Giác-Thức-Tri-Ngộ: thế nào là biết?
1. Tôi làm khoa học, gần đây lại quan tâm đến giáo dục nên quan tâm tới biết là gì và làm thế nào để biết. Và cũng vì thế là kẻ thù của thuyết “không thể biết” và “không thể nghĩ bàn”. Nghe thì có vẻ viển vông nhưng vấn đề rất thiết thực và thời sự. Nếu làm rõ có khi ra công nghệ mới có thể kiếm tiền rất nhiều cũng nên. Ngoài ra giáo dục cũng là một thị trường mênh mông đang chờ một quan niệm mới về “biết” khi AI đang thay thế những hiểu biết cũ.
2. Trong gốc chữ Hán Việt cả bốn chữ đều liên quan tới “biết”. Bốn cái biết đó đều khác nhau, tuy vẫn hay dùng lẫn lộn. Giác nghĩa gốc liên quan chủ yếu tới “cảm tính”, Tri liên quan chủ yếu tới “lý trí”. Nói “chủ yếu” là vì không cái biết thật sự nào mà chỉ liên quan một thứ. Điều thú vị là chữ nào cũng có nghĩa nặng và nghĩa nhẹ. Chẳng hạn chúng ta có thể “biết” ai đó nhưng không tới mức “quen”, mà cũng có thể “quen” nhưng không đến mức “biết” ai đó. Giác có thể chỉ là cảm giác, nhưng có thể “giác” về đạo là một sự thấm nhuần sâu sắc. Lý do là mọi cái biết của con người đều rất mờ nhạt, tùy tiện ẩn hiện tuỳ lúc.
3.Truyền thống phương Tây chỉ bàn về hai cách để có tri thức là bằng quan sát, kinh nghiệm hoặc bằng suy luận, lý trí. Thời cận đại các triết gia phương Tây đã chia làm hai phái tranh cãi không ai chịu ai. Phái lý trí chủ nghĩa (rationalism) cho rằng cảm giác và kinh nghiệm là ảo tưởng, do đó tri thức chân chính chỉ có từ lý trí, suy luận. Phái này điển hình là các tên tuổi vĩ đại như Descartes, Spinoza, Leibnitz. Descartes nổi tiếng với câu nói “Tôi suy nghĩ, tức là tôi tồn tại” Những người ít suy nghĩ, luôn sợ ong thủ, nếu không thù ghét cụ này, chẳng qua họ không hiểu cụ ấy coi họ như súc vật vô tri” nhưng nói cho văn hoa mà thôi.
Cụ Leibnitz rất sâu sắc với tư cách là nhà toán học và nhà triết học. Có điều hai thành tựu vĩ đại nhất liên quan tới tên cụ là nguyên lý nguyên nhân đủ và đạo hàm đều có người tìm ra trước cụ rất lâu. Tuy vậy, nhờ cụ diễn giải mọi sự mới trở nên dễ hiểu cho chúng ta ngày nay. Quả là lý trí thì phải có thể làm mọi sự sáng sủa. Spinoza khét tiếng ở chủ nghĩa phiếm thần. Cụ bảo Chúa chính là toàn bộ tự nhiên và ngược lại. Đó là công lớn của cụ. Đỡ phải nghe các ông thực ra chẳng có gì khác nhau cãi nhau.
4. Trường phái kinh nghiệm cầm đầu là Bacon, Locke và Hume coi tri thức là từ kinh nghiệm mà ra. Bacon có thể coi là cha đẻ của chủ nghĩa kinh nghiệm đã bỏ nhiều công sức để tránh các sai lầm của sử dụng kinh nghiệm mà ông gọi là ngẫu tượng của tâm trí. Đọc ông tôi mới thấy chủ nghĩa kinh nghiệm không phải niềm tin vớ vẩn của bọn thích nghịch đất sét. Locke có một ý tưởng liên quan đến giáo dục là coi tâm trí trẻ em là một tấm bảng trắng mà tri thức được kinh nghiệm viết lên. Dẫu không hoàn toàn đúng quan điểm này cũng mới mẻ và có giá trị đối với thực hành giáo dục. Hume giống Bacon ở điểm hoài nghi và phê phán sâu sắc với phương pháp kinh nghiệm. Ông cho rằng niềm tin thô sơ “cứ quai búa đi rồi bạn sẽ hiểu về sắt thép” là sai lầm, do không phải kinh nghiệm nào cũng dẫn tới tri thức. Ông nhận xét rằng tri thức có từ cảm xúc, thông qua ấn tượng và ý tưởng. Sau đó là các yếu tố tâm lý như quyền lợi, niềm tin, cảm xúc, thói quen, đánh giá sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta diễn giải thế giới và gọi đó là tri thức. Nếu như vậy, quy luật nhân quả cũng chỉ là một thói quen nhận thức theo Hume. Như vậy, các nhà kinh nghiệm quả là vĩ đại, ở chỗ họ nghi ngờ chính phương pháp của họ. Điều đó khác các nhà lý trí, cứ "quân ta" là cảm tình.
5. Như vậy với kinh nghiệm và lý trí chúng ta mới có cái biết cảm tính và cái biết lý tính liên quan tới Giác và Tri (theo nghĩa hẹp và ở mức cơ bản). Ngoài những cái biết đó còn cái biết nào khác hay không? Câu hỏi đó cũng tương đương với việc hỏi ngoài Thực tại nhận thức được bằng kinh nghiệm và Thực tại nhận thức bằng lý trí còn có Thực tại nào khác hay không? Đương nhiên, vẫn có khả năng dung hoà các quan niệm về nhận thức luận bằng cách giả thiết có nhiều Thực tại giao mà không nhất thiết trùng nhau. Phật học tin rằng có một Thực tại chỉ có thể nhận thức bằng Trực ngộ. Tôi cố ý không dùng chữ Trực giác hay dùng để tránh nhầm với cái biết cảm tính là Giác.
6. Tôi sẽ không nói niềm tin cá nhân hay phán xét về sự tồn tại của Thực tại này. Tôi cho rằng chỉ có một Thực tại duy nhất mà chúng ta cố gắng tìm hiểu bằng cảm tính, lý tính và ngộ tính bằng Giác, Tri, Ngộ. Vẫn có khả năng là trong tương lai chúng ta sẽ nhận thức được những chân lý về Thực tại ngộ tính bằng cảm tính và lý tính, cũng như nhiều chân lý cảm tính đã được nhận thức bằng lý tính. Nhưng trước mắt chúng ta vẫn cần ngộ tính để lựa chọn nhiều thứ trong xã hội mà cảm tính và lý tính không thể làm được.
7. Vậy còn Thức? Cái biết của Thức khác Giác-Tri-Ngộ thế nào? Trước hết chúng ta phải làm rõ sự lạm dụng của ngôn ngữ. Trong đời thường không chỉ nghĩa của Thức mà của Giác, Tri và Ngộ cũng đã bị pha tạp với nhiều nghĩa lẫn lộn ở nhiều tầng do bệnh “mù” của chúng ta về khái niệm “biết”. Mà đã mù thì hay nói lung tung, tự mâu thuẫn. Chúng ta sẽ coi Thức là cái “biết” về một Thực tại chung và thống nhất. Trong Duy Thức học hay trong Khoa học hiện tại Thức là biết về cả Thực tại cảm tính ( Ngũ thức) và Thực tại lý tính (Ý thức-Mano). Nếu quả thực có Thực tại ngộ tính, đương nhiên chúng ta sẽ có thể mở rộng cái biết Thức để bao gồm cả Giác-Tri-Ngộ. Như vậy, Thức có thể ở hai mức, mức hiện tại chỉ bao gồm Tri và Giác. Mức tương lai bao gồm cả Tri-Giác-Ngộ, nếu như thực sự chỉ có một Thực tại duy nhất. Chúng ta có thể gọi là Chân Như, Như Lai tạng, Pháp Không hay Hồng Phạm tùy thích. Thực sự thì chúng như nhau cả.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment