Tuesday, August 12, 2014

Bóng đá - Nhà thơ và "màu cờ sắc áo"

Với tôi, bóng đá là một đề tài bất tận. Những trận bóng hay, những giải đấu hấp dẫn, những danh thủ toàn năng luôn là những đề tài vô cùng cuốn hút, và bây giờ là một câu chuyện:
     "Hồi nhỏ ở quê, khi cánh đồng vừa trơ gốc rạ, bọn trẻ chúng tôi sẵn sàng tả xung hữu đột với trái bóng bằng dây chuối quấn lại rất kỳ công. Đứa nào kiếm được trái bưởi héo là... trên cả tuyệt vời. Lớn lên, mỗi đứa một phương, mỗi đứa một nghề nhưng trong bạn bè tôi không một ai trở thành cầu thủ. Sau ngày giải phóng, một số đội ở các tỉnh, ngành miền Bắc vào miền Nam góp mặt tranh tài càng làm các sân cỏ miền Nam thêm sôi động. Một số cơ quan ở TPHCM, trong đó có cơ quan tôi, làm cuốn sổ đăng ký với phòng thể dục thể thao quận. Hễ có trận bóng đá nào thì chúng tôi được phân phối một số vé theo tỷ lệ cán bộ - nhân viên của cơ quan. Hồi đó, cứ nhìn các cầu thủ như Thế Anh, Cao Cường, Lê Đình Thăng... chơi bóng, riêng tôi cứ nghĩ huyền thoại bóng đá Pelé chắc cũng chỉ chơi hay đến thế là cùng.
     Lúc đài truyền hình chiếu lại một số trận đấu World Cup, rồi trực tiếp truyền hình thu qua vệ tinh, nhìn các danh thủ như Zico, Socrates, Platini, Klinsman, Maradona... cùng các đội tuyển quốc gia, kể cả các cầu thủ của các câu lạc bộ bóng đá ngoại hạng ở châu Âu chơi bóng, mới thấy các cầu thủ của mình chẳng là "cái đinh" gì.
     Vào nghề viết báo, tôi cũng có một thời thức đêm thức hôm viết "bình loạn" bóng đá. Tôi gọi "bình loạn" là vì khi chưa có tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Cỡ như Pelé mà dự đoán chục lần đều sai hết thì cỡ lèng phèng như tôi không gọi "bình loạn" thì gọi là gì? Ấy vậy mà những bài "bình loạn" bóng đá ngày ấy của tôi bây giờ nhiều anh em còn nhớ.
     Ngày ấy, viết cái gì liên quan đến Liên Xô cũng đều có những cẩn trọng nhất định, nhưng viết chê đội tuyển Liên Xô đá dở thì chẳng ai có ý kiến ý cò gì, bởi mọi chuyện đều phơi bày trước hàng triệu triệu cặp mắt, nên không thể thua viết thắng, không thể đá dở lại viết đá hay. Cái thú của người viết "bình loạn" bóng đá là viết không đúng với kết quả và thực tế diễn ra trên sân cỏ cũng chẳng ai chê, chẳng ai đánh giá lập trường, quan điểm gì.
     Gần đây, đọc tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu, tôi thấy Xuân Diệu cũng có viết... tường thuật bóng đá. Bài viết này nằm trong tập Việt nam nghìn dặm. Đây là tập ghi chép về đời sống và cuộc tranh đấu của kiều bào ở Pháp hồi năm 1946, được Nhà xuất bản Hoa Lư ấn hành ngay sau khi ông về nước.
                                             Nhà thơ Xuân Diệu                    
      Ở phần Gặp bạn, Xuân Diệu có đoạn tường thuật bóng đá giữa đội bóng nghiệp dư lính thợ của ta ở Marseille và đội bóng đá của TP Namours khá thú vị. Xuân Diệu viết: "Anh em lính thợ có một đội đá bóng tròn, hôm ấy đến thành phố Namua thi tài với đội bạn ở đó. Đội bạn người Pháp tại Namua đã nổi tiếng khắp vùng là một đội vô địch. Hôm ấy là lần đầu tiên đội cầu thủ Việt Nam "khánh thành" chiếc may ô màu đỏ có ngôi sao vàng giữa ngực. Bên người Pháp mặc áo may ô xanh.
      Mới thoạt vào, ta thắng Pháp một gôn. Sau ta thua hai. Tỷ lệ lúc bấy giờ đã đến 4-2, nghĩa là ta được hai đích và bị vào bốn đích. Cuộc tranh giành đã ráo riết. Anh em cầu thủ Việt Nam đã thấy trong lòng áy náy. Mồ hôi của sự mệt hòa lẫn với mồ hôi của cái lo. Bỗng người trưởng đoàn, lúc ấy là anh Huân, thét to tiếng, kêu gọi tất cả anh em:
     - Hỡi anh em! Hôm nay là hôm đầu tiên ta mặc chiếc may ô theo màu quốc kỳ cờ đỏ sao vàng! Chúng ta phải nhất quyết giữ danh dự cho màu cờ sắc áo! Chúng ta không thể nào thua được!
      Câu nói đanh thép ấy có một hiệu lực to lớn. Các cầu thủ Việt Nam như bị thôi miên, kích thích. Họ nhớ đến là cờ họ đeo trên ngực, đến chữ Việt Nam. Tất cả gân cốt họ như bằng sắt, bằng thép. Họ nỗ lực phi thường. Lòng thiết tha yêu nhà, nhớ nước của anh em đã phát biểu ra, dù là trong một trò chơi thể thao. Chỉ trong mấy phút, họ đã gỡ lại một bàn. Lối biểu diễn của họ thật tài tình, và tiếng vỗ tay của khán giả người Pháp chung quanh nổ lên không ngớt.
      Chỉ còn bốn phút nữa thì mãn cuộc. Mà anh em còn một gôn chưa gỡ xong. "Không thể thua được! Không thể thua được!", đó là những tiếng mãnh liệt bên tai anh em. Lần này anh em mới gặp một đội bạn nức tiếng là vô địch. Anh em quyết không để thất bại cho chiếc may ô đỏ với ngôi sao vàng. Và cuối cùng, một quả ban đá ngay vào đích. Tiếng vỗ tay như sấm. Anh em Việt Nam đã lấy được thăng bằng với đội bạn vô địch của suốt một vùng!" [Toàn tập Xuân Diệu,T.2, NXB Văn học, H, 2001, trg 241-242].
      Đọc xong bài tường thuật này, tôi thấy người cứ lâng lâng. Chắc tôi phải chuyển bài này đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nghiên cứu và áp dụng, có khi World Cup tới, đội tuyển bóng đá chúng ta không những có mặt mà còn giành cúp vàng chứ chẳng chơi. Nhân dân ta đã thắng Pháp, thắng Nhật, thắng Mỹ, thắng bọn bành trướng Bắc Kinh, lẽ nào bóng đá lại thua? Một đội bóng nghiệp dư của lính thợ Marseille, bị dẫn 2-4 mà chỉ cần nhắc tới màu quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, là ghi liền hai bàn gỡ hòa "với đội bạn vô địch của suốt một vùng Namua!", huống gì đội tuyển của 90 triệu dân? Hãy tin vào tương lai! Nghĩ vậy đã thấy sướng!

1 comment:

  1. Trích đăng từ bài "Xuân Diệu viết tường thuật bóng đá" của Vu Gia (Kiến thức Ngày nay No.859, phát hành ngày 20.06.2014)

    ReplyDelete