ hòa bình, nhưng tư liệu Việt Nam chỉ ra rằng nhiều lãnh tụ Việt Nam không nghĩ như vậy. Quan điểm của họ về chiến tranh và hòa bình phải được đặt trong thế giới quan Mác-Lê đầy dẫy những tư tưởng cách mạng cực đoan.[13] Theo thế giới quan này, tương lai của thế giới sẽ được quyết định trong cuộc đấu tranh một mất một còn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Hòa bình với đế quốc chỉ là tạm thời vì bản chất của đế quốc là hiếu chiến và làm giàu nhờ chiến tranh. Hơn nữa, chính trị quốc tế không thể tách rời chính trị quốc nội. Như Trường Chinh từng tuyên bố, những người cộng sản Việt Nam có thể chấp nhận đoàn kết giai cấp tạm thời vì quyền lợi dân tộc, nhưng không bao giờ chấp nhận “thỏa hiệp giai cấp” (hy sinh các quyền lợi căn bản của giai cấp mình vì mục tiêu đoàn kết dân tộc).[14] Việc chung sống hòa bình với bọn đế quốc hay hòa hoãn với kẻ thù giai cấp có vị trí thấp trên thang giá trị của những nhà cách mạng Việt Nam mà tiêu biểu là Trường Chinh. Cuộc chiến tranh với Pháp năm 1946, nếu đúng như Tonnesson mô tả, thể hiện hành vi giống với cuộc cải cách ruộng đất từ năm 1953 đến 1956 mà thực chất là một cuộc đấu tranh giai cấp tàn bạo. Đánh giá theo hướng này, quyết định của tướng Giáp tấn công quân Pháp vào đêm 19-12-1946 không chỉ là một sai lầm chiến lược (như Tonnesson lập luận) mà là kết quả tự nhiên của những bộ óc cuồng tín thích tôn vinh những hy sinh cho các sự nghiệp “cao cả” không chỉ cho độc lập dân tộc mà còn cho cách mạng thế giới.

Để kết luận, dù sử dụng rất ít tư liệu Việt Nam, Vietnam 1946 là một công trình nghiên cứu có giá trị cao. Tonnesson đã giúp chúng ta hiểu biết thêm không chỉ về các sự kiện năm 1946 mà còn về lịch sử Việt Nam.

(****): VN 1946: How the War Began

How the War Began (From Indochina to Vietnam: Revolution and War in a Global Perspective) của Stein Tonnesson, NXB ĐH California, Berkeley, 2010 - Vũ Tường dịch

Chú thích

1. Dịch từ nguyên văn tiếng Anh trên Tạp chí mạng H-Diplo của Hội Nghiên cứu Lịch sử quan hệ đối ngoại Mỹ. Xem bài của các tác giả khác cùng điểm sách của Tonnesson và bài trả lời của ông tại trang web: http://www.h-net.org/~diplo/roundtables/PDF/Roundtable-XI-19.pdf

2. Về những luận điểm trái với lịch sử quan phương, xem Stein Tonnesson, The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh, and De Gaulle in a World at War (Oslo: International Peace Research Institute, 1991); David Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley: University of California Press, 1995) và Vu Tuong, Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia (New York: Cambridge University Press, 2010).

3. Vu Tuong, "Vietnamese Political Studies and Debates on Vietnamese Nationalism," Journal of Vietnamese Studies, 2: 2 (2007), 175-230.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng toàn tập (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 1999-2007).

5. Tonnesson (sđd, tr. 29) bày tỏ nghi ngờ về sự tồn tại của cơ quan này, và dựa theo một tài liệu Việt Minh bị Pháp bắt được, kết luận rằng cơ quan này có thật.

6. Tonnesson (sđd, tr. 171) đoán rằng nhân vật này không thể là Trường Chinh vì Trường Chinh không đeo kính như người mà mật thám Pháp theo dõi, nhưng tên “Nhân Nhân” và những chi tiết khác cho thấy người đó là Trường Chinh.

7. “Tình hình và chủ trương.” Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng toàn tập, Tập 8, 45.

8. “Chỉ thị của Ban T.V.T.Ư., 9-3-1946. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng toàn tập, Tập 8, tr. 50.

9. “Lời kêu gọi quốc dân,” Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng toàn tập, Tập 8, tr. 148.

10. “Đánh và sẵn sàng đánh,” Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng toàn tập, Tập 8, tr. 452-453.

11. “Nghị quyết Hội nghị cán bộ trung ương,” Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng toàn tập, Tập 8, tr. 186.

12. Vu Tuong, “It’s Time for the Indochinese Revolution to Show Its True Colors: The Radical Turn in Vietnamese Politics in 1948,” Journal of Southeast Asian Studies 40: 3 (Oct 2009), tr. 528.

13. Xem Vu Tuong, “From Cheering to Volunteering: Vietnamese Communists and the Arrival of the Cold War 1940-1951,” trong Christopher Goscha and Christian Ostermann, eds. Connecting Histories: The Cold War and Decolonization in Asia (1945-1962) (Stanford University Press, 2009); và “Dreams of Paradise: The Making of a Soviet Outpost in Vietnam.” Ab Imperio(August 2008), tr. 255-285.

14. Vu Tuong, Paths to Development in Asia, tr. 196.

Vũ Tường là Giáo sư (Assistant Professor), ngành Khoa học Chính trị, Đại học Oregon.

© 2010 Vũ Tường

© 2010 talawas

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment