Tuesday, August 5, 2014

Con đường của dân tộc: Từ cuộc cách mạng giành độc lập và chặng đường đến tương lai (1)


Chữ viết là một trong những điều mà tôi thích của đất nước này, điều thứ 2 là lá cờ vì sự đơn giản/mang tính minimalist của nó, tiếc là Việt Nam chưa phát triển xứng tầm với lá quốc kỳ này. Đây là những sự lựa chọn đúng của cuộc cách mạng nhằm khai phá những điều mới mẻ và xóa bỏ những gì cổ hủ để biến đổi tận gốc một xã hội lạc hậu vì chịu ảnh hưởng nặng nề từ TQ với quá khứ hàng nghìn năm Bắc thuộc. Bằng chủ trương phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại cho đất nước này một cơ hội để khai sáng và chấn hưng dân tộc sau ngày cách mạng thành công.
Tiếng Việt ngày nay (kể từ bản Tuyên ngôn độc lập của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thật mẫu mực với cách dùng chữ mới tại thời điểm đó) nếu không có phong trào "Bình dân học vụ" thì đã không có được kết quả đáng ghi nhận bước đầu như vậy (tôi tạm bỏ qua những ghi chép/phiên âm đầu tiên của các giáo sĩ Cơ đốc ở giai đoạn tiên khởi, sau đó là những cố gắng của người Pháp và những người Việt "cấp tiến" cùng những thể nghiệm/định hình của họ ở giai đoạn "Tiếng Việt sơ khai" từ 1651 đến 1945).
Vai trò của chữ viết/ngôn ngữ đối với một quốc gia là thể hiện được tư tưởng và nguyện vọng chính đáng của con người cùng xu hướng của thời đại, phải đi trước dân tộc để mở ra những triển vọng tươi sáng trong tương lai. Nhưng sau một giai đoạn phát triển với nhiều khai mở, chữ Quốc ngữ chỉ được chú trọng như một công cụ tuyên truyền đắc lực. Thật đáng tiếc cho một lựa chọn đúng, lẽ ra tiếng Việt phải được update (mà không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh) cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại thì nay đang cho thấy nó quá lạc hậu và "sơ khai" như chính dân tộc đang sử dụng nó vậy (cũng cần có sự nhìn nhận và đánh giá đúng mức về đóng góp sau khi kế thừa từ một sản phẩm phục vụ cho việc "khai hóa" giả hiệu của thực dân Pháp với những khai phá - sáng tạo, hoàn thiện và nâng cao của nhiều tác giả, học giả trí thức hàng đầu ở cả hai miền... Tôi không đề cập ở đây những nguyên nhân đã kìm hãm sự phát triển của tiếng Việt ở mọi lĩnh vực: triết học, văn học & nghệ thuật, lịch sử, địa lý, khoa học & kỹ thuật v.v.)
La Mã với chữ Latinh hoặc văn minh Hy Lạp với những ký tự/biểu tượng đặc trưng, cũng như Đế chế Nguyên Mông với chữ Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), hay gần đây là Đế chế Anh và bây giờ là USA, đế quốc kế thừa và phát triển những giá trị của Anh và của cả thế giới hiện đang ngự trị ở vai trò là trung tâm về nhiều mặt trong thời kỳ toàn cầu hóa. Tất cả đều mở ra những kỷ nguyên phát triển rực rỡ cuả nhân loại, đều có dấu ấn của chữ nghĩa trong việc định hướng phát triển và truyền bá, có ý nghĩa to lớn trong việc tạo được những nền văn minh xán lạn mà tiêu biểu là những kỳ quan đánh dấu cho mỗi thời đại.
Vấn đề duy trì, đổi mới và phát triển là thách thức của bất kỳ nền văn minh nào. Lịch sử đã cho thấy khó có thể giữ mãi được vai trò của một đế quốc rộng lớn và liên tục có những cải cách tiến bộ nhất thay cho những gì đã lỗi thời nên cuối cùng từ đỉnh cao huy hoàng rồi cũng suy tàn. Hiện nay các nước Tây phương đang phát triển rất mạnh mẽ nhờ kế thừa một nền tảng vững chắc của các nền văn minh La Mã và Hy Lạp vốn xây dựng trên những căn bản lý trí xác thực. Thế kỷ 20 đã chứng kiến văn minh Tây phương hoàn toàn chinh phục thế giới và mang lại cho họ sự thịnh vượng chưa từng có bằng cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Thách thức lớn nhất cho bất kỳ một dân tộc nào muốn vươn lên là gì? Nếu muốn thoát khỏi tình trạng thấp kém lại càng khó khăn. Nhưng nếu nắm bắt được những cơ hội, thì sẽ biến nhiều khó khăn trở thành những thuận lợi rất đáng giá, như dân gian vẫn nói trong "cái khó" nếu không chịu thua để tìm cho được những giải pháp đúng đắn thì sẽ "ló cái khôn" (những phát kiến này không thể có ở những nước phát triển cao, thậm chí họ còn phải học hỏi từ chúng nữa).
Phát triển lên đỉnh cao là 1 vấn đề cuả rất nhiều quốc gia. Những quốc gia nào hội đủ quyền lực và khả năng thâu tóm những gì là tinh hoa cuả nhân loại, những gì là di sản vật chất và di sản văn hoá, biến chúng trở thành những "nguồn năng lượng mới" để đưa con người lên những tầm cao chưa từng có trong Lịch sử phát triển cuả mình, những quốc gia đó có đầy triển vọng để vươn lên trở thành Đỉnh cao mới cuả nhân loại.
Gần với Việt Nam, những gì Singapore (thực hiện từ 1965) hay Hàn Quốc, Đài Loan và những quốc gia trẻ đang làm là cố gắng giữ được truyền thống và tạo được bản sắc phát triển trong vấn đề hội nhập toàn cầu. Trong vùng Đông Nam Á và Nam Á, từng là thuộc địa của Anh, với tiếng Anh, Singapore (70% dân số là người Hoa) và Ấn Độ đang thành công với những gì mà họ đạt được. Ở các nước này, giáo dục và phát triển luôn đi đôi với nhau, tài nguyên con người là tài nguyên tạo nên tất cả.
Vấn đề cuả Việt Nam hiện nay xoay quanh sự lạc hậu và chậm phát triển. Dân trí và quan trí đều thấp dẫn đến tiêu chuẩn gì cũng thấp (bằng cấp chức vị chỉ là hình thức - danh giá chứ không có giá trị thật sự); “ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung” là tình trạng phổ biến. Cuộc đấu tranh với những nguyên tắc/chủ nghĩa? "ngoại lệ" của Việt Nam là cuộc đấu tranh gian khổ nhất để giành lại "Độc lập" và "Tự do" thật sự. Vì vậy mọi chuyện đều có thể trở nên vô cùng nan giải. Nếu trước đây trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ là khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng" thì bây giờ phải là "Tất cả vì sự phát triển".
Trở lại vấn đề chữ viết, việc lựa chọn chữ viết cũng như lựa chọn hướng đi, nó phải đơn giản, dễ học, dễ dàng sử dụng, dễ dàng tiếp cận với văn hóa nhân loại, dễ dàng phát huy được tính hơn hẳn so với bất kỳ loại chữ viết nào để xử lý và diễn đạt về mọi vấn đề, mọi cảm xúc của con người... Nếu muốn nó thể hiện cho một ngôn ngữ siêu đẳng thì chúng ta hãy trở thành một dân tộc vượt trội so với chính chúng ta bây giờ. Điều này có quá khó không? Một câu hỏi có vẻ quá muộn khi TQ đã từng bước thực hiện “đại cục” của họ hàng chục năm qua và nay là những gì đang diễn ra trên Biển Đông khi sự thật cho thấy Việt Nam vẫn chỉ là một dân tộc vừa "thấp" vừa "hèn" so với chúng.

Các bạn xem tiếp phần sau ở đây

Cao Xuân Việt

12 comments:

  1. "Cuốn giáo lý Phép giảng tám ngày in tại Roma, Italia năm 1651 nay đã trải qua 363 năm vẫn còn nguyên vẹn và được trưng bày tại phòng thánh tích Anrê Phú Yên ở nhà thờ Mằng Lăng.
    Đây là cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, một cứ liệu quan trọng của thời kỳ đầu phôi thai chữ Việt." (trích từ Facebook - Lớp học vui vẻ)

    Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8 tháng 9 năm 1945 (sắc lệnh 19/SL và 20/SL) ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập. Phong trào này nằm giải quyết "giặc dốt" - một trong các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ (chỉ sau "giặc đói") - theo Wikipedia.

    ReplyDelete
  2. Khi nói chuyện với nhiều người sống ở miền Nam sau giải phóng, tôi nhận thấy ở họ một "vấn đề" mà tôi không thể chấp nhận được khi cho rằng "nghèo thì phải hèn". Điều đó chỉ đúng nếu hiểu rằng "nghèo nàn" ở đây là "nghèo" về mọi mặt, cả trong vật chất và tinh thần thì mới như vậy. VN đã tồn tại cùng với kẻ thù truyền kiếp của mình quá lâu, tuy giữ được lãnh thổ nhưng vẫn phải chịu lệ thuộc và bị khống chế ngay cả sau khi giành được thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ. Vì vậy, từ bây giờ VN cần phải khẳng định thật sự với TQ bằng quyết tâm sắt đá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trước toàn thể dân tộc Việt Nam ngày 02.09.1945 "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Ai có thể làm được điều này? Còn được mấy người sẵn sàng hy sinh thật sự tất cả? Chuyện đã quá xưa, nói nhiều thành nhàm với những chữ "quyết liệt" gần đây như "đánh trống bỏ dùi" vậy.

    ReplyDelete
  3. Về lá quốc kỳ, thật ra tôi yêu lá cờ của MTDTGPMNVN hơn. Vì nó thêm màu xanh hòa bình, màu đỏ máu lửa quá, không bác ái như cờ các nước khác. Chỉ thích hợp cho cuộc chiến năm xưa mà thôi. (Tôi ko thể yêu lá cờ "ba que" của VNCH, đúng là 1 lá cờ chỉ đại diện cho những chính phủ bù nhìn, cho thân phận "nhược tiểu").

    ReplyDelete
  4. Bài này Cao Bình bàn về nhiều vấn đề quá: Lá Cờ, Văn hoá, Chữ viết, Ngôn ngữ, Phát triển đất nước. Cố nhiên chúng có liên quan với nhau, nhưng phải đặt ra một cái point gì đó. Trước tiên về Lá Cờ: Thực ra tôi cũng không thích các loại cờ quạt lắm, có điều dù đẹp xấu, dù ý tưởng ban đầu có thể không hay lắm, nhưng tôi đã gắn bó với lá cờ này quá lâu, nên sự thiêng liêng chính là do những kỷ niệm về nó mang lại, bản thân lá cờ chỉ biểu tượng cho các kỷ niệm đó. Cũng như tượng Phật cũng chỉ là gỗ đá, người ta khấn vái lạy lục nhiều nên mới linh thiêng. Riêng về cờ "ba que" nếu nói nó gắn với Việt Nam Cộng Hoà thì đối với tôi chẳng có kỷ niệm gì, tuy tôi không muốn xúc phạm tình cảm và kỷ niệm của người khác. Nhưng cũng phải nói ý tưởng của nó vốn không tồi. Nó được Chính phủ Trần Trọng Kim dùng làm quốc kỳ đầu tiên, với hình tượng quẻ Ly đại diện cho phương Nam. Nhưng do vạch đứt của quẻ Ly không đẹp nên làm liền lại thành Quẻ Càn, trong Tiên Thiên Bát Quái cũng là tượng cho phương Nam (Trong Hậu Thiên Bát Quái thì là Tây Bắc. Do đó nhiều người vẫn gọi là cờ Quẻ Ly, nhưng thực ra nên gọi là cờ Quẻ Càn. Càn tượng là Trời, Ly tượng là Lửa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hình như trước Trần Trọng Kim, cụ Phan Bội Châu mới là người đề xuất cờ quẻ Ly

      Delete
    2. Như cm của AV thì đúng ra tựa của bài này là "Lan man từ chữ quốc ngữ" nhưng cuối cùng tôi đã để như trên.
      Thêm về ý nghĩa của lá cờ VNCH, hình như nó là 3 dòng máu Bắc, Trung, Nam trên nền da vàng của dân tộc. Nhưng kiểu gì thì về màu sắc và hình tượng cũng yếu kém lắm. Của 1 tổ chức nào đó thì ok, no problem.
      Cm về cờ quạt thì hoàn toàn chỉ là cảm tính thôi. Nếu nâng lên thành lý luận/cương lĩnh thì vẫn phải trở về với điều đã gắn liền với lịch sử. Lá cờ đỏ sao vàng là lựa chọn duy nhất của chúng ta, là lẽ sống và biểu tượng mãi mãi của dân tộc VN. Về màu sắc, theo tận cùng của ý nghĩa nó thuộc về Á Đông (2 màu đỏ và vàng); ko chỉ là máu lửa, đỏ còn là "nhiệt huyết", là tinh thần bất khuất kiên cường, là vinh quang của chiến thắng..., sao vàng là tinh hoa của người Việt, năm cánh cho thấy sự năng động, luôn biến đổi vươn lên về mọi mặt... tha hồ mà phát triển. Cũng ko cần thêm màu vì càng đơn giản càng minimalist!

      Delete
    3. Ok. Ái Việt, cảm ơn bạn đã có nhận xét về các vấn đề đặt ra trong bài này. Như vậy thì tôi sẽ bắt đầu loạt bài về VN (mở ra từ bài này) để cố gắng diễn đạt 1 cách thật khách quan bằng cái nhìn của tôi cũng như qua thu thập từ nhiều nguồn tư liệu khác. Rất mong các bạn nhận xét/đóng góp. Rất cảm ơn các bạn nếu các bạn quan tâm.

      Delete
  5. Ngày 25 tháng 5 năm 1938, Hội truyền bá quốc ngữ chính thức được thành lập ở Hà Nội (gồm các ông Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp cùng một số nhân sĩ trí thức. Ông Nguyễn Văn Tố được mời làm Hội trưởng). Hội đã mở các lớp học ko thu học phí cho tất cả những người ko biết chữ (sách giáo khoa được phát không cho người học). Ngoài trụ sở đặt ở HN, còn có các chi nhánh ở các nơi. Tại Trung kỳ, Hội được thành lập ngày 05.01.1939 và ở Nam kỳ vào ngày 18.08.1944. (KTNN)

    ReplyDelete
  6. Về những đóng góp cho tiến trình hiện đại hóa/hoàn thiện tiếng Việt, tôi sẽ đề cập trong những bài viết sau này về các nhân vật lịch sử, các tác giả và những nhà nghiên cứu, phê bình... ở loạt bài Gương mặt văn hóa.

    ReplyDelete
  7. Những quyết tâm của Nguyễn Văn Vĩnh trong việc làm hoàn thiện chữ Quốc ngữ từ khi nó chưa được định hình là quốc tự, được bắt đầu từ năm 1907, nhằm chứng minh sự tiện lợi, khả năng văn học, tính văn hóa của một loại chữ viết. Mục đích của ông, hướng đến sự cạnh tranh với chữ Hán, chữ Nôm và Pháp ngữ, hòng sớm giành được vị trí độc tôn, thể hiện sự độc lập của một dân tộc có nền tảng văn hóa riêng biệt.
    Thời đó, Nguyễn Văn Vĩnh mong muốn thứ chữ viết được La Tinh hóa này, sẽ đủ sức chuyển tải những tinh hoa của nền văn minh nhân loại, giúp người dân khám phá những tiến bộ trong tư tưởng, khoa học và xã hội của thế giới, thông qua con chữ. Ông tin rằng, có chữ sẽ có kiến thức, có kiến thức sẽ đưa con người thoát được sự lạc hậu, nghèo đói và mông muội. Ông nuôi ý định cải tạo tận gốc sự nhận thức của cả xã hội, hướng đến việc xây dựng một quốc gia phát triển, đoạn tuyệt với nền quân chủ phong kiến mà đại diện là triều đình Nhà Nguyễn. Từ đó nhằm xây dựng một thể chế chính trị tiến bộ, đòi sự bình đẳng với chính kẻ cai trị mình…
    (Nguyễn Lân Bình)

    ReplyDelete
  8. Giai đoạn tiền khởi của chữ Quốc ngữ bắt đầu từ việc phiên âm tiếng bản địa bằng chữ Latinh nhằm mục đích truyền giáo của các giáo sĩ châu Âu (Cơ đốc) là hiện tượng phổ biến, mang tính khu vực, chứ chữ quốc ngữ không phải là hiện tượng độc đáo, chỉ có ở Việt Nam như một số người đã lầm tưởng.
    Minh chứng cho thứ chữ phiên âm tiếng Việt ở thời kỳ này chỉ có thể tập hợp những bức thư, những bản tường trình lẻ tẻ viết tay bằng tiếng Ý, tiếng Bồ gửi cho cấp trên. Chẳng hạn João Roiz đến Cửa Hàn viết một báo cáo bằng tiếng Bồ gửi về La Mã (1621) trong đó có từ Annam (viết liền), unsai: ông sãi, ungue: ông Nghè (Nghè bộ - chức quan cai trị về địa ba tài chính), Cacham: Kẻ Chàm (Thanh Chiêm, Quảng Nam).

    (trích từ bài "Chuyển đổi tiếng Việt", VIETNAM.NET)

    ReplyDelete
  9. Theo tên gọi thì CHỮ QUỐC NGỮ là "chữ để ghi tiếng nước nhà", cách gọi đó là do các nhân sĩ yêu nước đề xuất vì thấy nó dễ học, có lợi cho việc canh tân nước nhà từ chữ dùng của các giáo sĩ Cơ đốc đặt ra để phiên âm tiếng Việt, để học tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo cho người bản xứ.

    Chúng ta vận dụng và hoàn thiện tiếng Việt như thế nào để nó không thành 1 thứ tiếng hỗn tạp, thiếu chẩn mực như ban đầu trong giai đoạn sơ khai mà phải được tiêu chuẩn hóa, cập nhật cùng với sự phát triển chung của nền văn hóa và tư tưởng của con người VN và văn minh nhân loại trong thời đại ngày nay.
    Tiếng Việt ngày nay đang cho thấy sự lạc hậu, thụt lùi so với giai đoạn phát triển/cải cách mạnh mẽ trong thời kỳ VNDCCH. Với những thế hệ vàng của những học giả tinh thông cả chữ Hán-Nôm và tiếng Pháp, tiếng Việt ở miền Bắc đã có một nền tảng nhất định. Chỉ cần từ đó kế thừa/phát triển cao hơn, hòa nhập sâu rộng hơn với sự phát triển của những ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới để nâng tầm tiếng Việt ngày càng cao hơn, chuẩn mực hơn và dễ sử dụng ở mức độ diễn đạt một cách rõ ràng/chính xác hơn về mọi lĩnh vực cũng như phản ánh được toàn bộ tri thức và tình cảm, cảm xúc v.v của con người.

    ReplyDelete